[VNexpress / góc nhìn] ‘Giải cứu’ Giáng sinh
Thứ hai, 6/12/2021, 00:00 (GMT+7)...
Thứ hai, 6/12/2021, 00:00 (GMT+7)
Tác giả: Huỳnh Thế Du // kinh tế gia
---
Tôi vừa có chuyến đi bất đắc dĩ từ Mỹ về Việt Nam, bay qua đường Phnom Penh rồi nhập cảnh qua cửa khẩu Hoa Lư, Bình Phước.
Sở dĩ tôi không bay trực tiếp về Việt Nam vì hai lý do.
Thứ nhất, các chuyến bay 'giải cứu' về nước rất ít và bất tiện. Người muốn đi phải đăng ký, đợi chờ được xét duyệt và tự sắp xếp việc di chuyển từ nhà đến điểm tập kết. Thường sẽ mất thêm ít nhất một ngày so với chuyến bay thông thường.
Thứ hai, tổng chi phí sử dụng các chuyến bay 'giải cứu' rất tốn kém. Với tôi, nếu mua được vé loại thấp nhất, 2.000 USD, thì tổng chi phí cũng trên 2.500 USD do phải trả thêm tiền vé từ nhà đến điểm tập kết và chi phí ở một đêm trước khi về đến điểm cách ly ở Việt Nam. Trái lại, từ Mỹ về Việt Nam qua Campuchia, tổng số tiền chỉ vào khoảng 1.250 USD.
Như vậy, so với việc sử dụng chuyến bay "giải cứu" thông thường, đi qua đường Campuchia giúp tôi tiết kiệm được hơn một nửa chi phí và thời gian ít nhất là nửa ngày. Còn nếu tôi sử dụng các chuyến bay charter (chuyến bay được thuê trọn gói theo hành trình đề nghị) chi phí còn đắt hơn rất nhiều.
Về nước đã là một hành trình rất gian nan và tốn kém của người Việt ở nước ngoài trong gần hai năm qua. Những chuyến bay thuận lợi hơn, góp phần phục hồi kinh tế Việt Nam đang bức thiết hơn bao giờ hết.
Bước vào Việt Nam, trên hành trình từ cửa khẩu Hoa Lư đến thành phố Đồng Xoài, ngay giữa buổi sáng, số phương tiện di chuyển trên đường ít hơn nhiều so với cũng một buổi sáng tôi qua đây sáu tháng trước. Hầu hết hàng quán, chợ búa đều đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Ở Đồng Xoài, các hoạt động kinh doanh, mua bán, giao thương của dân chúng vợi đi rất nhiều.
Trạng thái "bình thường mới" của Việt Nam với 10-15 nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày và 100 - 200 ca tử vong dường như đã được xác lập. Trong đó, đáng lưu ý Bình Phước là tỉnh chống dịch tốt nhất, ít chịu ảnh hưởng của dịch nhất trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tới 4/12/2021, tổng ca nhiễm khoảng 10 nghìn và 23 ca tử vong, xếp thứ 28 của cả nước và thấp nhất trong vùng. Nhưng nhịp độ hoạt động kinh tế, xã hội vẫn chịu tác động không nhỏ.
Về đến TP HCM, địa phương chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh, dù đã "bình thường mới" hơn hai tháng, nhưng biển hiệu cho thuê mặt bằng vẫn nhan nhản. Số liệu mới nhất cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2021 của Thành phố giảm 15,5% và lao động giảm 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nền kinh tế mới ốm dậy đang rất cần chính sách để hỗ trợ các nhóm đối tượng khó khăn và phục sản xuất kinh doanh. Hy vọng, phiên họp bất thường dự kiến được tổ chức tháng 12 này của Quốc hội sẽ đưa ra những quyết sách hợp lý, đặc biệt là gói hỗ trợ và phục hồi kinh tế.
Gói hỗ trợ này, tôi hình dung gồm bốn cấu phần: Phần an sinh xã hội cho các đối tượng yếu thế nhất; phần hỗ trợ các doanh nghiệp; phần đầu tư công vào những công trình thiết yếu và đặc biệt là phần nâng cao năng lực hệ thống y tế - điểm yếu rất lớn của Việt Nam đã bộc lộ trong đại dịch.
Tôi khuyến nghị bốn nguyên tắc áp dụng cho gói hỗ trợ này gồm:
Thứ nhất, dành đủ nguồn lực để nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là mạng lưới y tế cơ sở. Nếu năng lực của lưới y tế không đảm bảo, không thể phủ vaccine và đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch thì khả năng phục hồi kinh tế rất mong manh.
Thứ hai, các chính sách phải kịp thời và hợp lý theo nguyên tắc phát huy tốt nhất vai trò của thị trường và xã hội thay vì tư duy như các chuyến bay 'giải cứu' nêu trên. Đó là tư duy nhà nước bao sân quá nhiều và quá lâu gây ra những tiêu cực và méo mó trong việc phân bổ nguồn lực, tạo gánh nặng và kém hiệu quả cho toàn xã hội.
Thứ ba, ở góc độ công bằng cho người dân, phần an sinh phải được tập trung cho những người yếu thế nhất và được thực hiện kịp thời, tốt nhất là trước Tết Nguyên đán để nhiều người nghèo được ăn Tết.
Thứ tư, ở góc độ hiệu quả và công bằng đối với các doanh nghiệp, người thổi sáo hay nhất nên được trao cây sáo tốt nhất. Tức là, tập trung nguồn lực cho những doanh nghiệp khoẻ nhất, có khả năng làm ra nhiều của cải hoặc tạo ra nhiều việc làm mong muốn cho xã hội nhất.
Sẽ có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp khỏe thì không cần giúp, bơm tiền cho họ sẽ tạo thêm bất bình đẳng, gián tiếp bỏ mặc doanh nghiệp yếu, nhưng không phải vậy. Mục đích của gói hỗ trợ cũng như vai trò của nhà nước là làm cho nguồn lực của xã hội được sử dụng hiệu quả nhất và công bằng nhất. Mục tiêu đang là phục hồi kinh tế sớm và hiệu quả nhất chứ không phải cứu các doanh nghiệp hấp hối.
Lựa chọn doanh nghiệp khỏe, hỗ trợ kịp thời sẽ giúp họ bật dậy bằng năng suất, tạo ra nhiều việc làm và của cải nhất, tức tạo giá trị đắp ngay vào GDP và ổn định cuộc sống cho người dân. Như thế, gói hỗ trợ có cơ hội lấy lại vốn cao nhất, chưa kể các doanh nghiệp khỏe sẽ kéo theo sự hồi phục dần của các doanh nghiệp khó khăn hơn.
Xin lưu ý, khỏe nhất không có nghĩa là những doanh nghiệp to nhất. Doanh nghiệp khỏe có thể gồm rất nhiều doanh nghiệp tầm trung, nhỏ và vừa, miễn là các chỉ số sức khỏe của chúng lành mạnh. Chính phủ công khai các tiêu chí "sức khỏe" này kèm theo các các tiêu chí phải đạt được sau khi nhận hỗ trợ như tăng bao nhiêu xuất khẩu, việc làm sau ba đến sáu tháng nhận hỗ trợ. Điều này tạo thêm động lực để các doanh nghiệp theo đuổi gói hỗ trợ và có trách nhiệm với sự hồi phục chung.
Hỗ trợ doanh nghiệp khỏe không có nghĩa là bỏ mặc doanh nghiệp yếu. Cơ chế thị trường được áp dụng trong trường hợp này. Nếu kinh doanh không hiệu quả do cấu trúc của các hoạt động kinh tế "bình thường mới" thay đổi, một số doanh nghiệp có thể phải tuân theo quy luật "phá hủy sáng tạo" của thị trường để nguồn lực chuyển vào tay người sử dụng hiệu quả hơn; hoặc chính họ có thể đập đi xây lại theo mô hình hiệu quả hơn. Đây là nguyên tắc công bằng trong kinh doanh.
Chúng ta mong bộ mặt kinh tế của đất nước mau chóng lấy lại sức bật trong mùa tiêu dùng quan trọng nhất kéo dài từ Giáng sinh đến Tết Nguyên đán sắp tới, người dân được an nhiên hơn. Một đơn thuốc đủ liều, đúng người, đúng lúc sẽ "giải cứu" Giáng sinh và nền kinh tế trong năm mới.
Huỳnh Thế Du
---
"Bài viết được lấy từ chuyên mục góc nhìn của báo VNexpress", nếu mọi người muốn ủng hộ tác giả gốc của bài viết này xin hãy qua website VNexpress để có thể tìm thấy thông tin tác giả cũng như phương thức liên lạc.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất