Cha già, là người cũ trong thế hệ của con,
Cha bảo thủ, gia trưởng, một nửa ý tưởng của con cha đều gạt bỏ,
Cha thấp, bé, chẳng di truyền cho con chiều cao hay nước da trắng mà con mong muốn,
Cha tiết kiệm, nhặt nhạnh từng đồng, thậm chí như người làng vẫn nói: “cha mày keo kiệt”,
Cha cổ hủ, bao năm chẳng chịu đổi tính, căn nhà cũ mãi cha vẫn chưa xây mới,
Hàng xóm ghét cha vì hay khoe khoang,
Cha uống rượu, mỗi lần cha say, cả nhà mệt mỏi,
Ừ thì đấy là cha, người khiến anh tôi im lặng mỗi lần về nhà, khiến chị em tôi lắc đầu ngán ngẩm, và đôi lần xấu hổ với hàng xóm láng giềng.
Vẫn là Cha, hồi tôi lớp 4, đạp xe từ đêm hôm trước chở tôi qua gần 30 cây số lên huyện để kịp dự thi vào sáng sớm hôm sau. Người trong suốt những năm tôi học trung học, luôn đứng ngoài những cánh cổng, vịn song sắt nhìn chúng tôi tiến vào các cuộc thi lớn bé.
Cha, cùng mẹ, nuôi 6 đứa nhóc nơi quê nghèo. Thứ cha giành cho chúng tôi không chỉ là tuổi trẻ, là niềm hi vọng, là những miếng quà ngon, là sự cố gắng, là mồ hôi, là nước mắt.
Cha để dành tiền cho mấy đứa đi học, xin việc, lấy vợ, lấy chồng, nuôi con, xây nhà, mua xe. Khoản dành cho nhà cửa cứ thế hoẻn dần, rồi qua bao năm vẫn chỉ xếp vào thứ yếu như câu nói “cứ để sau”.
Mỗi lần con rời nhà đi làm, nhét đầy túi con những gạo, trứng, bánh, thuốc, sợ con đói, con khổ. Với cha, đi ra là khổ, cha lo con một mình, sợ con vất vả trên đất lạ, nhưng nỗi vất vả của con nào so được cái nắng cha dãi mỗi ngày hè trên đồng ruộng, nặng sao đặng với gánh lúa trên vai, buồn nào bằng những phút giây ngồi ngóng con trước cửa.
Valentine, chẳng nghĩ được nhiều, chỉ muốn dành chút thời gian viết cho người mà tôi chỉ có một trong cuộc sống muôn hình vạn trạng, người luôn ở đó khi mọi thứ đổi thay, người khiến tôi vừa nóng mặt cãi ngang đã ngay lập tức hối hận dù chẳng nói văn vẻ nhiều lời.