VENOM (2018) - SONY ĐÃ PHÁ HỎNG VENOM CỦA CHÚNG TA NHƯ THẾ NÀO
Có thể bạn không biết, chiến tranh thế giới đã nổ ra, nhưng là giữa các tên tuổi lớn nhất trên thị trường điện ảnh hiện nay, mà Venom...
Có thể bạn không biết, chiến tranh thế giới đã nổ ra, nhưng là giữa các tên tuổi lớn nhất trên thị trường điện ảnh hiện nay, mà Venom (2018) là phát súng khai mào! Nghe lạ nhỉ? Cứ bình tĩnh, vì bạn sẽ có thêm một cái nhìn hay ho về câu chuyện đằng sau anh chàng đen đúa cơ bắp này trước khi thưởng thức Venom phần 2 sẽ ra rạp vào ngày 24/9/2021 sắp tới.
Trước khi bắt đầu bài Review, có hai điều cần phải nói, Venom là một phản anh hùng (anti-hero) và bộ phim này là của SONY, không liên quan cũng như không nằm trong vũ trụ điện ảnh của Marvel – MCU.
“Phản anh hùng” (anti-hero) theo Bố già Stan Lee nhận định, là những nhân vật mang trong mình siêu sức mạnh, nhưng chỉ thích làm theo cảm tính cá nhân mà không quan tâm lắm đến người khác. Anti-hero luôn coi suy nghĩ của mình là đúng, vì vậy đôi khi họ hành động theo chính nghĩa, đôi khi họ lại thuộc phe phản diện. Không có thước đo nào cho việc đúng hay sai với tuyến nhân vật này cả. Về cơ bản, Venom là kẻ sát nhân máu lạnh, là kẻ thù số 1 của Spiderman, tuy nhiên, trong một số sự kiện Venom lại đứng về phía Spidey để chống lại kẻ thù như Carnage hay việc biến đổi thành Anti-Venom trong máu của Eddie Brock để thanh lọc bệnh tật ở New York. Vậy nên, Venom có thể được xem là anti-hero, như cách mà SONY đang cố gắng theo đuổi bằng bộ phim này
Anti-hero nổi tiếng nhất không phải Deadpool của Marvel như rất nhiều người chúng ta lầm tưởng, mà là Batman của DC. Đây là nhân vật yêu thích nhất của tôi trong Comics world mà tôi sẽ nói kỹ hơn trong một bài viết khác.
Còn bây giờ hãy cùng review Venom 2018!
Điểm trừ thứ nhất - bố cục thật sự quá lỗi thời và nhàm chán!
Siêu sức mạnh y hệt đối đầu lẫn nhau và nhân vật chính luôn thắng! Venom – một symbiote trong thân xác Eddie Brook đánh với Riot, symbiote của Carlton Drake. Đó là những gì chúng ta từng biết với các cặp có thể kể tên như Hulk - Red Hulk, Iron Man – Obadiah Stane, Ant Man - Yellowjacket, Doctor Strange – Kaecilius hay Black Panther – Erik Killmonger. Một motip an toàn thuần túy của Marvel trong một bộ phim của SONY!
Của cũng đáng tội, đã làm phim siêu anh hùng thì phải có “phe ta” và “phe địch” để còn chiến đấu cho nó kịch tính; đối thủ truyền kiếp của Venom là Spiderman, mà SONY lại bị khống chế không thể đưa Spiderman vào loạt phim này tối thiểu cho đến cuối 2019, sau khi công chiếu Avengers 4 (lý do tôi sẽ phân tích kỹ hơn ở Phần 2 – SONY và câu chuyện Spidey) nên Venom buộc phải tìm đối thủ tương thích. Đối thủ của Venom ngoài Spidey ra thì có nhiều như Jack O’Lantern hay Black Cat… Sau thất bại của bộ phim độc lập The Amazing Spiderman 2, SONY hiểu rằng khả năng sản xuất phim của mình có hạn; tuy nhiên thay vì tìm giải pháp xử lý, SONY lại hèn nhát lựa chọn cách copy motip của Marvel. Tôi cho rằng đó là chiến thuật sai lầm khi không tạo ra thị trường ngách của mình mà lại cố bám đuổi, cóp nhặt của đối thủ.
Nhân vật trong đoạn After Credit thứ nhất (do Woody Harrelson thủ vai) chính là Carnage – kẻ thù mạnh nhất của Venom và Spiderman sau này - cũng sẽ xuất hiện trong phần 2 của năm nay. Về mặt di truyền học thì Carnage phải gọi Venom là bố mẹ do thành quả của sự sinh sản vô tính của loài Symbiote. Vật chủ của Carnage - Cletus Kasady đã từng có một thời gian ngồi tù cùng Eddie Brock; việc gặp gỡ vào cuối phim này sẽ là tiền đề để phần tách rời khỏi Venom dung nhập vào cơ thể Kasady, tạo nên kẻ phản diện cho phần tiếp theo.
Điểm trừ thứ hai - nội dung lủng củng và ngớ ngẩn
Theo nguyên tác, Venom vốn là symbiote đầu tiên rơi xuống Trái Đất với hình dạng bầy nhầy như các bạn đã thấy trong cả 2 bộ phim (Venom 2018 và Spiderman 3 2007). Bằng cơ duyên tiền định như trong kiếm hiệp, Venom phát hiện ra Spiderman và tìm cách hòa nhập với bộ đồ của Người nhện. Việc hòa nhập này khiến cho Venom tự tạo hình hài cho mình giống vật chủ (thậm chí cả với hình ảnh con nhện trước ngực), đồng thời hấp thụ được một số năng lực của Spiderman. Các phiên bản symbiote tiếp theo là do Venom bị ép bằng bạo lực phải sinh sản vô tính ra trong phòng thí nghiệm của Tập đoàn Life Foundation. Venom có tổng cộng 6 đứa con: 5 đứa trong phòng thí nghiệm và 1 đứa con rơi là Carnage như tôi đã nói ở trên.
Vậy tại sao trong phần phim độc lập về nhân vật này, nội dung lại có nhiều sự khác biệt với nguyên tác và trong Spiderman 3 (2007) đến vậy?
Lý do của sự việc này, là vì những thỏa thuận phức tạp mà SONY đã ký với Disney-Marvel từ năm 2015, sau thất bại của The Amazing Spiderman 2 (Andrew Garfield). Căn cứ vào những thỏa thuận này, SONY không được phép tự ý sử dụng hình ảnh Spiderman – phiên bản Peter Parker trong các bộ phim độc lập của mình. Chính vì thế, để tạo ra Venom mới, cũng như để đặt nền móng đầu tiên cho tham vọng thực hiện vũ trụ điện ảnh của riêng mình SCU - Sony Cinematic Universe, SONY buộc phải thay đổi nguồn gốc xuất xứ của Venom, cũng như thay đổi luôn những gì phiên bản gốc đã có. Ngay cả việc Avengers hay Spiderman ở đâu khi Venom đang tung tăng đập phá New York, hay cái chết của Peter Parker vào phần aftercredit thứ 2 cũng là một chi tiết rất thú vị mà tôi sẽ nói kỹ hơn trong Phần 3 – The Pictures Wars.
Nhìn chung, đây là một sự thay đổi đáng được hoan nghênh, đem lại sự hiếu kỳ và hi vọng không hề nhỏ của cộng đồng fan hâm mộ Spiderman. Vậy mà SONY lại nhẫn tâm phá bỏ nó khi phê duyệt một kịch bản vừa thiếu logic vừa có phần ngu ngốc này.
Eddie Brock được xây dựng là một nhà báo có tài và khá thành công; đồng nghĩa với việc anh là một con người khôn ngoan và dày dặn kinh nghiệm trong nghề. Với tất cả những điều đó, Eddie của chúng ta vui tính, vừa đọc trộm được email của gấu, chẳng biết đầu cua tai nheo thế nào lập tức đi tra khảo trùm cuối về việc giết người giấu xác ngay trên sóng truyền hình trực tiếp, dẫn đến việc bị hủy hoại toàn bộ sự nghiệp.Các phân cảnh đi ra đi vào phòng thí nghiệm của Tập đoàn dược lớn nhất thế giới The Life Foundation như đi hội, nghĩ gì làm nấy, đầu óc chậm chạp càng khiến cho tôi cảm thấy đau lòng khi chứng kiến nhân vật này bị SONY đối xử như con ghẻ. Dù có được diễn xuất tuyệt vời của Tom Hardy, vớt vát được chút cảm tình của tôi với bộ phim, nhưng sạn nhiều quá, cơm vẫn khó mà ăn ngon được.
Điểm trừ thứ ba - Sự rụt rè đến nhu nhược của ông lớn SONY!
Cần điểm qua một chút về tiềm lực của vũ trụ điện ảnh mà SONY đang muốn xây dựng nhằm trực tiếp cạnh tranh với MCU và DCU vốn cực kỳ hùng mạnh hiện nay. Nhiều người trong số chúng ta đã biết, SONY sở hữu bản quyền điện ảnh của Spiderman, nhưng cái ít người biết, đó là cùng với thương hiệu này, SONY còn sở hữu luôn bản quyền điện ảnh của gần 900 nhân vật phụ, cũng như 21 kẻ phản diện nổi tiếng nhất của Spidey, mà Venom là một trong số đó!
VENOM - 2018 là viên gạch đầu tiên, cũng như quan trọng nhất trong tham vọng này, vậy mà SONY lại quá nhát gan khi chỉ dám theo đuổi mác PG-13 (dành cho khán giả dưới 13 tuổi với sự kiểm soát của cha mẹ) mà không dám dán mác R (bạo lực). Việc định hình PG-13, dù theo kế hoạch kinh doanh của SONY là hướng vào khách hàng nhỏ tuổi, vô hình chung đã giết chết Venom từ trong trứng nước. Venom vốn không phải dạng siêu anh hùng thần tượng, mà là một kẻ phản diện. Nếu sự bẩn bựa làm nên thương hiệu cá nhân của Deadpool thì với Venom đó là sự khát máu và vô cùng bạo lực.
Chưa dừng lại ở đó, SONY quyết định sử dụng đạo diễn Ruben Fleischer cho bộ phim này!
Trong điện ảnh, đạo diễn có vai trò tối quan trọng trong việc định hình phong cách của bộ phim, cũng như dẫn dắt ý tưởng chủ đạo đến với khán giả. Việc này còn được thể hiện mạnh mẽ hơn trong các bộ phim bom tấn thuộc dòng siêu anh hùng này. Giống như diễn viên, mỗi đạo diễn đẳng cấp thường có một phong cách làm phim riêng của mình, giống như thương hiệu cá nhân vậy, có thể kể đến một số ví dụ như: Christopher Nolan (Trilogy Batman, Inception, Memento…) sản phẩm thường nhuốm màu “đen tối” (noir); Quentin Tarantino (Kill Bill, Sin City, Pulp Fiction…) lại mang hơi hướng bạo lực đẫm máu, nhuốm màu bụi phủi kiểu Mỹ cổ điển… M. Night Shyamalan (After Earth, The Sixth Sense, The Village…) thì đậm chất kinh dị nút thắt…Trường hợp của Ruben Fleischer cũng vậy, với biệt tài biến các bộ phim có yếu tố kinh dị, máu me theo hơi hướng hài hước, dumbing như Zombieland hay 30 Minutes or Less, Ruben thường cài cắm cho nhân vật bạo lực của mình một số những tình huống ngớ ngẩn hoặc những câu thoại vui vẻ kiểu xã hội, như một cốc nước lạnh để hạ hỏa bớt sự tàn bạo của bộ phim. Quả là không phụ sự giao phó của Amy Pascal (Chủ tịch Sony Pictures Entertainment), Ruben đã làm rất tốt phần việc của mình khi phá hỏng cả một nhân vật huyền thoại, khi cho chúng ta một Venom vui tính, tâm lý, tình cảm, với lý do lãng nhách để ở lại Trái đất là để không còn làm loser như hồi còn ở dưới quê! Well done Ruben!
Như vậy đó, SONY đã phá hỏng Venom trong tâm trí cộng đồng người hâm mộ một cách tàn nhẫn
Bộ phim VENOM chỉ là sự khởi đầu cho rất nhiều sự kiện điện ảnh sẽ diễn ra tiếp theo. Câu chuyện đằng sau VENOM 2018 còn dài hơn thế, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem SONY có thực sự sở hữu được Người Nhện không? Âm mưu dài hơi của Marvel khi trả thù SONY thế nào? Hậu Marvel, Disney sẽ nuốt tiếp người khổng lồ nào? Và chân tướng cuộc chiến khốc liệt giữa các hãng sản xuất điện ảnh lớn nhất thế giới thú vị đến đâu.
Hãy cùng chờ xem Phần 2 của loạt bài này – SONY và câu chuyện Spidey
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất