Nói về dân khí ở Việt Nam, tôi nhớ đến câu thơ của Nguyễn Trãi:
Càn khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh
Quả thật trên đời không có cái gì vĩnh viễn xấu hay vĩnh viễn tốt. Người Việt Nam đi từ cơn mê giết chóc đến cơn mê khát tiền sau Đổi mới. Bây giờ, ngó nhìn lại, họ đang dần dần tỉnh táo để hiểu cuộc đời, cái gì là quan trọng thực sự.
Cách đây ba năm, tôi có đọc một bài báo ở Mỹ. Bài báo ấy chỉ ra một thực tế rất ngộ nghĩnh là: Ở Việt Nam, các bà mẹ luôn thích con mình hơi bầu bĩnh và mập múp máp. Tại sao vậy? Vì trong quá khứ, Việt Nam là dân tộc sống triền miên với thiếu thốn và thèm khát. Nếu có con mập mạp, các mẹ tỏ ra yên tâm và tự hào. Đó cũng là dấu hiệu chứng tỏ với làng xóm láng giềng rằng mình đang làm ăn được. Theo đó, các tập đoàn sữa của Hoa Kỳ đã cực bất ngờ vì khối lượng hàng đồ sộ và món hời béo bở mà họ kiếm được từ túi các bà mẹ Việt Nam. Hãy thử nghĩ coi, nếu không có gã khổng lồ Vinamilk thì cánh A+ và Dielac còn kiếm khủng đến cỡ nào.
Nhìn chung, tình hình xã hội Việt Nam cũng tương tự như thế. Cơn khát tiền, khát xe, khát tiện nghi đã khiến cả dân tộc quay cuồng và điên loạn. Chúng ta hi sinh đầm, hồ, sông, ngòi, cây cối, rừng xanh, biển biếc để đổi lấy nhà máy cuộn khói trong sương sớm, TV, tủ lạnh, điều hòa. Buồn là sự hi sinh của ta không đơn giản vậy. Ta còn hi sinh luôn cả thời gian, sự có mặt cho nhau bằng việc rúc đầu vào máy tính và điện thoại thông minh. Tình người và sự tử tế trở thành món hàng đắt đỏ và hiếm hoi trong khi rác thải trở nên ngập ngụa khắp nơi. Sự nghi kị và đề phòng xâm chiếm toàn não bộ chúng ta.
Một dân tộc lao đầu vào ái dục và mua sắm thì nguyên khí bị hao tổn. Bác nào nghiên cứu thiền, khí công hoặc đông y thì chắc hiểu rõ. Nội lực sẽ suy giảm nếu năm cơ quan tiếp nhận của ta liên tục phóng theo các chuyển động bên ngoài. Tôi sẽ không bàn sâu chủ đề này vì muốn để dành nó vào một dịp khác. Ở đây, tôi chỉ muốn nói rằng, dân khí ở Việt Nam đang hồi phục dần dần khi nó đã chạm vào đáy cùng suy sụp.
Tôi không đặt nhiều niềm tin vào chuyển hóa dân khí ở lớp người 7X và 8X. Hùng tâm tráng khí mạnh mẽ ở Việt Nam sẽ chủ yếu tập trung vào sự đột phá của cánh 9X mặc dù tôi nhận thức được rằng các thế hệ đều liên quan, tương tác với nhau mạnh mẽ.
Thế hệ nào cũng có người này người nọ. Nhưng nhìn bức tranh chung thì có thể khái quát đặc điểm các thế hệ như sau: Cánh 7X mang trong mình nỗi ám ảnh về sự nghèo đói. Họ đầu tư hết tâm ý cho việc làm giàu và cầu thủ LỢI-DANH. Họ thờ ơ lợi ích cộng đồng và cố né ra việc bàn bạc về chính trị. Khí độ của họ, nhìn chung là yếu.
Cánh 8X không biết chiến tranh cũng không biết nghèo đói, có chút học hành hơn cha anh nên tỏ ra tự mãn và bản ngã dâng cao. Họ đề cao tự do cá nhân và khá ích kỷ, xem nhẹ cộng đồng. Họ dính mắc vào DANH-LỢI. Khí độ của họ, nhìn chung là khá. Xin nhắc lại, kết luận này không phải đúng với mọi trường hợp, chỉ là khái quát chung.
Chỉ có cánh 9X và sau đó là có thể bình thản trước cám dỗ và lạc thú vì họ sinh ra trong hoàn cảnh khá no đủ. Họ thoát khỏi nỗi sợ cường quyền và bạo quyền. Dị biệt về văn hóa, quan điểm chính trị không còn đeo bám não trạng của 9X. Họ tôn trọng sự khác biệt. Hơn thế, đa số cánh 9X biết lo lắng cho cộng đồng và nghĩ lớn. Với lòng can đảm và sự tự do suy tưởng, 9X có nhiều khát khao vươn ra để khám phá và tiến gần đến chân lý. Họ yêu chân lý và ghét dối trá. Khí độ anh hùng và sự tĩnh tại của họ hơn hẳn cha anh. ___
Nghiên cứu sách vở và kinh nghiệm bản thân, tôi chia sẻ với cánh 9X thế này.
1. Bạn sẽ phải hối hận về nhiều thứ mình chưa làm hơn là những điều mình đã làm khi còn là sinh viên. Tuy nhiên, điều bạn không bao giờ phải hối hận là ĐÃ TỪNG HỌC TIẾNG ANH điên cuồng.
2. Khoảng 60% sinh viên ra trường sẽ không làm việc bằng chuyên môn đào tạo ghi trong bằng cấp. Một số bạn sẽ sử dụng đôi chút chuyên môn và rất ít bạn sẽ phát triển chuyên môn lên đỉnh cao xuất sắc. Nhu cầu chuyên môn trung bình của xã hội đã được phần mền hóa. Xã hội bây giờ chỉ cần chuyên môn đỉnh cao, ít khi cần loại làng nhàng.
3. Những đức tính cần thiết để phát triển là KỶ LUẬT, CHĂM CHỈ, TRUNG THỰC, THÂN THIỆN, CHIA SẺ, TRÁCH NHIỆM, DŨNG CẢM. Những tính xấu nên loại bỏ là ÍCH KỶ, ĐỐ KỴ, VÔ KỶ LUẬT, DỐI TRÁ, HÈN NHÁT. Ban đầu, chính nhân quân tử có thể chịu thiệt nhưng họ luôn có thắng lợi cuối cùng.
4. Người xung quanh ta yêu mến ta vì nhân cách, đạo đức, tài năng, lối sống thì đó chính là bản chất của thành đạt. Quá nhiều người xung quanh yêu ta vì nhan sắc chính là hiểm họa đang rình rập. Chỉ có bản lĩnh, đạo đức và trí tuệ mới đem lại cho ta an lạc và phát triển bền vững mà thôi.
5. Gông cùm xiềng xích cuộc đời chúng ta, dù làm bằng vàng bốn số 9 hay làm bằng gỗ thì vẫn là gông cùm. Đừng bao giờ tự mãn về gông cùm của mình.
6. Bạn quỳ gối trước một người hay trước nhiều người cũng vẫn là quỳ gối. Bạn quỳ gối một mình hay quỳ cùng đồng bọn thì vẫn là quỳ gối. Hiện tượng không thể che đậy bản chất.
7. Lưu manh, cướp giật đường phố không nguy hiểm, không đáng sợ và không đáng khinh bằng lưu manh trí thức, có đào tạo bài bản. Những người bạn cho là khả kính, đôi khi không như ta tưởng. Bởi vậy, nếu cần cảnh giác, hãy cảnh giác với bọn trí thức trước.
8. Trên con đường đi tìm ý nghĩa của sự sống, vài kẻ nhờ có căn quả mạnh nên tìm ra từ nhỏ. Có kẻ nửa đời mới tìm ra. Có kẻ gần chết mới tìm ra. Lại nhiều kẻ chết rồi mà vẫn không tìm ra. Đáng tiếc là đa số chúng ta thuộc nhóm thứ ba. Muốn tỉnh thức, ta phải khiêm nhường, tu học không ngừng để tiêu trừ bản ngã tự mãn.
9. Kẻ cầm bút viết sách phải tự do và trung lập mới có tác phẩm hay, đáng đọc. Muốn vậy, người viết sách không nên ăn bổng lộc của triều đình, dù chỉ là một hào. Miếng pho mát miễn phí luôn đặt trong cái bẫy chuột.
10. Mỗi anh đóng một vai trò trong xã hội. Vai trò nào cũng quý. Nhưng hãy nhìn thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm, thầy Chu Văn An, thầy La Sơn Phu Tử - Nguyễn Thiếp, thần y Lê Hữu Trác, thiền sư - thần y Tuệ Tĩnh, thầy Nguyễn Hiến Lê, bác sỹ Tôn Thất Tùng... Họ được nhân dân mọi tầng lớp và các bậc quân vương kính nể qua nhiều đời. Ác quỷ và thánh nhân đều cúi đầu trước họ. Đời sống vật chất cá nhân các thầy cũng chẳng thiếu gì. Cuộc sống như thế cũng ý nghĩa lắm.
11. Hô theo, a dua là bản chất của dân chúng, kẻ anh hùng phải lấy đó làm mừng. Không có đám đông ô tạp đó, làm sao kẻ trí nhân có môi trường để biểu hiện? Đừng trách nước lũ dâng cao, hãy học cách nổi trên dòng nước.
12. Trên con đường tu học để hoàn thiện tâm thức, không nên gần những tư tưởng bình dân, thấp kém. Nói cách khác, gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Tuy nhiên, có loại cao thủ hơn, gần cái gì thì anh ta vẫn không thay đổi. Tâm thức anh ta vững như đá tảng. Mặc bao gió táp mưa sa. Mặc khen chê, thị phi. Đá vẫn mặc nhiên, bất động. Nhưng phần đa số chúng ta không thuộc cảnh giới này.
13. Chửi bới, bôi nhọ chính quyền để kiếm ăn và nịnh bợ, tâng bốc chính quyền để kiếm ăn cũng đê tiện như nhau. Chỉ có kẻ nói đúng SỰ THẬT mới là chân quân tử. Trớ trêu thay, ở xã hội ta, nếu không tâng bốc hoặc bôi nhọ thì người ta sẽ im lặng. Loại người hiểu sự thật và nói ra sự thật quá ít ỏi. Bởi lẽ đó, Phật gọi thời đại này là thời mạt pháp. Nghĩa là chân lý không được hiển lộ, như mặt trăng đang bị mây che khuất.
14. Ở thời đại nào cũng có những kẻ vô lại, tiểu nhân và những bậc anh hùng, nghĩa hiệp. Đừng gặp một vài hiện tượng mà đánh giá tổng thể. Lấy kinh nghiệm cá nhân để soi chiếu, đồng nhất mọi vấn đề xã hội là một lỗi lầm cơ bản của người đời.
15. Dù bạn là ai, học vấn ra sao, làm nghề gì, cuộc sống luôn có chỗ lý tưởng, có người lý tưởng hợp với bạn. Hãy nỗ lực tìm ra nơi ấy và người ấy.
16. Lúc dân Tàu nghe tin tháp WTC bị sập, họ ăn mừng và nhảy nhót. Dân Việt nghe tin Tàu bị động đất lũ quét cũng hả hê, hí hửng. Nghe tin Tập bị sốt huyết dạ dày, dân Việt ta cũng cười ha hả. Tâm tính của dân ta và dân Tàu cũng như nhau. Phật dạy, bậc trượng phu thấy nỗi đau của người khác không bao giờ hả hê, sung sướng, dù là kẻ thù. Giữ sự tôn nghiêm cho đồng loại và chia sẻ nỗi đau của đồng loại là biểu hiện tầm cao văn hóa và đạo lý tỉnh thức.
................
Xin mời xem thêm tại: