VĂN HÓA TẬP THỂ & SỰ HÒA TAN VĂN HÓA CÁ NHÂN
Giá trị của một cốc cafe nằm ở văn hóa quán cafe, nó đem lại giá trị cao hơn rất nhiều so với những giá trị khác như chi phí sản xuất...
Giá trị của một cốc cafe nằm ở văn hóa quán cafe, nó đem lại giá trị cao hơn rất nhiều so với những giá trị khác như chi phí sản xuất thực hay phí mặt bằng, phí dịch vụ,... Văn hóa là thứ tài sản vô hình, không thể sờ - cầm - nếm - ngửi nhưng lại là thứ tài sản đắt đỏ vô cùng. Nó không phải thứ có thể mua bằng tiền, cũng không phải thứ có thể thay đổi chỉ bằng câu chữ hay hình ảnh, nó là thứ mà người ta phải cam đảm đánh đổi rất nhiều điều để xây dựng và gìn giữ.
Vì sao lại dũng cảm? Vì sao phải đánh đổi? Đánh đổi điều gì?
Văn hóa là thứ có thể bị thay đổi khi đặt trong những đám đông khác nhau, như các cụ dạy “Gần mực thì đen, gần đèn thì nóng”. Cá nhân mình tin rằng “trí khôn của đám đông không minh mẫn như trí khôn của từng cá thể trong đám đông đó” - tức là ngay cả khi đám đông đó bao gồm nhiều cá thể thông thái khác nhau thì họ vẫn có khả năng kém tường minh hơn khi được tập hợp thành nhóm. Bản năng của con người là hoài nghi khi phải đưa ra quyết định có ảnh hưởng đến cá nhân mình, vậy nên khi tập hợp lại thành một nhóm (một cách tự nguyện) thì bản năng đó sẽ giảm dần bởi mỗi cá thể đã tạo ra một cầu nối tin tưởng nhất định - điều mà khiến họ cho rằng nếu người còn lại đã quyết là đúng, mình sẽ tin là đúng. Lúc này đám đông tạo quyết định dựa trên cảm giác - lí do chính khiến văn hóa dễ dàng bị thay đổi trong trường hợp này.
Không ai có thể sống riêng biệt, mỗi người đều được đặt trong những đám đông khác nhau, mỗi đám đông lại có những văn hóa khác nhau và để dễ thích nghi, điều tất yếu là thay đổi văn hóa cá nhân để hòa vào văn hóa tập thể. Điều này không sai, nhưng lại khiến người ta khó giữ vững giá trị riêng mình - đây là lúc mà lòng dũng cảm sẽ quyết định từ chối hay không từ chối đi theo văn hóa đám đông, đây cũng là lúc mà lòng dũng cảm sẽ tạo ra động lực để trí tuệ có thể suy nghĩ một cách tường minh nhất. Việc ở trong một tập thể nhưng từ chối một nét văn hóa nào đó có thể đem lại nhiều điều (những tưởng là) không nên - vì vậy chỉ có lòng dũng cảm mới giúp cá thể có động lực để tạo ra lựa chọn khôn ngoan nhất. Những người có đức tin lớn về văn hóa của mình, vượt qua sẽ hóa búp sen giữa bùn; những người còn lại, hoặc là thành đường viên hòa tan trong nước, hoặc là làm chiếc lá bèo trôi chẳng hòa tan nhưng cũng chẳng có giá trị nhiều.
Vậy nhiều câu hỏi hơn nữa:
Văn hóa cá nhân và văn hóa tập thể cái nào quan trọng hơn?Làm thế nào để giữ văn hóa cá nhân?Làm sao để biết nên từ chối văn hóa nào của tập thể? làm thế nào để đủ dũng cảm từ chối văn hóa chung?
Người ta hay nói nên đọc sách, đọc càng nhiều càng tốt. Nhưng điểm yếu của những người đọc nhiều là biết càng nhiều lại càng thiếu quyết đoán vì với mỗi một vấn đề cần quyết định, họ đều có thể phân tích ra rất nhiều lựa chọn khác nhau mà hiển nhiên, càng nhiều lựa chọn lại càng khó khăn khi đưa ra đáp án. Nhưng điều đấy không có nghĩa là không nên đọc sách vì điểm yếu của những người ít đọc sách - ngược với những người thiếu quyết đoán, họ dễ bảo thủ vì lựa chọn dựa chỉ trên thói quen thực tế cá nhân mà không cân nhắc đến những trường hợp có thể xảy ra vì thiếu sự trải nghiệm.
Đáp án tốt nhất cho tất cả vấn đề là hãy tìm kiếm sự cân bằng: Cân bằng giữa văn hóa cá nhân và văn hóa tập thể; cân bằng giữa lí thuyết và thực hành. Mặc dù thế này có vẻ giống với câu trả lời nước đôi không có lập trường, nhưng lí tưởng của mình vẫn luôn là sống như một nghệ sĩ xiếc giữ thăng bằng trên sợi dây cuộc đời. Văn hóa của cá nhân tạo nên sức mạnh cho văn hóa tập thể, ngược lại văn hóa tập thể tạo động lực thúc đẩy mỗi cá nhân theo đuổi lí tưởng sống tốt đẹp hơn - cân bằng để đôi bên cùng có lợi. Hai nền văn hóa có tác động cộng hưởng lẫn nhau, không có cơ sở nào để nói đúng - sai, chỉ có thể dùng trải nghiệm để nói phù hợp - hay chưa phù hợp, và sau rất nhiều những trải nghiệm như thế, mỗi người tự sẽ có câu trả riêng.
Chưa biết văn hóa cá nhân của bạn là đúng hay sai, nhưng nếu tin là đúng, hãy giữ vững lập trường và chứng minh điều đó
Khi Galilei nói “Trái đất quay quanh mặt trời”, dù đám đông không tin vào học thuyết của ông, dù mình tin rằng Galilei có thể nói dối để giữ lại mạng sống nhưng cho đến lúc bị xử án, ông vẫn giữ vững văn hóa cá nhân, chỉ nói những sự thật dựa trên khoa học, phản bội khoa học là phản bội đức tin. Galilei chết, thời gian chứng minh học thuyết của ông là đúng, và giá trị mà văn hóa cá nhân đem lại cho Galilei là tên tuổi lưu danh sử sách. Đứng trên quan điểm của một nhà khoa học - triết học cống hiến mình vì xã hội mà nói, sự tôn kính và ghi nhớ của hậu thế là một món quà vô giá đối với Galilei. Tuy nhiên, nếu thời điểm đó, Galilei được sống cùng một tập thể tương đồng tư duy - những bậc tiền bối ủng hộ thuyết nhật tâm hay những người ủng hộ khoa học, có thể cái kết của Galilei sẽ khác. Và tuy nhiên, nếu Galilei không phải là nhà triết học có niềm tin tuyệt đối vào sự thật khoa học để cân bằng giữa quan điểm cá nhân và quan điểm tập thể, có thể cái kết của Galilei cũng sẽ khác.
Câu kết luận:
Mỗi lựa chọn đều có cái giá của nó. Cốc cafe đắt hơn sẽ có nhiều giá trị hơn nhưng lượng người uống cũng sẽ giới hạn hơn. Cốc cafe rẻ hơn sẽ có nhiều người uống hơn nhưng giá trị nó mang lại cũng ít hơn. Đắt quá thì chưa chắc có ai uống, rẻ quá thì chưa chắc đã tồn tại được lâu dài. Nhưng đắt - hay rẻ, đủ kiên nhẫn sẽ tìm thấy chỗ đứng của mình trên thị trường.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất