Ngày đầungày giữa là gì? Ngày đầu là những ngày bạn bắt đầu đi học, chạm phải những khó khăn và cả thích thú đầu tiên. Ngày giữa thì như các bạn đã thấy, nó sẽ kéo dài mãi và lưng chừng. Có những ngày khó khăn, có những ngày bình thường, có những ngày tìm tòi suy nghĩ. Là đa dạng sắc màu. Còn ngày cuối... là ngày mà bạn quyết định không bao giờ tập đàn nữa.
Giữa "tập" và "chơi" vốn dĩ khác nhau. Theo logic cuộc sống, muốn làm được gì đó, bạn phải lên kế hoạch, xác định mục tiêu, rồi lao đầu vào tập luyện, kỉ luật để đạt được mục đích đó. Trong lúc "tập", nhiều kĩ thuật sẽ phải tuân theo, nhiều quy tắc phải thực hiện để không bị tốn thời gian. Đó có thể là luyện nghe, luyện ngón, luyện bài. Nếu chỉ tập mà không ý thức cái mình đang tập, thì công cốc.
Còn thế nào là "chơi"? Có nhiều cách định nghĩa khác nhau. Với mình, "chơi" là trạng thái "tập trong vô thức". Một ngày hứng chí, bạn ngồi vào đàn, đàn lung tung những gì vừa học được, muốn gì chơi nấy, vấp thì đàn lại, đàn xong muốn đàn nữa thì đàn lại tiếp, đến khi nào mắt mờ, đầu quay mòng thì ngừng. Chơi đàn: tức là một mình, hoặc cùng lắm là xoắn với "đồng đội". Bạn không thể chơi khi có quá nhiều khán giả. Đa phần là vậy. Một người bình thường học nhạc thì không thể tận hưởng khoảnh khắc sân khấu. Vì lúc biểu diễn, là lúc mình lo sợ, và mình vấp, hoặc không. Tùy tính cách. Nhưng đa phần sẽ vấp thôi. Thế là lại cố gắng tập trung sao cho không vấp. Đàn mà không thư giãn vì áp lực trước nhiều con mắt, đó chẳng phải là "chơi".
Quay lại với những khó khăn khi bạn học đàn, cho dù là ngày đầu hay ngày giữa, bản chất khó khăn chỉ gói gọn trong một chữ "VẤP":
- "Sao cứ hở tí là vấp nhỉ?"
- "Sao tập nhiều thế mà vẫn vấp nhỉ"
- "Đoạn này chơi hợp âm, chơi nốt gì nhỉ chưa kịp cảm âm ra... - ôi vấp!".
Những ngày đầu bạn có thể tặc lưỡi cho qua: "Mới học mà, vấp là bình thường". Nhưng nếu thử học trong 1 năm, 2 năm mà vẫn vấp, thế là lo sợ và áp lực, và nản. Gọi là "mất nhiệt huyết tạm thời". Dù sao thì vẫn phải chuẩn bị cho buổi biểu diễn, nên phải tập, ép mình tập. Sau nhiều tiếng vật lộn, vẫn là vấp, dù bạn nhận ra mình đã ngồi rất lâu. Bạn tự nhủ ngày hôm sau sẽ ổn hơn. Nhưng ngày hôm sau, lại vẫn chỗ đó. Bạn vấp.
Thôi dẹp!
Giờ bạn là người phải chọn đi tiếp hay bỏ cuộc. Nếu đi tiếp, thì phải tìm cho ra lí do "tại sao tôi vấp". Có thể tôi sẽ "chia nhỏ" bài tập ra, "tập chậm rồi tăng tốc độ" lên. Có vẻ thành công một chút, nhưng qua ngày hôm sau, mọi thứ quay về điểm xuất phát. Đến một lúc, phát ngán cái bài mình đang tập rồi, không thể nghe thêm nữa. Thôi thì nghỉ vài hôm.
Lại một ngày khác, bạn quyết tâm sẽ học cảm âm cho tốt. Bạn nhận ra "Listening is King", dù nó là học ngôn ngữ, hay học nhạc. Thế là bạn ấp ủ dự định sẽ luyện nghe. Bắt đầu là nghe nốt trắng. Rồi nghe quãng. Sao mà khó khăn quá. Nghe thì được đấy, nhưng phản xạ vào bài thì không nhanh. Không thể nhận biết nhanh được. Tham khảo ý kiến của người khác, bạn nhận ra rằng mình phải "thực chiến". Tức là "nghe, mò và bắt chước" những bài hát. Càng nhiều càng tốt.
Bạn lao đầu vào tập và nhận ra nhiều thứ hay ho. Dù sao thì cũng rất cực. Nhưng vì một mục tiêu mù mờ nào đó mà không biết có đạt được không, bạn tự nhủ mình tiếp tục.
Nhưng đến một lúc, bạn nhận ra, thứ duy nhất bạn thiếu, là "thời gian".
Cái khó khăn duy nhất là những nhiệm vụ trống rỗng lấp đầy một ngày, là tâm trí chỉ đủ chỗ cho hữu hạn. Đến một ngày, ngồi vào đàn, bạn không biết mình có bao nhiêu thời gian cho buổi tập hôm nay. 30p? 1 tiếng? Thời gian bạn có, nhưng thời gian ít ỏi thế, không đủ để chìm vào bài hát.
Bạn cần một buổi tập nhiều tiếng liền, cần sự tập trung tuyệt đối. Nhưng bạn nhận ra tâm trí đã bị lấp đầy bởi những điều thực tế khác. Những ngày sắp tới bạn sẽ chỉ "chơi" đàn, để cảm giác ngón tay vẫn hoạt động. Mà tâm trí thì không còn chìm vào bài hát nữa.
Thế là phải chờ thời cơ tới thôi. Vì khó khăn là dĩ nhiên rồi.
Piano Chill
16/11/2021