Đã mấy ngày nay trên MXH ngập tràn tin tức phản đối 03 phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh tỉnh trưởng thuộc quy hoạch chi tiết Khu trung tâm Hòa Bình, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) vừa được trưng bày để lấy ý kiến công khai. Để có tác động thay đổi ý chí của chính quyền địa phương, rất cần các nhà chuyên môn kiến trúc và bảo tồn, những người hiểu về Đà Lạt tập trung, tiếp tục nêu ý kiến.

            GIÁ TRỊ ĐỒI DINH/ KHU HÒA BÌNH?


            Với những giá trị đặc biệt này, cách ứng xử với trung tâm của đô thị lịch sử như Đà Lạt cần đi theo mục tiêu: Giữ tính nguyên gốc càng nhiều càng tốt, giữ gìn mảng xanh còn lại hiện đang ngày càng bị thu hẹp dần. Đây là cách ứng xử nhân văn và bền vững, thể hiện mức độ văn minh của đô thị đó.
            Khu Hòa Bình là trung tâm của người Việt do Pháp xây dựng ngay từ thời kỳ đầu khi mới lên Đà Lạt. Khu Hòa Bình bao gồm 3 yếu tố chính: Chợ + khu Shop house + Đồi Dinh Thị trưởng (sau này là dinh tỉnh Trưởng tỉnh Tuyên Đức/ Lâm Đồng ngày nay). Khu đồi Dinh nằm trên vị trí cao nhất của trung tâm Đà Lạt, là điểm đầu tiên được xây dựng khi bắt đầu hình thành đô thị Đà Lạt.

            Kiến trúc sư khi thiết kế những công trình liên quan tới 3 khu vực này đều phải hiểu tính chất, giá trị của 3 yếu tố: Chợ, đồi Dinh và khu shop house thì mới có thể giữ được giá trị cốt lõi cho đô thị. Vì sao khi động vào vị trí này, cụ thể là khi thành phố công bố 3 phương án thiết kế cho khu đồi Dinh lại gặp phản ứng dữ dội? Sự quan tâm này không khác gì việc động vào hồ Gươm của Hà Nội hay khu quảng trường nhà thờ Đá ở Sa Pa...

            TIÊU CHÍ NÀO CHO KHU ĐỒI DINH?

Thực ra, khi lập đề bài cho khu đồi Dinh hay toàn bộ trung tâm Hòa Bình, trước tiên phải xây dựng bộ tiêu chí (hay quy tắc ứng xử), bao gồm:
- Không tác động, can thiệp quá lớn đến cảnh quan hiện hữu
- Không di dời công trình Dinh ra khỏi vị trí hiện trạng (đỉnh đồi)
- Bảo tồn nguyên trạng kiến trúc Dinh và hệ thống cây xanh gồm rừng Long Não cổ 100 tuổi và thông trồng xunh quanh đồi
- Không xây chen vào đồi Dinh các công trình dịch vụ, thương mại, lưu trú, nghỉ dưỡng
- Chuyển đổi mục đích sử dụng cho công trình dinh Tỉnh Trưởng để mở ra phục vụ cộng đồng bằng các hoạt động tham quan di sản. Có thể xây dựng Bảo tàng Đà Lạt tại đồi Dinh và đưa 1 phần hiện vật trưng bày vào bên trong Dinh.
- Phần công năng thêm vào (nếu có) chỉ phục vụ bảo tàng và phải được làm ngầm hoặc nếu nổi cũng không vượt quá 1 tầng để đảm bảo không tranh chấp về chiều cao với Dinh. Không thể chấp nhận xây đè lên đồi Dinh thêm 10 tầng (7 tầng nổi)

            VAI TRÒ CỦA NHÀ CHUYÊN MÔN Ở ĐÂU? CÁC KIẾN TRÚC SƯ CHỦ TRÌ, HỌ LÀ AI?

            Vai trò của bên tư vấn thiết kế là phải giúp nhà đầu tư và chính quyền, các Sở ban ngành địa phương 1 phương án thiết kế đạt được các tiêu chí như đề cập ở trên. Phải hiểu đâu là giá trị khu đồi Dinh. Thực chất bản thân công trình dinh tỉnh Trưởng không phải công trình mang giá trị nghệ thuật, kiến trúc mà nó mang tính lịch sử, giá trị cảnh quan. Vì vậy không thể ứng xử theo cách chỉ giữ lại cái xác nhà rồi di đi chỗ khác; tạo bố cục vây các khối mới xung quanh hay đẩy lên cao để tất cả mọi điểm đều có thể “ngước lên chiêm bái”.

            Cả 3 phương án đều cho thấy sự hạn chế của các bên tư vấn về nhận thức về di sản và bản sắc đô thị Đà Lạt. Họ không tư duy ở tỷ lệ lớn mà chỉ nhăm nhăm vào tác động trên tỷ lệ nhỏ, là 1 cái nhà cụ thể. Họ không tư duy sâu sắc cho bối cảnh Đà Lạt từ lịch sử tới tầm nhìn tương lai. Không thấy vai trò chính là nâng cao vị thế của chủ đầu tư và chính quyền địa phương thông qua tầm nhìn về di sản và bản sắc đô thị đặc thù mà chỉ tập trung sao cho thỏa mãn đề bài.
            Vai trò của đơn vị tư vấn thiết kế không phải là “gật đầu” và tìm cách hợp thức hóa mong muốn của chủ đầu tư. Đương nhiên, ở vị trí của chủ đầu tư, điều quan tâm nhất là: Vị trí đất vàng, hiệu suất kinh doanh, tổng diện tích sàn. Các kiến trúc sư không thể “thỏa hiệp” nếu không thuyết phục được họ. Bản lĩnh của KTS là dám từ chối những công trình tầm cỡ như khách sạn đồi Dinh vì nó động đến đạo đức nghề nghiệp. Tôi cũng như nhiều người làm chuyên môn kiến trúc đang rất muốn biết 3 đơn vị tư vấn của 3 phương án này, họ là ai?
            Lần này, khi chính quyền địa phương đưa ra các phương án để xin ý kiến dân, nếu những người làm chuyên môn không quyết liệt bảo vệ quan điểm “bảo tồn để phát triển” thì trung tâm Đà Lạt sẽ mất, cấu trúc đô thị bị phá vỡ từ trong lõi bởi những hành động sinh thêm khối, chất tải lên khu Hòa Bình.... Đà Lạt cần những nhà chuyên môn tham gia hỗ trợ lãnh đạo tỉnh và thành phố vì Đà Lạt vượt quá tầm của bản thân đô thị, thành phố này không chỉ của Lâm Đồng mà còn là đô thị đặc biệt của cả nước.
            Phát triển đô thị hiện đại là nhu cầu chính đáng của người dân Đà Lạt, nhưng phát triển ở đâu, quy hoạch như thế nào để Đà Lạt không mất đi giá trị cốt lõi, không mất tính hấp dẫn của một đô thị đặc thù và xứng đáng trở thành Đô thị di sản như mong mỏi của thành phố??? Đây là câu hỏi bắt buộc các phía tham gia trong câu chuyện này phải nghiêm túc nhìn nhận trước khi quyết định sinh mạng khu lõi đô thị này. Bởi sai lầm với di sản thì sẽ không còn có cơ hội để sửa chữa.


_____________________________________________________

{

Poster: Xin chào, tôi không phải chủ nhân của bài viết trên, tôi đến đây chỉ để chia sẻ góc nhìn của các kiến trúc sư về các vấn đề trong cuộc sống nhằm kết nối bộ môn kiến trúc với các lĩnh vực khác nhau, các bạn có thể tranh luận cùng nhau dưới bài viết này hoặc vào thẳng bài gốc để giao lưu với tác giả, cảm ơn vì đã đọc.

}