Còn nhớ hồi bé, cứ mỗi độ hành vào mùa là những đứa trẻ như tôi lại lẽo đẽo theo ba mẹ ra đồng.
Bé mà, đã ý thức được phải làm gì đâu? Nhưng không ra thì ở nhà ai trông? Đến cô giáo cũng phải gác lại phấn bảng để phụ giúp gia đình nữa mà. Hồi đó làm gì có smartphone như bây giờ đâu, ba mẹ cứ vất chúng tôi ở đúng thửa ruộng nhà mình được khoán đó, còn đâu là cứ tự thà thiên, la cà chơi với những chú sâu con bướm...Mặt mũi cứ lấm lem, quần áo chằng chịt những vết bẩn...nhưng kệ! Miễn là chơi ngoan để cho ba mẹ nhổ cho xong luống hành còn kịp về không trời đổ tối.
Lớn hơn chút, là đôi chân, ánh mắt phải chạy đua nhanh hơn để giúp đỡ bố mẹ. Mỗi năm ba mẹ lại xin thêm hợp tác xã một ít đất để tăng sản lượng hoa màu, vất vả đấy nhưng âu cũng là có thêm cho chúng tôi miếng thịt, con cá, thêm quyển vở với cái bút..để cho "bằng chúng bạn". Chẳng phải "khoa trương múa trống- hô khẩu hiệu um tùm" nhưng trong lòng mỗi đứa như chúng tôi luôn tự ý thức được phải cố gắng thật nhiều để có thể về đích một cách sớm nhất giúp bố mẹ có thêm thời gian nghỉ ngơi cho vụ cấy kế tiếp.
Nhiều bạn cứ bảo yêu vào mới thấy đau khổ là như thế nào? Nhưng nếu có dip về nhổ hành cùng tớ, được ngồi cắt gọt từng củ hành...thì các bạn mới thấy đâu là nỗi đau? Đấy là chưa kể trong mỗi bữa cơm, hành luộc chấm mắm cáy như là món ăn ngẫu nhiên ngồi trong mâm của hầu hết các gia đình khi vào mùa, ăn 1-2 bữa thì thấy ngon chứ đến cả tháng trời nhiều khi nghĩ cũng "xanh mắt mèo" ==> Vậy mà bây giờ thèm thì lại chẳng mấy khi được ăn, bởi hành ở quê nhà vẫn là một điều gì đó khác lắm so với hàng quán ngoài chợ
Rồi mỗi lần lại túm năm, tụm ba đi lên đồi chặt tre, nứa về làm giàn phơi hành, ta nói chứ chỉ cần lơ đễnh chút thôi là vắt bò lên đến bẹn rồi. Nhiều ông tự dưng cứ thấy buồn buồn, mát mát là kiểu gì cũng được đỉa, vắt hỏi thăm rồi. Xong xuôi vác sản phẩm về, may thì được tha không phải đi chặt lại còn xui thì phải đi chặt tiếp vì chọn lựa những cây làm giàn chưa chuẩn....đôi ba lần như vậy là những vụ kế tiếp chẳng phải nói là chúng tôi đã thành những anh thợ lành nghề.
Những bữa cơm muộn đã trở thành nếp quen trong một phần kí ức tuổi thơ, có những nhà leng keng nồi cơm lúc 8h tối, cũng có những nhà đến tận 10h mới xong bữa cơm. Gọi là cơm cho sang thôi chứ tầm đó cũng chỉ tìm vội đồ lót da để ngả lưng sau một ngày miệt mài ở ngoài đồng.
Mệt là thế, nhưng đó là những niềm vui giản dị mà bây giờ chẳng tiền bạc nào mua nổi. Những lúc mệt mỏi, áp lực quá thì bản thân lại lôi những tư liệu mình đã giữ đó ra ngắm nghía. giờ lớn rồi, ít về quê hơn lại thêm dịch bệnh như này lại càng nhớ nhà, nhớ ông bà.
Thôi thì chỉ biết nói quê hương ơi cố lên! Kinh Môn ơi cố lên!
Hết dịch chúng ta lại về với nhau tại đây: https://shorten.asia/e3mCMszw