“…Đối với những người sành ăn ở Sài Gòn thì không thể nào không biết đến quán phở Lệ Nguyễn Trãi- một trong những quán phở ngon và đông khách bậc nhất Sài Gòn. Với phong cách phục vụ vô cùng chuyên nghiệp, chu đáo và nhanh nhẹn nên dù phải chờ đợi khá lâu vì quán rất đông khách song các vị khách vẫn cảm thấy rất thoải mái. Tuy nhiên, điều quan trong nhất để có thể thu hút nườm nượp khách tới ăn đó chính là hương vị của tô phở ở đây…”
Trích đoạn từ một bài viết nói về Phở.
Thiếu thốn về nguyên liệu, muốn làm phong phú menu bằng các món xào, kho, hầm, điều đó dường như là khó. Nghèo nàn về vốn sống, các bài viết content quanh đi quẩn lại chỉ mỗi một màu (như đoạn trích trên).
Nhiều người cho rằng, cứ viết thường xuyên, miết rồi bạn sẽ lên tay. Mình lại xem điều này đúng một nửa, tức bạn chỉ quen tay, bởi điều đáng lo ngại hơn cả là cảm giác chán ngán cũng sẽ theo đó mà nảy sinh. Đa phần người viết khi gặp tình trạng như vậy đều tìm tới các mẹo nhằm khơi nguồn ý tưởng hoặc vực dậy đam mê mà không biết việc làm đó chẳng khác nào bạn ra sức bơm cho chiếc xe, nhưng cứ đi được một đoạn xe lại xịt. Bạn bơm. Tiếp tục đi. Rồi lại xịt. Bơm, Đi, Xịt, bạn cứ lặp đi lặp lại cái vòng luẩn quẩn mà không nhận ra vấn đề nằm ở chỗ xe của bạn bị thủng xăm. Hành động cần làm không phải là bơm, mà là lấp đầy. Lấp đầy những lỗ hổng về kinh nghiệm sống.
Bí ý tưởng hay mất hào hứng trong viết chỉ là biểu hiện của một tâm hồn nghèo nàn về nhân sinh quan. Thế nên, cho dù có thể nạp thêm bao nhiêu kĩ thuật viết, update liên tục các trend mới nhất trên thị trường nhưng cứ chỉ được một thời gian, đâu lại vào đấy, nản vẫn hoàn nản. Không ý thức được việc làm giàu vốn sống của mình, có đưa thịt bò Kobe chúng ta cũng thái vội mà mang đi xào hành tây. Một người đầu bếp tài ba cho dù là đậu hũ ông cũng chế biến thành đậu hũ hạng nhất. Công việc của một tay viết cự phách không nhiều hơn bày biện nhân sinh quan của hắn một cách đẹp đẽ, cả hình thức lẫn nội dung, thứ mà các cụ xưa kia từng nhận xét, ý đã dồi dào mà lời nay thêm mạnh mẽ.
“…Sáng đó dù đã ăn sáng, tôi vẫn ghé vào làm một tô. Như thường lệ, người vợ vẫn múc, chồng ngồi tính tiền, người em trai của ngươi vợ thì chạy lăng xăng, khi thì châm thêm chanh ớt, lúc thì lấy trà đá cho khách.Tuổi đời của họ đã chất chồng theo năm tháng. Tôi ăn lần đầu khi mới bảy tuổi, còn họ vẫn ở tuổi tráng niên. Giờ, cặp vợ chồng đã thất thập, người em vợ trẻ hơn cũng ngoài 50. Họ cùng nhau bán phở và già đi cùng nhau suốt 30 năm. Vợ vẫn hỏi chồng câu “cà phê ngon hông mình”, chồng vẫn “tính tiền bàn số 3” còn ông em vợ vẫn “rồi, có liền”. Bà vợ vẫn chửi đứa em ruột như hát hay: “lề mề vậy nên vợ nó bỏ mày phải rồi”. Phở không ngon mấy. So với Phú Gia, phở Dậu, phở Anh, phở Lý Quốc Sư ở Sài Gòn thật khập khiễng. Nhưng có những thứ nó ngon không phải vì vị giác, mà vì cảm giác, cái cảm giác thân thuộc. Tôi hay dẫn bạn đi và nói quán này đã có từ trước Giải phóng, quán kia đã được mấy chục năm và thông tin ấy nó có sức nặng ngay: hẳn nó phải ngon lắm. Bởi nếu không ngon, làm sao nó có thể sống qua ngần ấy năm…”
So với đoạn văn ở đầu bài viết, bởi tác giả đã khéo phô diễn chất liệu từ tuổi thơ của mình, nên dẫu từ ngữ không có gì là cao siêu cả, nhưng cả 237 từ, đọc lên ta thấy có hồn hơn hẳn so với trích đoạn đầu tiên.Vốn sống, lẽ dĩ nhiên, không thể có trong ngày một ngày hai được mà đòi hỏi một quá trình tích luỹ về lâu về dài. Nhưng với khối lượng khổng lồ thông tin ngày nay nếu tư tưởng, kiến thức, không được hấp thu thì chính việc nạp vào người ngần ấy chất có thể làm nổ tung bất kì cái bụng nào ham ăn. Một vài gợi ý cho các content writers về những mỏ tài nguyên quý, giúp tăng cả lượng lẫn chất khi làm công việc sáng tạo nội dung.
Đọc sách.
Sách là kho tri thức của nhân loại. Hiếm có nguồn tài nguyên quý nào lại khuyến khích người ta khai thác mà không lo cạn kiệt như sách. Đọc sách giúp ta nẩy sinh nhiều ý tưởng. Bạn đừng nghĩ học content thì chỉ cần đọc sách liên quan tới viết. Gutenberg phát minh ra công nghệ in mực nhờ vào việc quan sát kĩ thuật ép rượu nho. Bởi vậy sách như mạch nước ngầm không bao giờ cạn, nó làm giải nhiệt bất kì cơn khát nào mang tên cảm hứng hay bí ý tưởng. Nếu bạn muốn học lối văn hiện đại (đơn giản, tinh tế) hãy đọc nhóm Tự Lực Văn Đoàn (Nhất Linh, Thạch Lam, Khái Hưng…) Muốn xem cách tả cảnh, tả hình, tự sự đối thoại thì Nguyễn Du, Tô Hoài, Nam Cao đều là những bậc thầy. Kể đến văn học nước ngoài thì không thể không nhắc những cuốn như Rừng Nauy, Phía Nam Biên Giới – Phía Tây Mặt Trời của Murakami Haruki hay Bố Già (The Godfather) của Mario Puzo đều là những tác phẩm kinh điển cả, chỉ lo không có sức mà đọc hết chứ rừng vàng biển bạc đông tây kim cổ không thiếu.
Xem phim có hội thoại hay
Còn gì tốt hơn khi bạn muốn luyện khả năng dụng ngôn tiếng Việt mà lại có sẵn các bộ phim được chăm chút kĩ lưỡng kịch bản. Không ít những tác phẩm điện ảnh nước nhà làm được điều đó. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân thì phần đông các bộ phim Việt chỉ có những quan điểm lờ mờ về những lập trường của những nhà tư tưởng lớn vốn chưa được tiêu hoá. Thành thử, coi thì hay nhưng để recommend cho mọi người một số bộ phim cỡ như Mùi Đu Đủ Xanh ấy lại là điều khó. Thế nên các bộ phim nước ngoài có thể là một cứu cánh tuyệt vời.
Nghe các kênh Podcast chất lượng
Podcast gần đây là xu hướng mới trong cách xây dựng nội dung. Nếu như viết bạn bị giới hạn bởi số lượng chữ bởi dài quá thì không nhiều người đọc nhưng với podcast bạn có thể đào sâu một vấn đề chỉ trong vòng 30 phút. Chưa kể, một episode thôi cũng có 3-4 host cùng tham gia, tha hồ mà mổ xẻ. Thử ngay với kênh Oddly Normal nhé
Theo dõi các facebook-ers chất.
Thông tin trên mạng xã hội thì nhiều, thượng vàng hạ cám loại nào cũng có. Tin mừng là nếu bạn chịu khó tìm kiếm, không thiếu người viết chuyên nghiệp đảm bảo các tiêu chí từ chất tới lượng.
Thầy Nguyễn Đức Sơn – Lĩnh vực: Thương hiệu, Marketing, Business, Content Writing. Mình xin trích lại lời của một văn sĩ để mô tả lại văn phong của thầy: “Khi nào ta thấy một người viết văn dễ dàng, giản dị và tự nhiên, nên biết rằng nghệ thuật của họ đã lên thật cao rồi, chắc chắn vì đã tốn nhiều công phu tập luyện đến thành như một thiên tính thứ hai”. Ngay cả những post về cuộc sống riêng tư, nếu chịu khó quan sát bạn cũng học được nhiều điều từ thầy.
Nhà biên kịch Bình Bồng Bột– Lĩnh vực: Biên kịch, Báo Thể Thao, Cuộc sống. Phong cách của anh đặc trưng cho lối hành văn hảo sảng của người miền Nam. Khả năng dụng ngôn cũng ở mức cao rồi, tuy nhiên cá nhân mình thì không thích anh lồng sự hài hước của mình vào đa số các post của mình. Những lần đọc đầu tiên giống như luồng gió mới thổi đến. Tươi mát, sáng khoải. Sau này đọc mãi, “bắt thóp” được mỗi khi anh “ngoặt bóng” (cutting inside), mình lại thấy một màu.
Nhà báo Đinh Đức Hoàng (Hoàng Hối Hận) - Lĩnh vực: Nhà báo, Cuộc sống. Hay viết về các vấn đề nóng hổi của xã hội hiện nay. Cách tiếp cận đúng kiểu nhà báo. Chịu khó mày mò tìm hiểu bản chất vấn đề. Bạn đọc sẽ thấy rất nhiều ý mới trong bài viết của anh. Điểm trừ là anh ít viết quá.
Nhà văn Phi Tuyết– Lĩnh vực: Cuộc sống, Tâm Linh. Đa phần các bài viết của chị đều mang thiên hướng của tự do, sự thật, chính vì vậy khi tiếp cận những bài này bạn đọc có thể nảy sinh nhiều câu hỏi rằng: Rốt cuộc đâu là thật đâu là giả? Không chắc các quan điểm chị trình bày sẽ phù hợp với số đông để bạn áp dụng vào công việc nhưng có một điểm chắc chắn nếu đã đọc một lần bạn sẽ bị cuốn vào trong đó.
Chị Linh Phan– Lĩnh Vực: Tác giả sách, chuyên gia tư vấn cha mẹ, huấn luyện viết. Cá nhân mình chưa đọc nhiều sách của chị nhưng ngôn ngữ giản dị được trình bày một cách khoa học qua những bài post là một điểm cộng. Chị Linh cũng là một trong số ít người mình thấy cực kì tâm huyết với những gì mình làm.
Chị Chi Nguyễn (The Present Writer) – Lĩnh vực: Tác giả sách, Học hàm giáo sư giáo dục tại Mỹ. Xuất phát điểm là người làm về các con số nên đọc mỗi bài viết của chị, dù là 200 chữ hay 2000 chữ, bạn cũng có thể dễ dàng nuốt trôi một cách dễ dàng nhờ vào ngôn ngữ giản dị cùng hệ thống luận điểm luận cứ được sắp xếp một cách có khoa học.
Nói chuyện với những người khác ngoài lĩnh vực của bạn.
Hãy ra ngoài và nói chuyện thêm với những người khác về các vấn đề xung quanh cuộc sống, bởi suy cho cùng việc viết cũng không nằm ngoài quy luật đó đâu. Những góc nhìn mới này là chất liệu tốt giúp cho content của bạn “đời” hơn, bớt đi những câu cú mang tính lý thuyết nặng nề.Không phủ nhận các nguồn nguyên liệu quý cho viết không thiếu ở ngoài kia, thế nhưng, nếu phải đánh đổi tất cả những thứ đó để đổi lấy một đức tính thì mình cho rằng điều cần thiết nhất với một người trong lĩnh vực viết là phải biết Quan Sát. Toàn bộ bí mật của nghề viết nằm cả ở đấy. Quan sát xem lòng ta có gì muốn nói với người đồng thời hay không. Văn hay chữ tốt rất cần, nhưng với một người dốc hết tâm can để mà chia sẻ thì dẫu họ dùng chữ có vụng về tới đâu nhiều khi vẫn gây được ấn tượng trong lòng độc giả.
Cũng phải hết sức chăm chú để rút tỉa một khía cạnh mà kẻ sĩ khác không thấy, trên đời này dẫu chỉ là hạt cát, bạn cũng không thể tìm thấy hạt cát nào giống nhau đâu, huống chi là con người sinh ra thể chất khác nhau, tinh thần khác nhau, một quả tim khác nhau. Đọc trích đoạn sau của Vũ Bằng trong Món Ngon Hà Nội, cá rằng ông phải quan sát tinh tế lắm lắm mới thấy được những góc mà ngay cả người sành ăn Phở đôi khi cũng không biết vì sao Phở ngon đến vậy.
“Ngay từ ở đằng xa, mùi phở cũng đã có một sức huyền bí quyến rũ ta như mây khói chùa Hương đẩy bước chân ta, thúc bách ta phải trèo lên đỉnh núi để vào chùa trong rồi lại ra chùa ngoài. Ta tiến lại gần một cửa hàng bán phở, thật là cả một bài trí nên thơ. Qua lần cửa kính ta đã thấy gì? Một bó hành hoa xanh như lá mạ, dăm quả ớt đỏ buộc vào một cái dây, vài miếng thịt bò tươi và mềm, chín có, tái có, sụn có, mỡ gầu có, vè cũng có... Người bán hàng đứng thái bánh, thái thịt luôn tay, thỉnh thoảng lại mở nắp một cái thùng sắt ra để lấy nước dùng chan vào bát. Một làn khói tỏa ra khắp gian hàng, bao phủ những người ngồi ăn ở chung quanh trong một làn sương mỏng, mơ hồ như một bức tranh Tàu vẽ những ông tiên ngồi đánh cờ ở trong rừng mùa thu.Trông mà thèm quá! Nhất là về mùa rét, có gió bấc thổi hiu hiu, mà thấy người ta ăn phở như thế, thì chính mình đứng ở ngoài cũng thấy ấm áp ngon lành. Có ai lại đừng vào ăn cho được... ”