Nếu truyền thông Anh nổi tiếng là hà khắc và không ngại... chửi đội tuyển bóng đá của mình nhiều nhất, thì có lẽ truyền thông Việt Nam đứng ở phía ngược lại: Ve vuốt và nâng niu đội tuyển hết sức có thể, né tránh mọi điều tiêu cực mà đội bóng đã thể hiện.
Làm thế nào một trận đấu như chiến thắng trước Campuchia ngày 19/12 vẫn có thể được khen ngợi, và không nhận lấy bất kỳ chỉ trích nào trên sóng truyền hình quốc gia?
Có nhiều lý do để kết quả 4-0 này giống một thất bại hơn là một trận thắng.
Thứ nhất, mục tiêu thắng đủ đậm để nhất bảng đã không đạt được. Các khung hình máy quay cho thấy quá rõ sự sốt ruột của ban huấn luyện Việt Nam khi Indonesia ghi bàn ở trận đấu cùng giờ, thể hiện rằng mục tiêu nhất bảng là có thật. Và nó đã không thành.
Nhân nhắc đến trận Indonesia - Malaysia, nực cười thay cho một vị chuyên gia bóng đá kết luận Indo thắng là nhờ "Malaysia bỏ cuộc". Đội bóng bỏ cuộc ấy kiểm soát bóng 53%, và họ tấn công đến những phút cuối cùng.
Một người có hiểu biết về bóng đá như ông Phan lại cũng có thể phán một câu như vậy (dù gần như chắc chắn là ông không hề xem trận đấu kia)! Sự bảo bọc đội tuyển Việt Nam trên sóng truyền hình quốc gia có lẽ đã bước lên một nấc thang mới: sẵn sàng bóp méo cả sự thật.
Sốc, thất vọng.
Sốc, thất vọng.
Thứ hai, mục tiêu giữ sức cho các trụ cột cũng tan thành mây khói. Yếu tố này thì nhìn vào những Quang Hải, Hoàng Đức, Tiến Linh, Quế Ngọc Hải,... là đủ hiểu.
Và thứ ba, đây mới là vấn đề quan trọng. 2 mục tiêu trên không đạt được có phải là bởi lựa chọn chiến thuật sai lầm của Park Hang Seo?
Việt Nam đã có khởi đầu tốt với 2 bàn thắng, nhưng thay vì tiếp tục tràn lên và áp đảo đối thủ - bằng đội hình mạnh vẫn đang có mặt trên sân, họ quyết định lùi hẳn về nhà và cho Campuchia kiểm soát bóng.
Một lựa chọn hết sức bị động và sai lầm, bởi chúng ta đã thấy Campuchia kiểm soát thế trận tốt đến thế nào khi có nhiều bóng. Trong một ngày Phan Văn Đức có rất nhiều quả chạm bóng lỗi, Công Phượng đi bóng phức tạp, không hề hiệu quả trong thế trận phản công cần xử lý sắc bén, Việt Nam khi nhường thế trận cho đội bạn đã gần như mất hẳn sát thương.
So sánh với cái cách mà đội bóng áo đỏ thi đấu ở hiệp 2, sự khác biệt về số cơ hội tạo ra, thế trận, sự chủ động là quá lớn. Nếu bung sức "diệt gọn" Campuchia với 4-5 bàn thắng trong hiệp 1, Việt Nam thậm chí có thể bẻ gãy tinh thần của Indonesia trong trận đấu cùng giờ và kết cục đã rất khác.
Nhưng thầy Park đã lựa chọn chơi theo cái cách thong dong kỳ quặc ở nửa cuối hiệp 1, để rồi hiệp 2 phải vội vã tìm kiếm bàn thắng. Không ai có thể làm tốt nhất điều gì trong khi vội vã, mà cũng chính người đó, tập thể đó hoàn toàn có thể hoàn thành ngon ơ cùng công việc nếu không có áp lực thời gian.
Thực tế thì lựa chọn nào của HLV cũng có cái lý nhất định, nhưng quan trọng là cầu thủ trên sân khai triển ra sao. Về điều này, có thể nhận xét rất kém về những cái tên như Văn Đức và Công Phượng đã nêu ở trên.
Cạn lời.
Cạn lời.
Tại sao đã chọn chơi phản công, biết tốc độ sẽ là vũ khí hiệu quả, lại để Văn Toàn dự bị cho Văn Đức? Thầy Park có ngờ được rằng khi Quang Hải đã cặp giữa với Hoàng Đức, chúng ta sẽ thiếu cầu thủ đá box-to-box kết nối tuyến, kết quả là liên tục phải phất bóng dài ở hiệp 1?
Những vấn đề nêu trên được giải quyết trong hiệp 2 khi số 20 và số 10 được rút ra, nhường chỗ cho Văn Toàn và Xuân Trường. Cảm giác như Park Hang Seo đang đi vào vết xe đổ của Joachim Loew: bị chỉ trích vì bảo thủ, vậy là xoay ra thử nghiệm, thử nghiệm rất nhiều đến nỗi không đúng chỗ (và sự bảo thủ thì vẫn còn ở những vị trí như Phan Văn Đức, thật khó tin khi cầu thủ Nghệ An luôn mặc định có suất đá chính bất kể phong độ).
Tựu trung lại, ngoài kết quả thắng không có gì bất ngờ thì Việt Nam đã thất bại với mọi mục tiêu. Mục tiêu trực tiếp (nhất bảng) - fail; mục tiêu dài hơi hơn (giữ sức) - fail.
Khi kết quả không ổn lắm thì người ta có xu hướng tìm tới màn trình diễn. Nhưng với Việt Nam, màn trình diễn - cũng fail.
Vậy khi nhìn lại, Đội quân Sao vàng đã thu hoạch được cái gì?
Không gì cả.
Vậy thì đây là một chiến thắng, hay là một thất bại toàn diện?
Mục tiêu tiếp theo của Việt Nam sẽ là Thái Lan ở bán kết. Thực tế thì ở một giải đấu như AFF Cup 2020, muốn vô địch thì bạn sẽ phải đánh bại đối thủ sừng sỏ nhất - Việt Nam hoặc Thái Lan, ở bán kết hay chung kết thì vấn đề cũng chỉ là thời gian thôi.
Nhưng với bóng đá Việt Nam nói chung và truyền thông bóng đá nói riêng, vấn đề còn lớn hơn việc phải đá với Thái sớm hơn dự kiến.
Sẽ còn kéo dài đến bao giờ tư duy nịnh bợ đội tuyển, chiều theo một fandom với số đông rất vô văn hoá trên sóng truyền hình quảng bá (thứ tư duy phổ biến từ đài quốc gia đến các đài trả tiền)? Đến bao giờ mới có những luồng tư duy phản biện hợp tình hợp lý được trình bày tới đại chúng, thay vì sẵn sàng đổi trắng thay đen cho phù hợp với bộ phận fandom toxic kia?
Cạn lời.
Cạn lời.
Ngày đó có lẽ sẽ không sớm đến, nếu nhìn vào những bình luận viên, những biên tập viên thể thao trên sóng truyền hình quốc gia. Họ đủ tầm ảnh hưởng để một nhà báo có phiếu bầu chọn Ballon d'Or phải tắt tiếng bình luận cơ mà!
Truyền thông bóng đá ở Việt Nam, hay là cả đại bộ phận mọi loại hình truyền thông nói chung, thay vì dùng sức ảnh hưởng to lớn của mình để giáo dục công chúng, lại vẫn đang chạy theo rating, quảng cáo, tiền, và mọi thứ giá trị vị lợi khác. Nói không quá, định hướng sai lầm ấy cộng thêm nhân sự kém tài, vô tâm và chẳng bao giờ có tầm, cùng tư duy độc quyền đăng băng hoại sự tiến bộ văn minh của xã hội.
Việt Nam thắng Campuchia 4-0. Nhưng trên sân cỏ và trên sóng truyền hình, trận đấu ấy trông giống một thất bại toàn diện hơn là chiến thắng.
_ Ảnh minh họa, sưu tầm từ Internet _
Bên cạnh Spiderum, mình còn chia sẻ các bài viết về bóng đá trên fanpage Facebook. Nếu các bạn quan tâm, xin hãy ghé qua địa chỉ này nhé ^^:
Hoặc nếu các bạn muốn trao đổi, kết bạn với tư cách cá nhân thì đây là địa chỉ FB của mình:
Rất cảm ơn các bạn đã đọc bài viết. Hy vọng đã mang lại cho các bạn điều gì đó có giá trị.
À, cho mình quảng cáo nốt một page Facebook nữa thôi :pp
https://www.facebook.com/20DGL18 là trang Facebook chính thức của cộng đồng bóng rổ do mình xây dựng và quản lý tại Mai Lâm, ngoại thành Hà Nội. Mình luôn tự hào rằng đây là một dự án ý nghĩa, đã tạo nhiều điều kiện được vui chơi, học hỏi cho các bạn học sinh, nên nếu có thể thì mong mọi người có thể ủng hộ nó bằng cách theo dõi hoặc like page nhé, cảm ơn các bạn ^^~