VỀ CHUYỆN HỌC
Đối với bản thân mình thì từ lúc bé tí cho đến khi ra trường đại học thì hầu như đều là học một cách bị động. Mình nghĩ đa số những...
Đối với bản thân mình thì từ lúc bé tí cho đến khi ra trường đại học thì hầu như đều là học một cách bị động. Mình nghĩ đa số những người bình thường sẽ như thế (mình là một trong số đó). Còn những người được tiếp xúc với môi trường sống tốt hơn từ bé thì chắc hết cấp 3 họ đã biết bản thân cần học gì rồi (mình nghĩ vậy thôi).
Còn mình thì… Tất cả việc mình cần làm là ngồi 1 chỗ chờ người khác đưa kiến thức đến và bắt mình học thuộc :))
Đương nhiên làm gì có cái chuyện ở cái tuổi vắt mũi chưa sạch như mình thì đâu có hỏi ngược lại giáo viên là học cái này để làm gì, kiếm tiền như thế nào hay học cái này có kiếm được người yêu không :)) Hỏi vớ hỏi vẩn không chừng lại được “tuyên dương”. Thậm chí là những đứa nghịch nhất, quậy nhất là nó vẫn phải học để đủ điểm mà lên lớp cơ mà :)) There's no other way.
Lên đại học thì mọi người được chủ động học nhưng trong khuôn khổ, nói cách khác thì vẫn tính là bị động :)) Tức là mình vẫn phải học để lên lớp, để lấy bằng, bảng điểm đẹp, để ra trường thôi. Ở đây mình không nói những ngành đặc thù như bác sĩ, luật sư,... thì hầu hết những ngành còn lại mình thấy kiến thức cung cấp hơi thừa và có phần lạc hậu.
Mình đồng ý một chuyện mà nhiều người vẫn thường nói là học đại học là học căn bản, học nền tảng, học tư duy để ra ngoài đời làm sẽ có một khởi đầu tốt hơn. Đúng, không sai. Nhưng với cái tư duy nó đã in sâu vào trong 18 năm đầu đời là học chỉ vì học, thì việc để đứng trên khía cạnh tư duy “học đại học để lấy nền tảng” là cực kỳ khó, tức là mục tiêu học cao nhất ở đây chả phải để lấy kiến thức.
Sau này mình chưa có cái ý định cao cả là thay đổi hệ thống giáo dục của cả nước VN được, chuyện này là thuộc phạm trù vĩ mô như giải cứu thế giới của The Avengers vậy, trong khi mình là người bình thường :)). Mình muốn nói là đối với kiến thức cơ bản của một người thì chắc là giáo dục bị động xong bậc tiểu học (cấp 1) là đủ rồi.
Đối với một người bình thường (như mình). Với 22 năm đèn sách một cách bị động thì làm sao có thể quay ngoắt 360 độ trở thành một người học chủ động, học vì mục tiêu nào đó thực tế hơn được :))
Và thế là cái gì tới nó cũng phải tới :)) Quy luật nhân quả không tránh đi đâu được.
Đó là mình khi ra trường không biết nên học như thế nào, hay học cái gì cho đúng. Đến giờ đâu có ai chỉ nữa đâu, tự mà kiếm ăn đi chứ còn gì nữa. Một khoảng thời gian dài rất mông lung, chắc cũng phải 2 năm :)) Học đến đâu, làm đến đâu, gặp vấn đề chỗ nào cũng phải ngồi chờ một người nào đó giúp mình, một người nào đó hướng dẫn mình một cách chi tiết. Một cuộc sống không có cái mục tiêu gì sất :v
Kể cả cho đến thời điểm đó thì mình vẫn đang bị động. Tức là ai bảo gì thì mình làm đó, việc gì mình không biết thì không làm, khó cái gì thì tìm người khác hỏi và hỏi rất chung chung như: Làm thế nào để đọc số liệu tốt, làm thế nào để kiếm tiền nhiều hơn, làm thế nào để bán hàng hiệu quả, làm thế nào để giỏi hơn??? May chưa bị vả sấp mặt vì cái tội hỏi ngu của mình :))
May mắn là ở mỗi thời điểm là mình đều có sự giúp đỡ từ người khác, mình cực kỳ trân trọng sự giúp đỡ của họ, sau nếu họ cần mình sẽ giúp lại hết sức. May mắn nữa là mình không chỉ là làm về Digital Marketing mà trước đó mình đã từng làm các ngành nghề khác nữa, cho nên qua quá trình đó mình học được cách để học từ con số 0 - từ một người không biết gì.
Thông qua việc tìm đọc những nguồn thông tin có giá trị, thông qua đọc sách, thông qua giao lưu trao đổi với những người giỏi hơn. Dần dần mình mới nhận ra sự tự học (sự chủ động) là chìa khóa cho mọi vấn đề.
Khi mình nhận ra được chuyện này mình tự tìm tòi thêm và tự có cho mình một cách học mà bây giờ vấn theo sát nó. Mình chưa biết cách nào khác hiệu quả hơn, mình chỉ đơn giản thấy đây là cách hiệu quả với trình độ kiến thức của mình hiện tại. Biết đâu sau này mình tìm được cách hiệu quả hơn thì sao.
Vậy bây giờ với một kiến thức mới mình học ra sao? (áp dụng được hầu hết các lĩnh vực)
- Tìm tòi học hỏi kiến thức mới: Lĩnh vực, kiến thức mới đương nhiên chưa biết, chưa biết gì thì tra Google, tham gia hội nhóm, kết bạn giao lưu với người cùng lĩnh vực (ở mức trên mình 1 xíu thôi để dễ tương tác, học hỏi với nhau). => Thời điểm này chưa biết gì thì mục tiêu là học để dùng đã, hiệu quả hay không vào thực tế mới biết được.
Cảm xúc giai đoạn này khá hứng thú và nhiều năng lượng vì biết nhiều kiến thức mới, thấy mở mang này nọ
- Làm thử luôn: Kiến thức và phương pháp thì vô vàn, mình sẽ ưu tiên chọn 1 phương pháp mà cá nhân thấy ok nhất và lao đầu vào thực tế làm thử. MỘT và chỉ MỘT, không lan man vì dễ bị loạn, luôn tập trung làm 1 việc mình thấy rất hiệu quả. Một phương pháp thì sẽ có rất nhiều bước, thời điểm này mình thường làm trước quên sau là chuyện bình thường.
Cảm xúc của giai đoạn rất mơ hồ và mông lung, đôi khi còn mất năng lượng, bị stress vì không ra kết quả nhưng chuyện này là hoàn toàn bình thường nha. Có lần mình bị tụt mood kinh khủng rồi ngồi phải chấp nhận mọi chuyện sẽ qua thôi. Và nó qua thật hehe. Còn nếu chưa qua thì tức là làm chưa có đủ á.
- Học thêm kiến thức chuyên sâu sau khi đã làm một thời gian: Người khác thì mình không biết những với mình những lần đầu tiên phải nói là sai lung tung luôn, kết quả thì không có. Một là phương pháp không phù hợp, hai là mình áp dụng sai.
Lần này sau khi đã thử sai, thử vấp, thất bại sml mình đã có một cái nhìn khái quát về lĩnh vực, mình sẽ tìm đọc thêm các kiến thức sâu hơn. Mình thường follow những chuyên gia trong lĩnh vực để học hỏi (hoặc theo khóa học của họ vì có tính hệ thống). Đặc điểm để nhận biết những người này là họ thường rất hay chia sẻ và đem lại nhiều giá trị cho cộng đồng. Chứ giờ “thầy” nhiều lắm chỉ chăm chăm vào lấy tiền sinh viên thôi :)) Tâm không có thì sớm muộn cũng sẽ bay màu.
Giai đoạn này không cách nào khác là vẫn tiếp tục học rồi phân tích sau đó thử nghiệm rồi lại học.
- Cuối cùng là làm đi làm lại liên tục và hệ thống hóa thành quy trình cho riêng mình: Kiến thức dù hay đến đâu mà không áp dụng được thực tế thì mình chả khác gì một đứa mọt sách cả :v Đã từng như vậy rồi nên cạch mặt lắm. Phải thử làm, thử sai liên tục dù có thành thạo đến cỡ nào đi nữa. Tại sao lại cần quy trình? Tại vì mỗi phương pháp, kiến thức sẽ có rất nhiều bước và mỗi bước sẽ có nhiều yêu cầu khác nhau, mỗi ngày mình phải làm nhiều việc cho nên mình thấy nếu không có quy trình cụ thể thì mình sẽ làm bước này rồi bỏ sót bước kia ngay vì quên :))
Đây là giai đoạn mình cảm thấy tự tin và hứng thú nhất vì đã làm ra kết quả thực tế, đã tìm ra được quy trình đúng, đã kết nối, giao lưu thêm với nhiều người giỏi trong lĩnh vực. Việc còn lại là làm nhiều hơn nữa thôi.
Mỗi giai đoạn trên tùy người, tùy thời điểm, tùy ngành nghề lĩnh vực sẽ khác nhau.
Ví dụ mình học Tiếng Anh thì GĐ 1 chập chững chắc mất 1 năm (bỏ qua 12 năm học), rồi GĐ 2 đọc hiểu nghe cơ bản mất thêm 1 năm nữa, GĐ 3 đến giờ thì gọi là tạm dùng việc giao tiếp, để làm việc hay đọc hiểu kiến thức chuyên ngành. (mà giờ nghĩ lại cái này lúc nào cần dùng là tự nhiên học thôi à chứ hem cần phải cố gắng học đâu trừ khi thi bằng haha, đợt đầu toàn dùng google dịch để đọc rồi dần quen hoy :v)
Một mảng mà mình đang làm là SEO - một kiến thức mình đã theo phương pháp trên:
- GĐ 1: Mất 8 tháng để tìm tòi học hỏi kiến thức mới và có 1 chút kết quả (mình vừa học vừa thử luôn)
- GĐ 2: Mất thêm 6 tháng để học thêm nhiều kiến thức sâu liên quan
- GĐ 3: Đã có kết quả tốt và mình đang ở giai đoạn này (cũng qua 4 tháng rồi)
Ví dụ khác là về mảng Email. Trước kia khi mới nghe đến email mình nghĩ đơn giản là gửi email thôi :)) Không hề, bước chân vào đó là cả một thế giới phức tạp vch gồm: công cụ, tiêu đề, hình ảnh, content, cta, spam, inbox, subscribe,.. Chắc các bạn không tin nhưng thời điểm đó mình phải mất gần 1h30 chỉ để gửi 1 cái email đến khách hàng :)) Tính tới thời điểm bây giờ mình đã lên được hệ thống 6 email trong 1h. Còn những chuyện thú vị liên quan đến Ads, Social Community, Automation nữa sau mình sẽ chia sẻ.
Và để trở nên giỏi hơn nữa mình nghĩ mình phải chia sẻ, hướng dẫn được cho người mới để họ có thể hiểu được, nắm được, làm được như mình trong thời gian ngắn nhất. Mình đã từng trải qua cảm giác này rồi phải nói là rất khó :))
Có cách để rút ngắn quá trình này không. Có chứ. Như mình nói ở trên là học từ những người giỏi. Có tư duy phản biện để tránh làm sai phương pháp dẫn đến kết quả sai (cái này mình đang học). Ngoài ra còn có rất nhiều kỹ năng khác phải học để rút ngắn được quá trình trên như (tư duy thiết kế, quản lý thời gian, tập trung làm điều quan trọng,...). Tóm gọn là bao gồm kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, thói quen và thái độ. Nhưng nói chung phải đi qua ít nhất 3 giai đoạn thì mình mới biết là mình hợp hay không được chứ dễ bỏ ở giai đoạn 2 lắm.
Gần đây mình mới học một cách để học hiệu quả hơn đó là từ mục tiêu và kết quả rồi suy luận ngược lại những thứ cần chuẩn bị, chứ không đi từ tư duy công cụ trước vì nó sẽ bị hạn chế và khó ra kết quả thực tế.
Trong quá trình này mình thấy có một điều quan trọng mà bản thân mình đã dần hạ thấp được đó là cái tôi. Ngày xưa mình có cái này mình chả nhìn thấy cái gì cả, nhìn vào đâu cũng chỉ là góc nhìn hạn hẹp vì cái tôi nó che hết rồi :)) Giờ thì thấy chỗ nào cũng tích cực được, người nào dù nhỏ hơn mình nhiều tuổi cũng học được cái gì đó,...
Lấy 1 cái ảnh minh họa mình nghĩ khá hay: “Niềm vui là điều không thể thiếu trong học tập cũng như hít thở trong khi chạy vậy”. Sự thật là cần phải luôn suy nghĩ tích cực thì mới qua được những giai đoạn khó khăn để hái quả ngọt sau này hehe.
Nói chung là càng học thì càng thấy mình không biết nhiều thứ, rồi lại thích học hơn :)) Và mình cần phải biết những thứ mình không biết để phát triển hơn nè.
Chúc bạn một ngày tốt lành.
From Cường Dizi.
P/s: Google trước kia mình tra Tiếng Việt để học :)) Nhưng sau này học Tiếng Anh thì tra thấy kiến thức nó chuyên sâu và ngon hơn nhiều haha.
Facebook Page: https://www.facebook.com/CuongDigitalPage/
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất