[VNexpres / Góc nhìn] Huy động bệnh viện tư
Y tế tư nhân cần được huy động vào cuộc chiến chống Covid một cách chính thức, công bằng như hệ thống y tế công.
Thứ hai, 20/12/2021, 16:16 (GMT+7)
Tác giả : Quan Thế Dân // Bác sĩ, tiến sĩ y học.
---
Đi chống dịch ở phía Nam về, tôi lại nhập vào guồng quay công việc của một bệnh viện tư ở quê.
Sau thời gian quay cuồng, nay tôi nén mình làm những công việc quen thuộc hàng ngày. Khám bệnh, chữa bệnh, kê đơn, tổng kết bệnh án, ký giấy ra viện... Tôi trở về với những lo toan cũ: làm sao điều trị không vượt trần, vượt trần là bảo hiểm y tế trừ mất tiền luôn; nhưng lại không thể tiêu dưới trần, tiêu dưới trần doanh thu thấp lấy gì để trả lương.
Tôi cũng phải chú tâm làm hài lòng bệnh nhân, cẩn thận để không xảy ra tai biến, lo thu hút bệnh nhân đến viện mình khám. Bởi người dân thời điểm này đang sợ dịch, cố thủ ở nhà, thà chết không chịu đi chữa bệnh.
Giao ban buổi sáng ở bệnh viện, sau phần chuyên môn, kế toán đọc rõ ràng doanh thu từng khoa, lỗ lãi thế nào. Tôi không thể trách chủ doanh nghiệp được. Họ cũng đang rất khổ. Họ đau đầu cân đối dòng tiền ra, vào. Bệnh viện tư phải bỏ tiền ra mua đất, xây trụ sở, mua sắm trang thiết bị, trả lương nhân viên... Thu được đồng nào, ngoài việc trả tiền thuốc men, xét nghiệm, điện nước, trả lương nhân viên, họ còn phải nghĩ đến tiền trả nợ ngân hàng, tiền khấu hao tài sản, rồi tiền tích lũy để tái đầu tư, tiền lời của các cổ đông. Đại dịch khiến ngành nào cũng khó khăn.
Covid 19 đẩy các thách thức với bệnh viện tư lên mức cao nhất. Con virus vô hình đang gây ra những cơn hoảng sợ ở các vùng quê yên bình. Chỉ cần nhà nào có người tiếp xúc với người nghi nhiễm thôi là lập tức thông tin lan nhanh như gió, làm cả xã khiếp sợ, không ai dám đi qua ngõ ấy nữa. Nếu chẳng may trong gia đình đó có ai đi khám ở bệnh viện nào, thì hôm sau bệnh viện đó sẽ vắng như chùa Bà Đanh, và tiếp tục vắng như thế cả tháng sau. Doanh thu không có, chủ đầu tư méo mặt, cho nhân viên nghỉ luân phiên cũng chỉ đỡ được chút quỹ lương, còn tiền vay ngân hàng vẫn phải trả, máy móc vẫn phải khấu hao. Sự căng thẳng này lan từ ông chủ đến tận từng nhân viên, dẫn đến những buổi giao ban đau đầu như tôi kể ở trên.
Nỗi khổ ấy lên đến đỉnh điểm khi trong bệnh viện phát hiện một F0. Bệnh viện có thể bị phong tỏa toàn bộ. Nhân viên và những ai từng đến khám đều bị cách ly. Người đang ở nhà thì bị dán giấy ở cửa. Tất cả điều đó phần nhiều là tốt, nhằm chống dịch hiệu quả, nhưng có những việc được triển khai máy móc và thiếu sâu sát. Ví dụ một bệnh nhân dương tính đến bệnh viện vào ngày 4/11, địa phương yêu cầu cách ly cả những người đến viện từ 20/10, với lý do có thể ủ bệnh 14 ngày.
Hoặc có lúc, chúng tôi gặp phải những cán bộ trịch thượng, giảng giải những điều sơ đẳng về y học khiến tôi không tránh khỏi nóng mặt.
Trong lần trả lời phỏng vấn truyền thông, tôi phát biểu: "Đợt dịch này có trên 20.000 nhân viên y tế các địa phương trên cả nước tình nguyện vào Nam hỗ trợ chống dịch. Khi hết dịch họ quay trở về quê với rất nhiều kinh nghiệm chiến đấu với đại dịch. Nếu bây giờ ở các địa phương có dịch xảy ra, thì họ là các chuyên gia đầy kinh nghiệm mà địa phương có thể tận dụng".
Nhưng thực tế diễn ra không hẳn như vậy. Khi có một ca F0, địa phương sẽ ngay lập tức chuyển bệnh nhân đến một bệnh viện công, theo quy định, dù bệnh viện đó có thể chưa dày dạn kinh nghiệm điều trị, chống dịch; trong khi đó không tận dụng được nhiệt huyết và kiến thức của các bác sĩ, kỹ thuật viên bệnh viện tư - những người vừa trở về từ tâm dịch, được tôi luyện từng phút suốt hàng tháng trời trong chảo lửa ấy.
Hiện nay, Việt Nam chưa phát hiện ca nhiễm biến chủng Omicron nhưng số người nhiễm, bệnh nhân nặng, tử vong "có xu hướng gia tăng". Hệ thống y tế ở một số địa phương đã quá tải, phải chi viện từ Trung ương và các nơi khác.
Bệnh nhân Covid, như tôi từng đề cập trong một bài viết trên Góc nhìn trước đây, không chỉ đòi hỏi điều trị mà khâu chăm sóc là đặc biệt quan trọng, có khi quyết định đến sự sống còn. Hệ thống y tế của chúng ta xưa nay vẫn chủ yếu trị bệnh, gánh nặng chăm sóc dồn lên người thân. Nhưng Covid-19 là căn bệnh truyền nhiễm, người thân không có cơ hội chăm sóc, vì vậy, áp lực lên nhân viên y tế càng lớn hơn bao giờ hết, và nguy cơ quá tải là hiện hữu.
Vấn đề này theo tôi hoàn toàn có thể tháo gỡ được bằng sự chung tay đóng góp của mọi nguồn lực trong xã hội. Y tế tư nhân cần được huy động vào cuộc một cách chính thức, bằng chính sách công khai, công bằng như với hệ thống y tế công.
Được như thế, tôi tin rằng, hệ thống bệnh viên tư, với cơ sở vật chất sẵn có; các bác sĩ, với kiến thức và kinh nghiệm chống dịch, sẽ tiếp tục sẵn sàng mặc bộ đồ PPE vào buồng bệnh chiến đấu với Covid.
Quan Thế Dân
---
"Bài viết được lấy từ chuyên mục góc nhìn của báo VNexpress", nếu mọi người muốn ủng hộ tác giả gốc của bài viết này xin hãy qua website VNexpress để có thể tìm thấy thông tin tác giả cũng như phương thức liên lạc.
p/s: mình cũng hay đọc chuyên mục góc nhìn từ trên báo VNexpress. Có rất nhiều bài báo mình thấy rất hay, muốn cùng chia sẽ và tranh luận với mọi người. Nhưng phần bình luận của Vnexpress có chút cứng nhắc, mỗi lần muốn bình luận gì đều phải đợi họ xét duyệt thì mới có thể hiện lên được. Nên mình muốn mang chuyên mục đó qua bên Spiderum mình, hy vọng có thể tạo nên một môi trường cho mọi người có thể tự do công khai tranh luận về những vấn đề đó hơn ạ.
<<Báo có thấy cx xin đừng kiện bản quyền em ạ, em hứa sẽ không cố gắng thương mại hóa bản quyền những bài viết của báo ạ>>
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất