Những ngày gần đây, dư luận Việt Nam sôi nổi vì tin Trung Quốc (TQ) chính thức vượt mặt Mỹ trở thành nước giàu nhất thế giới và đã có nhiều nhận định rằng Trung sẽ sớm thay Mỹ trong vai trò bá chủ toàn cầu. Theo dõi phản ứng của người dân Việt qua các mạng xã hội, người viết nhận thấy một số tỏ ra lạc quan và tự hào vì lần đầu tiên có một quốc gia châu Á vượt mặt được siêu cường duy nhất còn sót lại của thế giới sau Chiến tranh Lạnh nhưng đa số thì tỏ ra khá bi quan vì theo dòng lịch sử đã chứng minh, một khi đế chế Trung Hoa với tư tưởng bá quyền nổi lên thì thế giới sẽ lại có nhiều chuyện phải lo. 
Tân Hoa Môn - Trung Nam Hải. Nguồn: Wikipedia
Tân Hoa Môn - Trung Nam Hải. Nguồn: Wikipedia
Tuy nhiên, như nhiều chuyên gia đã nhận định, việc Trung Quốc vượt mặt Mỹ để trở thành bá chủ toàn cầu là chuyện sẽ không sớm đến trong tương lai gần vì bản thân Trung Quốc cũng còn rất nhiều vấn đề nội tại không dễ giải quyết trước khi có thể vươn lên chiếm vị trí bá chủ.
Trước hết, đúng là xét về quy mô kinh tế thì khoảng năm 30 nữa Trung Quốc sẽ vượt Mỹ nếu vẫn giữ được đà tăng trưởng này nhưng xét về mặt thu nhập bình quân đầu người (GDP PPP) - thước đo phản ánh sức mạnh nội tại thực sự của một quốc gia (dân có giàu thì nước mới mạnh) thì TQ còn khá xa. Tính đến năm 2020, thu nhập bình quân của dân TQ mới đạt 17.200 dollar trong khi con số này của dân Mỹ là 66.000 dollar. Như mọi nền kinh tế mới tiệm cận phát triển, TQ cũng đang phải đối mặt với những bài toán mà các quốc gia phát triển như Mỹ hay các nước Tây Âu đã kinh qua như chậm đà tăng trưởng kinh tế do già hóa dân số, tăng trưởng quá “nóng” do bong bóng các loại, chênh lệch giàu nghèo càng ngày càng lớn (tỉ lệ này ở TQ trầm trọng hơn ở các nước phương Tây rất nhiều khi chỉ 1% giới siêu giàu TQ đã chiếm tới hơn 30% tổng tài sản trong khi 40% dân TQ đang sống dưới mức nghèo khổ với mức thu nhập xấp xỉ 140 dollar/tháng)
Nền kinh tế TQ là vẫn chủ yếu dựa vào nền tảng công nghệ của Mỹ và các nước phương Tây rất nhiều dù chủ tịch Tập Cận Bình có đề ra chiến lược phát triển công nghệ của riêng nước này với tên gọi Made in China 2025 nhưng đến giờ có vẻ chiến lược này vẫn chưa phát huy hiệu quả. Thương chiến Mỹ - Trung nổ ra đã khiến một số tập đoàn công nghệ lớn của TQ như Huawei ngắc ngoải vì bị cắt nguồn công nghệ. TQ không thể tiếp tục đi lên bằng con đường gia công vì dân số càng ngày càng già và chi phí sản xuất tại nước này thì phải tăng trong khi những phát kiến về công nghệ (đặc biệt là Robotics hay AI) sẽ khiến cho việc sử dụng lao động đại trà (lợi thế cạnh tranh cốt lõi của TQ) được dự đoán là sẽ không còn cần thiết trong những thập niên sắp tới
Vấn đề thứ hai, về phương diện ảnh hưởng mềm, người ta thường có câu “đất lành chim đậu” nhưng chỉ số di dân ròng vào TQ suốt những năm qua vẫn luôn âm trong khi chỉ số này của Mỹ là luôn dương. Nhân tài khắp nơi đổ về nên hiển nhiên cái gì hay, cái gì tiên phong hầu như cũng xuất phát từ Mỹ nên về mặt ảnh hưởng mềm (văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, triết học...) Mỹ vẫn sẽ tiếp tục chiếm ngôi đầu. Kinh đô điện ảnh vẫn sẽ là Hollywood dù phim lấy đề tài về văn hóa Trung Hoa đang là xu hướng nhất thời tại đây (với những thành công về mặt thương mại và nghệ thuật của Crazy Rich Asians hay Shang-chi). Đỉnh cao trí tuệ và là mơ ước của nhiều sinh viên vẫn sẽ là Ivy League chứ chưa phải là C8 dù liên minh đại học này đã đạt được một số thành tựu nhất định trên các bảng xếp hạng đại học của Times Higher Education hay QS trong những năm gần đây. 
Giá trị Trung Quốc có thể thịnh hành ở một số nước đồng văn như Việt Nam nhưng để nó phủ khắp toàn cầu thì sẽ cần một thời gian dài và một chiến lược phát dương văn hóa đúng đắn và cao hơn nữa là một chính sách đối ngoại “thân thiện” hơn của chính quyền Trung Quốc
Vấn đề thứ ba là đối ngoại. Mỹ có rất nhiều đồng minh chất lượng, được dày công xây dựng lâu năm (Nhật, Hàn, các nước trong khối NATO...) trong khi TQ vẫn chưa có đối trọng đồng minh tương ứng. Chính quyền của chủ tịch Tập Cận Bình đang nỗ lực cân bằng đối trọng này với Mỹ qua các FTA về kinh tế (RCEP, CPTPP) hay các thỏa thuận về quân sự với khối ASEAN, Nga. Tuy nhiên, với một chính sách đối ngoại “bá quyền” phương hại đến lợi ích kinh tế và lãnh thổ của một số quốc gia đối tác, sẽ không dễ gì những liên minh về kinh tế và quân sự này có được sự tin tưởng cũng như sự hợp tác thực chất và hiệu quả như những gì mà Mỹ và các đồng mình đã, đang và sẽ tiếp tục làm được.
Kết luận lại, về quy mô kinh tế, Trung Quốc và cả Ấn Độ sẽ sớm vượt mặt Mỹ nhờ vào lợi thế dân số trẻ, đông và lãnh thổ rộng lớn nhưng về các mặt khác như đã nêu ở trên, Mỹ vẫn sẽ giữ vững vị thế bá chủ vì lợi thế của một xã hội mở, đề cao tự do và sáng tạo, luôn biết cách phá hủy để đổi mới như nó đã làm suốt chiều dài lịch sử kể từ khi lập quốc