VÌ SAO NGÀY NAY KHÓ TÌM ĐƯỢC PHIM HAY ĐỂ XEM?
bài viết nói về trải nghiệm xem phim ngày xưa và bây giờ, chỉ vậy thôi
Ngày nay, khi một bộ phim mới chuẩn bị được công chiếu ở các rạp phim hay bất cứ nền tảng streaming nào, chúng ta sẽ luôn đặt câu hỏi : "Phim hay không?". Điều này thật sự rất phi lý vì nếu muốn biết bộ phim có hay không chúng ta cần phải xem bộ phim đó mới biết được, giống như để biết được món ăn có ngon hay không ta phải ăn thử và sản phẩm dùng tốt hay không thì cũng phải dùng thử mới biết được. Tuy nhiên trong thời đại ngày nay, mọi người lại bị quá phụ thuộc vào việc đưa ra lựa chọn có nên xem phim hay không với các tiêu chí "hay" mà chỉ dựa trên cảm tính của những người khác: nào là chỉ số IMDb, Rotten Tomatoes... Thậm chí nếu như diễn viên của phim hay bất cứ một thành viên nào của đoàn làm phim có hành vi không vừa ý một bộ phận xã hội thì rất có thể bộ phim đó đã bị chê ngay trước cả khi nó đến được các phòng vé hay phát hành rộng rãi trên các nền tảng xem phim trực tuyến. Quả thực một buổi xem phim ngày nay không khác gì một phiên tòa xét xử nơi mà ở đó sự thành bại của một bộ phim lại bị ảnh hưởng bởi những thứ nằm ở bên ngoài phòng rạp.
Hoa Mộc Lan bị tẩy chay vì Lưu Diệc Phi dính dáng tới chính trị, Ant Man and the Wasp: Quantumania bị chê vì Jonathan Majors dính scandal bạo lực, Nàng tiên cá bị chê vì ngoại hình nhân vật chính không đẹp bằng bản nguyên mẫu... có hằng hà sa số những lí do để một bộ phim bị đánh giá là không hay. Có những lí do nghe rất hợp lí và cũng có những lí do mà thậm chí chả liên quan gì đến nội dung của phim. Chưa bao giờ con đường đi từ phim trường đến các phòng vé hay các nền tảng trực tuyến của các bộ phim lại trở nên chông gai đến như vậy. Các phòng vé trở thành Tòa án và các khán giả trở thành những vị quan tòa, các bồi thẩm đoàn có khả năng định đoạt số phận của bộ phim ngay cả khi nó vẫn còn chưa hoàn thiện. Thậm chí dù đã hoàn thiện rồi, đã gặt hái thành công rồi nhưng vẫn có nguy cơ bị dư luận ruồng bỏ chỉ vì những rắc rối của diễn viên thủ vai chính trong phim đó vướng vào những lùm xùm, như câu chuyện bê bối giữa "Captain Jack Sparrow" và cô nàng tiên cá trong Aquaman Amber Heard. Thật tội nghiệp cho những nhà làm phim khi sự thành bại của đứa con cưng lại được quyết định bởi những thứ nằm ngoài chuyên môn.
Quay lại khoảng thời gian cách đây 13 năm về trước, thời điểm mà Người Sắt của Robert Downey Jr. đã ra mắt phần 2, còn tôi lúc đó chỉ là một thằng học sinh Tiểu học. Sau khi đã được xem Robin Hood tôi nằng nặc đòi bố tôi cho đi xem Người Sắt 2 bằng được mặc dù vào thời điểm đó phim đã được xếp vào cuối danh sách lịch chiếu phim, nói nôm na là phim đã ít hot rồi và sắp sửa bị gỡ ra khỏi rạp. Nếu như áp dụng cái khung tham chiếu đánh giá phim hay của bây giờ vào phim Người Sắt 2 hồi đó, tôi cá là chả mấy ai muốn ra rạp xem một bộ phim của một tên diễn viên từng bị vào tù vì nghiện ma túy. Nhưng tôi vẫn quyết định xem chỉ vì một lí do rất đơn giản: cảnh "anh trai" Tony Stark mặc giáp từ chiếc vali ở cuối trailer phim phát trên chiếc TV nhỏ treo ở rạp quá hay. Nó là quá đủ để kích thích trí tò mò của một cậu trai như tôi: cái vali được ném xuống đất, mở ra và thò tay vào trong đó, áo giáp đã được mặc. Hết sảy! Hồi đó chắc chắn là tôi cũng chả quan tâm gì đến quá khứ hay đời tư của anh diễn viên thủ vai Tony Stark và cũng chẳng có chút mảy may nào quan tâm đến việc phim đã phải thay diễn viên thủ vai Đại tướng Rhodes. Tôi chỉ xem vì phân cảnh mặc giáp và cũng không ngờ rằng chính từ bộ phim đó mà tôi đã say mê Tony Stark và tự nhủ một ngày nào đó lớn lên mình cũng sẽ chế tạo ra được một bộ giáp y hệt như vậy. Thế thôi! Và chính từ bộ phim đó và 2 năm sau phần phim thứ 3 về Tony Stark ra rạp sau The Avengers, tôi bắt đầu thích xem phim Marvel và gần như không bỏ sót bất kì bộ phim nào có sự xuất hiện của Tony Stark.
Kể ra câu chuyện xem phim này thật ra cũng không phải để thể hiện sự hâm mộ cuồng nhiệt của tôi với Người Sắt mà đơn giản là để thấy rõ cách mà một bộ phim được xem là "hay" ở thời điểm đó so với bây giờ rất khác. Thời đó một bộ phim được cho là "hay" là như vậy, chả có lí do gì khác cả, không phải vì phim được giới chuyên môn đánh giá cao, cũng chẳng phải những con số trên Box Office mà nó đến rất tự nhiên. Chỉ cần một khoảnh khắc như vậy và boom, mình muốn xem phim này và sau khi xem xong, nó quá hay. Hết sảy! Điều khiến cho bộ phim đó hay đôi khi nó còn đến từ chính những người xem nữa. Như tôi đã nói ở trên, lần đầu tiên xem phim Người Sắt 2 ở rạp, tôi chỉ là một cậu nhóc Tiểu học.
Và ngay kể cả sau này khi phần phim thứ 3 ra mắt thì lí do cũng gần như tương tự: các bộ giáp lần lượt xuất hiện và bay lượn ở phân đoạn cuối trailer quá hấp dẫn. Cộng với sự yêu thích ban đầu với nhân vật là quá đủ để quyết định ra rạp xem cho bằng được. Một sự vô tư tuyệt đối!
Theo tôi thì chính cái sự vô lo vô nghĩ đấy cũng đã khác đi rất nhiều. Phải nói rằng ở thời điểm đó bản thân tôi không hề có chút suy nghĩ hay đắn đo gì về việc phim được đạo diễn bởi ai, có diễn viên nào tham gia. Chỉ đơn giản là mình thích thì mình xem, vậy thôi!
Không chỉ với Người Sắt, ngay cả những phim hoạt hình như Brave hay Toy Story 3 cũng gần như rất tự nhiên. Một đứa trẻ thích Disney, xem Disney Channel thấy quảng cáo và đi xem. Tất cả chỉ có vậy, không quan tâm quá nhiều đến đạo diễn là ai, diễn viên nào đóng vai gì, lồng tiếng cho nhân vật nào, kĩ xảo ra sao. Quãng đường từ nhà đến rạp phim gần như chỉ tính bằng quãng đường và khoảng cách từ quầy bán vé đến phòng chiếu cũng không quá xa vời như bây giờ.
Đó là với những bộ phim gần gũi với trẻ em, vậy còn những phim khác thì sao? Nó cũng rất tự nhiên nhưng lần này lí do lại phụ thuộc nhiều vào gu xem phim của phụ huynh. Đó là trải nghiệm khi tôi xem 12 Con giáp và Câu chuyện cảnh sát của Thành Long, Jack Reacher với Tom Cruise thủ vai chính. Nhưng sự quan tâm của tôi đến những khía cạnh khác cũng gần như tương tự. Khi bước vào phòng chiếu phim thì tâm điểm vẫn là bộ phim, những diễn biến ở trong phim. Không có bất cứ sự kì vọng hay đòi hỏi nào nảy lên trong quá trình xem phim. Tất cả chỉ đơn giản là tận hưởng bộ phim một cách trọn vẹn từ đầu đến phần credit. Hồi đó cũng chẳng có khái niệm gì về cái gọi là after-credit cả.
Mấu chốt có lẽ chính là đây: sự vô tư - một thứ rất đơn giản nhưng lại rất khó để tìm lại, nhất là với người lớn khi có quá nhiều thứ để lo âu và suy nghĩ. Cũng vì vậy mà trải nghiệm xem phim phần nào cũng có sự thay đổi. Chưa kể ngày nay với sự ra đời của hằng hà sa số các reviewer điện ảnh cũng như sự phát triển của truyền thông đã phần nào khiến cho trải nghiệm xem phim giờ đây cũng rất "đau não": nào là phim này có liên quan đến phim trước như thế nào, rồi after-credit sẽ tiết lộ những nội dung cho phim sau ra sao, rồi lại từ đoạn after-credit đó dự đoán nội dung cho phần phim sau. Quá đau đầu phải không?
Vậy có cách nào để chúng ta có thể thưởng thức được một bộ phim hay không? Có. Nó rất dễ nhưng đồng thời cũng rất khó. Dễ là bởi nó chả có gì quá phức tạp về lí thuyết: xem. Nhưng cũng rất khó vì mọi người lại phân vân liệu phim có hay không, dựa theo đánh giá của người khác? Tôi nghĩ rằng chỉ khi nào chúng ta gạt bỏ được những định kiến của người khác và ra rạp xem phim bằng chính trải nghiệm và chứng kiến của cá nhân thì lúc đấy bộ phim mới trở thành bộ phim hay, và đó sẽ là bộ phim hay của riêng bạn, bất luận người khác có nhìn nhận hay đánh giá nó như thế nào.
Movie
/movie
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất