Kết quả hình ảnh cho VỀ NHÀ!

Tôi thích đọc sách.
Nhiều người cũng nói họ thích đọc sách, điều đó nghe sang miệng mà. Có điều họ có đọc thật không thì tôi không chắc. Tôi hỏi họ cuốn sách gần nhất gây ấn tượng với bạn là cuốn nào? Họ ấp úng một chút, rồi vội vã chuyển chủ đề, hoặc trả lời rằng đó là những cuốn kiểu như Đắc nhân tâm, Thế giới phẳng, Harry Potter... Tức là những cuốn ai cũng biết. Tôi không có bất kỳ xét đoán nào ở đây, chẳng ai lại làm vậy. Tôi chỉ tự nhớ lại những cuốn sách mình từng đọc, và khoảng thời gian tôi đã làm việc đó.
Nơi tôi thường làm việc đó nhất là trên giường. Ở nơi ấy, tôi cảm thấy cả vũ trụ chỉ còn thu lại rất nhỏ: Không có ai phải gặp, không có việc gì to tát phải làm, thế giới không cần phải giải cứu, chẳng có âu lo nào đột nhiên gõ cửa...
Mùa đông, tôi cuộn mình trong chiếc chăn bông to bự, luôn phồng to, chèn xung quanh những chiếc gối đủ màu, như xây dựng cho riêng mình một toà lâu đài vững chãi. Mùa hè, tôi bật điều hoà, và đắp một tấm chăn mỏng hờ lên người. Tôi là người luôn đắp chăn cả nóng hay lạnh, dù mệt mỏi hay hưng phấn, dù Mơ hay Tỉnh. Bởi khi ấy, tôi có cảm giác của sự an toàn, chở che, ấm áp, và quen thuộc. Những thứ người ta cần nhất ở tình yêu trong cuộc sống này. Tự khi chui vào chăn, tìm một tư thế thoải mái, và cầm cuốn sách trên tay, tôi bỗng thấy mình được yêu. Thứ tình yêu tự thân, nhẹ nhàng và bền bỉ.
Ở Las Vegas, người ta có câu nói nổi tiếng: Go Big or Go Home1. Tôi thấy câu nói đó kỳ lạ, cứ như thể Go Home là một điều gì đó thật tệ, như là một sự thất bại nặng nề. Kỳ thực, có những ngày tôi chỉ muốn về nhà, rúc vào chăn, và cầm lên tay cuốn sách dở dang, cần mẫn đọc, như một chú gấu ngủ đông lặng lẽ bỏ quên đời.
Tôi còn nhớ có lần, dù cả ngày chẳng làm gì mấy, khi về nhà tôi có triệu chứng cúm virus. Hắt xì hơi liền tù tì mười mấy cái, người nhức mỏi như bị ai đó tẩn một trận ra trò. Trước khi ngủ tôi nghĩ hay nhắn tin nhờ mẹ mua hộ bát phở. Nghĩ thế xong rồi máy hết 3G, wifi hỏng, nên thôi cũng kệ. Người mệt nên ngủ như bị đánh thuốc, kiểu mệt mà bạn cảm giác như mình mới chợp mắt mười lăm phút, lúc tỉnh dậy hoá ra đã ngủ suýt được mười lăm tiếng.
Vấn đề là, vừa ngủ dậy tôi đã thấy có bát phở để trên bàn ăn, kèm lời nhắn: “Nước phở mẹ để ở bếp, con đun lại rồi đổ vào bát rồi chén thôi.” Tôi xin nhắc lại là tôi không hề nhắn cho mẹ đêm trước đó.
Hầu như với bất cứ ai thì mẹ thường là người nấu ăn ngon nhất, ngoài mặt tình cảm thì về logic khoa học điều này cũng hợp lý thôi, bởi mẹ chính là người tạo ra khẩu vị ăn uống cho chúng ta từ nhỏ. Ăn chua cay mặn ngọt thế nào, đều do mẹ hình thành thói quen cho ta. Sau này khi ra ngoài ăn có một giai đoạn tôi cảm thấy món nào cũng không hợp khẩu vị, chuyện này là sự thật. Ví dụ mẹ tôi có kiểu pha nước chấm gà luộc là luôn cho thái nhỏ hành khô vào (nên tôi ra ngoài đời thường xuyên bị ăn hành...). Đùa thôi, thật ra điều đó làm tôi khi ăn hàng luôn cảm thấy nước chấm của họ sai sai. Mẹ mới đúng.
Tôi cứ nghĩ mãi về chuyện đó từ lúc ngủ dậy. Có thể có người yêu ta thật nhiều, nhưng để đạt được sự thấu hiểu và đặc biệt là những liên kết vô hình thế này, con người ta cần rất nhiều thời gian - đôi khi là nhiều hơn quỹ thời gian mỗi người có thể có. Thế nên có những người cứ loay hoay trong đời mãi, mà không tìm nổi ai đó làm ta thấy vơi bớt sự cô độc. Họ quên mất người luôn ở cạnh họ, ngay từ trước khi họ được sinh ra.
Có quãng, tôi với mẹ thường xuyên xảy ra xích mích. Từ chuyện vặt vãnh trong nhà, đến những việc hệ trọng trong đời. Rồi mọi thứ đều trôi qua. Mọi người đều dần trở nên bớt phán xét khi họ dành nhiều thời gian và tâm sức cho nhau. Giờ tôi và mẹ thi thoảng cafe, thi thoảng ăn tối, hoặc thi thoảng lặng lẽ làm những chuyện thần giao cách cảm như bát phở sáng hôm ấy.
Tôi muốn sự thi thoảng ấy hãy kéo dài cả đời.
Ở nhà, tôi thấy mình được thương, được yêu, được những điều mà ngoài kia người ta không dành cho tôi. Tôi vẫn không ngừng tin tưởng điều ấy. Tin vào điều ấy không phải để mình yếu đuối hơn, trẻ con mãi thôi, mà để biết rằng ta có thể về nhà bất cứ khi nào ta cần, và ở đó luôn có thứ tình yêu không cần phải cất lời, có cả những cảm giác khó có thể viết ra thành chữ.
Mà chỉ đành cảm nhận, như cảm nhận một cuốn sách hay.