Bộc bạch đôi chút về tuổi thơ và sự học.
---
Thuở thiếu thời mình có một vài kỷ niệm với các thầy cô của mình. Người dạy mình thì nhiều lắm, nhưng người mà để mình khắc ghi, vóc dáng, tên, tính cách và cảm nhận thì chỉ có một vài người. Đầu tiên là cô Hồng, cô dạy môn Công nghệ và cũng là chủ nhiệm năm lớp 6 của mình. Điểm mình nhớ nhất chính là sự dũng cảm của cô khi đánh liều đề bạc mình trở thành học sinh giỏi, lọt vào top 10% giới tinh anh của trường khi đó. Dù thành tích của mình kém xa cô bạn lớp phó học tập đang ngồi cạnh cùng.
Người thứ hai là cô Mẫn, đang dạy môn Vật lý và là chủ nhiệm năm lớp 7 mình học. Hôm đó là vào ngày họp phụ huynh, khi ai nấy cũng đều mang theo chiếc "phong thư thành ý" thì trên tay mình chỉ có đúng 1 túi bột ngọt Ajinomoto, nặng chừng 1kg do ngoại mình chuẩn bị. Vì ngoại già yếu không có phương tiện di chuyển, cũng không ai có thể thu xếp được thời gian. Nên những năm học cấp 2 mình đều tự đi họp phụ huynh cho chính mình. Khi mình lấy chiếc túi bột ngọt đang nằm trong ngăn bàn ra để tặng cho cô thì ai nấy cũng đều cười, duy chỉ có cô Mẫn là bật khóc trước cả lớp, nhẹ nhàng lấy bàn tay êm dịu của cô xoa đầu mình. Từ khoảnh khắc ấy cho tới cuối buổi họp, mình không còn nghe thấy một tiếng cười đùa nào nữa.
Người cuối cùng, đây là người mình muốn nhắc đến nhiều nhất, đó là thầy Dũng. Thầy không phải chủ nhiệm, mà là giáo viên phụ trách môn Toán năm mình học lớp 8. Thầy có vóc dáng cao, to, luôn mặc bộ sơmi kiểu Tây có chiếc áo lót chuyên để thấm mồ hôi bên trong. Thầy để mái tóc 7 phần 3, chuẩn chỉnh hình mẫu của một người thầy giáo. Thầy rất kỷ cương và nghiêm khắc, hầu như những ai đều từng học với thầy cũng sẽ ám ảnh cái kiểu cách dạy học nghiêm nghị và khắt khe ấy.
Năm đó bịnh mình trở nặng, căn bịnh xuất hiện từ sau hậu ly hôn của ba mẹ và không có một ai để mình được thấu hiểu. Mãi đến sau này mình mới có thể gọi tên được cho nó, "trầm cảm".
Từ đó mà việc học của mình sa sút, tất cả các môn đều có nguy cơ rớt hoặc phải thi lại. Lúc bấy giờ ba của chị họ mình bị suy yếu, phải nhập viện cấp cứu. Nhưng vì thương em nên đã đèo mình vào bệnh viện cùng để ôn tập cho kỳ thi cuối năm. Những ngày đó, mình và chị hầu như đều thức suốt đêm đến rạng hôm để học bài và chăm bịnh. Kỳ thi đến, kết quả không phụ lòng hai chị em. Khi điểm thi được công bố thì tất cả các môn đều đủ đạt điều kiện xét duyệt học sinh ưu tú. Nhưng chỉ có môn Toán, môn của thầy Dũng là mình được chấm 3,75Đ. Mình bị mất gốc toán, và chỉ trong đó thời gian ôn tập nên dù gắng hết sức nhưng khả năng của mình chỉ tới đó. Mình không lo sợ nếu phải ở lại lớp, chỉ sợ điều này sẽ khiến ngoại buồn mà làm cho bịnh tình của ngoại trở nặng thêm.
Hôm công bố danh sách chính thức thi lại và ở lại môn Toán, thầy Dũng bước vào lớp như mọi hôm, nhưng nay hình như thấy ở thầy có gì đó khác lắm. Lúc bước qua mình, thầy vuốt nhẹ mái tóc của mình và giao tiếp bằng một ánh mắt xúc động. Thiết nghĩ thôi xong, kiểu này chắc ở lại lớp thật rồi. Khi danh sách được thầy công bố lần thứ nhất, không thấy tên của mình. Tưởng do mình không tập trung nên đã không nghe thấy, thầy đọc lại lần thứ hai. Lần này mình phớt lờ các cuộc trò chuyện riêng để dồn lực tập trung nghe kĩ, Văn Long, Phước Thịnh, Văn Khoa, Kim Nhân.. Vẫn không có tên của mình, lần này mình mới ý thức được có điều gì đó không đúng ở đây.
Đọc xong, thầy rời khỏi ghế và bước đi ra khỏi lớp. Lúc ấy mình lờ mờ nhận ra, thầy vừa đánh đổi mấy mươi năm nghiêm khắc và kỷ cương của mình để đặt cược vào tương lai của cậu học trò bé nhỏ. Đúng vậy, mình được lên lớp mà không gặp trở ngại gì, dù điểm trung bình môn Toán của mình dưới 4 chấm. Mình nhớ rõ, khi thầy chuẩn bị bước qua, một tay của thầy vẫn đút túi quần Tây đen. Tay còn lại chính là bàn tay mà thầy đã dùng nửa đời người để cầm phấn, thầy đặt nó lên vai mình và xoa nhẹ. Khi đó mình vẫn còn khá sốc, nhìn vóc lưng lịch lãm của thầy ung dung ngoảnh đi, lúc đó mình được thay đổi. Từ phong cách đi đứng, ăn mặc, hay phong thái giao tiếp của mình. Cũng đều được chịu sự ảnh hưởng từ thầy cho đến tận bây giờ.
Mình nghĩ, đời học sinh không cần nhiều, chỉ cần gặp vài ba người như cô Hồng, cô Mẫn và thầy Dũng là đủ. Những nhà giáo dục thật sự, những người mà mình muốn dành cả đời để ghi nhớ.
Biết ơn và kính trọng.
Mai Văn Liêm
---
Đầu tuần, ngày 20/11.
Cập nhật lại chiếc ảnh bìa mới.
Chụp bởi một cô gái đánh đàn rất hay.