Chắc hẳn trong số chúng ta, không một ai là chưa từng nghe danh Trần Hưng Đạo. Khắp cả nước, có vô số con đường, nhiều quảng trường và không ít công trình nghệ thuật được dựng lên để vinh danh ông. Con người vĩ đại này tên thật là Trần Quốc Tuấn, tước hiệu Hưng Đạo đại vương. Ông là một nhà chính trị lỗi lạc, nhà quân sự tài ba và cũng là tôn thất hoàng gia Đại Việt thời Trần. Phần lớn tài liệu nghiên cứu lịch sử và cả dân gian thời sau thường dùng tên gọi vắn tắt là "Trần Hưng Đạo" thay cho cách gọi đầy đủ là "Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn", vốn bao gồm tên và tước hiệu được sắc phong cho ông. Ông được biết đến trong lịch sử Việt Nam với việc tham gia chỉ huy quân đội đánh tan hai cuộc xâm lược của quân Nguyên – Mông lần 2 và lần 3 năm 1285 và năm 1288, cũng như góp phần hòa giải những mâu thuẫn giữa các chi nhánh trong hoàng tộc, góp phần tạo nên sự phát triển vững mạnh của nhà Trần – một trong những triều đại rực rỡ nhất của lịch sử Việt Nam. Với những công lao to lớn ấy, dân gian tôn thờ ông là Đức Thánh Trần hay còn gọi là Cửu Thiên Vũ Đế.
Cùng Spiderum chúng mình tìm hiểu về cuộc đời của con người vĩ đại này thông qua bài viết “HƯNG ĐẠO ĐẠI VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN – CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP” của tác giả THẾ GIỚI THẦN THOẠI ngay thôi nào.

I, Thời trẻ

1, Nguồn gốc và sức mạnh

Trần Hưng Đạo tên thật là Trần Quốc Tuấn, con trai thứ ba của Khâm Minh đại vương Trần Liễu – anh cả của Trần Thái Tông Trần Cảnh. Xét theo vai vế, Trần Quốc Tuấn gọi Trần Thái Tông bằng chú ruột. Ông sinh ra ở thôn Tức Mặc, tức phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định ngày nay. Về năm sinh của ông, cho đến nay vẫn không rõ ràng. Có tài liệu cho rằng là năm 1228, trong khi số khác cho rằng là năm 1230, hay thậm chí 1231, vì vậy chung quy có thể tạm coi là ông sinh ra vào khoảng cuối thập niên 20 của thế kỉ XIII. Hãy nhớ, Trần Thái Tông lên ngôi vào năm 1225, điều đó cũng có nghĩa là Trần Quốc Tuấn lớn lên trong bối cảnh không lâu sau khi vương triều nhà Trần được thành lập, bởi thế nên khi vừa lọt lòng thì ông đã thuộc dạng “con ông cháu cha”, có số má trong thiên hạ.
Cho đến nay, vẫn không rõ mẹ ông là ai. Có một số giả thiết đó là Thiện Đạo quốc mẫu, húy là Nguyệt, một người trong tôn thất họ Trần. Nhưng dù có là ai đi nữa, thì ông vẫn là đứa con trai được yêu thích nhất của Trần Liễu.
Đại Việt sử ký Toàn thư mô tả rằng từ nhỏ Trần Quốc Tuấn đã được đánh giá là có dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người. Dân gian tương truyền rằng ông sáu tuổi đã biết làm thơ, lại rất ham thích trò chơi đánh trận. Nhờ vào gia thế cao ngất ngưởng, ông cũng được tiếp xúc với những nhân vật thuộc tầng lớp thượng lưu tinh hoa giúp nuôi dưỡng và phát triển tài năng trời phú.

2, Tuổi thơ dữ dội

Mọi việc cứ diễn ra êm đềm như thế cho đến năm 1237, một biến cố lớn đã ập tới với gia đình Trần Quốc Tuấn. Số là khi ấy, vua Trần Thái Tông lên ngôi và kết hôn đã lâu nhưng chưa có con nối dõi. Đứa con duy nhất do Lý hoàng hậu, tức cựu hoàng đế Chiêu Hoàng triều Lý sinh ra thì đã mất sớm ngay từ lúc lọt lòng. Đây được xem là một điềm không tốt lành đối với một triều đại còn rất đỗi non trẻ (khi mới chỉ được thành lập từ năm 1225, tức là mới hơn 10 năm có lẻ).
Trước tình hình ấy, vị Thái sư Trần Thủ Độ, một con người đầy toan tính đã vẽ ra một kế hoạch không thể táo bạo hơn. Lợi dụng việc đang nắm thực quyền với danh nghĩa phụ chính, Trần Thủ Độ đã sai bắt vợ của Trần Liễu là Thuận Thiên công chúa (chị của Lý Chiêu Hoàng) đem gả cho Trần Thái Tông. Lý do là bởi vì bà đang mang thai được ba tháng, có thể dễ dàng để cho Thái Tông mạo nhận đó là con mình.
Phẫn uất vì bị cướp cả vợ lẫn con, Trần Liễu trong cơn giận đã mất đi lý trí, phất cờ họp quân chống lại triều đình. Nhưng do thân cô thế cô không làm gì được, quân đoàn phản loạn này nhanh chóng tan tác, bản thân Trần Liễu phải lén đến gặp Thái Tông xin hàng. Vua Thái Tông vì thương anh nên xin với Trần Thủ Độ tha tội cho Trần Liễu, nhưng quân lính đều bị giết. Có thể nói, tuy giữ được mạng nhưng thế lực của Trần Liễu đã bị phế bỏ hoàn toàn. Lúc này, Trần Quốc Tuấn còn quá nhỏ nhưng hẳn là những lục đục trong dòng tộc khi này cũng phần nào ảnh hưởng tới quyết định “đập chậu cướp hoa” của ông về sau.
Dù được em trai tha mạng, nhưng mối thù cướp vợ thì Trần Liễu vẫn còn ghi lòng đó. Chưa bao nuốt trôi được cục tức này, Trần Liễu đã nảy sinh sự căm ghét với vương triều hiện tại của dòng tộc. Ông cho tìm người tài nghệ để dạy văn, võ cho Trần Quốc Tuấn nhằm đào tạo nên một người có đủ năng lực thực hiện việc thâu tóm thiên hạ, hi vọng một ngày đứa con trai yêu quý có thể trả mối hận cho mình. Thế là, được sự bồi dưỡng từ nhiều người thầy nổi danh thiên hạ khi ấy, Trần Quốc Tuấn đã trở thành “con nhà người ta” trong truyền thuyết: học vấn rất uyên bác, vừa giỏi văn chương vừa hiểu thấu lục thao tam lược, cưỡi ngựa, bắn cung đều vô cùng thành thạo.

3, Kỳ án “Đập chậu cướp hoa”

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, năm 1251, Trần Quốc Tuấn khi này đã là một chàng thanh niên đương tuổi xuân mơn mởn. Dĩ nhiên, như bao chàng thanh niên khác ở cái độ này, ông cũng biết yêu. Ông đem lòng thương nhớ công chúa Thiên Thành. Chúng ta không biết rõ gốc tích của bà, nhưng các nhà nghiên cứu phần lớn đều đồng tình với quan điểm bà là cháu họ hoặc con gái của Trần Thái Tông, tức là em họ của ông. Vào thời nhà Trần, hoàng tộc đã có lệ lấy lẫn nhau để bảo toàn quyền lực, nên việc Trần Hưng Đạo nảy sinh tình cảm với em họ của mình âu cũng là một xu thế tất yếu của thời đại, không có gì đáng để phê phán.
Đầu năm 1251, Trần Thái Tông muốn gả công chúa cho Trung Thành vương nên đã cho công chúa đến ở trong dinh cha của hôn phu tương lai là Nhân Đạo vương. Trần Quốc Tuấn dĩ nhiên là biết điều này, và ông âm thầm chuẩn bị cho một kế hoạch cũng táo bạo chẳng kém gì Trần Thủ Độ ngày trước…
Ngày rằm tháng giêng, Trần Thái Tông mở hội lớn, ý muốn cho công chúa làm lễ kết tóc với Trung Thành vương. Nhân lúc mọi người còn đang mải mê ăn chơi nhảy múa, Trần Quốc Tuấn đã nhanh chân lẻn vào khuê phòng của công chúa ngay giữa đêm. Có người bảo ông đột nhập vào đó rồi phát sinh quan hệ trước hôn thú với nàng. Nhưng cũng có kẻ nói, ông chỉ đơn giản là ông bất chấp tất cả để gặp được người mình thương. Nhưng một số người thì lại suy luận rằng Trần Quốc Tuấn cố tình làm vậy là để Thiên Thành công chúa không thể gả cho Trung Thành Vương nữa, khi ấy thì ông có thể xung phong rước nàng về nhà. Dù có là trường hợp nào đi nữa, thì hành động của Trần Quốc Tuấn đã làm nảy sinh một vấn đề: thời Trần, có lệ nếu bắt được kẻ đột nhập vào nhà người khác thông dâm thì được phép đánh chết. Nghĩa là rất có thể trong một vũ trụ song song khác, bài viết này sẽ kết thúc ngay từ đây.
Đại Việt Sử ký Toàn thư chép, khi ấy mẹ nuôi Trần Quốc Tuấn là Thụy Bà công chúa là người đầu tiên trong hoàng tộc biết chuyện. Lo rằng thằng con nuôi quý hóa không sợ trời không sợ đất của mình bị hại trong phủ đệ, bà liền chạy đến hoàng cung cáo cấp, xin Trần Thái Tông nghĩ cách giải cứu. Nửa đêm còn bị lôi dậy, nhà vua cũng có chút ngơ ngác. Ngài hỏi có việc gì mà phải gấp thế, Thụy Bà liền trả lời:
"Quốc Tuấn ngông cuồng, đêm lẻn vào chỗ Thiên Thành, Nhân Đạo bắt giữ rồi, e sẽ bị hại, xin bệ hạ rủ lòng thương, sai người đến cứu".
Trần Thái Tông nghe xong thì cũng tỉnh cả người. Ngài vội sai người đến dinh Nhân Đạo vương vào chỗ Thiên Thành công chúa kiểm tra, thì thấy Trần Quốc Tuấn đã chễm chệ ở đấy rồi. Biết phen này gạo nấu đã thành cơm, hôm sau, Thụy Bà công chúa dâng 10 mâm vàng sống đến chỗ Trần Thái Tông xin ngài gả Thiên Thành công chúa cho Trần Quốc Tuấn. Nghĩ lại ngày trước mình có lỗi với nhà anh trai, nên Thái Tông lần này cũng không muốn truy cứu. Ngài bất đắc dĩ chấp thuận gả công chúa cho Trần Quốc Tuấn và lấy 2000 khoảnh ruộng ở phủ Ứng Thiên để bồi hoàn sính vật cho Trung Thành vương. Vậy là kế hoạch táo bạo của chàng trai trẻ quyết tâm theo đuổi tình yêu đã thành công rực rỡ, nhưng mà phần nhiều là nhờ có quý nhân phù trợ.

4, Lời dặn của người cha

Đến tháng tháng 4 cùng năm, Trần Liễu ốm nặng. Lúc sắp mất, ông ta cầm tay Trần Quốc Tuấn và trăn trối rằng: "Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không yên lòng được". Rõ ràng, cho đến phút cuối thì người đàn ông đáng thương ấy vẫn bị hận thù che mờ mắt. Trần Quốc Tuấn ghi nhớ những lời ấy trong lòng, nhưng không xem đó là phải. Việc Thái Tông từng cứu nguy cho cha ông và cả chính ông khi trước ắt hẳn cũng khiến ông có thiện cảm với dòng nhà chú mình.
Dù vậy, những lời trăn trối của người cha già cũng vẫn luôn bám lấy tâm trí ông, điều mà chúng ta sẽ cùng bàn thêm ở những phần sau.

II, Ba lần kháng chiến chống quân Mông Nguyên

Nhắc đến giai đoạn tỏa sáng bậc nhất trong cuộc đời của Trần Hưng Đạo, chúng ta không thể không nhắc đến những đóng góp to lớn của ông trong cuộc trường kì kháng chiến ba lần đẩy lui quân xâm lược Mông Nguyên khét tiếng.

1, Kháng chiến chống Mông Nguyên lần thứ nhất

Bẵng đi một thời gian kể từ sau những lùm xùm trong nội bộ hoàng tộc trong những năm đầu khai quốc, Đại Việt cứ thế trải qua những tháng ngày tương đối bình yên... Đấy là cho đến khi một tai họa thấy trước sắp sửa ập tới: quân Mông Cổ. 
Cần phải nói đôi chút, đó là kẻ địch lần này của nhà Trần không hề giống với các thế lực phương Bắc từng xâm phạm nước Nam trước đó. Chúng thiện chiến hơn nhiều và cũng tàn bạo hơn rất nhiều, có thể coi là “trước nay chưa từng có”. Bằng chứng cho những nhận xét vừa rồi không phải là lời nói hão thì rất đơn giản: thời điểm ấy, chỉ bằng vài chục vạn kỵ binh, vó ngựa Mông Cổ đã càn quét một nửa thế giới, với những lều trướng của binh đoàn du mục này được dựng trải dài từ Đông sang Tây, trên nền đất được hình thành từ xương máu của biết bao mạng người từ những quốc gia xấu số khác.
Trước khi cuộc xâm lược diễn ra, vào đầu tháng 8 năm 1257, đế quốc Mông Cổ đã cho sai sứ sang hòng khuất phục ý đồ kháng cự của triều đình nhà Trần, biến Đại Việt thành một nước chư hầu. Nhưng hành động ngang ngược của chúng chỉ càng thêm tiếp lửa cho sự phẫn nộ và lòng tự tôn của người dân nước Nam. Không để mất thời giờ, Trần Thái Tông lập tức hạ lệnh bắt trói và tống cổ đám sứ giả Mông Cổ vào ngục. Sau đó, ngài cùng văn võ bá quan vạch kế hoạch chuẩn bị tác chiến, sẵn sàng cho cuộc binh đao đầy cam go sắp sửa diễn ra.
Biết rằng không bao lâu nữa, kẻ địch sẽ tiến vào nước ta từ biên giới phía Bắc, nhà Trần đã có những động thái quân sự quyết liệt để sẵn sàng ứng phó với bất kì kịch bản nào có thể xảy ra. Trong vai trò là một tướng lĩnh cao cấp của quân đội Đại Việt, Trần Hưng Đạo dĩ nhiên là cũng tham gia vào những chiến lược phòng thủ này, và ông thậm chí còn giữ một chức vụ cực kì quan trọng, đó là Tiết chế (một chức chỉ huy quân sự có thứ bậc cao vào thời Trần).
Việc Trần Hưng Đạo trở thành võ quan của nhà Trần lúc nào không rõ, chỉ biết vào tháng 9 năm 1257, ông được giao cho trọng trách phòng thủ biên giới, 1 tháng sau khi sứ thần Mông Cổ tới và 3 tháng trước khi cuộc xâm lăng của quân Mông Cổ chính thức diễn ra. Đại Việt sử ký toàn thư có ghi lại việc này như sau:
"Tháng 9 (1257), (Trần Thái Tông) xuống chiếu, lệnh cho tả hữu tướng quân đem quân thủy bộ ra ngăn giữ biên giới (phía Bắc) theo sự tiết chế của Quốc Tuấn".
Tuy nhiên, các sử liệu của cả hai nước như Đại Việt sử ký toàn thư, Nguyên sử, An Nam chí lược đều không đề cập chi tiết về vai trò của Trần Hưng Đạo trong công việc phòng thủ ra sao. Chỉ biết rằng các tuyến phòng thủ tại biên giới khi gặp đại quân Mông Cổ thì liên tiếp thất bại, dù đã anh dũng chiến đấu hết mình. Về những thất bại này, chúng ta khó mà có thể quy hết tội lỗi lên đầu Trần Hưng Đạo, khi mà quân Mông Cổ đã từng hủy diệt những đạo quân đông đảo hơn chúng gấp hàng chục lần. Sự kiện ngay sau đây sẽ chứng minh cho điều đó:
Khoảng ngày 17-18 tháng 1 năm 1258, quân Mông Cổ do đại tướng Cốt Đãi Ngột Lang chỉ huy đã áp sát kinh đô. Trước tình hình ấy, vua Trần Thái Tông đích thân đốc suất chỉ huy dàn trận đón địch tại Bình Lệ Nguyên. Dù sử sách không ghi chép rõ, nhưng chúng ta có thể tạm phỏng đoán rằng trong số các tướng lĩnh góp mặt cho trận đánh ấy có cả Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.
Tiếc rằng với lực lượng 7 vạn quân, tức là đông gấp đôi so với quân đoàn chỉ gồm gần 3 vạn người của kẻ địch, nhà Trần vẫn thất thế trước đạo quân quá sức thiện chiến và tàn bạo đến từ đế quốc Mông Cổ. Trận Bình Lệ Nguyên kết thúc với việc vua Trần phải được đại tướng Lê Tần cứu giá khỏi làn mưa tên của kẻ thù mới thoát chết. Những tưởng có thể nói rằng Bình Lệ Nguyên chỉ là một tai nạn, thì ngay sau đấy không lâu, tại Phù Lỗ, quân ta lại tiếp tục bị những kẻ địch xa lạ kia đả bại một cách đầy đau đớn.
Vốn định thông qua các trận đánh quy ước để đẩy lui quân địch, những thất bại nhanh chóng và nặng nề liên tiếp đã khiến vua tôi nhà Trần buộc phải thay đổi chiến lược. Đầu não trung ương sau đó quyết định rời bỏ Thăng Long, lui về trấn giữ ở sông Thiên Mạc. Quân Mông Cổ theo đó thừa thắng tiến thẳng vào kinh thành. Thấy chiếm được kinh đô quá dễ dàng, Cốt Đãi Ngột Lang tính đồn trú quân ở lại lâu dài, hòng biến Đại Việt trở thành một tiền đồn để đánh Tống từ phía Nam. Thế nhưng, chỉ mười ngày sau thì toàn bộ dự tính ấy của vị đại tướng Mông Cổ hoàn toàn đổ bể.
Số là khi ấy, thiên mệnh đã đứng về phía Đại Việt. Những mũi tiến công truy bắt vua tôi nhà Trần của quân Mông Cổ đều thất bại do kỵ binh Mông Cổ không thể phát huy thế mạnh về di chuyển trên một vùng đất nhiều kênh rạch như đồng bằng sông Hồng. Cộng thêm một phần vì khí hậu khắc nghiệt do chịu ảnh hưởng từ vụ phun trào núi lửa Samalas, phần khác vì những dân cư những các vực lân cận đã chống trả quyết liệt nên quân Mông Cổ đã dần rơi vào thế sa lầy. Biết ở lại chỉ thêm thiệt hại không đáng có, Cốt Đãi Ngột Lang lệnh cho lui binh. Hầu hết hành phần quân đội chủ lực Mông Cổ đều tiến về phía Bắc ngay sau đó, chỉ còn lại một phần phần ba cho đến một nửa quân bọc hậu là lính mới thu nạp thêm từ Đại Lý. 
Chớp thời cơ này, nhà Trần đã lập tức quay trở lại phản công, chiến thắng áp đảo trước cánh quân Mông Cổ bọc hậu chưa kịp rút lui vào ngày 28 tháng 1 năm 1258 trong trận Đông Bộ Đầu. Chiến tranh kết thúc với chiến thắng sau cùng thuộc về nhà Trần. Cũng ngay năm ấy, vua Thái Tông nhường ngôi cho thái tử Hoảng, tức vua Trần Thánh Tông. Sau khi lên ngôi, Thánh Tông cho Trần Quốc Tuấn trở về thái ấp ở Vạn Kiếp, vẫn giữ nguyên tước cũ.
Về kết quả của cuộc kháng chiến lần thứ nhất này, có thể nói sử sách đã đặc biệt ưu ái hai người: Trần Thủ Độ và Lê Tần - người mà ngay sau đó đã được ban thưởng bằng cách gả cho người vợ cũ của Trần Thái Tông là Lý Thiên Hinh. Tuyệt không có thấy đề cập đến những chiến công của Trần Hưng Đạo, dù rằng vai trò của ông là Tiết chế, một vị trí rất quan trọng trong quân đội nhà Trần khi ấy.
Cũng từ đây mà chúng ta tiến đến với 2 giả thuyết:
Một, đó là chức Tiết chế của Trần Hưng Đạo thực chất chỉ là trên danh nghĩa, còn quyền hành thực tế thì vẫn nằm trong tay nhóm lợi ích chuyên quyền của Trần Thủ Độ nên ông không thể có nhiều đóng góp vào cuộc kháng chiến. Hai, đó là dù có nhiều đóng góp, nhưng vì lí do đấu đá chính trị giữa các nhánh của hoàng tộc mà công trạng của ông ít được tuyên truyền hơn.
Về giả thuyết thứ nhất, không phải là không có khả năng khi mà dòng Trần Liễu vốn đã có nhiều hiềm khích với dòng Trần Cảnh, và những mâu thuẫn nội bộ ấy lại do một tay Trần Thủ Độ gây ra. Với cương vị là người phò tá cho dòng Trần Cảnh, hiển nhiên Trần Thủ Độ sẽ không dễ dàng gì mà để cho Trần Hưng Đạo được tiếp cận với một chức vị có sức ảnh hưởng lớn đến bộ máy quân sự quốc gia mà không có các ràng buộc nào, nhất là khi mới chỉ một năm trước đó, tức là năm 1256, anh trai cùng cha khác mẹ của Trần Hưng Đạo là Trần Doãn đã đem gia quyến bỏ trốn sang Tống vì mâu thuẫn với dòng Trần Cảnh.
Về giả thuyết thứ hai, cũng tương tự như giả thuyết thứ nhất, chỉ là khác ở chỗ đó là thực sự Trần Quốc Tuấn cũng đã lập được nhiều công trạng trong cuộc chiến, nhưng sau đó đã vô tình hoặc cố ý bị triều đình lờ đi. Việc chỉ nhắc đến ban thưởng cho Lê Tần và Trần Thủ Độ, chiếu theo giả thiết này, có thể xem như một hành vi công khai lờ đi các chiến công của Trần Hưng Đạo.
Dù vậy, những phân tích trên đây cũng vẫn chỉ là giả thuyết, khó mà có thể xác nhận liệu rằng điều đó đúng hay là sai. Dù sao đi nữa, sự mâu thuẫn giữa các nhánh trong hoàng tộc nhà Trần lúc này cũng không phải là điều mà đến bây giờ chúng ta, những người nhìn về quá khứ mới thấy hết được tầm nghiêm trọng của nó. Bản thân chính Hưng Đạo vương, sau cuộc chiến với quân Mông Nguyên lần thứ nhất, cũng đã nhìn ra được nguy cơ vỡ vụn của quốc gia từ vết nứt rất nhỏ nhưng chí tử kia. Vậy, một con người tài ba và thức thời như ông đã làm gì để xử lý nút thắt quan trọng này?

2, Chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lần thứ hai - làm hòa với Trần Quang Khải

Sau chiến thắng lần thứ nhất, nhà Trần đã bắt đầu công cuộc tái thiết đất nước thời hậu chiến, đồng thời cũng tập trung đẩy mạnh phát triển quốc phòng. Những trận thua đau đớn trong cuộc chạm trán lần đầu với quân Mông Cổ đã khiến nhà Trần phải nhìn nhận lại về tương quan sức mạnh giữa Đại Việt với các thế lực phương Bắc, cũng như những ưu, khuyết điểm của bộ máy quân sự của triều đình bấy giờ. Do sự hạn chế của các nguồn sử liệu còn tới ngày nay, chúng ta không rõ Trần Quốc Tuấn tham gia vào công cuộc cải cách ấy ra sao. Nhưng với việc trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần 2 và lần 3 về sau có sự xuất hiện của nhiều danh tướng tài ba là gia nhân, tâm phúc của Trần Hưng Đạo, có thể thấy được rằng ông hẳn đã đóng góp một phần không hề nhỏ trong công cuộc này.
Cũng trong khoảng thời gian nói trên, mối quan hệ giữa nhánh của Trần Quốc Tuấn với nhánh Thái Tông đã có sự cải thiện tích cực, khi năm 1274, con gái trưởng của ông đã được vua Trần Thánh Tông phong làm phi cho thái tử, tức Khâm từ Hoàng hậu của Trần Nhân Tông trong tương lai. Sau đó ít lâu, con gái thứ của ông lại được phong làm phi, sau này cũng trở thành Hoàng hậu của Nhân Tông với hiệu Tuyên từ. Dù vậy, mối bất hòa năm xưa vẫn còn âm ỉ khi em vua là Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải bày tỏ thái độ không ưa Trần Quốc Tuấn ra mặt. Lý do là bởi, Quang Khải do vẫn còn nghi ngại rằng ông vẫn còn nhớ mối thù của Trần Liễu và sẽ tìm cách trả thù, cho nên luôn giữ thái độ bài xích.
Đầu năm 1277, khi Trần Thánh Tông thân chinh thảo phạt các bộ tộc thiểu số ở động Nẫm Bà La, Trần Quang Khải vốn biết tiếng thổ dân nên đi theo hộ giá. Ghế Tể tướng lúc này vẫn để trống, vừa lúc có sứ phương Bắc đến. Thượng hoàng Trần Thái Tông gọi Trần Quốc Tuấn tới, tỏ ý định lấy ông làm Tư đồ để tiếp sứ phương Bắc. Trần Quốc Tuấn trả lời:
"Việc tiếp sứ giả, thần không dám từ chối, còn như phong thần làm Tư đồ thì thần không dám vâng chiếu. Huống chi Quan gia đi đánh giặc xa, Quang Khải theo hầu mà bệ hạ lại tự ý phong chức, thì tình nghĩa trên dưới, e có chỗ chưa ổn, sẽ không làm vui lòng Quan gia và Quang Khải. Đợi khi xa giá trở về, sẽ xin vâng mệnh cũng chưa muộn".
Khi Thánh Tông trở về, việc ấy lại bỏ đấy vì Trần Quang Khải không bằng lòng. Dù vậy, Hưng Đạo Vương cũng không hề tỏ lấy làm bất bình chút nào. Hẳn ông lo cho việc mối quan hệ giữa 2 nhánh vừa lành nay lại có nguy cơ rạn nứt vì những tư tình cá nhân, hơn là tiếc một chức Tư đồ mà nếu muốn ông đã có thể dễ dàng lấy.
Nghĩ là làm, Trần Hưng Đạo tìm cách giảng hòa với Trần Quang Khải. Một hôm, ông từ Vạn Kiếp tới kinh thành, tình cờ lại gặp Trần Quang Khải xuống thuyền chơi suốt ngày cũng vừa mới trở về. Trần Quang Khải vốn sợ tắm gội còn ông thì thích tắm thơm. Một ý tưởng chợt lóe lên trong đầu Trần Quốc Tuấn:
"Mình mẩy cáu bẩn, xin tắm giùm"
Nói rồi, ông bèn cởi áo Trần Quang Khải ra, dùng nước thơm tắm cho người em họ và nói:
"Hôm nay được tắm cho Thượng tướng."
Trần Quang Khải thấy vậy thì cảm động lắm, cũng tiếp lời:
"Hôm nay được Quốc công tắm rửa cho."
Trước đây, Trần Quang Khải lo lắng về mối thù của Trần Liễu để lại mà có mối hiềm nghi xa cách, nhưng nay được Trần Quốc Tuấn tắm cho thì cũng không còn quá nghi ngại nữa. Cũng từ lúc này, hai người trở nên thân tình, tin tưởng lẫn nhau. Đại Việt Sử ký Toàn thư chép lại rằng, sau buổi tắm thơm ngày hôm ấy, tình nghĩa qua lại giữa Thượng tướng và Quốc công ngày càng thêm mặn mà. Trong việc giúp đỡ nhà vua, cả hai đều ghi công lao đứng hàng đầu.
Không chỉ trong lần duy nhất ấy, mà về sau, Trần Quốc Tuấn cũng nhiều lần giúp đỡ Trần Quang Khải thoát khỏi những tình huống khó khăn.
Năm 1279, đế quốc Mông Cổ tiêu diệt nhà Nam Tống, lập ra nhà Nguyên, trở thành mối đe dọa tiềm tàng cho nước Đại Việt ở phía Bắc. Nhà Trần cũng đã bắt đầu trở nên cảnh giác hơn với thế lực phương Bắc mới này. Vua Trần Thánh Tông sai Trần Di Ái sang thông sứ với nhà Nguyên nhằm tìm kiếm những giải pháp hòa bình, tránh cảnh phải động binh đao làm hại đến bách tính.
Năm 1281, sứ giả nhà Nguyên là Sài Xuân phụng mệnh Nguyên Thái Tổ Hốt Tất Liệt đưa Trần Di Ái, lúc này được nhà Nguyên phong làm An Nam Quốc vương trở về Đại Việt. Cậy thế là sứ giả thiên triều, Xuân hành xử vô cùng ngạo mạn, vô lễ. Tới kinh thành, hắn cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh. Quân sĩ Thiên Trường thấy thế tưởng hắn không biết quy củ, bèn tới ngăn lại. Tức mình, Xuân liền dùng roi ngựa quất họ bị thương ở đầu. Khi đến điện Tập Hiền, thấy giăng bày màn trướng, hắn mới chịu xuống ngựa. Trước tên sứ giả "miệng lưỡi cú diều" "thân dê chó" này, vua Trần bèn sai Quang Khải đến sứ quán khoản tiếp. Xuân nằm khểnh không ra, Quang Khải vào hẳn trong phòng, hắn cũng không thèm dậy tiếp.
Hay tin, Hưng Đạo Vương quyết định đến xử lý công vụ giúp cho Quang Khải. Ông đến tâu với Thánh Tông, xin đích thân đến sứ quán tìm hiểu xem Sài Xuân định làm gì. Biết về mối hiềm khích giữa Quốc Tuấn và Quang Khải, nhưng lúc ấy khó mà có thể tìm được ai khác có thể đối phó được với hành vi trơ tráo của tên sứ giả, nhà vua buộc phải đồng ý.
Trước khi đến gặp Sài Xuân, Trần Quốc Tuấn dường như đã tìm hiểu rất kỹ về tên này. Biết hắn không tôn trọng văn hóa Đại Việt, nhưng hoàng đế Hốt Tất Liệt của hắn lại rất ưa phong tục Hán, Trần Quốc Tuấn bèn cạo trọc đầu, chỉ mặc áo vải mà đi. Đến sứ quán, ông điềm nhiên vào thẳng trong phòng.
Thấy Trần Quốc Tuấn, Sài Xuân giật mình. Hắn kính cẩn đứng dậy, vái chào mời ông ngồi. Mọi người xung quanh thấy thế thì đều kinh ngạc. Họ có biết đâu gọt tóc, mặc áo vải là hình dạng nhà sư phương Bắc, cũng bởi thế mà Sài Xuân không dám có thái độ ngang ngược với ông như với Quang Khải trước đó.
Trần Quốc Tuấn thư thái ngồi xuống pha trà, cùng uống với Sài Xuân. Tên người hầu của Sài Xuân thấy chủ trước đấy hoành hành ngang ngược chẳng sợ một ai, nay lại khúm núm trước một lão trọc từ đâu tới thì tức lắm. Hắn liền lén cầm một mũi tên giơ lên chọc vào đầu Trần Quốc Tuấn đến chảy máu. Dù chảy máu đầm đìa, sắc mặt Quốc Tuấn vẫn không hề thay đổi, càng làm Sài Xuân thêm phần kính phục, nể sợ. Khi ông ra về, Xuân đi ra tận cửa chào tiễn ông.
Buổi tiếp sứ của Trần Quốc Tuấn có thể xem là thành công hơn cả mong đợi. Qua đó mới thấy, nhờ tài trí của mình mà ông đã dễ dàng gỡ nút thắt khó xử lý như đám sứ giả ngang ngược của nhà Nguyên, giúp nhà Trần giữ được thể diện của quốc gia trước người phương Bắc. Đây có thể xem như một chiến thắng ngoại giao của Trần Hưng Đạo nói riêng và nhà Trần nói chung.

3, Kháng chiến chống Mông Nguyên lần thứ hai

Năm 1282, nhà Nguyên sai Toa Đô mang quân vượt biển đánh Chiêm Thành ở phía nam Đại Việt. Chiến tranh giữa Đại Việt với nhà Nguyên đến gần. Tháng 10 âm lịch năm 1283, để chuẩn bị kháng chiến lần hai, Trần Hưng Đạo được Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông phong làm Quốc công Tiết chế thống lĩnh chư quân. Có thể hiểu rằng với cương vị này, Trần Quốc Tuấn là người nắm binh quyền cao nhất tại Đại Việt. Ông chọn các quân hiệu tài giỏi, cho chia nhau chỉ huy các đơn vị quân đội. Theo dân gian tương truyền, là một người tận tâm vì nước, Trần Hưng Đạo đã đích thân đi khắp các lộ đôn đốc quân lính, kiểm soát các giảng võ đường địa phương, tự tay thu dụng nhiều nhân tài hào kiệt như Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Chế Nghĩa, Đỗ Hành...
Tháng 8 âm lịch năm 1284, ông cho duyệt quân ở bến Đông Bộ Đầu, thuyết giảng bài "Hịch tướng sĩ" nổi tiếng, rồi chia quân đóng giữ Bình Than và các nơi hiểm yếu khác.
Tháng 7 âm lịch năm 1284, nhà Nguyên sai Vân Nam vương Thoát Hoan, A Lý Hải Nha rục rịch tập trung quân đội ở hành tỉnh Hồ Quảng, dự đinh sang năm sẽ tiến hành xâm lược Đại Việt. Tháng 11 âm lịch năm 1284, vua Trần Nhân Tông sai Trần Phủ đi sứ sang hành tỉnh Hồ Quảng xin hoãn binh. Khi trở về, Trần Phủ báo tin Hốt Tất Liệt lấy danh nghĩa mượn đường đánh Chiêm Thành, mang đại quân tiến vào đất Việt. Do đã có đề phòng và chuẩn bị từ trước, vua tôi nhà Trần không hề cảm thấy bất ngờ mà lập tức sẵn sàng ngênh chiến.
Đầu năm 1285, quân Nguyên ồ ạt hợp công từ 2 phía, Thoát Hoan vượt biên giới phía bắc của Đại Việt, còn Toa Đô đánh lên phía bắc, up hiếp vùng Thanh Hóa-Nghệ An. Hưng Đạo vương đốc quân đánh chặn ở biên giới nhưng thất bại, phải rút quân về Vạn Kiếp. Theo chính sử, ông nhờ có người gia nô trung thành là Yết Kiêu kiên quyết giữ thuyền đợi chủ tướng nên đã rút lui an toàn:
Trước đây, Hưng Đạo Vương có người nô là Dã Tượng và Yết Kiêu, đối xử rất hậu. Khi quân Nguyên tới, Yết Kiêu giữ thuyền ở Bãi Tân, Dã Tượng thì đi theo. Đến lúc quan quân thu trận, thủy quân tan cả. (Hưng Đạo) Vương định rút theo lối chân núi. Dã Tượng nói: "Yết Kiêu chưa thấy Đại Vương thì nhất định không dời thuyền". Vương đến Bãi Tân, chỉ có thuyền Yết Kiêu vẫn còn ở đó. Vương mừng lắm, nói: "Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng chim thường thôi". Nói xong cho chèo thuyền đi, Kỵ binh giặc đuổi theo không kịp. Vương đến Vạn Kiếp, chia quân đón giữ ở Bắc Giang.
Như vậy là nhờ đức độ của mình, Trần Hưng Đạo đã thu phục được nhân tâm của những người xung quanh, nhờ đó vượt qua nguy hiểm.
Lại nói, thủy quân Nguyên do Ô Mã Nhi chỉ huy lúc này tấn công vào Vạn Kiếp, bao vây quân của Trần Quốc Tuấn. Một trận thủy chiến lớn giữa 2 bên đã diễn ra. Vua Trần đã đem quân đến trợ chiến choông. Dù bên ta thua trận, nhưng lực lượng của quân Nguyên cũng suy yếu rõ rệt. Cảm thấy không thể ngăn nổi quân Đại Việt, Ô Mã Nhi lệnh cho quân Nguyên rút lui. Toàn bộ quân Đại Việt sau đó rút khỏi Vạn Kiếp, Phả Lại, Bình Than về dàn trận bên bờ sông Hồng gần thành Thăng Long. Quân Nguyên tiến theo đường bộ về Thăng Long. Để bảo toàn lực lượng và thực hiện kế "thanh dã" (vườn không nhà trống), Trần Hưng Đạo ra lệnh rút quân.
Quân Nguyên tiến vào Thăng Long rồi dẫn quân đuổi theo vua Trần xuống phủ Thiên Trường, tức vùng Nam Định ngày nay. Trong tình cảnh nguy khốn, Thượng hoàng Thánh Tông lo ngại Trần Hưng Đạo có lòng khác, bèn vờ bảo ông hay là nên đầu hàng cho xong. Tưởng thật, Quốc Tuấn lập tức khảng khái trả lời rằng:
"Bệ hạ chém đầu thần rồi hãy hàng".
Đến đây, có thể nói niềm tin của cả hai vị vua Trần đều đã đặt tuyệt đối vào Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.
Sau trận quân Đại Việt phản công quân Nguyên không thành và việc mặt trận Thanh-Nghệ bị tan vỡ do sự phản bội của Trần Kiện, đại quân Việt lâm vào thế bị ép từ 2 mặt Bắc-Nam. Trần Hưng Đạo đưa thượng hoàng Thánh Tông và vua Nhân Tông rút về vùng bờ biển thuộc địa phận Quảng Ninh và Hải Phòng ngày nay, là nơi mà quân Nguyên chưa vươn tới. Trong hành trình rút lui, quân Đại Việt bị quân Nguyên đuổi gấp. Trước thế quân Nguyên Mông bức bách, ông đưa hai vua Trần ngầm đi chiếc thuyền nhỏ đến Tam Trĩ nguyên, rồi sai người đưa thuyền ngự ra Ngọc Sơn tránh địch.
Lúc ấy, xa giá nhà vua đang phiêu giạt, lại còn mối hiềm cũ của Trần Liễu, nên có nhiều người nghi ngại. Trần Quốc Tuấn theo vua, tay cầm chiếc gậy có bịt sắt nhọn. Mọi người đều gườm mắt nhìn. Trần Quốc Tuấn liền rút đầu sắt nhọn vứt đi, chỉ chống gậy không mà đi, bởi vậy hai vua Trần và mọi người khỏi nghi ngại.
Khi thấy đạo quân của Toa Đô đã rời Thanh Hóa tiến lên đóng ở Trường Yên (Ninh Bình), ngày 7 tháng 4 năm 1285, Trần Hưng Đạo lại đưa 2 vua Trần cùng đại quân vượt biển vào Thanh Hóa, thoát khỏi thế bị kìm kẹp của đối phương. Hàng loạt tông thất nhà Trần ra hàng quân Nguyên như hoàng tử Trần Ích Tắc, hoàng thân Trần Lộng...
Sau một thời gian dài tuy chiến thắng nhưng không thể tiêu diệt hoàn toàn quân đội Đại Việt, quân Nguyên dần rơi vào thế sa lầy. Đến tháng 5 dương lịch năm 1285, Trần Hưng Đạo vạch kế hoạch tổng phản công. Chỉ sau một tháng chiến đấu quyết liệt với quân Nguyên, các cánh quân Đại Việt do ông cùng Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật chỉ huy giành thắng lợi ở Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, Vạn Kiếp,... quân dân Đại Việt đã thành công chiếm lại được Thăng Long. Quân Nguyên và Thoát Hoan bỏ chạy về phía Bắc. Trần Hưng Đạo và anh là Hưng Ninh vương Trần Quốc Tung lại dẫn hơn 2 vạn quân chặn đánh quân Nguyên ở bờ bắc sông Hồng. Tới đây, quân Nguyên đại bại, chỉ còn lại một phần tàn quân là rút chạy được về phương Bắc. Quân Đại Việt do con Trần Hưng Đạo là Trần Quốc Hiến (công tử Nghiễn) chỉ huy sau đó vẫn còn tiếp tục truy kích không ngừng nghỉ cho đến tận biên giới. Trong cuộc chiến này, quân Đại Việt giết được tướng Nguyên là Toa Đô và Lý Hằng.

3, Kháng chiến chống Mông Nguyên lần thứ ba

Tháng 3 năm 1286, hoàng đế nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt sai Thượng thư tỉnh Áo Lỗ Xích (Auruyvci), Bình chương sự Ô Mã Nhi (Omar) huy động 50 vạn quân, rồi sai hành tỉnh Hồ Quảng đóng 300 thuyền chiến, định đến tháng 8 hội quân ở Khâm Châu, Liêm Châu. Hốt Tất Liệt còn sai quân ba hành tỉnh Giang Chiết, Hồ Quảng, Giang Tây chuẩn bị đánh Đại Việt, mượn danh nghĩa đưa phản thần nhà Trần là Trần Ích Tắc về làm An Nam Quốc vương.
Tháng 6 âm lịch, vua Trần Nhân Tông xuống chiếu cho vương hầu, tôn thất chiêu mộ binh sĩ và xin ý kiến của Hưng Đạo Vương. Đại Việt Sử ký Toàn thư chép rằng:
Nhà vua hỏi: "Thế giặc năm nay thế nào?" Trần Quốc Tuấn trả lời: “Nước ta thái bình lâu ngày, dân không biết việc binh. Cho nên, năm trước quân Nguyên vào cướp, thì có kẻ đầu hàng trốn chạy. Nhờ uy tín của tổ tông và thần võ của bệ hạ, nên quét sạch được bụi Hồ. Nay nếu nó lại sang thì quân ta đã quen việc chiến trận, mà quân nó thì sợ phải đi xa. Vả lại, chúng còn nơm lớp cái thất bại của Hằng, Quán không còn chí chiến đấu. Theo như thần thấy, phá được chúng là điều chắc chắn.”
Vua Trần Nhân Tông được tiếp thêm tinh thần, vô cùng phấn chấn. Ngài cử Hưng Đạo vương thống lĩnh vương hầu luyện tập binh sĩ, sửa sang khí giới, đóng thuyền chiến. Tháng 2 âm lịch năm 1287, nhà Nguyên điều động quân Mông Cổ, quân Hán phương Nam, quân 3 hành tỉnh Giang Hoài, Giang Tây, Hồ Quảng, quân Vân Nam, quân người Lê ở 4 châu ngoài biển, chia làm nhiều cánh tràn vào Đại Việt. Vạn hộ Trương Văn Hổ dẫn quân thủy chở 70 vạn thạch lương theo sau. Hốt Tất Liệt còn lập Chinh Giao Chỉ hành thượng thư tỉnh do Bình chương sự Áo Lỗ Xích, các Tham tri chính sự Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp đứng đầu; cơ quan này phải chịu sự sai khiến của Thoát Hoan. Các quan Đại Việt xin bắt tráng đinh sung quân để quân đội đông hơn, nhưng Hưng Đạo Vương không đồng ý:
“Quân quý ở tinh nhuệ, không quý ở số đông. Dẫu đến 100 vạn quân mà như Bồ Kiên thì cũng làm gì được?”
Ngày 14 tháng 11 âm lịch 1287, Trịnh Xiển báo tin cánh quân Vân Nam của Nguyên đánh ải Phú Lương. Trần Nhân Tông hỏi Hưng Đạo vương rằng năm nay liệu đánh giặc thế nào. Ông vẫn quả quyết:
"Năm nay đánh giặc nhàn".
Qủa đúng vậy. Khác với lần trước, dù quân ta vẫn gặp một số bất lợi ở biên giới, thế nhưng Trần Hưng Đạo không chủ trương rút khỏi kinh đô mà tổ chức phòng thủ ngay tại Thăng Long. Tháng 2 năm 1288, quân Nguyên công thành, quân Đại Việt nấp trong thành bắn tên ra. Trần Quốc Tuấn sai Trần Cao vài lần đến trại Thoát Hoan xin giảng hoà, nhưng ban đêm thường kéo ra từng toán nhỏ đánh lén vào trại quân Nguyên, đốt phá lương thực rồi rút lui. Thoát Hoan điều quân ra ngoài truy kích, nhưng quân Đại Việt thường ẩn nấp khó phát hiện ra. Quân Nguyên bao vây tấn công vài lần không có kết quả, cuối cùng phải rút lui.
Trong khi đó, đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ bị Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư chặn đánh và tiêu diệt ở Vân Đồn. Thoát Hoan rút khỏi Thăng Long về hành dinh ở Vạn Kiếp. Do bị thiếu lương và bệnh dịch, Thoát Hoan buộc phải rút lui, một ngả của thủy quân do Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp chỉ huy, một ngả của bộ binh do Thoát Hoan chỉ huy.
Nhắc đến cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần thứ ba này, không thể không nhắc tới một trong những trận đánh chói lọi nhất của Hưng Đạo Vương: trận Bạch Đằng. Đây là trận đánh nổi bật nhất trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ ba, mang tính chất khẳng định cũng là lần cuối cùng quân Nguyên - Mông xâm lược Đại Việt. Biết được hướng rút lui của địch, Trần Hưng Đạo bố trí lực lượng mai phục ở cửa sông Bạch Đằng, sẵn sàng kéo một mẻ lưới tóm gọn tất cả.
Lại nói, thủy quân Nguyên vốn không biết về chu trình thủy triều của sông. Trước ngày diễn ra trận đánh quyết định này, ông đã đoán tuyến đường tháo chạy của địch và nhanh chóng cho quân cắm cọc gỗ vót nhọn ở đáy sông, tạo thành thế trận cọc ngầm độc đáo giống như thời các bậc danh tướng thời trước như Ngô Quyền, Lê Hoàn. Khi Ô Mã Nhi cho quân vào sông, nước còn lên cao che hết cọc gỗ, Hưng Đạo vương cử các tàu nhỏ ra đánh rồi giả vờ thua chạy. Quân Đại Việt vừa rút lui, vừa đánh trả. Khi nước xuống, toàn bộ thủy quân Nguyên bị mắc kẹt. Ngay lập tức, Hưng Đạo vương sai tướng Nguyễn Khoái dẫn quân Thánh dực phá tan quân Nguyên. Thượng hoàng Thánh Tông và vua Nhân Tông đưa đại quân tiếp chiến, quân Nguyên tử thương vô số. Theo những sử liệu và dân gian truyền lại, nước sông do vậy đỏ ngầu cả. Cuối cùng, 400 thuyền quân Nguyên bị đốt cháy hết. Nội Minh tự Đỗ Hành bắt 2 tướng Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ Ngọc dâng lên vua Trần.
Cánh quân của Thoát Hoan thì may mắn hơn, tháo chạy thành công theo đường Lạng Sơn. Dù vậy, chúng vẫn bị quân Việt do Hưng Đạo Vương bố trí đón đánh dọc đường khiến "quân sĩ mười phần, tổn hại mất 5, 8 phần".

III, Thời kì sau này

1, Trở về Vạn Kiếp

Tháng Tư (âm lịch) năm Kỷ Sửu (1289), luận công ba lần đánh đuổi quân Nguyên Mông, Trần Hưng Đạo được phong tước Hưng Đạo đại vương. Sau đó, ông lui về ở Vạn Kiếp, là nơi ông được phong ấp (nay thuộc xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Nhân dân lúc bấy giờ kính trọng ông, lập đền thờ sống ông ở Vạn Kiếp. Tại đền có bài văn bia của vua Trần Thánh Tông, ví ông với Thượng phụ (tức Khương Tử Nha).
Do đã có những công lao to lớn trên con đường vệ quốc, gìn giữ độc lập dân tộc, nhà vua cũng đồng thời đặc cách cho ông quyền phong tước hiệu cho bất kỳ ai mà ông muốn. Nhưng trong suốt cuộc đời, ông không hề thực sự sử dụng đặc quyền này.

2, Qua đời

Tháng Sáu năm Canh Tý 1300, Trần Hưng Đạo bị ốm nặng. Vua Trần Anh Tông ngự tới nhà thăm, hỏi rằng:
"Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào?”
Dù đang ốm, ốm rất nặng, ông vẫn vô cùng tỉnh táo và khảng khái tâu với vua rằng:
"Ngày xưa Triệu Vũ Đế dựng nước, vua nhà Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế thanh dã (vườn không nhà trống), đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, Hồ Nam, còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là một thời. Đời nhà Đinh, nhà Tiền Lê dùng người tài giỏi, đất phương nam mới mạnh mà phương bắc thì mệt mỏi suy yếu, trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống. Đó lại là một thời. Vua nhà Lý mở nền, nhà Tống xâm phạm địa giới, dùng Lý Thường Kiệt đánh Khâm, Liêm, đến tận Mai Lĩnh là vì có thế. Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây. Vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt. Đó là trời xui nên vậy. Đại khái, nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản binh chế trường trận là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như các tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy".
Chữa mãi không khỏi bệnh, ông mất vì tuổi già vào ngày 3 tháng 10 năm 1300. Sau khi mất, ông được triều đình phong tặng Thái Sư Thượng Phụ Thượng Quốc Công, Nhân võ Hưng Đạo Đại Vương. Đền thờ ông tại Vạn Kiếp gọi là “Đền Kiếp Bạc”.

IV, Một vài nhận định

Trên đây, chúng ta đã biết qua về cuộc đời vẻ vang lẫy lừng của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Những chiến tích oai hùng và tài năng thao lược đỉnh cao của ông chắc hẳn không còn gì để bàn cãi nữa. Vì thế, chúng ta hãy cùng bàn về những mặt tích cực khác trong cốt cách của con người rất đỗi cao quý này.

1, Ông là người biết đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên những tư tình cá nhân.

Quay trở về với lời trăn trối của Trần Liễu với Quốc Tuấn. Lúc sắp mất, cha ông đã cầm tay ông, trăn trối rằng: "Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được". Những lời ấy, ông ghi để trong lòng, nhưng không cho là phải. Dù cha ông có hiềm khích lớn với nhà Trần Thái Tông, Trần Hưng Đạo luôn đặt việc nước lên trên, một lòng trung thành, hết lòng phò tá các vua Trần đánh ngoại xâm cứu nước.
Đến khi vận nước lung lay, quyền quân quyền nước đều do ở mình, Trần Quốc Tuấn đem lời cha trăn trối để dò ý hai thuộc tướng thân tín là Dã Tượng và Yết Kiêu. Hai người thuộc hạ ấy can rằng:
"Làm kế ấy tuy được phú quý một thời nhưng để lại tiếng xấu ngàn năm. Nay Đại Vương há chẳng đủ phú và quý hay sao? Chúng tôi thề xin chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu."
Trần Quốc Tuấn cảm phục đến khóc, khen ngợi hai người. Thiết nghĩ, nếu chủ không tốt thì tớ làm sao có được cái tâm sáng ngời như thế?
Ngoài thử lòng gia nhân, Trần Quốc Tuấn cũng từng đem lời trăn trốic của cha mình khi ấy để vờ hỏi các con. Trước tiên, ông hỏi Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn: "Người xưa có cả thiên hạ để truyền cho con cháu, con nghĩ thế nào? Hưng Vũ vương thưa: "Dẫu khác họ cũng không nên, huống chi là cùng một họ!". Ông ngẫm cho là phải.
Lại một hôm ông đem chuyện ấy hỏi người con thứ là Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng. Quốc Tảng tiến lên thưa: "Tống Thái Tổ vốn là một ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ". Trần Quốc Tuấn rút gươm kể tội: "Tên loạn thần là từ đứa con bất hiếu mà ra" và định giết Quốc Tảng, Hưng Vũ vương vội chạy tới khóc lóc xin chịu tội thay, Trần Quốc Tuấn mới tha. Sau đó, ông dặn Hưng Vũ vương: "Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài đã rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng".
Hưng Vũ vương Nghiễn được lấy Công chúa Thiên Thụy, thế nhưng tướng Trần Khánh Dư lại thông dâm với Thiên Thụy, khiến nhà vua phải xuống chiếu trách phạt và đuổi Khánh Dư về Chí Linh vì "sợ phật ý Quốc Tuấn". Tuy nhiên khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Đại Việt lần thứ 3, Trần Hưng Đạo đã gạt bỏ hiềm riêng, tin cậy "giao hết công việc biên thùy cho phó tướng Vân Đồn là Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư" khi ông ta được phục chức. Biết gạt bỏ hiềm khích riêng vì đại cuộc, Trần Quốc Tuấn là người nhất quán như thế.

2, Biết trọng dụng nhân tài

Vì lo cho vận nước, nên Trần Hưng Đạo cũng rất quan tâm tới vấn đề hiền tài - nhân khí của quốc gia. Suốt cuộc đời, ông không ngừng cống hiến cho đất nước đồng thời cũng tiến cử rất nhiều người tài giỏi phụng sự quốc gia. Tiêu biểu có thể kể đến những gia nhân của ông như Dã Tượng, Yết Kiêu... Các người nổi tiếng khác như Phạm Ngũ Lão, Trần Thì Kiến, Trương Hán Siêu, Phạm Lãm, Trịnh Dũ, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực... vốn là môn khách của ông, đều nổi tiếng thời đó về văn chương và chính sự. Họ đã có công tham gia những trận đánh lớn, quyết định đến sự thắng thua của những cuộc trường kì kháng chiến trước quân Mông Nguyên hùng mạnh và tàn bạo.

3, Công tư phân minh, không lạm dụng chức quyền

Khác với Trần Thủ Độ, một người cũng vì nước, vì dân nhưng sẵn sàng lạm dụng quyền lực để đạt được mục đích, Trần Hưng Đạo là một người công tư phân minh, không vì nắm quyền uy chức trọng mà trở nên lạm dụng lợi ích có được từ chúng. Vì có công lao lớn nên nhà vua gia phong ông là Thượng quốc công, cho phép ông được quyền phong tước cho người khác, từ Minh tự trở xuống, chỉ có tước hầu thì phong trước rồi tấu sau. Nhưng Trần Hưng Đạo chưa bao giờ phong tước cho một người nào. Khi quân Nguyên vào xâm chiếm nước Việt, ông lệnh cho nhà giàu bỏ thóc ra cấp lương quân, mà cũng chỉ cho họ làm lang tướng giả chứ không cho họ tước lang thực, ông rất kính cẩn giữ tiết làm tôi như thế đấy.

KẾT

Trên đây là toàn bộ khái lược về cuộc đời của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Rất mong được đồng hành cùng các bạn trong những số #LS tiếp theo. Xin chào và hẹn gặp lại.

#Backturn