Vậy là chỉ còn vài ngày nữa, một dịp đại lễ dành cho các cặp đôi sẽ cập bến. Phố xá sẽ tấp nập cảnh những cặp đôi dắt tay nhau đi dạo trong giai điệu tình tứ. Mấy loại mặt hàng chocolate sẽ nhanh chóng hết veo trên các kệ hàng. Khách sạn, nhà nghỉ sẽ cháy phòng các phòng giường đôi… Và các thánh F.A sẽ hối hả lập đàn cầu mưa diện rộng…
Vậy, bạn đã đoán ra được, ngày ấy là ngày gì chưa?
Đúng rồi đấy, ngày lễ chúng mình muốn nói đến, chính là ngày lễ Valentine. Ngày Valentine chính thống (thường được đại chúng gọi là Valentine Đỏ) là một trong những ngày lễ tình nhân lớn được tổ chức vào 14 tháng 2 hằng năm tại Bắc Mỹ, châu Âu và nhiều khu vực chịu ảnh hưởng từ văn hóa tiêu dùng phương Tây nói chung, trong đó có cả Việt Nam. Trong ngày này, người ta sẽ dành tặng cho người mình yêu những món quà ý nghĩa để bày tỏ tình cảm, phổ biến nhất là hoa, vật lưu niệm và các loại thực phẩm làm từ chocolate.
Đấy là ngày nay thì như thế, nhưng ngày xưa thì khác rất nhiều. Có vô số sự thật thú vị liên quan đến lịch sử của ngày lễ này mà chắc hẳn nhiều người chưa biết tới đấy. Vậy, cùng chúng mình tìm hiểu thông qua video “Valentine - Tất tần tật về ngày Va Lung Tung” của tác giả THẾ GIỚI THẦN THOẠI ngay thôi nào. 

1, Một lịch sử lâu dài

Lễ Valentine có một lịch sử lâu dài với nhiều sự thay đổi lớn trong lịch sử. Ban đầu, ngày lễ được ra đời như một sự cạnh tranh với thời gian lễ hội giữa tháng hai của những người ngoại giáo La Mã. Trong văn hóa La Mã, khoảng thời gian giữa tháng 2 là lúc diễn ra lễ hội Lupercalia, nghĩa đen là lễ “thanh tẩy”. Đúng như tên gọi, vào những ngày này, các nghi thức nhằm mục đích thanh tẩy nơi sinh sống, cầu phúc cho sự sung túc và khả năng sinh sôi của vạn vật, trong đó có cả loài người.
Khi Công giáo Roma dần trở nên lớn mạnh, Giáo hội đã tìm cách để cắt giảm sức ảnh hưởng của những tôn giáo khác. Đức giáo hoàng Gelasius I (giữ ngôi trong giai đoạn 492–496) đã tuyên bố xóa bỏ ngày lễ Lupercalia và tổ chức một lễ thanh tẩy thay thế mang màu sắc Công gíáo hơn, tiền thân của lễ Valentine về sau.
Ghi chép sớm nhất về diễn biến của một lễ Valentine còn được bảo tồn đến hiện tại là Sách Bí tích Gelasian, viết vào thế kỷ thứ VIII. Theo đó, ngày Valentine trong giai đoạn này được diễn ra vào ngày 14 tháng 2 hằng năm, tương tự như ngày nay. Dĩ nhiên, với vai trò là một nghi lễ được ra đời để cạnh tranh và thay thế lễ Lupercalia, Valentine trong thời kì ấy gắn liền với sự hi sinh, sự cầu phúc cho mọi người nói chung chứ không liên quan gì tới tình yêu lãng mạn.
Cho tới thế kỉ XIV và XV, yếu tố lãng mạn bắt đầu được thêm vào lễ Valentine. Bằng chứng cho sự thay đổi này là bài thơ Nghị hội của đám đông (Parlement of Foules) được viết năm 1382 của nhà thơ người Anh Geoffrey Chaucer:
"For this was on seynt Valentynes day Whan every foul cometh there to chese his make Of every kynde that men thynke may And that so huge a noyse gan they make That erthe, and eyr, and tre, and every lake So ful was, that unethe was there space For me to stonde, so ful was al the place."
Vào thế kỷ XIX, phong tục Ngày lễ tình nhân - gửi thiệp chúc mừng (được gọi là "ngày lễ tình nhân"), tặng bánh kẹo và tặng hoa - phát triển ở nước Anh  đầu thời kỳ hiện đại và lan rộng khắp các vùng lãnh thổ nói tiếng Anh. Đến cuối thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI, phong tục này lan sang các quốc gia khác trong khối phương Tây. Kể từ nửa sau của thế kỉ XXI, ngày Valentine trở thành một ngày lễ không chính thức phổ biến trên toàn thế giới.

2, Thánh Valentine – người đàn ông này đã chết để bạn có thể tặng chocolate cho người yêu của mình

Như đã giới thiệu ở trên, nguồn gốc ban đầu của lễ Valentine là một ngày lễ kỉ niệm vinh danh Thánh Valentine - vị linh mục Công giáo đã tử đạo. Thế nhưng, bạn có biết, Valentine rất có thể không phải chỉ là 1 người?
Theo sách Bách khoa toàn thư Công giáo thì trong lịch sử, đã có nhiều vị thánh tử vì đạo của Công giáo tên là Valentine. Tuy nhiên, cũng theo sách này, những Thánh Valentine được vinh danh vào ngày 14 tháng 2 được biết đến chỉ có một số người mà thôi. Nổi tiếng nhất trong số ấy là Valentine xứ Terni và Valentine thành Roma.
Valentine xứ Terni là một vị linh mục sống ở Rome trong giai đoạn đầu của lịch sử Công Giáo. Ông đã trở thành giám mục của Interamna (hiện nay là Terni) khoảng năm 197 và được cho là đã tử vì đạo trong cuộc đàn áp dưới thời hoàng đế Aurelianus. Di hài của ông hiện nay đặt tại Vương cung thánh đường Thánh Valentine ở Terni.
Còn Valentine thành Rome là một vị linh mục sống ở Rome trong giai đoạn đầu của lịch sử Công Giáo, người đã chịu tử đạo khoảng năm 269 và được chôn cất trên con đường Via Flaminia. Ông cũng được chôn cất trên đường Via Flaminia, nhưng ở một vị trí khác so với Valentine xứ Terni. Di hài của ông hiện nay đặt tại nhà thờ của thánh Praxed tại Rome và nhà thờ Whitefriar dòng Cát Minh, ở Dublin, Ireland. Có một truyền thuyết liên quan đến vị thánh này như sau:
Lúc bấy giờ là thế kỷ thứ III, dưới thời Hoàng đế La Mã Claudius II, Đế quốc La Mã phải tham gia nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu và không được dân ủng hộ. Do gặp phải khó khăn khi kêu gọi các chàng trai trẻ gia nhập vào quân đội, Claudius II cho rằng nguyên nhân chính là đàn ông La Mã không muốn rời xa gia đình hay người yêu của họ và hôn nhân chỉ làm người đàn ông yếu mềm; do đó, Claudius II ra lệnh cấm tổ chức các đám cưới hoặc lễ đính hôn để tập trung cho các cuộc chiến. Linh mục Valentine ở thành Rome đã cùng Thánh Marius thực hiện nhiều hành động chống lại sắc lệnh của vị hoàng đế hùng mạnh, trong số đó có việc tiếp tục cử hành lễ cưới cho các đôi vợ chồng trẻ một cách bí mật. Khi bị phát hiện, linh mục Valentine đã bị bắt và kết án tử hình bằng hình thức kéo lê và bị ném đá cho đến chết.
PS: Trong các phiên bản được kể phổ biến vào thời kì cận đại, vào buổi chiều trước khi ra pháp trường, Thánh Valentine đã gửi tấm "thiệp Valentine" đầu tiên cho cô con gái của viên cai tù Asterius, người thiếu nữ mù lòa bẩm sinh đã được ông chữa lành bằng phép lạ trước đó. Tương truyền, tấm thiệp đó có ghi dòng chữ "dal vostro Valentino" - from your Valentine ("Từ Valentine của nàng"). Tuy nhiên, đây là một tình tiết được thêm thắt khá muộn vào truyền thuyết, nên độ xác thực không cao. Có khả năng là những người sáng tạo ra phiên bản này đã cố gắng gán ghép ý nghĩa của lễ Valentine hiện đại cho câu chuyện, nhằm tăng tính xuyên suốt của giá trị ngày lễ trong lịch sử.
 Ngoài ra, sách Bách khoa toàn thư Công giáo cũng ghi nhận về một vị thánh thứ ba có tên là Valentine đã được đề cập trong danh sách những người tử vì đạo trong ngày 14 tháng 2. Theo đó, sách cho biết vị này đã chịu tử đạo ở châu Phi với một số đồng đạo, nhưng ngoài ra thì không còn thông tin nào khác. Do không quá nổi tiếng, nên khi nhắc đến ngày lễ Valentine, người ta thường chỉ nghĩ tới một trong hai Thánh Valentine kể trên thay vì vị này.
Ngày nay, người ta hầu như chỉ còn nhớ tới Valentine như là một ngày lễ có nguồn gốc từ lễ vinh danh Thánh Valentine mà thôi, chứ không còn phân biệt rõ rành Valentine này với Valentine kia nữa. Thậm chí, các nhà nghiên cứu mới đây còn đặt ra giả thuyết rằng, thực chất 2 vị Thánh Valentine kia thực chất là cùng 1 người, do sự sai khác trong những nguồn ghi chép mà đã được ghi nhận như 2 người khác nhau. Nếu giả thuyết này là đúng, thì thật là thần kì khi ngày nay cả hai phiên bản này lại cùng được hợp nhất trong văn hóa đại chúng.
Welp, vậy hóa ra chúng ta hay gọi vui ngày này là lễ “Va Lung Tung” cũng có phần đúng đấy chứ nhỉ?...
3, Chocolate và lễ Valentine
Nếu bạn muốn chiều chuộng ai đó đặc biệt trong Ngày lễ tình nhân, thì gần như không thể sai với một hộp sôcôla. Nhưng bạn đã bao giờ tự hỏi làm thế nào món quà ngọt ngào này lại gắn liền với ngày lãng mạn nhất trong năm chưa?
Tiền thân của chocolate là chế phẩm từ quả cacao, xuất hiện đầu tiên ở những bộ lạc cổ ở Trung Mỹ từ khi những người này bắt đầu định cư tại Tân Thế Giới. Các nhà khoa học ước tính, Hơn 3400 năm về trước, người châu Mỹ đã bắt đầu tiêu thụ thứ thực phẩm này. Ban đầu, những người dân bản địa này sử dụng hạt cacao này như một loại đồ uống. Thuật ngữ “chocolate” bắt nguồn từ cách gọi “xocolātl” trong ngôn ngữ Nahuatl của người Aztec, nghĩa là “nước đắng”. Dĩ nhiên là thứ thức uống ấy rất đơn giản, có vị đắng y như tên gọi của nó và không hấp dẫn như chocolate ngày nay.
Trong khi người Maya và Aztec cổ đại tin rằng, cacao là loại quả đến từ thiên đường, là món quà con người nhận được từ Thần Rắn Lông Vũ (Kukulkan trong văn hóa của người Maya hay thần Quetzalcoatl của người Aztec) thì những người châu Âu lại xem đây là một món hời béo bở. Christopher Columbus là người châu Âu đầu tiên phát hiện ra loại cây này vào năm 1502, nhưng nó đã nhanh chóng bị quên lãng ngay sau khi ông đưa về châu Âu, có lẽ là do quá trình bảo quản không được tốt hoặc chế biến không chuẩn. Mãi cho đến năm 1521, cây cacao mới được biết đến rộng rãi hơn nhờ những khai phá châu Mỹ của người Tây Ban Nha. Những món ăn được chế biến từ hạt cacao theo phong cách phương Tây (thêm đường, mật ong và các phụ gia để giảm độ đắng, tăng độ béo và vị ngọt) đã nhanh chóng chinh phục được trái tim của những người dân tại các khu định cư. Thực dân Tây Ban Nha sau khi nhận ra được giá trị vô cùng to lớn của hạt cacao đã tìm cách độc quyền thương mại mặt hàng này. Cho tới thế kỉ XVII, Tây Ban Nha trở thành một trong những trung tâm của cacao tại châu Âu.
Mãi đến hơn 1 thế kỉ sau, Francesco Carletti đến Trung Mỹ và mang cacao về Ý. Bí mật này sau đó cũng đã được Tây Ban Nha chia sẻ với Pháp sau một đám cưới hoàng tộc. Rồi từ đó huyền thoại về hạt cacao nhanh chóng được lan truyền đến các nước Hà Lan, Anh, Đức và trở thành loại đồ uống đắt tiền thống trị châu Âu, chỉ dành cho giới thượng lưu và hoàng tộc. Chocolate ra đời khi người ta nghĩ ra cách trộn bột cacao với đường để tạo ra các chế phẩm cacao dạng rắn thay vì dạng lỏng. Và vì có thêm đường nên chocolate được ưa chuộng vì vị ngọt, độ mềm sánh đặc biệt của nó.
Dĩ nhiên, sau này, khi xã hội phát triển hơn thì những mặt hàng thực phẩm đóng vai trò xa xỉ phẩm trước kia cũng dần trở nên mất giá. Dù vậy, chúng vẫn giữ trong mình những ý nghĩa cao quý trước kia nếu được sử dụng đúng thời điểm, đúng người, đúng hoàn cảnh. Và chocolate là một loại mặt hàng như thế. 
Khoảng cuối thế kỉ XIX, các nhà buôn chocolate đã thực hiện một chiến dịch quảng cáo về ý nghĩa to lớn của chocolate vào dịp Valentine. Năm 1861, một nhà sản xuất kẹo người Anh tên là Richard Cadbury đã nghĩ đến việc bán sôcôla cho Ngày Valentine. Ông này cho đóng gói chúng trong những chiếc hộp hình trái tim được trang trí bằng hoa hồng và thần Cupid, vốn đã là biểu tượng lãng mạn phổ biến của xã hội thời Victoria. Chiến dịch này nhận được sự ủng hộ từ đông đảo người tiêu dùng và do đó, một truyền thống Ngày Valentine mới đã ra đời. Valentine đã gắn liền với chocolate kể từ khi ấy về sau như thế.

KẾT

Như vậy, có thể nói, Valentine là một ngày lễ vô cùng ý nghĩa và hết sức đặc biệt. Nhân dịp này, Spiderum chúng mình chúc các bạn nào đã có người yêu sẽ có một ngày Valentine thật đặc biệt bên cạnh người mà bạn yêu thương. Hãy để ngày Valentine chứng nhận cho tình cảm của bạn dành cho người ấy nhé! Còn với ông nào còn đang ế ấy, thì còn đợi gì nữa không kiếm người yêu cho kịp đi chơi Va Lung Tung đi nào? 

#Backturn