Trong các nghiên cứu về phương pháp điều trị phù hợp cho các vấn đề về sức khỏe tinh thần hay còn gọi là sức khoẻ tâm thần, thuốc [medication], tham vấn trị liệu tâm lý [counselling - psychotherapy] cũng như sự phối hợp của hai phương pháp này đã được chứng minh là có hiệu quả. 
Tuy nhiên, những người có các vấn đề khác nhau sẽ có những phản ứng khác nhau đối với các phương pháp điều trị này. Việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cần dựa trên những bằng chứng khoa học xác thực nhất trong thời điểm đó, cũng như mức độ sẵn sàng cam kết với các phương pháp điều trị khác nhau của bệnh nhân. Sau đây là một số lưu ý quan trọng chính thức được đăng tải trên website của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ - American Psychology Association:

CÁC MINH CHỨNG XÁC THỰC NHẤT HIỆN NAY

1. TRẦM CẢM
Đối với chứng trầm cảm, phương pháp điều trị phù hợp là thuốc chống trầm cảm [antidepressant] VÀ tham vấn trị liệu theo trường phái Nhận thức Hành vi - nhằm hỗ trợ bệnh nhân thay đổi các thói quen suy nghĩ, hành vi tiêu cực, từ đó cải thiện tâm trạng bản thân HOẶC trường phái Liên cá nhân - có mục đích hỗ trợ thân chủ học các kỹ năng xã hội phù hợp. Trong nhiều trường hợp, sự kết hợp giữa thuốc và tham vấn trị liệu là cần thiết.  Những cá nhân có suy nghĩ hay kế hoạch tự sát cần được điều trị nội trú trong bệnh viện tâm thần. 
Tại Việt Nam, một số Viện Sức khỏe Tâm thần đã có dịch vụ tham vấn trị liệu ngay tại bệnh viện. 
2. RỐI LOẠN LO ÂU
Với chứng rối loạn lo âu, thuốc chống trầm cảm [antidepressant], thuốc chống lo âu VÀ tham vấn trị liệu theo trường phái Nhân thức Hành vi là những phương pháp các nghiên cứu khoa học đã chứng minh là có hiệu quả. Nhìn chung, các nghiên cứu cho thấy, tham vấn trị liệu có hiệu quả cao hơn việc sử dụng thuốc. Tác dụng của việc sử dụng thêm thuốc là không đáng kể so với việc chỉ đi tham vấn trị liệu. 
3. RỐI LOẠN SỬ DỤNG CHẤT
Trong trường hợp này, tham vấn trị liệu theo trường pháp Nhận thức Hành vi và các phương pháp trị liệu tập trung vào việc thay đổi môi trường sống đã được chứng mình là có hiệu quả. Những cá nhân có vấn đề nghiện chất quá nặng có thể sử dụng thêm một số loại thuốc để giảm nhẹ cơn thèm chất hoặc giảm nhẹ ảnh hưởng của việc ngộ độc chất.
4. RỐI LOẠN ĂN UỐNG
Với chứng rối loạn này, người mắc có thể cần thuốc để đảm bảo tính mạng và sức khỏe thể chất. Việc kết hợp tham vấn trị liệu và thuốc được chứng minh là có hiệu quả hơn việc chỉ trị liệu bằng một trong hai phương pháp. 
5. RỐI LOẠN LƯỠNG CỰC & TÂM THẦN PHÂN LIỆT
Trong trường hợp này, phần lớn bệnh nhân cần được điều trị bằng thuốc chống loạn thần và ổn định cảm xúc. Nghiên cứu cho thấy, việc điều trị thêm bằng tham vấn trị liệu có thể cải thiện chức năng sinh hoạt hàng ngày.
6. CÁC VẤN ĐỀ KHÁC
Đối với các vấn đề khác trong tiến trình làm cha mẹ, mới lập gia đình hoặc thích nghi với điều kiện sống mới, tham vấn trị liệu là phương pháp tối ưu nhất. Đây là cách thức hiệu quả để xây dựng các kỹ năng mới phục vụ cho cuộc sống hàng ngày.

CÁC LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THUỐC

Trong bài phỏng vấn trên tờ The Guardian, bác sĩ Trudi Seneviratne cho biết, các bác sĩ tâm thần tại Anh Quốc thường kê đơn thuốc khi và chỉ khi các rối loạn khiến người bệnh trở nên suy nhược, thiếu tỉnh táo, không thể thực hiện các hoạt động thường ngày và quan trọng là không thể tham gia tham vấn trị liệu tâm lý.
Ông cũng cho biết, thuốc chống trầm cảm, đặc biệt là các thuốc chống tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) như sertraline hay citalopram là những thuốc được kê đơn nhiều nhất. Lo âu và trầm cảm thường xảy ra đồng thời với các mức độ khác nhau. 
Khi các thuốc chống tái hấp thu serotonin có chọn lọc không có tác dụng, bác sĩ có thể đổi qua nhóm thuốc chống tái hấp thu serotonin và norepinephrine có chọn lọc hoặc benzodiazepines. Benzodiazepines như lorazepam hay diazepam là nhóm thuốc an thần, chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn hạn bởi tính chất gây nghiện của chúng. 
Nhóm thuốc khác bao gồm nhóm chẹn beta, sử dụng cho chứng động kinh và các thuốc chống loạn thần khác để giảm nhẹ triệu chứng hoang tưởng hay ảo giác. 
Tuỳ vào loại thuốc, tác dụng phụ có thể bao gồm đau đầu, buồn nôn cho tới giảm như cầu tình dục và thậm chí là gia tăng các triệu chứng lo âu và nguy cơ tự sát. 
Bác sĩ Trudi nhấn mạnh rằng, không một loại thuốc nào nên được sử dụng liên tục suốt đời mà CẦN ĐƯỢC ĐIỀU CHỈNH KHOẢNG BA THÁNG MỘT LẦN. Trong nhiều trường hợp, việc sử dụng thuốc có thể tạm thời làm giảm triệu chứng ngay tức thì, khiến bệnh nhân không có cơ hội học các phương pháp ứng phó phù hợp với nghịch cảnh một cách tự nhiên.

VIỆC ĐIỀU TRỊ CẦN ĐƯỢC THAY ĐỔI CHO PHÙ HỢP VỚI TỪNG CÁ NHÂN

- Những người khác nhau sẽ có phản ứng khác nhau với cùng một phương pháp điều trị. Nếu một phương pháp không hiệu quả, hãy thử những phương pháp khác nhau. Nghiên cứu cho thấy, những bệnh nhân không phản hồi với thuốc vẫn có thể nhận được nhiều ích lợi từ việc tham vấn trị liệu. 
- Cả thuốc và tham vấn trị liệu đều yêu cầu sự cam kết từ bệnh nhân hay thân chủ. Kết quả thường sẽ không đến chỉ sau một đêm. Chính vì vậy, hãy chỉ bắt đầu với một liệu trình điều trị nếu như bạn có thể và sẵn sàng đi cùng nó tới cùng. 
- Thông thường, mỗi người sẽ chỉ phản hồi với tiếp cận điều trị mà họ hiểu rõ. Hãy thảo luận kỹ lưỡng với bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý trị liệu để đảm bảo rằng bạn hiểu kỹ càng về phương pháp điều trị mà bạn sẽ sử dụng. 
Hãy lưu ý, trong một số trường hợp, những thay đổi nhỏ như thay đổi thói quen sống, cải thiện bữa ăn, giấc ngủ và luyện tập thường xuyên có thể đem lại những hiệu quả rõ rệt trong việc cải thiện sức khỏe tinh thần. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc thực hiện những thay đổi trên hoặc cảm thấy sức khoẻ tinh thần của bản thân không có những tiến triển tích cực ngay cả khi đã đó gắng thay đổi, hãy tìm đến  sự trợ giúp của các chuyên gia tham vấn trị liệu tâm lý. 
Tác giả: Keira Ngo
Tham khảo: APA, The Guardian
---------------
Để hiểu hơn về các phương pháp tham vấn trị liệu tâm lý, bạn có thể theo dõi serie livestreams "Vui" lên bạn ơi ?!? trên Youtube chính thức của Spiderum.
👉🏼 Số 5: "Vui" lên bạn ơi ?!? Trị liệu Y dược - Hay là ... uống thuốc
👉🏼 Thời gian: 10h sáng thứ Bảy, 29/10/2022
👉🏼 Khách mời: BS. ThS. Nguyễn Thuý Anh, bác sĩ Tâm thần Nhi, bệnh viện Tâm thần Trung ương, từng thực tập tại London, UK.