VLADIMIR PUTIN - TỪ ĐIỆP VIÊN KGB TỚI TỔNG THỐNG NGA
Không quá khi nói Putin là người hùng đã đưa nước Nga hồi sinh từ đống tro tàn. Hai thập kỷ lãnh đạo đất nước, ông Vladimir Putin đã “chèo lái” con thuyền nước Nga trở lại vị thế của một cường quốc. Vậy, ông rốt cuộc là con người như thế nào?
Trên chính trường thế giới, Putin chắc chắn là một trong những lãnh đạo quyền lực và nổi tiếng nhất hiện nay. Sức ảnh hưởng của ông thậm chí còn vượt khỏi biên giới Nga và phần nào tác động tới cả thế giới phương Tây. Năm 2007, Putin từng được tạp chí Time bầu chọn làm “Nhân vật của năm”. Năm 2015, Putin đứng đầu trong danh sách 100 người có sức ảnh hưởng nhất thế giới cũng của tạp chí này. Tạp chí Forbes cũng từng bầu chọn ông là người quyền lực nhất thế giới trong 4 năm liền.
Putin quyền lực bậc nhất thế giới, đó là nhận thức chung mà có lẽ ai cũng biết. Nhưng trước khi là Tổng thống, Putin đã từng làm những gì? Và ông đã leo tới ghế Tổng thống Nga như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết “Vladimir Putin - từ điệp viên KGB tới Tổng thống Nga” dưới đây nhé.
1, Một tuổi thơ bình dị
Putin có tên đầy đủ là Putin Vladimirovich Putin, sinh ngày 7 tháng 10 năm 1952 tại Leningrad, Liên Xô (nay là St.Petersburg, Nga). Từ lâu, thành phố St.Petersburg đã là cái nôi của vô số cuộc cách mạng Nga và cũng là nơi nuôi dưỡng và cho ra lò nhiều thế hệ anh hùng cách mạng. Putin cũng như thế, ông ra đời trong một gia đình bình dân nhưng có truyền thống cách mạng. Ông nội của ông Spiridon Putin từng đảm nhiệm chức bếp trưởng riêng cho hai vị lãnh tụ Liên Xô vĩ đại nhất là Vladimir Lenin và Joseph Stalin. Mẹ của ông Maria Ivanovna Putina (nhũ danh Shelomova) là một công nhân nhà máy gương mẫu, và cha của ông Vladimir Spiridonovich Putin là một lính nghĩa vụ trong Hải quân Liên Xô, phục vụ trong hạm đội tàu ngầm vào đầu những năm 1930. Là con út trong số ba người con, sự ra đời của Putin như một lời an ủi của số phận với ông bà Putin khi hai người con trước của ông bà đều đã mất vì bệnh tật và đói kém trong Cuộc vây hãm Leningrad của lực lượng Đức Quốc xã trong Thế chiến II. Bản thân ông Putin cũng có thể được coi là may mắn khi được lớn lên trong một gia đình đầy đủ cả cha lẫn mẹ, trong khi Thế chiến II đã cướp đi gia đình và cuộc đời của vô số người tại Leningrad khi ấy.
Có thể nói, do hoàn cảnh đặc biệt nên tuy là con út nhưng Putin kể từ khi sinh ra đã là đứa con duy nhất trong gia đình. Những năm đầu tiên cuộc đời của ông diễn ra một cách cô đơn trong căn hộ chung cư cũ kỹ nhỏ bé được nhà máy của bố Putin phân cho. Căn chung cư nằm ở tầng trên cùng của toà nhà năm tầng cùng với hai gia đình khác. Ba gia đình cùng chia sẻ chiếc bếp gas và bồn rửa ở ngoài hành lang, một việc khá bất tiện nhưng gia đình Putin vẫn khá may mắn khi sở hữu phòng rộng nhất. Trải qua một tuổi thơ như thế đã giúp Putin giữ cho mình đức tính giản dị, như chính ông đã tuyên bố:
“Tôi xuất thân từ một gia đình bình thường, và đó cũng là cách tôi đã sống suốt một thời gian dài, gần như suốt cả cuộc đời mình. Tôi sống như một người bình thường, và tôi luôn luôn duy trì cuộc sống như vậy.”
Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã tìm hiểu và được biết về quá khứ cách mạng anh dũng của gia đình. Ông được kể cho nghe về việc ông của ông đã từng nấu ăn cho các vị lãnh tụ ở nhà riêng của họ như thế nào. Từ cha mẹ mình, ông được biết về những ngày tháng khốc liệt trong cuộc xâm lược Liên Xô của Đức Quốc xã, khi cha của ông phục vụ trong tiểu đoàn phá hoại của NKVD sau đó nhờ sự thể hiện xuất sắc mà được chuyển đến quân đội chính quy cho tới khi bị thương nặng vào năm 1942. Bà ngoại của ông đã bị quân Đức giết chết vào năm 1941 khi chúng chiếm đóng vùng Tver, và các chú của ông chẳng một ai trở về từ Mặt trận phía Đông.
Được truyền cảm hứng từ tinh thần cách mạng của dòng họ, tuổi thơ của Putin gắn liền với ước mơ về việc trở thành một anh hùng, cống hiến hết mình cho đất nước. Ngoài ra, với những bộ phim trinh thám của Điện ảnh Xô viết do các diễn viên như Vyacheslav Vasilyevich Tikhonov và Georgiy Stepanovich Zhzhonov thủ vai mà ông từng xem hồi nhỏ đã khiến ông có một niềm đam mê mãnh liệt với nghề trinh thám. Trong hồi kí của mình, ông kể rằng bản thân đã rất say mê theo dõi các âm mưu trong những bộ phim ấy như thể chúng đang diễn ra trong thực tế với ông. Và bởi niềm yêu thích thủa thiếu thời này mà khi lớn lên, ước mơ của ông chính là trở thành nhân viên KGB (một tổ chức thám báo được tổ chức bởi nhà nước Liên Xô). Có giai thoại rằng trong một bài văn hồi tiểu học, Putin đã chẳng hề giấu giếm ước mơ ấy:
“Lý tưởng của mình là làm điệp viên, cho dù tên gọi này chẳng gợi chút cảm tình nào với mọi người trên thế giới. Xuất phát từ lợi ích quốc gia, lợi ích của nhân dân, mình cảm thấy những cống hiến của điệp viên là hết sức to lớn.”
2, Những ngày cắp sách đến trường
Ngày 1 tháng 9 năm 1960, cậu bé Putin chính thức bước chân vào trường tiểu học số 193 ở Leningrad. So với chúng bạn, ông là một người khá khác biệt khi là một trong số ít học sinh trong lớp gồm khoảng 45 người chưa phải là thành viên của tổ chức Thiếu niên Tiền phong Liên Xô. Nhớ lại những kí ức nổi bật nhất thời đi học của mình, Putin đã tự nhận bản thân là một học sinh tương đối cá biệt, khá ngổ ngáo và phiền toái chứ không phải một đứa trẻ gương mẫu:
“Tôi lúc nào cũng đi học muộn, vì thế vào mùa đông tôi còn không có thời gian để ăn mặc chỉnh tề.”
Cho tới trước năm lớp 6, Putin vẫn không hứng thú với việc học tập. Ông có hứng thú với các môn thể thao (đặc biệt là judo và sambo, những môn võ mà ông luyện tập từ khi mới 12 tuổi) hơn là đống bài tập được ghi trên các trang giấy. Vậy nên điểm số của ông trong giai đoạn này cũng không thực sự tạo nên ấn tượng nào với mọi người. Đặc biệt là mẹ ông thì cực kỳ không thích việc con mình luôn trở về nhà trong tình trạng bầm tím vì luyện võ. Tuy nhiên, giáo viên của Putin nhìn ra tố chất vượt trội trong ông và cho rằng ông có thể học giỏi hơn thế rất nhiều. Bởi vậy, bà Gurevich, một trong những giáo viên thân thiết nhất với Putin đã tới nhờ bố Putin tác động tới con trai để Putin tập trung hơn vào việc học. Tuy nhiên, sự can thiệp của cha cũng không có nhiều tác dụng như mong đợi, chủ yếu là vì Putin lúc ấy vẫn chưa nhận ra được tầm quan trọng của việc học hành.
Chỉ khi lên lớp 6, Putin mới tự thay đổi chính mình và quan tâm hơn tới việc học. Sau khi nhận thức về việc học tập quan trọng thế nào trong việc hoàn thành ước mơ sau này, Putin bắt đầu giành được nhiều điểm số cao hơn và đây không phải chuyện khó khăn với ông. Sau đó, Putin được kết nạp đội Thiếu niên Tiền phong Liên Xô và ngay lập tức trở thành chi đội trưởng đội Thiếu niên Tiền phong của lớp.
“Tôi nhận ra rằng thông minh trên đường phố là không đủ, vì thế tôi tập thể thao. Tuy nhiên tập thể thao cũng không đủ khẳng định vị thế của tôi về lâu về dài. Tôi nhận ra rằng mình cần học hành thật giỏi giang.” – Sau này trong một buổi chia sẻ, ông Putin bồi hồi nhớ lại sự thay đổi trong nhận thức của ông khi ấy.
Kết thúc năm lớp 8, Putin học trường phổ thông số 281 theo chương trình tiếng Đức và hoàn thành bậc học vào năm 1970. Vào giai đoạn này, Putin đã dần hình thành ý thức về tầm quan trọng của chính trị. Trong thời gian rảnh rỗi, ông thích đọc các tác phẩm của Marx, Engels và Lenin. Nhưng ông không tuân theo một cách máy móc những gì viết trong sách mà có những kiến giải cá nhân của riêng mình. Tất nhiên, do những qui định khắt khe của nền chính trị khi ấy nên ông cũng không chia sẻ những quan điểm này với ai (chúng chỉ được ông nhắc đến sau này, khi Liên Xô đã chính thức tan rã).
3, Dấn thân vào con đường mơ ước
Như đã nói, từ khi còn nhỏ ông Putin đã ấp ủ ước mơ làm việc trong ngành tình báo. Từ trước khi tốt nghiệp phổ thông, ông đã đi tới nhiều phòng tiếp đón tiếp công dân của Cục Tình báo Liên Xô để tìm hiểu làm thế nào có thể trở thành một sĩ quan tình báo. Tại đây, Putin được dặn dò rằng, nếu muốn làm trong ngành tình báo, trước hết ông phải gia nhập quân đội hoặc hoàn thành bậc đại học (đặc biệt ưu tiên ngành luật).
Và thế là vào năm 1970, Vladimir Putin trở thành sinh viên khoa luật của Đại học Andrei Zhdanov (nay là Đại học Quốc gia St.Petersburg). Việc ông đầu quân cho ngành luật đã trở thành một tin chấn động với rất nhiều hàng xóm, vì chẳng ai nghĩ rằng một cậu trai đam mê võ thuật và có ước mơ trở thành KGB như ông lại sẵn lòng chọn phương án học luật thay vì gia nhập quân đội. Tất nhiên là chỉ có Putin là biết việc học luật quan trọng thế nào với giấc mơ của mình, như chính ông chia sẻ:
“Các bạn biết đấy, tôi thậm chí còn muốn làm điều đó (học luật). Tôi bị thúc đẩy bởi động cơ cao cả. Tôi nghĩ mình sẽ có thể sử dụng các khả năng (về luật pháp) của mình để mang lại lợi ích tốt nhất cho xã hội."
Những năm tháng trên giảng đường đại học đã dạy cho Putin nhiều điều quan trọng, chuẩn bị cho ông một kho kiến thức và kinh nghiệm cho hành trình chính trị sau này của ông. Tại trường, ông gia nhập Đảng Cộng sản Liên Xô và vẫn giữ vai trò thành viên của nó tới khi Đảng này tan rã năm 1991. Cũng tại trường, Putin trở thành bạn của Anatoly Sobchak, một trợ lý giáo sư dạy luật kinh doanh - người sau này trở thành đồng tác giả của hiến pháp của Nga trong tương lai. Putin từng chia sẻ rằng đây là một cuộc đời sinh viên đầy những kỉ niệm đáng nhớ với ông, dù ông chỉ tập trung vào hai việc duy nhất là học và chơi thể thao:
“Lớp chúng tôi có 100 người, nhưng chỉ có 10 người vào học ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông. Còn lại đều đã hoàn tất giai đoạn quân ngũ. Đối với những trường hợp vừa học xong phổ thông như chúng tôi, tỷ lệ chỉ 1/40 người được chọn vào học. Tôi chỉ được 4/5 điểm cho bài luận, nhưng giành điểm cao ở các môn khác nên được nhận. Khi tôi bắt đầu học đại học, các mục tiêu mới và giá trị mới xuất hiện. Tôi chủ yếu tập trung vào việc học và bắt đầu xếp thể thao ở vị trí thứ hai. Nhưng tất nhiên tôi vẫn tập luyện thường xuyên và tham gia vào các cuộc thi đấu cấp quốc gia, gần như đó là thói quen.”
Năm 1975, sau khi tốt nghiệp tại Đại học Quốc gia Leningrad, ông Putin được tuyển dụng vào làm việc tại KGB theo đúng sở nguyện. Đáng nói, ngay từ trước khi tốt nghiệp, ông là một trong số ít các sinh viên đã được KGB để mắt tới và ngỏ lời tuyển dụng. Điều đó cho thấy những tố chất tuyệt vời của ông không phải ai cũng có được.
Gia nhập KGB, Putin trải qua các khóa đào tạo điệp viên tại Okhta, Leningrad (năm 1976) và Moscow (năm 1979) tại Trường Cao cấp Dzerzhinsky thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia Liên Xô. Đây là một quãng thời gian khắc nghiệt trong kí ức của Putin, vì những gì ông phải trải qua trong các khóa huấn luyện khó nhằn hơn rất nhiều so với những gì ông dự tính. Nhưng vì đam mê, ông vẫn quyết tâm hoàn thành mọi thử thách được giao để xuất sắc nhận tấm bằng loại ưu trong cả hai khóa đào tạo. Suốt quá trình này, ông học và sử dụng thành thạo thêm tiếng Anh bên cạnh tiếng Đức và tiếng Nga. Vốn ngoại ngữ này về sau trở nên vô cùng quan trọng với hành trình quyền lực của ông.
4, Putin - điệp viên KGB
Sau khi trở thành một KGB, công việc đầu tiên Putin được giao phó là ở phòng thư ký và sau đó là đơn vị phản gián của Văn phòng KGB Leningrad. Ở đây, ông được giao nhiệm vụ giám sát người nước ngoài và các viên chức lãnh sự tại khu vực. Trong cuốn First Person, Putin đã không giấu giếm gì mà thẳng thắn kể lại những nhiệm vụ đầu tiên của mình trong KGB, gồm cả những hoạt động đàn áp các phe đối lập tại Leningrad.
Sau khi trải qua khóa đào tạo tại Moscow, Putin được chuyển sang Phòng N.1 (chuyên phụ trách về tình báo nước ngoài) của Văn phòng KGB Leningrad. Nhiều báo cáo của phương Tây cho rằng vào khoảng thời gian này Putin cũng đã được KGB cử đến New Zealand để thực hiện một nhiệm vụ bí mật nào đó. Cựu thị trưởng thành phố Waitākere Bob Harvey và cựu thủ tướng David Lange của New Zealand từng tuyên bố rằng Putin đã sống ở Auckland, New Zealand. Ông cũng được cho là đã thực hiện nhiệm vụ bí mật một thời gian với tư cách là nhân viên bán giày Bata ở trung tâm Wellington, New Zealand. Tuy nhiên, những điều này chưa bao giờ được các cơ quan an ninh Nga công nhận hoặc bác bỏ.
Ngày 28 tháng 7 năm 1983, Putin kết hôn với Lyudmila Shkrebneva, một nữ sinh khoa ngữ văn của Đại học Leningrad kém ông 6 tuổi. Sau lần gặp nhau đầu tiên trong một buổi hòa nhạc tại Leningrad năm 1981, cả hai đã chính thức hẹn hò. Do thân phận sĩ quan KGB của mình, Putin chủ yếu liên lạc với Lyudmila thông qua điện thoại và giữ kín chuyện tình cảm với mọi người xung quanh cho tới khi chính thức kết hôn.
Vào tháng 9 năm 1984, Putin được cử đến Moscow để đào tạo tăng cường tại Viện Biểu ngữ đỏ Yuri Andropov (nay là Viện Cơ quan Tình báo nước ngoài Nga SVR) và tốt nghiệp vào năm sau. Ngay sau khi tốt nghiệp, KGB thuyên chuyển ông sang làm việc tại Dresden, Cộng hòa Dân chủ Đức (tức Đông Đức).
Dưới vỏ bọc là Chủ nhiệm Hội Hữu nghị Xô-Đức, công việc thực chất của Putin khi ấy là cố vấn quân sự của KGB phái đến Stasi - cơ quan tình báo Đông Đức đặt tại thành phố Dresden. Tổ tình báo này hợp tác với nhiều nhân viên các hãng tên tuổi như IBM, Siemens… và thu được không ít thông tin mật về khoa học kỹ thuật từ phương Tây. Ngoài ra, Dresden là thành phố giáp biên giới Tây Đức, việc các nhân viên của Đông và Tây qua lại thường xuyên cũng là ưu thế cho công việc chiêu mộ gián điệp và thu thập tình báo của ông Putin. Như cá gặp nước, Putin đã tham gia nhiều nhiệm vụ khác nhau trong thời gian này và hầu hết chúng đều thành công mĩ mãn.
Nhờ sự thể hiện xuất sắc của mình mà ông được thăng cấp lên hàm trung tá và giữ vị trí trợ lý cấp cao cho trường bộ phận. Năm 1989, ông được Cộng hòa Dân chủ Đức trao tặng huân chương để ghi nhận những đóng góp cho quân đội. Cũng trong thời gian này, hai cô con gái của ông chào đời: Mariya Putina sinh ngày 28 tháng 4 năm 1985 tại Leningrad và Yekaterina Putina sinh ngày 31 Tháng 8 năm 1986 tại Dresden, Đông Đức. Công việc thăng tiến, gia đình đầm ấm, đây có thể được xem như một quãng thời gian hạnh phúc đối với ông. Sau này khi nhắc lại quãng thời gian này, Putin thường nói:
“Cuộc sống của tôi tiến triển thuận lợi. Thông thường mọi người được thăng cấp chỉ một lần khi công tác ở nước ngoài, còn tôi được thăng cấp những 2 lần.”
5, Trở thành một chính trị gia
Năm 1989, bức tường Berlin sụp đổ, khối Varsava giải thể, KGB bắt đầu suy yếu. Những hoạt động tình báo đã không còn là việc Putin được đảm nhận thường xuyên nữa. Bị Moscow bỏ rơi, những viên chức cộng sản trong thời kì này trở thành mục tiêu của những đám đông phẫn nộ. May mắn thay, với vai trò là một đặc vụ KGB, ông Putin và gia đình vẫn an toàn vì không mấy người biết tới công việc bí mật của ông. Dù vậy, Putin cũng nhận ra rằng công việc của một KGB không còn phù hợp với mình nữa.
Sau khi từ Dresden trở lại Leningrad vào tháng 6 năm 1990, nhờ tấm bằng luật trước đây, Putin nhận công việc mới là làm trợ lý cho hiệu trưởng Đại học Quốc gia Leningrad, phụ trách các vấn đề quan hệ quốc tế. Sau đó, ông trở thành cố vấn cho Chủ tịch Hội đồng thành phố Leningrad. Tuy nhiên, trong thời gian này, ông vẫn làm một vài nhiệm vụ cho KGB như theo dõi quan điểm chính trị của sinh viên trong trường hoặc tìm kiếm những ứng viên mới cho tổ chức.
Tới tháng 7 năm 1991, khi Liên bang Xô Viết dần bước vào những thời khắc cuối cùng, Putin tiếp tục được cất nhắc làm chủ tịch ban đối ngoại của Văn phòng Thị trưởng St.Petersburg với nhiệm vụ tăng cường quan hệ quốc tế và đầu tư nước ngoài.
Ngày 18 tháng 8 năm 1991, một vụ đảo chính của những người cộng sản bảo thủ diễn ra tại Moscow, đe dọa đến sự an toàn của các ứng viên của Đảng Dân chủ trên khắp cả nước. Putin, với mối quan hệ tốt trong các cơ quan an ninh địa phương tại St.Petersburg, đã xuất hiện tại sân bay cùng với các vệ sĩ có vũ trang để bảo vệ người thầy kiêm người bạn thời đại học Anatoly Sobchak. Ông này bấy giờ đang là một trong những ứng cử viên hàng đầu của đảng, khi ấy từ Moscow tới thành phố để lập lại trật tự. Hành động của Putin đã giúp ông đạt được sự tín nhiệm trong mắt người bạn của mình, thứ sẽ tạo tiền đề cho sự thăng tiến về sau. Ông chính thức thôi chức vụ bên trong ngành an ninh quốc gia ngày 20 tháng 8 năm 1991, sau khi KGB bị phát hiện là đã công khai ủng hộ cuộc đảo chính nói trên. Theo chính Putin chia sẻ, ông không đồng ý với những gì đã xảy ra và không muốn trở thành một phần của cơ quan tình báo trong chính quyền mới.
Ngày 21 tháng 12 năm 1991, Liên Xô chính thức tan rã. Dù không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi sự sụp đổ của Liên Xô, nhưng Putin vẫn cảm thấy tiếc nuối cho một cường quốc đã không còn. Bản thân ông, khi nhắc tới sự kiện này thường gọi nó là “thảm kịch địa chính trị khủng khiếp nhất thế kỉ XX”. Ông cũng cho rằng việc Liên Xô sụp đổ là do những điểm yếu cố hữu của hệ thống chính quyền đương thời:
"Ít người hiểu được mức độ thảm họa xảy ra vào cuối những năm 1980 khi Đảng Cộng sản đã không hiện đại hóa được Liên Xô."
Năm 1992, Putin được bổ nhiệm làm phó thị trưởng thành phố St.Petersburg trong khi vẫn giữ chức chủ tịch ban đối ngoại của văn phòng thị trưởng. Năm 1994 ông trở thành Phó chủ tịch thứ nhất thành phố St.Petersburg dưới quyền của Anatoly Sobchak, giờ đây đã là một chính trị gia quyền lực. Vị trí này được ông nắm giữ suốt trong 4 năm.
Ảnh hưởng của Putin trong giới chính trị càng ngày càng lớn dưới thời Sobchak, nhưng ông vẫn luôn ẩn nhẫn trước đại chúng. Igor Artemyev, cựu lãnh đạo đảng Yabloko trong một buổi phỏng vấn về thời kì này chia sẻ:
“Vào những ngày ở Petersburg, luôn có những người khác đứng trước ống kính truyền hình. Hầu hết các phó thị trưởng khác đều xếp hàng cạnh thị trưởng. Nhưng Putin luôn cố giữ mình ở góc xa nhất.”
Tới tháng 8 năm 1996, ông đạt được bước tiến xa hơn trong sự nghiệp khi được bổ nhiệm làm phó Phòng Quản lý tài sản tổng thống Nga, giám sát các vấn đề liên quan tới luật và tài sản nước ngoài. Thời điểm này, Putin cũng chuyển tới thủ đô Moscow cùng gia đình.
6, Từ Thủ tướng tới Tổng thống
Tại Moscow, ông Putin liên tục thăng tiến trên con đường chính trị. Sau một thời gian ngắn phục vụ trong đội ngũ nhân viên Điện Kremlin, ngày 26 tháng 3 năm 1997, Tổng thống Boris Yeltsin bổ nhiệm Putin làm phó chánh văn phòng Tổng thống.Ông giữ chức vụ này cho đến tháng 5 năm 1998, và làm giám đốc Cục Kiểm soát Chính của Cục Quản lý Tài sản Tổng thống cho đến tháng 6 năm 1998.
Ngày 15 tháng 7 năm 1998, Putin được bổ nhiệm làm người đứng đầu ủy ban chuẩn bị các thỏa thuận phân định quyền lực của các khu vực và người đứng đầu trung tâm liên bang trực thuộc tổng thống, thay thế Sergey Shakhray. Chỉ trong vòng 10 ngày sau, Yeltsin lại tiếp tục bổ nhiệm Putin làm giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang tức FSB, cơ quan tình báo và an ninh chính của Liên bang Nga và là tổ chức kế tục KGB.
Bước ngoặt xảy ra vào ngày 9 tháng 8 năm 1999, khi Tổng thống Boris Yeltsin quyết định chọn Putin làm Thủ tướng mới của Nga thay thế cho người tiền nhiệm Sergei Stepashin. Sự kiện này khiến ông trở thành thủ tướng thứ năm của nước Nga trong khoảng thời gian chưa đầy 18 tháng. Khi tin tức được công bố, rất ít người tin rằng Putin, một khuôn mặt rõ ràng ít tiếng tăm, có thể giữ ghế lâu hơn so với những người tiền nhiệm. Những đối thủ chính và có thể là người kế nhiệm của Yeltsin như Thị trưởng Moskva Yuriy Mikhaylovich Luzhkov và cựu Thủ tướng Nga Yevgeniy Maksimovich Primakov đã có phản ứng mạnh mẽ nhằm ngăn cản Putin xuất hiện với tư cách một đối thủ tiềm năng.
Tuy nhiên, ngay sau đó Putin đã nhanh chóng trở nên nổi bật khi Yeltsin tuyên bố rằng ông muốn thấy Putin là người kế nhiệm mình. Được đà tiến tới, Putin tiếp tục gây ấn tượng với quần chúng nhờ cuộc xung đột Nga-Chechnya tháng 9 năm 1999 để đáp trả lại Cuộc chiến tranh ở Dagestan và Vụ ném bom nhà ở của người Nga. Hình ảnh một quan chức ngành an ninh tiếp cận và xử lý vấn đề khủng hoảng một cách cứng rắn của Putin đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của hầu hết dân chúng. Điều này giúp ông dần vượt xa các đối thủ khác trong cuộc đua. Sau chiến dịch này, các đảng phái hậu thuẫn Putin đã giành được sự ủng hộ vững chắc trong cuộc bầu cử Nghị viện năm 1999.
Đến cuối năm 1999, trước sức ép quá lớn từ các nhà lãnh đạo cũng như người dân Nga, Yeltsin đã quyết định thoái lui khỏi chính trường. Ngày 31 năm 12 tháng 1999, Tổng thống Yeltsin chính thức tuyên bố từ chức, đặt toàn bộ sứ mệnh tổng thống vào tay Thủ tướng Putin. Trong cuộc bầu cử vào tháng 3 năm 2000, ông Putin đứng đầu trong mười ứng cử viên và trở thành tổng thống thứ hai của Liên bang Nga thời kỳ hậu Xô viết.
TIỂU KẾT
Và vừa rồi là hành trình của Putin - từ một nhân viên tình báo KGB đến một chính trị gia và cuối cùng là Tổng thống Nga. Thế nhưng đó mới chỉ là nửa đầu của hành trình trở thành lãnh đạo quyền lực bậc nhất thế giới của Putin mà thôi. Vậy ông đã lèo lái nước Nga thời kỳ hậu Xô Viết ra sao? Putin nắm lấy quyền lực có thể nói là tối cao tại nước Nga hiện tại như thế nào? Cùng đón đọc trong phần tiếp theo của loạt bài biết này nhé các bạn.
#Backturn
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất