Bạn vừa xem xong một bộ phim, bạn cho rằng nó rất hay và ý nghĩa. Cảm xúc dâng trào, bạn muốn viết ngay một bài review bày tỏ quan điểm cũng như cảm nhận về bộ phim tuyệt vời ấy. Bạn dành ra cả ngày trời để nghiền ngẫm, tua đi tua lại những chi tiết đắt giá, phân tích từng phân đoạn bạn cho là mang đậm tính nhân văn mà bộ phim muốn truyền tải.

Bạn nghĩ về nó trong bữa trưa, đi làm bạn nghĩ, ngay cả khi đi vệ sinh bạn cũng nghĩ. Bạn hoàn thành tác phẩm của mình và rất tâm đắc với những gì bạn đã viết ra. Bạn hy vọng được nhiều người đồng cảm và cùng đón nhận bài viết này.

Buổi tối, bạn post bài lên trang cá nhân. Bạn có những lượt like, những lượt bình luận đầu tiên, bạn rất vui. Rồi, một comment chê bạn “Viết như hạch, cảm nhận không sâu sắc. Bài viết quá xáo rỗng, hời hợt, không đắt giá”. Bạn bắt đầu cảm thấy xấu hổ. Số lượng người có phản ứng tiêu cực bắt đầu tăng lên nối tiếp nhau. Bạn cực kỳ cực kỳ xấu hổ. Nặng nề hơn có người còn chửi bạn: “Không biết thì đừng có viết review”. Đã quá sức chịu đựng. Bạn quyết định xóa bài. Chấp nhận buông bỏ hết công sức cả ngày trời đầu tư chất xám. Bạn thấy thoải mái trong tiếc nuối, bạn nghĩ có lẽ mình nhỏ bé thật, có lẽ mình không có khả năng. Bạn tự nhủ từ giờ sẽ không viết thêm review một lần nào nữa.

Quen không? Có phải bạn cũng đã từng rơi vào trường hợp tương tự? Xóa bài vì những lời chê bai. Như vậy thì khi nào mới cải thiện được khả năng viết đây? Khi chúng ta bày tỏ quan điểm về một vấn đề nào đó thường sẽ có 3 trường hợp xảy ra: Những người đồng tình, những người chê và những người trung lập. Trớ trêu thay, chúng ta thường tập trung nhiều hơn đến những phản ứng tiêu cực rồi kéo theo cả mớ cảm xúc nặng nề ấy áp đặt vào bản thân. Cuối cùng, chấm dứt hành động viết của chúng ta lại. Vậy trong trường hợp này, chúng ta nên làm gì? Mình sẽ chia sẻ theo góc độ cá nhân và quan điểm của mình.

1. Thay đổi tâm thế viết

Mình thường không nghĩ viết để cố gây ấn tượng với ai đó. Mình viết để chia sẻ góc nhìn, chia sẻ cảm xúc của bản thân. Mình viết để thể hiện những suy nghĩ thành hình, từ đó cảm thấy thoải mái hơn khi được cho mọi người thấy và có ai đó cảm thấy chúng có ích. Nếu bạn nghĩ viết để gây ấn tượng với mọi người rằng bạn có kiến thức ở một lĩnh vực nào đó thì khi bị chê bạn ngay lập tức sẽ có cảm giác nhỏ bé và thường “không coi trọng bản thân”. Điều này làm giảm sự tự tin của bạn đi rất nhiều. Nên thay đổi tâm thế viết vừa khiến chúng ta bắt đầu với việc viết dễ dàng hơn và thoải mái hơn trong khi đưa ra quan điểm cá nhân.

2. Sẽ có người chê.

Bạn đừng kỳ vọng quá cao vào bài viết của bạn sẽ được tất cả mọi người chấp nhận. Khi một quan điểm đưa ra chắc chắn sẽ có người đồng ý hoặc không, bạn không thể tránh khỏi. Làm gì cũng vậy, chắc chắn có những bất đồng, 100 người bạn không thể chiều hết cả 100 được đâu. Vậy thì thà hạ kỳ vọng của bản thân xuống ngay từ đầu đi. Hãy nghĩ rằng: “Bài viết của mình chắc chắn sẽ có người chê” thì khi bị chê bạn sẽ thấy chuyện này cũng bình thường thôi à, có gì đâu mà phải nghĩ. Nhỉ!

3. Sẵn sàng phản biện, sẵn sàng tiếp thu.

Để làm tốt bước này, đầu tiên bạn cần “KHÔNG ĐƯỢC XÓA BÀI”. Vì nếu xóa thì bạn đã chấp nhận việc bạn sai ngay từ đầu rồi, thế thì còn gì để mà rèn luyện nữa. Kệ, ai muốn nói gì thì nói, tôi sẵn sàng phản biện và sẵn sàng tiếp thu.

Có thể sẽ có ai đó nghĩ rằng nó khá ích kỷ nhưng đây là hành động để bạn TIN VÀO BẢN THÂN. Không ai hiểu bài viết của bạn hơn chính bạn cả. Những ý kiến của mọi người hoàn toàn chỉ là những ý kiến cá nhân mà thôi, bạn có quyền nghe hoặc không. Nếu không đồng ý, hãy sẵn sàng phản biện. Đừng yếu đuối. Có thể ngay cả người nhận xét cũng chưa hiểu rõ những gì bài viết của bạn muốn truyền tải. Ngược lại, nếu bạn cho rằng lời nhận xét đó là đúng hãy sẵn sàng tiếp thu. Việc này để bạn tìm ra điểm yếu trong cách viết, giúp bạn nâng cao khả năng và cải thiện hơn rất nhiều. Cứng lên nhé vì không ai hiểu bài viết của bạn hơn chính bạn đâu.

Đó chính xác là những gì mình đã làm để giữ sự tự tin qua những bài viết. Mới bắt đầu thì ai cũng gặp phải tình huống này rồi. Mong rằng bài viết sẽ giúp được bạn một chút gì đó và góp phần để bạn tự tin hơn trong quá trình rèn luyện khả năng viết của bản thân.