(Bài viết có nhắc đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần như tr.ầ.m c.ả.m, lo âu, tutu, cân nhắc trước khi đọc nếu bạn cảm thấy khó chịu về chủ đề này).
Hãy bắt đầu bằng 1 trò chơi.
Bỏ 1 ngón tay xuống nếu bạn:
- Đã từng ít nhất 1 lần thấy video tiktok “5 dấu hiệu cho thấy bạn ADHD/ trầm cảm/ OCD”
- Đã từng share lyrics hoặc gắn 1 bài hát siêu buồn thẳm của Lana Del Rey lên story
- Đã từng xem phim 13 Reason Why hoặc Euphoria rồi tưởng tượng mình y hệt nhân vật chính
- Đã từng gửi 1 cái meme kiểu “tôi khi trầm cảm” cho bạn bè kèm tin nhắn “chính xác là tôi”
- Đã từng copy/share lại 1 gif đen trắng về việc nỗi buồn trên Tumblr vì thấy nó đẹp
Cảm ơn bạn, tôi đã bỏ xuống 1 bàn tay. Tôi có đủ 5/5 những điều trên.
Covid-19 cùng chuỗi ngày dài cách ly đã kết thúc thời đại mà các vấn đề tâm thần bị xem là “khùng điên”, “xấu xí”, “ma ám”, “biến thái”... Nhưng đoán xem, truyền thông thời đại mới cùng các bộ phim, âm nhạc, Tiktok, Threads đã mang lại aura mới gì:
Sức khỏe tâm thần là trend.
Chúng ta không thể phủ nhận internet, mạng xã hội và các phương thức truyền thông khác đã và đang cung cấp một không gian vô cùng cởi mở với tài nguyên dồi dào cho sức khỏe tâm thần. Đó là nơi chúng ta có thể tìm kiếm thông tin về vấn đề mình đang gặp phải, chia sẻ với người cùng chung khó khăn và kết nối với nguồn lực hỗ trợ cần thiết.
Hãy chậm lại. Cách xây dựng nội dung liên quan đến sức khỏe tâm thần hiện đang đưa chúng ta lên một con thuyền và rẽ sang 1 hướng hoàn toàn mới. Dưới đây là một số góc nhìn độc hại về sức khỏe tâm thần trên mạng xã hội hiện nay:

1. “Nếu có các dấu hiệu này, bạn có thể mắc …”

Chỉ cần lướt 10 clip tiktok có content như trên, bạn nghiễm nhiên có thể trở thành một người vừa có ADHD, OCD, t.r.a.m c.a.m, lo/au, lưỡng cực, rối loạn tic cùng 1 lúc.
Dù các clip này có thể xuất phát từ mục đích tốt là hỗ trợ nhận diện sớm, trong bối cảnh bị giới hạn 60 giây, chúng ít khi có thể giúp người xem có thể hiểu cặn kẽ, đầy đủ và chính xác về các vấn đề tâm thần được. Trong khi đó, việc cố gắng thu hút lượt xem đôi khi cũng khiến các nhà sáng tạo nội dung phải làm cho nội dung trở “wow hơn” bằng cách hài hước hóa, đau khổ hóa hoặc phóng đại các biểu hiện.
Điều này khiến các vấn đề tâm thần trên nền tảng này dễ bị mô tả sai lệch và có khả năng gây cho người xem các lo lắng quá mức về tình trạng sức khỏe của họ, gọi là Cyberchondria (Dianne Grande, 2023). Ngoài ra, các thông tin gây hiểu lầm cũng sẽ làm gia tăng việc Tự chẩn đoán quá mức (self-diagnose), khiến khán giả nhầm lẫn giữa những trạng thái tâm lý, cảm xúc tạm thời và các triệu chứng thực sự của rối loạn tâm thần. Đặc biệt nghiêm trọng khi thời lượng sử dụng Tiktok luôn nằm trong top 5 các ứng dụng, đặc biệt cao đối với nhóm người trẻ 16 – 24 tuổi (Global Social Media Statistics, 2024).
Nghiên cứu về nội dung sức khỏe tâm thần trên tiktok gần đây nhất cho thấy các video mô tả trải nghiệm cá nhân có mức độ phổ biến và nhận lượt tương tác (bao gồm lượt xem, đăng lại, số bình luận và lượt thích) cao hơn đáng kể so với các video tương tự nhưng đến từ các chuyên gia y tế. Ngoài ra, các video tái hiện lại triệu chứng của t.r.a.m c.a.m, lo/au thường được thảo luận nhiều hơn so với các câu chuyện về việc một người thực sự được chẩn đoán (Samuel, Kuijpers và Bleakley, 2024 ).
Trong một nghiên cứu cụ thể về nội dung ADHD trên Tiktok, có đến 52% số video được các chuyên gia tâm thần đánh giá là “gây hiểu lầm” trong khi đó chỉ có 21% video được cho là “có ích” vì đưa thông tin chính xác. Các video gây hiểu lầm bởi nó quy kết sai triệu chứng (ADHD có tính cạnh tranh cao), trình bày sai cơ thế thần kinh (ADHD là do thiếu dopamine) hay đưa ra cách chẩn đoán thiếu cơ sở (nghe sound này để biết có mình có ADHD không) (Yeung và cộng sự, 2022)

2. “Trông chả giống trầm cảm/abc tí nào”

Dưới các bài viết nghìn lượt xem trên Threads của một người để chia sẻ các trải nghiệm khó khăn liên quan đến vấn đề tâm thần, bạn sẽ không thấy khó khi tìm thấy cmt kiểu:
“Chầm kãm người ta chỉ muốn 44 thôi, ai lên mạng khoe”
“Người trầm cãm không bao giờ thể hiện mình là người t.r.a.m c.a.m”
Các câu chuyện cá nhân trên Tiktok và Threads ngoài việc có thể bị tách ra khỏi bối cảnh dẫn đến việc đơn giản hóa thông điệp, các thảo luận kì thị hay đánh giá bên dưới cũng có khả năng vô tình củng cố các khuôn mẫu sai lầm về sức khỏe tâm thần, gây nguy hiểm cho người chia sẻ và những người đọc được.
Sự thiếu thấu cảm của các “chuyên gia” này khởi nguồn từ việc mọi người không phân biệt được đâu là “bệnh” (diseases) và đâu là “rối loạn” (disorders). Theo 2 sổ tay phân loại và chẩn đoán ICD và DSM, đa phần các vấn đề tâm thần sẽ được chẩn đoán là “rối loạn” bởi các rối loạn tâm thần không xuất phát từ một nguyên nhân và thể hiện các triệu chứng cụ thể như một căn bệnh (Martin, 2023).
Điều cốt lõi mọi người cần nhớ là:
Mặc dù có các tiêu chí chẩn đoán, các biểu hiện của vấn đề tâm thần không phải luôn giống nhau với tất cả mọi người.
Vậy nên, những comment sai lệch kiểu này sẽ vô tình khuyến khích mọi người kìm nén cảm xúc của mình thay vì chia sẻ để tìm kiếm sự hỗ trợ hoặc tạo áp lực mọi người phải có một cách thể hiện khác – một cách thể hiện ‘phù hợp’ với tưởng tượng của công chúng. Điều này đi ngược lại mục tiêu rộng lớn hơn là thúc đẩy các cuộc trò chuyện cởi mở về sức khỏe tâm thần trên mạng xã hội.

3. Meme hóa

Hài hước hóa không phải là điều mới. Tôi từng share những meme liên quan đến quá trình trị liệu tâm lý của mình. Tôi cũng từng nhấn follow 1 instagram chuyên để đăng meme về vấn đề tâm thần.
Meme là một công cụ tuyệt vời để người trẻ cảm thấy thoải mái hơn khi nói về những khó khăn mà họ trải qua. Đây cũng là một cách nâng cao nhận thức của mọi người và khiến cho những định kiến như vấn đề tâm thần là “đáng xấu hổ” hay “kinh khủng" dần biến mất (Grounds, 2022).
Tuy nhiên, meme sẽ trở nên nguy hiểm nếu các bức hình này dần trở thành cơ chế ứng phó duy nhất của người có vấn đề, thay vì tạo động lực để họ tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp.
Ngoài ra, thể hiện các vấn đề sức khỏe tâm thần dưới dạng clip tiktok hay hình ảnh hài hước cũng là một cách thức xem nhẹ tầm nguy hiểm của chúng. Một ví dụ thực sự đang diễn ra với người trẻ là việc mọi người bình thường hóa việc chán ăn và gắn nó với mục đích giảm cân hay tự hào vì đã dành thời gian làm việc/lướt tiktok thay vì dành thời gian để ngủ.
Điều này sẽ khiến người xem hiểu lầm rằng vấn đề sức khỏe tâm thần là đơn giản và khiến những người thực sự trải qua vấn đề này hoặc người nhà của họ cảm thấy bị coi thường, tổn thương.

4. Vấn đề tâm thần là một kiểu thẩm mỹ

Không phải là điều gì mới mẻ, lãng mạn hóa vấn đề tâm thần là câu chuyện xuất hiện ẩn ý trong các tác phẩm nghệ thuật và Tumblr từ lâu.
Như đã để ngón tay xuống từ đầu bài viết này, Huệ Ăn 16 tuổi đã thực sự nghĩ đời mình chẳng khác gì diễn viên chính trong series “13 Reason Why” (13 lý do tại sao). Huệ Ăn đã ước mình cũng đã “ngầu” như vậy. Nhưng đấy không phải câu chuyện của mỗi tôi.
Để hiểu rõ hơn về tác động của “13 lý do tại sao” đối với tỷ lệ tutu, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu về số ca tuvong do tutu có nguồn gốc từ dữ liệu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, từ 1/1/2013 đến 31/12/2017. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tỷ lệ tutu ở những người từ 10-17 tuổi cao hơn đáng kể trong các tháng 4, 6 và 12/2017 (các tháng phát hành phim) so với dự kiến ​​dựa trên dữ liệu trước đó (Bridge và cộng sự. 2020).
Dù đây không phải nghiên cứu dựa trên mối quan hệ nhân quả, kết quả này cũng là một lời nhắc nhở về việc đơn giản hóa, thần tượng hay lãng mạn hóa các vấn đề tâm thần trong phim ảnh và phương tiện truyền thông, dẫn đến việc xây dựng những khuôn mẫu sai lầm về chủ đề tâm thần.
Một số bộ phim khác mà bạn có thể thấy quen thuộc hơn như Joker (2019); Euphoria (2019); Sự im lặng của bầy cừu (1991) cũng đã đem đến một hiệu ứng tương tự: Các nhân vật chính dù có vấn đề tâm thần, miễn họ là nhân vật chính, họ sẽ được ‘make up’ cho ngầu và sexy và đẹp. Trong phim The Idol (2023), nữ chính - Jocelyn còn được đeo ‘trang sức’ là vòng tay của bệnh viện và mô tả như một người vô cùng dễ bị tổn thương, bởi quản lý của cô ý cho rằng “rối loạn tâm thần là quyến rũ” (mental illness is sexy).
Điều đáng nói là những chương trình này lại thường ít/không có nỗ lực diễn giải sự hiểu lầm nghiêm trọng này, lồng ghép cảnh báo hay cung cấp nguồn lực hỗ trợ cho người xem (hoặc họ cố tình làm thế idk).

Hãy nói về âm nhạc.

Các bài nhạc luôn là sản phẩm thể hiện nội tâm cá nhân của người nghệ sĩ. Thật khó để đổ lỗi cho nghệ sĩ khi vừa phải thể hiện khía cạnh bản thân, viết lời có thể tạo sự đồng cảm, không để nó quá dài, nhưng đồng thời cũng không để mọi người hiểu lầm rằng mình có ý đồ thẩm mỹ hóa vấn đề tâm thần. Tuy nhiên, hiểu về tác động của các tác phẩm âm nhạc buồn bã đã tô hồng cách nhìn của mọi người với vấn đề này là cần thiết.  
“You like your girls insane” (“ngây dại tựa mộng ước của chàng”) trong Born to die của Lana Del Rey,
“Will you still love me, When I’ve got nothing but my aching soul” (“người có còn yêu em không, khi em không còn gì ngoài tâm hồn mục rỗng này”) trong Young and Beautiful của Lana Del Rey
“Thought I could fly. So I stepped off the Golden. Nobody cries. Nobody even noticed (“Em từng nghĩ em có thể bay. Nên em gieo mình xuống từ cầu Cổng Vàng. Không ai khóc thương. Không ai thèm để tâm) trong Everything I wanted của Billie Eilish.
Những ca từ đầy chất thơ cùng âm nhạc sâu thẳm trên đã và đang vô tình được người nghe của họ (có cả tôi) say đắm. Trong số đó, đặc biệt là nhóm tuổi vị thành niên, thực sự đã xem những trải nghiệm khó khăn như t.r.a.m c.a.m, đau buồn, tutu là đại diện cho một tâm hồn sâu sắc, chân thực.

Và đừng quên Tumblr – đế chế sad aesthetic quote

Trong một thực nghiệm của Jadayel và cộng sự (2018), những người tham gia được xem hai loại hình ảnh mô tả việc tutu trên Tumblr.
Loại A trình bày kiểu hình ảnh nghệ thuật, trong khi Loại B trình bày rối loạn tâm thần một cách thực tế (phía dưới). Phản ứng của những người tham gia đối với các bức ảnh là khác nhau ở mỗi thể loại. Với các bức ảnh ở Loại A, họ dành thời gian chiêm ngưỡng chúng và bình luận về việc chúng hấp dẫn, thơ mộng, nghệ thuật như thế nào. Tuy nhiên, phản ứng của người tham gia đối với các bức ảnh ở Loại B lại thể hiện sự sợ hãi và dè dặt: “Mọi thứ đều vui vẻ và thú vị cho đến khi có người thực sự muốn tự tử”; “Khi mọi chuyện nghiêm trọng đến mức đó thì thật kinh khủng”.
Loại A
Loại A
Loại B
Loại B
Kết quả này cho thấy rõ ràng về việc Tumblr đang tô hồng và làm đẹp các vấn đề tâm thần như thế nào.

Thì có vấn đề gì đâu?

Việc các vấn đề tâm thần trở nên được “ưa chuộng” có thể khiến mọi người tự nhận mình có rối loạn tâm thần.
Theo Naegele and Goffman (1956) trong cuốn sách “The Presentation of Self in Everyday Life”, chúng ta khi tương tác trong các bối cảnh xã hội, giống như đang diễn trên một sân khấu kịch, liên tục phải tham gia vào quá trình “quản lý ấn tượng” (impression management), cố gắng thể hiện bản thân và hành xử theo cách tránh làm bản thân hoặc người khác thất vọng. Theo ông, những “set diễn” trên sân khấu của chúng ta sẽ luôn có xu hướng tuân thủ các kỳ vọng của xã hội.
Sự ra đời của các ‘sân khấu’ truyền thông cùng với các thông điệp tô hồng nói trên dường như đang thúc đẩy mọi người chọn một rối loạn tâm thần để đồng nhất bản sắc với mình. Mọi người có thể cảm thấy mình đặc biệt hơn, thú vị, sâu sắc hoặc phức tạp, quyến rũ hơn nếu làm việc.
Điều này cũng có thể xuất phát từ nhu cầu rất cơ bản của con người – nhu cầu được thuộc về. Việc trở thành “người mắc <một rối loạn tâm thần bất kể>” có thể cho chúng ta một cộng đồng để chia sẻ và kết nối.
Ngoài ra, các sản phẩm nghệ thuật này cũng có thể gây hại trực tiếp với những người đang phải trải qua vấn đề tâm thần thực sự. Trong thực nghiệm của Arens và Stangier (2020), người tham gia được cho nghe các đoạn nhạc buồn, trung tính, vui, sau đó họ được hỏi liệu đâu sẽ là bản nhạc mà họ muốn tiếp tục nghe sau đó cùng với lí do. Kết quả cho thấy những người có rối loạn trầm cảm nặng (major depressive disorder - MDD) có xu hướng chọn nhạc buồn hơn nhạc vui hay nhạc trung tính với lí do “nó khiến tôi cảm thấy là chính mình”. Kết quả này xác nhận rằng những cá nhân có MDD có xu hướng chọn duy trì hoặc tăng thêm nỗi buồn của mình thay vì cố gắng làm giảm nó nhằm đáp ứng nhu cầu duy trì mối quan hệ ổn định với danh tính của bản thân (self-verification).
Điều này còn nguy hiểm hơn trong bối cảnh các thuật toán của mạng xã hội luôn cung cấp cho ta những gì chúng ta muốn, khiến những kích thích buồn bã liên tục xuất hiện như một căn buồng vọng.

Tóm lại là:

Các sản phẩm văn hóa đại chúng và truyền thông luôn có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực nâng cao nhận thức và cung cấp kiến thức về sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, không phải tất cả nội dung dưới mọi cách thức đều được thể hiện 100% chính xác và có tránh nhiệm. Bạn có thể tiếp cận thông tin một cách lành mạnh hơn bằng cách:
- Ưu tiên các kênh thông tin từ chuyên gia thực sự;
- Có sự hoài nghi và phản biện khi tiếp cận thông tin;
- Nếu cảm thấy nội dung khiến bạn căng thẳng hoặc choáng ngợp, hãy dừng lại;
- Không tự chẩn đoán dựa theo các nguồn tin trên internet;
- Thực hành việc thấu cảm với sự đa dạng trong các trải nghiệm tâm thần;
- Chia sẻ thông tin một cách có trách nhiệm;
- Quan trọng nhất, hãy tìm đến sự hỗ trợ nếu bạn cảm thấy không ổn.
Cảm ơn bạn đã đọc.