VÌ SAO CHÚNG TA KHÔNG THOÁT KHỎI CẢM GIÁC "MÌNH CHẲNG LÀM ĐƯỢC GÌ"?
Cứ đến dịp cuối năm, người ta lại được thôi thúc nhìn lại năm cũ sắp qua đi, điều gì làm được, điều gì chưa làm. Và hẳn ai trong chúng ta cũng từng trải qua cảm giác “mình đã chẳng làm được gì.” Vì sao vậy?
2 giờ sáng. Trằn trọc trên giường, lăn qua lăn lại. Bao nhiêu suy nghĩ cứ dồn đến: “Haizzz.. Lại sắp hết một năm. Chẳng thấy làm được gì. Du lịch cũng chẳng thấy đi được đến đâu. Khoản tiết kiệm thì thôi đừng nhắc đến làm gì. Công việc muốn nhảy từ 2 năm trước mà đến giờ vẫn ngày ngày đều đều “cống hiến”... Bao nhiêu dự định cứ mãi còn dang dở…”
Câu chuyện không của riêng ai. Cứ đến dịp cuối năm, người ta lại được thôi thúc nhìn lại năm cũ sắp qua đi, điều gì làm được, điều gì chưa làm. Và hẳn ai trong chúng ta cũng từng trải qua cảm giác “mình đã chẳng làm được gì.” Vì sao vậy? Vì sao chúng ta luôn dễ dàng nghĩ đến những điều chưa trọn vẹn, những việc còn dang dở hơn là những gì đã làm được?
- Lời mở đầu từ người dịch -
(*) Lược dịch từ bài viết: Why Do You Sometimes Feel You Haven't Accomplished Anything? - Anne Kearney
Một đặc điểm thú vị của nhận thức con người là chúng ta thường ghi nhớ tốt hơn những việc chưa hoàn thành và những vấn đề chưa được giải quyết so với những gì đã hoàn thành.
Hiện tượng này còn có một tên riêng – Hiệu ứng Zeigarnik (the Zeigarnik Effect), được đặt theo tên của nhà tâm lý học người Liên Xô - Bluma Zeigarnik.
Chuyện kể rằng vào một buổi tối năm 1927, Zeigarnik đang dùng bữa tại một nhà hàng ở Berlin cùng đồng nghiệp. Khi nhóm của bà yêu cầu thanh toán, người phục vụ có thể nhớ chính xác những món ăn mà mỗi người đã gọi dù không ghi lại. Tuy nhiên, khi được yêu cầu ghi lại hóa đơn một quãng thời gian ngắn sau đó, người phục vụ đã không thể nhớ nổi ai đã gọi món gì.
Vì sao những thông tin đó lại nhanh chóng bị “xóa sổ” khỏi não bộ người phục vụ sau khi hóa đơn đã được thanh toán? Liệu sự đãng trí này có phải là đặc điểm riêng của người phục vụ đó hay là một hiện tượng phổ biến?
Zeigarnik đã mang những câu hỏi này trở lại phòng thí nghiệm, nơi bà thực hiện một loạt các thí nghiệm với nhiều loại nhiệm vụ khác nhau. Các nghiên cứu của bà cho thấy, so với các nhiệm vụ đã hoàn thành, các nhiệm vụ chưa hoàn thành được nhớ lại khoảng gấp đôi số lần. Những nghiên cứu tiếp theo đã chỉ ra rằng, mặc dù có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến việc nhớ lại nhiệm vụ, con người có xu hướng nhớ về những vấn đề chưa hoàn thành tốt hơn so với những nhiệm vụ đã hoàn tất.
"ĐƯỢC" VÀ "MẤT" CỦA VIỆC SỞ HỮU BỘ NÃO THÍCH GHI NHỚ NHỮNG GÌ CHƯA HOÀN TẤT
Xu hướng ưu tiên ghi nhớ những nhiệm vụ chưa hoàn tất là một chiến lược tiến hóa tuyệt vời giúp chúng ta tập trung vào những gì thực sự quan trọng. Việc buông bỏ những gì đã hoàn tất cho phép não bộ có thêm không gian để tập trung vào những gì còn lại cần làm. Thường xuyên nhớ lại những việc cần làm nhắc nhở chúng ta phải hoàn thành chúng. Chính việc tâm trí tiếp tục xoay quanh những việc chưa làm, nó thu hút sự chú ý của chúng ta đến những đầu việc này, và vì thế, tạo thêm cơ hội để vấn đề được xử lý.
Chiến lược này từng hoạt động rất hiệu quả với tổ tiên của chúng ta - thời kì mà những gì con người phải ghi nhớ để làm liên hệ mật thiết với sự sống còn - nguồn thực phẩm hạn chế, “ăn bữa nay lo bữa mai”, liên tục sống trong nguy hiểm trước sự dòm ngó của thú dữ.*
Tuy nhiên, trong thế giới hiện đại, xu hướng quên những gì đã hoàn thành và tiếp tục suy nghĩ về những điều chưa xong có thể gây ra tác dụng ngược. Dù đã có một ngày làm việc hiệu quả, nhưng nếu tất cả những gì chúng ta nhớ đến chỉ là những đầu việc còn dang dở, không khó để hình dung vì sao chúng ta cảm thấy thất vọng và quá tải.
Liệu chúng ta có thể làm gì để hạn chế Hiệu ứng Zeigarnik? Để bạn và tôi có thể cảm nhận sự hài lòng và dịu đi “tiếng la ó” của những công việc còn chưa hoàn tất? Chúng ta không thể lập tức thay đổi hàng ngàn năm tiến hóa của não bộ. Thế nhưng, có hai điều đơn giản chúng ta có thể làm:
1. Ghi nhận những thành tựu của bản thân, dù lớn hay nhỏ
2. Vạch định những khoảng thời gian rõ ràng cho việc suy nghĩ về những nhiệm vụ chưa hoàn thành**
* Thông tin được làm rõ thêm bởi người dịch.
** Gợi ý được điều chỉnh cho phù hợp hơn bởi người dịch.
HỌC CÁCH GHI LẠI NHỮNG GÌ BẠN LÀM ĐƯỢC*
Thay vì chỉ ngẫm nghĩ trong đầu, hay thực sự lấy giấy bút ra để ghi lại những gì bạn đã làm được trong năm. Bạn không nhất thiết phải dùng đến giấy bút, nhưng việc ghi lại trên giấy sẽ giúp bạn ghi nhận được khách quan hơn. Và những thành tựu đạt được, dù lớn hay nhỏ, cũng hữu hình hơn khi nằm trên giấy!
Nếu bạn chưa tập thói quen ghi nhận bản thân, việc này có thể không dễ dàng. Hãy nhớ, bất kì điều gì bạn làm được cũng đều đáng quý. Nếu bạn định ghi điều gì đó nhưng lại ngần ngại “nó có đáng không?”, hãy đơn giản là đặt câu hỏi đó sang một bên và ghi lại điều bạn đã làm được. Chúng có thể đơn giản là bạn đã học được cách chi tiêu tiết kiệm hơn một chút (dù bạn vẫn muốn năm tới làm tốt hơn, “level” của năm nay như vậy là đã làm được). Hoặc có thể là bạn đã gọi điện được cho gia đình nhiều hơn, hay bạn đã trưởng thành hơn đôi chút trong công việc (ghi rõ đầu việc nào bạn đã làm tốt hơn).
Nếu việc “tự nghĩ” thực sự là thách thức với bạn, hãy hỏi những người thân yêu của mình. Họ chắc chắn nhận thấy nhiều điều bạn làm được mà não bạn đã “tảng lờ” không ghi nhớ.
Trong cuộc sống hàng ngày, bạn cũng có thể tập thói quen ghi lại những gì bạn làm được trong ngày, hay trong tuần, trong tháng. Đa số mọi người nhận ra bản thân làm được nhiều hơn những gì họ đã nghĩ khi họ tập thói quen này. Tất nhiên, luôn còn nhiều điều có thể làm. Nhưng những gì đã đạt được cũng có ý nghĩa không nhỏ. Việc này không chỉ giúp cải thiện tâm trạng của bạn, mà còn giúp bạn có động lực hơn để tiếp tục trên hành trình của mình.
* Nội dung được điều chỉnh cho phù hợp bởi người dịch.
VẠCH ĐỊNH THỜI GIAN RÕ RÀNG CHO VIỆC SUY NGHĨ VỀ NHỮNG GÌ CHƯA HOÀN THÀNH*
Chắc chắn rằng việc nghĩ về những gì chưa làm được vào lúc 1 giờ sáng không phải lựa chọn tối ưu cho bạn! Nếu bạn thực sự có những mục tiêu quan trọng phải đạt được nhưng còn đang gặp khó khăn, bạn cần dành thời gian trong ngày để nghĩ và tìm giải pháp cho nó.
Đừng “gạt nó sang bên” trong ngày để rồi nó quay lại “ám” bạn vào buổi đêm!
Xác định vấn đề đó có thể được giải quyết hay không? Nếu không thể vào lúc này, điều gì có thể giúp bạn tạm chấp nhận và an lòng với nó? Nếu có thể giải quyết, bạn cần làm gì? Bạn cần điều kiện gì (hay hỗ trợ gì) để giải quyết nó?
Khó có thể an tâm mà ngủ khi mà có những điều thực sự quan trọng với bạn vẫn nằm đó canh cánh, không có định hướng giải quyết. Vậy nên, có thể bạn thực sự cần dành hẳn những khoảng thời gian trong lịch trình của mình để tìm hướng đi cho những vấn đề đó. Điều này sẽ cho phép bạn có những khoảng nghỉ ngơi trọn vẹn hơn, thay vì việc não cứ liên tục phải “nhắc” bạn về những vấn đề này.
Mong bạn có được những giây phút thong thả những ngày cuối năm.
*Nội dung được điều chỉnh cho phù hợp bởi người dịch.
----
Giới thiệu một chút về chúng mình
Carota là nền tảng tham vấn tâm lý online chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam. Chúng mình hướng đến xây dựng những giải pháp chăm sóc sức khỏe tinh thần đổi mới, giảm thiểu tối đa các rào cản về kì thị, hiểu lầm, chi phí và địa lý, để người trẻ Việt có thể dễ dàng tiếp cận những dịch vụ phù hợp.
Mời bạn tìm hiểu thêm và ủng hộ chúng mình tại đây nhé!
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất