Trong cuộc sống hẳn ai cũng cần cho mình một châm ngôn sống, riêng bản thân tôi, tôi khao khát tìm cầu nhiều châm ngôn hơn thế nữa. Triết học thứ mà tôi yêu quý nhất, tôi luôn tin tưởng vào nó, tìm hiểu nó là tìm hiểu một kho tàng trí huệ uyên áo. Vì sao ? Vì lẽ trước hết, chính cái tên triết học đã nói lên tất cả: triết học nghĩa là trí tuệ (Trung Quốc), nghĩa là yêu mến sự thông thái (philosophy). Còn gì chẳng vui sướng bằng khi mọi khó khăn trở ngại trong cuộc đời được giải quyết từ một "nhà" thông thái và trí tuệ. Nói thế có phải là đã quá đề cao triết học rồi không, tôi nghĩ điều này không, bởi lẽ chẳng ai lại đặt tên cho một thứ gì đó khi chưa thể định hình nó trong đầu. Và dù nó tên "triết học" khi nó mới chào đời đi chăng nữa nhưng nếu nó thật sự vô bổ không thông thái và trí tuệ gì trong suốt một quãng dài của lịch sử, thì chẳng ai dại khờ gì mà không làm lễ đổi tên cho một ngành nghiên cứu đa mảng như vậy.
Triết học đối với tôi hết sức là gần gũi, nó gần gũi như một câu triết lý thoáng qua tai, nhưng tôi chẳng dám khinh thường nó bao giờ, bởi tôi biết sẽ có lúc tôi phải tìm cầu vào nó.
Có nhiều người vẫn hay phủ nhận vai trò của Triết học, nhưng trong thực tế họ lại dựa dẫm và sống bám vào triết học. Họ cứ nghĩ rằng, triết học là một thứ gì cao sang, xa xôi ngoài vũ trụ, xa vời tầm với, và những kẻ triết lý không khác những thằng khùng. Nhưng có lẽ họ quên rằng trong lúc thất bại thảm hại trong cuộc đời, một câu nói vô tình của một ai đó đã cứu vớt linh hồn họ, mở lối khai đường giúp họ vượt qua khủng hoảng. Có lẽ họ đã quên rằng khi họ gục ngã và thất vọng tràn trề, oán thán về số phận, triết học đã xuất hiện động viên, an ủi, giúp họ lấy lại tinh thần, ý chí động lực cho cuộc sống. Và trong lúc họ đang ngất ngưởng trong danh vọng, uy quyền một triết lý cảnh tỉnh họ, giúp họ bình tâm, nhưng rất tiếc, thật sự không mấy người chấp nhận nó, họ đuổi triết học đi bằng sự cao ngạo của riêng mình, và chuốc lấy khổ đau khi va vào sai lầm không đáng có. Và khi đã thấm lấy mùi chua chát họ bắt đầu nói về triết lý. 
Không dừng lại ở đó, triết học còn vô vàn những ích lợi khác mà những người biết ứng dụng nó vào cuộc sống sẽ gặt hái được nhiều thuận lợi. Chức năng nổi trội nhất trong vai trò của triết học không thể không kể đến là thế giới quan và phương pháp luận. Sẽ thật là hỗn loạn nếu một ai đó sống trong cuộc đời này lại chẳng xác định được mục đích cuộc đời mình là gì, dẫu rằng nó là dài hạn hay ngắn ngủi, mọi người cũng sẽ lập cho mình một đích đến, nhưng trước hết để có mục đích đến ấy họ phải tự biết họ là ai cái đã tức là họ phải tự nhận thức được sự tồn tại của mình trong thế giới này, và để tồn tại họ phải làm gì ? Một mục đích sống có lẽ được khởi sinh từ họ.Hơn cả thế, con người cũng cần phải biết được bản chất thế giới ấy chứ, bởi nếu bạn chẳng biết những thứ cạnh mình là gì và tồn tại thế nào bạn có sử dụng được chúng trong cuộc sống được chăng ? Có lẽ là không, vì sao vậy ? Vì sợ sệt những thứ mình không nhận thức được là một bản năng sinh tồn. Chính triết học đã nói cho họ nghe về những thế giới quan như vậy. Lúc này mục đích sống của họ thực sự đã rõ ràng hơn tất cả, tôi sống vì mục đích có nhiều của cải vật chất hay một cuộc đời tối giản hạnh phúc tâm linh là hai trong số vô vàn những mục đích sống của con người. Và trong lối sống ấy, vạn lời khoái trá khi thụ hưởng được thành công được vang lên, giả như một câu rất có tiếng: "tiền không mua được tất cả, nhưng tất cả phải mua bằng tiền" vậy.
Trong tiến trình phát triển của lịch sử triết học, triết học duy vật đã và đang dần đánh đuổi triết học duy tâm ra khỏi thế giới hiện thực. Nếu không có triết học duy vật, chẳng ai có thể phân biệt được đâu là thế giới hữu hình và đâu gọi là cái vô hình (do chưa khám phá ra hết được). Nếu không có triết học duy vật thế giới này sẽ che lấp vô vàn tội ác cùng những kẻ phạm tội, công lý và lẽ phải bị vùi dập, những kẻ mang đầu óc phạm tội tinh vi và sắc sảo sẽ đổ lỗi cho sự tự nhiên hay sự can thiệp từ một vị thánh thần nào đấy. Cũng nhờ có triết học duy vật, sự sống của con người được kéo dài bằng các phương pháp y khoa đúng đắn, hiệu quả. Vì bởi một lẽ, số mệnh trong triết học tinh thần không có thật. Và sự trừng phạt từ các đấng thần linh bị thất bại trước kiến thức và kinh nghiệm y khoa. Ở một phương diện khác, tôi không mấy thiện cảm đối với một vài nhà tâm linh, sao họ lại to gan, hỗn hào với đấng thần linh mà họ đã cố tạo dựng như vậy ? Họ dựng lên đấng siêu nhiên và mượn tay đấng siêu nhiên để nói lên ý đẹp lòng mình là sự ham cầu đồ lễ và tiền bạc. Phải chăng thế giới quan duy vật đã ngấm trong thế giới quan duy tâm, hay chính là sự tha hoá của một số tín đồ. Tôi vẫn hay trách vấn những đấng siêu nhiên của tôi rằng dịch bệnh có phải là sự trừng phạt từ các ngài không ? Tại sao có những người tốt lại mắc dịch và qua đời, hỡi đấng thần linh tối cao sao ngài trừng phạt họ ?.
Ngoài ra, còn vô số các ngành khoa học lấy triết học duy vật làm nền tảng cũng đua nhau phát triển, thế giới ngày càng được con người khám phá một cách cụ thể, các ngành khoa học nghiên cứu chuyên sâu như: khoa học trái đất, khoa học đại dương, khoa học sức khỏe,... Triết học không còn là khoa học của các ngành khoa học nữa, nhưng những lĩnh vực nghiên cứu tách ra từ triết học vẫn dựa trên cơ sở triết học và phát triển mạnh mẽ đến tận thời đại ngày nay, đó là một số chuyên ngành khoa học xã hội nhân văn. Vậy ra, kiến thức con người nhờ thế ngày càng được mở rộng, đời sống con người ngày càng được nâng cao, đâu phải triết học chỉ dành cho giai cấp thống trị, vì đâu phải học thuyết nào cũng được giai cấp ấy thừa nhận và đại biểu lãnh đạo của giai cấp ấy chưa hẳn là các triết gia.
Tôi yêu triết học duy vật vì nó đã phản ánh đúng bản chất của thế giới và một cách suy luận hợp lý từ nó. Nhìn cuộc sống không ngừng vận động và phát triển, và sự hạnh phúc của lũ bạn đủ đầy về vật chất, tôi không thể không tin tưởng vào thế giới quan duy vật, có cố gắng sẽ có thành công và tôi sẵn sàng chấp nhận thành quả khi mình không thể tiến thêm được nữa.
Tuy vậy, tôi không phải ngả theo chủ nghĩa duy vật hoàn toàn, tôi quan niệm rằng cần phải có một thế giới tinh thần nào đấy, một thế giới quan tôn giáo để mình có thể dựa dẫm, nương tựa lúc tâm hồn đã thấm mệt và kiệt lực vì cuộc đua vật chất, đôi lúc là tìm đến nó như uống một liều thuốc phiện cho tâm hồn mình, xoa dịu bớt sự bất công, oan trái trong công việc. Hay là sự vực dậy ảo huyền " nhất thiết duy tâm tạo" với cơn hét điên cuồng " anh hùng tạo nên thời thế" vài ý nghĩ táo bạo thoáng qua trong bộ óc, nó có lẽ tốt cho một vài trường hợp. Tuy thế, tôi phải thật sự thoát mộng thật nhanh, bởi thế giới ấy như một làn khói thuốc phiện- chỉ là sự đền bù hư ảo, đắm chìm trong nó sẽ có lúc nản lòng và tuyệt vọng. Và tuyệt vọng ấy chẳng hề đẹp như một bông hoa, bởi nó sẽ phá tan nghị lực phấn đấu vươn lên của chính bản thân mình. Dù gì đi chăng nữa, như Rousseau đã nói, dù không có thượng đế tôi cũng phải cần một thượng đế, để mình hướng thiện, để mình sống đẹp và tin tưởng có sự nhân quả trong tương lai mà trước hết là tôi nhận được sự tin tưởng, yêu thương và giúp đỡ từ những người đồng nghiệp. Đến với triết học duy tâm ở một mức độ vừa phải giúp tôi không rơi vào mê tín dị đoan.
Triết học suy cho cùng cũng là một hình thái ý thức xã hội, nó ra đời từ một tồn tại xã hội nhất định, vậy nên có thể có những tư tưởng lỗi thời lạc hậu, nhưng ngược lại cũng có những tư tưởng vượt thời gian, mang giá trị sâu sắc đến ngày nay. Bản thân là người học hỏi về triết học, tôi nghĩ mình cần có sự chọn lọc hợp lý và quan trọng hơn triết học cần phải quan trọng thực hành, bởi nếu không áp dụng vào thực tiễn, triết lý có thể là những chân lý suông nằm sâu trong ký ức. Áp dụng đúng đắn lí luận triết học vào bản thân và cuộc sống, những lí luận ấy không còn là ngôn từ hình thức mà trở thành sức mạnh vật chất hỗ trợ bản thân. Vậy cho nên, tôi chẳng bao giờ dám xem thường triết học, bởi có một ngày tôi phải tìm cầu đến nó.
Tóm lại, Triết học dù là duy tâm hay duy vật nó chẳng hề từ chối bất kì ai, nhưng mấy ai lại biết đến sự hữu hình của nó. Có một châm ngôn rất hay rằng, chẳng có câu nói nào là của riêng bạn cả, vô tình thốt ra một suy ngẫm riêng mình ai giời nó có thể là một châm ngôn của một triết gia hay của một người nào đấy. Thế nên triết học - một thứ dung dị giữa đời thường tuy xa mà thật gần, hãy nhìn vào cuộc sống đời thường, triết học đang thể hiện mình trong từng không gian lối sống.