Hồi mới đọc những bài viết hay, câu văn truyền cảm hứng, những câu chuyện cảm động trên mạng, mình nhận thấy viết là một cách truyền tải rất tốt, thầm lặng nhưng chạm được vào chiều sâu tâm hồn của người đọc. Khi đó, mình nhận ra con chữ có nguồn sức mạnh to lớn để nâng đỡ và giúp một người vững bước tiến trên chặng hành trình gian nan của mưu sinh và mơ ước. 
Cho đến khi tham gia một khóa học viết content và được "lắng nghe" những câu chuyện mang đầy góc khuất của những học viên, mình biết thêm rằng, viết còn là cách những trái tim vụn vỡ, tâm hồn tổn thương và nỗi đau tưởng chừng chai sạn của nhiều người được cất tiếng sau hàng chục năm bị chôn vùi. 
Trong cuộc sống, có nhiều chuyện chúng ta chẳng thể giãi bày cùng ai, dù thân thiết và gần bên đến mức nào. Trên hành trình trưởng thành, ai cũng có những thương tổn vô hình hằn sâu trong ký ức tạo nên những mô thức ẩn chìm chi phối cả cuộc đời. Và giữa những vòng xoáy của sinh tồn, ai mà chẳng có những lúc muốn thét lên vì nỗi bất lực, bế tắc đang giày vò tâm can mỗi giây phút còn sống. 
Nhưng tiếc thay, cuộc đời không cho phép chúng ta yếu đuối. Khi đã mang mác "người trưởng thành", chúng ta phải vui, phải cười, phải luôn niềm nở để hoàn thành mọi trách nhiệm. Trách nhiệm của người làm công, của người cha, người mẹ; trách nhiệm của người chủ gia đình, của người chồng, người vợ; trách nhiệm của một người em, người con, người cháu,…
Xã hội và những người gần bên luôn đề ra một quy chuẩn hành xử cho mỗi vai trò chúng ta mang vác. Để rồi, cái gánh nặng trên vai mỗi người cứ to, cứ nhiều và nặng dần lên. Có người may mắn, lê lết hết cuộc đời dài. Có người vùng lên để rồi bị gán những cái mác là nóng nảy, vô dụng, không biết điều. Nhưng cũng có người, đã lựa chọn từ bỏ, nằm xuống và rũ hết trách nhiệm bằng những quyết định không thể vãn hồi. 
Như chia sẻ của Thiền sư Minh Niệm mà mình từng nghe, muốn vượt qua khổ đau, phải chấp nhận mình đang đau khổ, phải nhận ra nguồn cơn của những hoang mang, chới với, chông chênh của chính mình. Còn một người cứ sống mãi với niềm tin mình rất khỏe dẫu vết thương không ngừng đổ máu thì chẳng ai giúp được, dẫu là bậc chân y tiếng tăm lẫy lừng. Quan sát trong cuộc sống và vẻ ngoài luôn tỏ ra là mình ổn của mọi người, chúng ta không hiểu được:
Đó là thể là một người phụ nữ sống cuộc đời cô độc, tự ti về gia cảnh vắng mẹ thiếu cha và chọn con đường giáo dục tự nhiên bởi những ám ảnh đòn roi, chì chiết từ thơ ấu. 
Hay một cô gái sẵn sàng "xù lông" lên với những điều không như ý và dễ buông ra những lời lạnh lùng bởi nỗi ám ảnh to lớn vì bạo lực gia đình từ thời bé, chọn cái nhìn tiêu cực vì nỗi sợ cảm giác hụt hẫng nếu lỡ đánh mất những hạnh phúc kề bên. 
Cũng có một chàng trai từng trải qua những trận đòn roi, chửi mắng từ người cha để rồi những vết hằn tâm lý trở thành lối hành xử thô lỗ và thiếu tỉnh táo trong các mối quan hệ tình cảm. 
Thường thì, tự chúng ta quên mất những nỗi đau bởi muôn lớp phủ của trách nhiệm, quy chuẩn và yêu cầu từ cuộc sống. Chỉ khi chấp nhận "mình không ổn", chấp nhận phần thiếu sót của chính mình và "đối thoại trực diện", hành trình quay vào bên trong để tìm kiếm rồi chữa lành những vết thương ẩn sâu mới thực sự mở ra. Trên hành trình ấy, ta tìm cách để bản thân không còn sống trong nỗi dằn vặt. Thay vào đó, ta được sống với niềm tin vào sự vẹn toàn, tốt đẹp và đầy thiện lành của bản thân. 
Giữa muôn vàn cách thấu hiểu bản thân, viết là một cách riêng tư, kín đáo và tiện lợi để chúng ta đối diện, lắng nghe và vuốt ve những nỗi đau âm ỉ ở tận đáy sâu tâm hồn của mình. Bạn có thể viết nhật ký, post facebook và set only me hay dùng các ứng dụng trên điện thoại, như mình. 
Chỉ mong, bạn hiểu rằng, trên hành trình lớn lên, mỗi chúng ta đều mang những vết thương. Mà theo triết lý nhà Phật, có đau khổ, mất mát, chúng ta mới được thôi thúc trưởng thành. Vậy nên, đừng tự ti về những "món quà" được cuộc sống "trao" theo cách chưa được dịu dàng lắm.
Chỉ mong, bạn có thể đối diện với những nỗi đau, và từng chút một chấp nhận mình đang "rỉ máu", để kịp thời "chữa lành". 
Chỉ mong, bạn đồng ý để một ai đó lắng nghe và san sẻ vất vả cho bạn, dẫu nhiều hay ít. 
Chỉ mong, bạn vượt qua được cơn bão lớn như muốn nhấn chìm và cuốn phăng mình đi bất kỳ lúc nào.
Chỉ mong, bạn có thể "viết ra", "nói lên", "gọi tên" những điều làm mình đau khổ. Để "khổ đau" không là còn "mảng màu lớn" trong bức tranh cuộc đời, mà là chất liệu để bạn lĩnh hội những bài học quan trọng, giữa một kiếp người.
Art: Sumi. Manga: Vagabond
Art: Sumi. Manga: Vagabond