Tôi viết để không còn sợ nữa
“Viết làm gì cho tốn thời gian, dành thời gian mà đi làm kiếm tiền ấy.”
“Viết làm gì cho tốn năng lượng, dành thời gian mà dạo phố mua sắm hay giải trí ấy.”
“Viết làm gì cho tốn công tốn sức, dành thời gian mà làm cái gì hữu ích hơn ấy.”
---
Đây là những lời thoại nảy lên trong tâm trí trong khoảng thời gian đầu tôi nhen nhóm ý tưởng chạy một trang blog cá nhân. Có rất nhiều nỗi sợ thường trực khi suy nghĩ về hành động này, từ nỗi sợ bị người khác đánh giá hoặc chỉ trích cho tới nỗi sợ về chất lượng bài viết khi đăng tải hay nỗi sợ sẽ không có độc giả theo dõi. Dù nỗi sợ đó là gì đi chăng nữa, tôi biết nó đều xuất phát từ sâu thẳm trong chính tâm hồn mình, những gì mình không muốn mất đi sẽ trở thành nỗi sợ của mình. Hay nói cách khác, khi thấy bản thân sợ hãi một điều gì đó, thì đó chính là lúc tiếng nói nội tâm của mình lên tiếng, rằng có điều gì đó đang không ổn trong tinh thần, cuộc sống của mình.
“Ừ, vậy thì càng sợ mình càng phải làm” - tôi bất chợt nghĩ vậy. Vì sao ư?
Khi tôi sợ, đó là dấu hiệu tốt, cho thấy tôi đang bắt đầu một hành trình mới, vượt ra vùng an toàn bao gồm những nhiệm vụ quay vòng, những mối quan hệ quá quen thuộc và những quan niệm bấy lâu nay tôi tin tưởng. Khởi đầu với nỗi sợ là thách thức, nhưng cũng là tín hiệu cho thấy tôi có thể làm nhiều hơn những gì mình đang làm. Tôi tin mình có thể tạo ra nhiều giá trị hơn mình đang xây dựng và học hỏi được nhiều tri thức mới.
Khi tôi sợ, tôi biết mình cần vận hết nội công để làm cho tốt điều đó, vì chỉ khi nỗ lực đủ nhiều, kết quả mới chứng minh được liệu điều đó có thực sự đáng sợ hay không. Nếu mọi việc tiến triển tốt, vậy thì còn gì bằng. Còn nếu mọi việc không tốt, đó là trải nghiệm đáng nhớ, là lúc tôi nên cân nhắc và xem xét lại con đường mình đang đi và thay đổi bản thân. Khi không mù quáng chạy theo cuộc đua giành được ngôi vị quán quân do chính tâm trí mình tạo nên, con người ta sẽ tập trung hơn vào quá trình mình đi và tận hưởng từng giây, từng phút ở hiện tại.
Trong bộ phim The Karate Kid (2010), ở hiệp đấu võ cuối cùng, cậu học trò Dre Parker dù chân đang rất đau, gần như không thể đứng lên nổi, vẫn yêu cầu người thầy của mình sử dụng phương pháp cạo gió để có thể tạm thời lên sàn đấu. Khi được hỏi vì sao lại muốn làm như vậy đến cùng, cậu bé nói “I'm still scared. And no matter what happens tonight, when i leave, I don't want to be scared anymore” (Vì con vẫn sợ. Và dù tối nay có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, khi con rời đi, con không muốn sợ hãi nữa). Tôi vẫn nhớ như in lời thoại này và áp dụng nó cho tất cả sự kiện trong đời, mãi cho tới tận bây giờ và chắc chắn trong cả tương lai nữa. Bởi vậy, khi nỗi sợ được đặt lên bàn cân, tôi không còn cảm thấy sức nặng khủng khiếp của nó như trước nữa.
Một khi nỗi sợ đã được bóc tách và thấu hiểu, tôi lại chẳng sợ điều gì nữa. Thay vào đó, tôi coi nỗi sợ là bạn. Bởi lẽ nếu không sợ, tôi đã không bắt đầu hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo của mình. Nếu không sợ, những trái ngọt trong cuộc sống tôi nhận lại cũng không còn nhiều ý nghĩa nữa. Vậy nên, giờ mỗi khi có ai đó hỏi tôi “Vì sao tôi viết?”, tôi chẳng ngần ngại mà trả lời rằng, tôi viết để không còn sợ nữa. Những nỗi sợ trực chờ như sợ bị đánh giá, bị chỉ trích, bị phán xét nhờ đó mà cũng nhẹ như sợi tóc.
Ừ thì viết tốn thời gian đấy, nhưng đây là khoảng thời gian tôi thực sự soi chiếu sâu vào lòng mình xem có giọng nói nào đang muốn lên tiếng không. Liệu trong nhịp sống hối hả này, tôi có đang bị cuốn theo một niềm tin, một mối quan hệ, một môi trường nào đó mà không đồng nhất với những giá trị mà tôi muốn tạo dựng trong cuộc sống hay không? Nếu có thì đấy là lúc nỗi sợ bập bùng, và nhờ viết lách, tôi sẽ xử lí ngọn nguồn nỗi sợ đấy để tìm về bản chất nguyên thủy của mình, nuôi dưỡng tâm hồn thuần khiết như mình khi sinh ra.
Ừ thì viết tốn năng lượng đấy, phải sắp xếp câu chữ sao cho chúng tạo thành nghĩa, phải sử dụng ngôn ngữ sao cho phù hợp với văn viết. Nhưng đây là những năng lượng tích cực đã được chuyển hóa trong quá trình sắp xếp các ý nghĩ, các cảm xúc trong lòng và chuyển thành ngôn từ có thể chia sẻ được ra thế giới bên ngoài. Chỉ khi có thể giải tỏa mớ bòng bong trong lòng, ta mới cảm thấy cơ thể nhẹ bẫng, trút bỏ đi được những âu lo trong cuộc sống. Năng lượng tích cực này không nhất thiết luôn phải là những chuyện vui long trời lở đất, khiến mọi người cười ha hả, ngay cả những sự kiện buồn cũng có thể được chuyển hóa nếu như được sắp xếp theo cách ta có thể chấp nhận và coi nó là một phần tất yếu.
Và cuối cùng thì, viết tốn công tốn sức chứ. Có ai yêu cầu ta phải dành hàng giờ ngồi gõ lạch cạch hay sột soạt trên trang giấy đâu, lại mua việc vào người. Nhưng ấy là cách tôi dùng để học hỏi và phát triển bản thân. Không chỉ là học hỏi việc viết thế nào để cho người khác đọc, mà để cho chính tôi khi nhìn lại những dòng suy nghĩ của mình có thể nhận ra tôi đã trưởng thành ra sao. Lời nói gió bay, nhưng những gì tôi để lại là giấy trắng mực đen, là những bài đăng có thể được lục lại hay nhắc nhở, nhờ có chúng mà tôi lớn lên mỗi ngày.

Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất