Thi sĩ: Trước lúc rời đi, xin người hãy cho tôi biết: Đâu là điều tồi tệ nhất ở thế gian này?
Agnes: Chính là chuyện (loài người) chỉ tồn tại. Ta biết rằng tầm nhìn của mình đã bị mắt làm lu mờ, thính giác thì bị tai làm nghễnh ngãng và suy nghĩ tươi sáng của ta mắc kẹt giữa mê cung xám xịt của tâm trí. Đã bao giờ ngươi thấy một tâm trí chưa?
Thi sĩ: Vậy người đang nói tôi rằng đấy chính là sự lầm lạc của loài người hay sao? Chúng tôi có thể khác đi được chăng?
- Vì sao Phật giáo giàu chân lý - 
Trên đây là đoạn đối thoại được trích trong vở kịch A Dream Play được August Strindberg sáng tác năm 1902. Nhân vật chính trong vở kịch này là Agnes. con gái của thần Indra (trong đạo Hindu), nàng đã hạ phàm theo lệnh của cha và chứng kiến nhiều thực trạng đau đớn, bất công ở chốn trần thế.
Vì sao Phật giáo giàu chân lý là một cuốn sách khiến mình tò mò rất nhiều khi bắt đầu đọc tựa đề, và càng làm mình bất ngờ hơn khi mình đọc từng trang từng trang của sách. Vì sao Phật giáo giàu chân lý chọn cách giải thích tôn giáo - nhìn Thiền và Giác ngộ từ góc độ khoa học và triết học. Tác giả là một nhà báo nổi tiếng và là một chuyên gia về tâm lý học tiến hóa, Robert Wright. Ông đã dành hơn 10 năm nỗ lực để đánh giá hay ít nhất là nối kết những quan điểm cốt lõi của Phật giáo cũng như những kinh nghiệm thiền quán của bản thân ông, với những lý thuyết trong ngành tâm lý học tiến hóa và sâu hơn là với những nghiên cứu mới trong ngành thần kinh học.
Một trong những phần hay nhất đã để lại ấn tượng cho mình là việc trả lời câu hỏi: Cảm xúc của chúng ta là thật hay giả?
Trong triết lý Phật giáo, cảm xúc chỉ là cảm xúc. Nếu chúng ta chấp nhận việc chúng xuất hiện rồi thoái lui như một phần của cuộc sống, hơn là phản ứng lại như thể chúng mang ý nghĩa sâu sắc. Ta thường sẽ thấy ổn thỏa hơn. Học được cách thực hiện điều ấy là một bước rất quan trọng trong định nghĩa về thiền chánh niệm. Tuy nhiên, tình trạng ít phản ứng hơn trước một số cảm xúc khiến ta hạnh phúc hơn không đồng nghĩa với việc nó mang lại sự lĩnh hội chân thực hơn về thế giới. Có thể quan điểm ít gây phản ứng hơn này giống như một chất gây mê: nó làm nguôi ngoai nỗi đau bằng cách tách bạn ra khỏi cảm xúc mà thế giới thật đem đến. 
Mặt khác, nếu ta tiếp cận câu hỏi này dưới góc nhìn của tiến hóa học. Cảm xúc/ cảm giác được tự nhiên thiết kế để mã hóa các đánh giá về môi trường xung quanh của chúng ta. Những đánh giá này chủ yếu về chuyện những thứ đó có lợi hay có hại cho sự sinh tồn của sinh vật đang cảm nhận. Do vậy, chúng ta có thể nói rằng các cảm giác/ cảm xúc là “thật” nếu chúng mã hóa đúng - nghĩa là nếu những thứ thu hút sinh vật đến thực sự có lợi cho nó, hoặc nếu những thứ khiến ính vật né tránh có thật có hại cho nó. Chúng ta có thể cho rằng các cảm giác/ cảm xúc là “giả” hoặc có lẽ là “hão huyền” nếu như chúng dẫn sinh vật đi lầm đường lạc lối - tức là nếu chuyện làm theo cảm giác/ cảm xúc ấy dẫn đến những thứ tồi tệ cho sinh vật. 
Ngoài ra, mình cũng muốn trích dẫn một vài chân lý của Phật giáo để bạn đọc tham khảo:
Con người thường thất bại trong việc nhìn nhận rõ ràng về thế giới và điều này có thể dẫn họ đến chỗ đau khổ cũng như khiến cho người khác đau khổ. 
Con người có xu hướng mong đợi sự thỏa mãn lâu dài đến từ việc hoàn thành mục tiêu nhiều hơn những gì sẽ xảy ra trong thực tế. Hậu quả là kéo theo sự thèm muốn liên tục, điều này rất hợp lý khi con người là một sản phẩm của chọn lọc tự nhiên nhưng nó không phải là công thức mang lại hạnh phúc trọn đời. 
Dukkha là một vòng lặp không ngừng khi cuộc sống diễn ra như thông thường. Thực tế này càng rõ ràng nếu bạn dịch dukkha là “sự không thỏa mãn” thay vì cách dịch thường thấy là “khổ”. Các sinh vật, bao gồm con người, được chọn lọc tự nhiên thiết kế để phản ứng trước môi trường xung quanh theo những cách sẽ khiến cho mọi thứ trở nên “tốt hơn”. Điều này có nghĩa là sinh vật gần như liên tục, ở một mức nào đó, rà quét trong phạm vi của những điều khiến mình cảm thấy không vui, không thoải mái, không thỏa mãn.
Cuối cùng, để trả lời cho câu hỏi: Vì sao Phật giáo giàu chân lý? Vì chúng ta là những sinh vật do chọn lọc tự nhiên tạo ra. Chọn lọc tự nhiên cài vào não bộ chúng ta những khuynh hướng mà các nhà tư tưởng Phật giáo thời kỳ đầu đã có những đánh giá đúng đắn kinh ngạc, nếu xét đến những nguồn lực khoa học ít ỏi họ có thể sử dụng khi ấy. Ngày nay, nhờ vốn hiểu biết hiện đại về chọn lọc tự nhiên và về bộ não con người do do chọn lọc tự nhiên sản sinh, chúng ta đã có thể khẳng định về các đánh giá này.