Trong tình yêu, có hai cách để tìm ra "người ấy" (The One). Một là bạn cứ tích cực tìm kiếm, hẹn hò, tìm hiểu nhiều người, cho đến khi tìm được người thích hợp, dành cho riêng bạn. Hai là bạn chấp nhận mối quan hệ hiện tại, thay đổi bản thân để dung hoà được sự khác biệt của cả hai, tìm kiếm ý nghĩa của mối quan hệ trong các hoạt động khác.
Tương tự, trong công việc, chúng ta có hai cách để tìm được công việc thích hợp. Một là thử nhiều công việc khác nhau cho đến khi tìm được công việc phù hợp. Hai là thay đổi góc nhìn về công việc, phương pháp được Giáo sư Amy Wrzesniewski tại Đại học Yale gọi là "Job Crafting"
Trong một loạt thí nghiệm về những người quét dọn tại các bệnh viện, Giáo sư Wrzesniewski đã nhận ra sự khác biệt về cách nhìn nhận công việc sẽ dẫn đến sự khác nhau trong mức độ hài lòng với công việc.
Khi được yêu cầu miêu tả công việc, một nhóm thường đưa ra những miêu tả chi tiết như "chùi sàn, quét dọn, lau nước", trong khi nhóm thứ hai đưa ra những miêu tả rộng hơn về tính chất xã hội như "chào hỏi bệnh nhân, giúp đỡ y tá và bác sĩ nếu có yêu cầu". Thậm chí, thay vì chỉ quét dọn sàn nhà, nhóm thứ hai sẽ còn chú ý lên trần nhà xem có vết bụi nào không vì họ nhận thấy hầu hết thời gian bệnh nhân sẽ nằm ngửa và nhìn lên trần nhà và trần nhà ẩm mốc có thể ảnh hưởng đến tâm trạng bệnh nhân.
Kết quả cho thấy mặc dù nhóm thứ 2 làm nhiều hơn, họ có mức độ hài lòng cao hơn về công việc. Đó là vì họ nhận ra sự quan trọng của công việc trong mối dây liên kết với những người khác.
Job Crafting có thể giải thích cho việc các bác lao công ở Nhật trang điểm khi đi làm, hay các bác bảo vệ đứng nghiêm túc ở cửa ra vào và cuối đầu chào hỏi từng người rất lịch thiệp. Ở một xã hội có tính cộng đồng như Nhật thì họ không chỉ suy nghĩ về những gì họ làm, mà còn là việc hành động của thể hiện điều gì về cộng đồng. Lao công không chỉ là làm sạch, bảo vệ không chỉ là gác cổng, mà họ chính là hình ảnh công ty. Chính vì vậy, dù tính chất công việc có ra sao, họ cũng làm việc rất nghiêm túc và cần mẫn.
Quay lại "JOB CRAFTING", sự tìm kiếm ý nghĩa công việc qua việc thay đổi góc nhìn, đây là khái niệm khá gần với cuốn sách "So good they can't ignore you" của Cal Newport, giáo sư ngành Computer Science tại Georgetown University. Từ khi còn là sinh viên, Newport đã tìm hiểu và viết blog về chủ đề "productivity" và "deep learning practice".
Trong "So Good", Newport cho rằng theo đuổi cái gọi là "đam mê" chỉ là vô ích, vì thực ra người ta chỉ "đam mê" một cái gì đó khi người ta trở nên xuất sắc và hiểu được những ứng dụng và giá trị của lĩnh vực đó mà thôi. Ngược lại, nếu cứ tìm kiếm, bạn sẽ không giỏi trong lĩnh vực nào cả, và bạn cũng chẳng đủ kiến thức để hiểu và "đam mê" bất cứ gì cả.
Tóm lại, bạn là người theo trường phái nào? Tìm kiếm đam mê hay Tự định nghĩa đam mê?