VIẾT VỀ LONG BIÊN - CÂY CẦU ĐI BÊN TRÁI! 
Ở Hà Nội nhiều thế hệ, nhiều lớp người, họ đã quá quen hay hẳn là đã gắn bó với những cây cầu. Từ khi sinh ra và lớn lên ở đây tôi đã đi qua cây cầu ấy dễ đến cả ngàn lần. Tôi yêu cây cầu đó, bởi lẽ nó là sự thân quen và quá thân thuộc với tôi. Nhiều người họ yêu cây cầu bởi cái cổ kính, bởi cái đẹp thầm lặng của nó.

Đáng lẽ cây cầu này được người Pháp đặt theo tên người kiến trúc sư Paul Doumer nhưng chẳng biết vì lý do gì nó lại được người dân nước ta gọi bằng một cái tên thân thuộc Long Biên.Cái thời của hơn 100 năm về trước, nó từng chứng kiến sự bùi ngùi chia tay trên ga, nó chứng kiến những gánh rau xanh, những gánh hàng thực phẩm từ bên bờ kia chuyển vào Hà nội, nó từng “rung động’’ cho những đầu máy hơi nước, những chiếc xe tay kéo, rồi xe chạy than, xe chạy dầu, hay xe Đi - e - zen chạy qua. Còn bây giờ nó lại tĩnh lặng ngắm cảnh người xe nườm nượp qua lại. Xe ga, xe số, ô tô, à hình như chẳng có ô tô chạy qua nữa. Rồi trên đường ray nó không chỉ vui mừng keo lên khi những tiếng còi báo hiệu tàu vào ga mà còn chứng kiến sự can trường của những shoot hình nghệ thuật. Lấp ló những váy cưới, áo dài.
Tôi yêu Long biên, yêu 1680 m đường cầu, yêu những nhịp thép, dầm thép lớn được đặt mang về từ Pháp. Tôi yêu cái công sức của những người đã ngoi ngụp dưới dòng chảy của con sông Hồng để xây chân cầu - những chân cầu từ những khối đá lớn. Yêu cái ngạo nghễ sau 3 năm xây dụng, cây cầu hiên ngang khoe dáng trước sự thán phục của mấy ông người Pháp. Tôi yêu bởi sự đặc biệt của nó !
Tôi vẫn thường nói, Long biên là cây cầu đi bên trái (không biết có phải do ở phương tây họ đi bên trái không ?!?!). Nó thật là ngang ngược với cái lối đi phải đường của ta nhưng thật kì lạ, người dân họ đi qua chẳng mấy ai để ý đến chuyện ấy. Hay nó đã trở nên thân quen quá đỗi để rồi không còn là vấn đề “tây hay ta” nữa.

Thời của Long Biên, là dấu ấn trên kiến trúc của cầu, hay nói cách khác, Long Biên là hiện thân của giai đoạn lịch sử đó. Cái thời ấy chắc hẳn chẳng có Audi hay Camry, hay vài hãng xe khác như bây giờ, vẫn có ô tô, vẫn có xe máy nhưng là cái thời mà đôi khi phải nhờ mấy anh “ vệ sĩ lôi” kéo mấy chiếc xe chết máy để thông cầu và có lẽ người ta vẫn thân quen với mấy anh xe đạp, xe tay kéo, hay người ta còn gánh hàng đi bộ nữa kia. Chắc phải vậy rồi thì cầu Long Biên mới có nguyên một phần bệ cao hơn mặt cầu khoảng vài phân để dành cho người đi bộ chứ. Soát lại thì hình như bây giờ chẳng có cây cầu nào mà để một bệ cao cho người đi bộ cả. Long Biên không rộng nhưng phục vụ đủ mọi thức di chuyển, thỉnh thoảng ở vài đoạn cầu lại có chỗ phình ra để xe sau xin vượt lên. Thật hợp lý quá mà.
Long biên có phải là quá đặc biệt rồi không, nó đặc biệt ngay cả khi chẳng mấy người nhận thấy sự đặc biệt của nó. Một cây cầu, nhưng nhiều kỷ niệm, nó thi vị như một nét lãng mạn của Pháp trong lòng một thành phố cổ kính. Tôi nhớ tác gia Ngô Văn Phú từng dề xuất mở một bảo tàng ở đầu cầu để trưng bày những gì là kỷ niệm với Long Biên, với Hà Nội. Hay trùng tu Long Biên theo dáng ban đầu của nó, hay cách khác là để Long biên như một bảo tàng lịch sử ngoài trời, có lẽ thật ý nghĩa. Giờ để sang bên kia sông người ta có thể đi qua các cây cầu khác, như Thăng Long, Chương Dương, ... Tôi cũng mong một lần được thấy cái đầu máy Đi - ê - zen là như thế nào, hay những chiếc xe 2 kì, những xe tay kéo, thấy hình ảnh thanh lịch của các cậu, các mợ Hà Nội. Những đôi guốc, đôi giày tây từng đi qua cầu. Những hình ảnh của ngày xưa ấy.
Có thể hôm nay, ngày mai, vẫn có người nhắc đến Long Biên như một nét đẹp xưa cũ, nhưng đến khi những người như tôi trở thành người thiên cổ thì Long biên có còn ở đó nữa không, có còn soi bóng dưới nước sông Hồng đỏ rực không. Hay có nhà văn nào còn viết đến Long Biên nữa không. Đó là một miền ký ức, một kỳ mong mỏi.