Trong bối cảnh những năm gần đây, cụm từ "phát triển bền vững" đang trở thành một chủ đề đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia nói riêng và thế giới nói chung. Phát triển bền vững được mổ xẻ và nghiên cứu để trở thành một chiến lược mang tính toàn cầu, sở hữu giá trị và mẫu số chung cho sự phát triển của xã hội loài người. Do đó, thế giới đã đồng thuận xây dựng thành Chương trình nghị sự về phát triển bền vững cho từng thời giai đoạn phù hợp theo tiến trình lịch sử.
Tính đến thời điểm hiện tại, mọi quốc gia trên thế giới chưa thể xây dựng thành công mô hình phát triển bền vững đúng nghĩa của nó. Vấn đề về ô nhiễm môi trường sống của nhiều quốc gia đã và đang phát triển kèm theo các hiện tượng toàn cầu như biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên, băng tan. Hơn nữa, vào năm 2020, covid-19 xuất hiện đã đẩy thể giới trên bờ vực của sự khủng hoảng cả về kinh tế - xã hội và môi trường. Đối với kinh tế, nó làm đứt gãy chuỗi cung ứng của các quốc gia trên thế giới gây thiệt hại nặng nề không chỉ đối với kinh tế quốc gia đó mà lan tỏa đến kinh tế toàn cầu. Mặt khác, covid – 19 gây ra nhiều biến động xã hội như đổ vỡ lòng tin giữa người với cộng đồng, tạo ra một quy mô khủng hoảng y tế cộng đồng lớn chưa từng có trong lịch sử. Rõ ràng, covid -19 đang trở thành một rào cản to lớn trên bước đường xây dựng chiến lược phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, để xây dựng thành công chiến lược phát triển bền vững chúng ta cần phải nắm bắt rõ chiến lược đó với nội dung, mục tiêu của nó bao gồm những gì?
Ở Việt Nam, chiến lược phát triển bền vững được phê duyệt và phát triển qua hai giai đoạn: 2001 – 2010, 2011 – 2020. Đặc biệt, giai đoạn 2011 – 2020 được Nhà nước xây dựng các tiêu chí và mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, bao trùm hơn giai đoạn trước. Cụ thể trong quyết định số 432/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã Phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Vậy, thực trạng quá trình triển khai chiến lược trong giai đoạn 2011 – 2020 của Việt Nam diễn ra như thế nào và đã có những thành tựu và hạn chế sao?
Khái niệm phát triển
Theo từ điển điện tử Cambridge, “phát triển là quá trình bao gồm ai đó (someone) hoặc thứ gì đó (something) phát triển hoặc thay đổi theo chiều hướng tiên tiến hơn”[1]. Có thể thấy, định nghĩa này phần nào minh chứng rõ sự phát triển theo hướng con người và sự vật thay đổi theo thời gian và bao hàm sự tiến bộ trong sự thay đổi đó.
Nếu xét tới phát triển trong khía cạnh kinh tế quốc gia, sau thế chiến thứ hai, nền kinh tế quốc gia và thế giới đang bị tụt dốc. Chính vì vậy, việc phát triển đồng nghĩa là phát triển kinh tế với phạm vi rất rộng với nhiều ngành nghề, lĩnh vực nhằm phục vụ lợi ích kinh tế. Từ đó, khái niệm phát triển chủ yếu được gắn chặt với kinh tế trong việc xây dựng cơ cấu kinh tế, tăng năng suất lao động, v..v. Mặt khác, mở rộng các nhu cầu thiết yếu và chú ý nhiều đến yếu tố xã hội của quốc gia, một quan niệm khác cho rằng: “Nếu coi phát triển là đối lập với nghèo khổ thì phát triển là quá trình giảm dần, đi đến loại bỏ nạn đói ăn, bệnh tật, mù chữ, tình trạng mất vệ sinh, thất nghiệp và bất bình đẳng”.[2]
Tóm lại, nếu xem xét sự phát triển đối với chủ thể là một quốc gia thì có thể hiểu sơ lược phát triển là quá trình tăng trưởng hai yếu tố kinh tế và xã hội, trong đó trọng tâm của kinh tế là lưu thông hàng hóa và sản xuất của cải vật chất, mặt khác, về xã hội là khắc phục những vấn đề nảy sinh từ xã hội.
Khái niệm phát triển bền vững
Khái niệm PTBV đã được phổ biến rộng trên thế giới trong “Báo cáo Brundtland” năm 1987 hay còn gọi là “Tương lai của chúng ta” (Our Common Future) của WCED, báo ghi rằng: “PTBV là sự phát triển thỏa mãn những nhu cầu hiện tại mà không phương hại tới khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Đó là quá trình phát triển kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên được tái tạo, tôn trọng những quá trình sinh thái cơ bản, sự đa dạng sinh học và những hệ thống trợ giúp tự nhiên đối với cuộc sống của con người, động vật và thực vật”[3]. Nói một cách dễ hiểu, khái niệm được WCED chỉ làm nổi bật lên tầm quan trọng của yếu tố môi trường, tài nguyên thiên nhiên trong việc sử dụng đối với mối quan hệ giữa nhiều thế hệ. Theo đó, họ mong sao những con người thế hệ sau cùng có cơ hội bình đẳng về môi trường, tài nguyên để phát triển theo hướng ổn định, bền vững. Như vậy, điểm mấu chốt trong khái niệm PTBV của WCED chỉ đề cao vai trò của yếu tố môi trường trong PTBV.
Đến năm 1992, Hội nghị thượng đỉnh về Môi trường và Phát triển của Liên Hợp Quốc được tổ chức ở Rio de Janeiro đề ra Chương trình nghị sự cho thế kỉ 21, trong đó, PTBV đưuọc xác định là: “một sự phát triển không làm hại đến những nhu cầu của thế hệ tương lai. Ở đây cũng xác định ba trụ cột PTBV là: (1) Bền vững về mặt kinh tế, (2) Bền vững về mặt xã hội là công bằng xã hội và phát triển con người (ưu tiên nhất là thwujc hiện tiến bộ, xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm, 3) Bền vững về sinh thái môi trường là khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng môi trường”[4]. Rõ ràng, khái niệm được Liên Hợp Quốc đã khắc phục được hạn chế của khái niệm của WECD về PTBV. Cụ thể là xác định rõ ba tiêu chí: kinh tế, xã hội, môi trường.
Cho đến nay, khái niệm này được hiểu theo nghĩa bao quát và rõ hơn, PTBV là một số sự phát triển bảo đảm tăng trưởng kinh tế trên cơ sở sử dụng một cách hợp lý tài nguyên thiên nhiên kết hợp với bảo vệ môi trường sống nhằm vừa có thể thỏa mã được nhu cầu của thế hệ hôm này, vừa không làm ảnh hưởng đến điều kiện thỏa mãn nhu cầu và môi trường sống của các thế hệ mai sau. Thực chất của sự PTBV là giải quyết môi quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bản vệ môi trường tự nhiên, bảo đảm sự công bằng giữa các thế hệ trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Tựu trung lại, PTBV hướng đến ba mục tiêu chủ yếu: tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội. Nói cách khác, PTBV là sự phát triển trong đó bảo đảm kết hợp hài hòa giữa mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường.
So sánh phát triển và phát triển bền vững
Để có một góc nhìn chi tiết về sự chuyển hóa từ phát triển đến PTBV của các quốc gia trên thế giới, người viết xin được trích dẫn sự so sánh của tác giả Trương Quang Học[5] cụ thể như sau:
Rõ ràng, quá trình chuyển hóa từ phát triển đến PTBV đã thể hiện rõ tính tích cực trong tư duy của nhân loại. Các tiêu chí của phát triển được khắc phục hạn chế về nâng cao nó thành giá trị ưu điểm cho PTBV. Như vậy, ba tiêu chí cứng đó là: kinh tế - xã hội – môi trường, cần phải phát triển hòa hài và cân bằng, chúng trở thành một mẫu số chung cho sự PTBV để các quốc gia hướng tới.
Nội dung của phát triển bền vững
Hiện nay, quan điểm về nội dung chủ chốt về chiến lược PTBV được các quốc gia và tổ chức có chuyên môn xác định ba khía cạnh quan trọng, đó là: kinh tế - xã hội – môi trường. Theo đó, các quốc gia phải nỗ lực thực hiện xây dựng ba khía cạnh của một hình tam giác đó sao cho hình tam giác không bị méo mó. Nỗ lực của họ là mong muốn xây dựng một hình tam giác đều trong PTBV, đảm bảo phát triển kinh tế mà không ảnh hưởng tới xã hội và môi trường và ngược lại. Tuy nhiên, chiến lược PTBV đã xuất hiện từ Hội nghị thượng đỉnh Trái đất về môi trường và phát triển ở Rio de Janero vào năm 1992 tới hiện tại vẫn chưa có quốc gia nào xây dựng thành công mô hình PTBV. Hơn nữa, vấn đề gặp phải khi xây dựng PTBV không chỉ tới từ vấn đề nội của mỗi quốc gia mà còn từ vấn ngoại sinh có tính chất liên quốc gia. Thật vậy, sự cố gắng phấn đấu xây dựng chiến lược thành công của một quốc gia không thể nào đảm bảo sự toàn vẹn trong tiêu chí môi trường. Bởi vì, tiêu chí môi trường mang tính toàn cầu và là vấn đề cần sự phối hợp, chung tay của tất cả các quốc gia. Vì vậy, để đảm bảo xây dựng thành công chiến lược PTBV các quốc gia phải sẵn sàng đoàn kết và giúp đỡ nhau trong việc thực hiện từng bước các tiêu chí như là cách để giúp đỡ thế giới hòa bình, thịnh vượng.
Trên cơ sở đó, giáo trình Chính trị học phát triển của Học viện Báo chí Tuyên Truyền đã tổng hợp và đúc kết nhận xét đề cập rất rõ nội dung PTBV như sau: “phát triển bền vững có nghĩa là cả ba khía cạnh chủ yếu liên quan đến đời sống của nhân loại là kinh tế, xã hội, môi trường phải được tổng hòa, kết hợp, lồng ghép khi có thể và được cân đối một cách có hiệu quả qua các chính sách, cơ chế, công cụ và qua quá trình thực hiện chính sách. Phát triển bền vững là con đường phát triển tất yếu của cả nhân loại. Sự thành công của nó phụ thuộc không chỉ vào các nỗ lực hành động của từng quốc gia mà còn cần cả sự phối hợp hành động của toàn thế giới.”[6]
Tiêu chí đánh giá phát triển bền vững
Mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ thực hiện chiến lược PTBV sẽ có những tiêu chí đánh giá khác nhau dựa trên cơ sở nội tại. Theo giáo trình Chính trị học phát triển của Học viện Báo chí Tuyên Truyền thì có bốn tiêu chí phổ biến, đó là: kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa. Tuy nhiên, để phù hợp với phạm vi giới của đề tài nghiên cứu tác giả chủ yếu đi sâu vào ba tiêu chí cốt lõi của PTBV bao gồm: kinh tế, xã hội và môi trường. Mà theo đó, PGS.TS Phạm Thị Thanh Bình có bài viết trên tạp chí Ngân hàng[7] đã cụ thể hóa ba tiêu chí đánh giá PTBV đang công nhận rộng rãi trên thế giới, đó là:
Thứ nhất, PTBV về kinh tế. Nền kinh tế được coi là bền vững cần đạt được những yêu cầu sau: (1) Có tăng trưởng GDP và GDP đầu người đạt mức cao. Nước phát triển có thu nhập cao vẫn phải giữ nhịp độ tăng trưởng, nước càng nghèo có thu nhập thấp càng phải tăng trưởng mức độ cao. Các nước đang phát triển trong điều kiện hiện nay cần tăng trưởng GDP vào khoảng 5%/năm thì mới có thể xem có biểu hiện PTBV về kinh tế. (2) Cơ cấu GDP cũng là tiêu chí đánh giá PTBV về kinh tế. Chỉ khi tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP cao hơn nông nghiệp thì tăng trưởng mới có thể đạt được bền vững. (3) Tăng trưởng kinh tế phải là tăng trưởng có hiệu quả cao, không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá.
Thứ hai, PTBV về xã hội được đánh giá bằng các tiêu chí như: Chỉ số phát triển con người (HDI - Human Development Index), hệ số bình đẳng thu nhập, các chỉ tiêu về giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội, hưởng thụ văn hóa. Ngoài ra, bền vững về xã hội là sự bảo đảm đời sống xã hội hài hòa; có sự bình đẳng giữa các giai tầng trong xã hội, bình đẳng giới; mức độ chênh lệch giàu nghèo không quá cao và có xu hướng gần lại; chênh lệch đời sống giữa các vùng miền không lớn.
Thứ ba, PTBV về môi trường. Bao gồm nội dung cơ bản sau: Một là, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên không tái tạo; Hai là, phát triển không vượt quá ngưỡng chịu tải của hệ sinh thái; Ba là, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ tầng ôzôn; Bốn là, kiểm soát và giảm thiểu phát thải khí nhà kính; Năm là, bảo vệ chặt chẽ các hệ sinh thái nhạy cảm; Sáu là, giảm thiểu xả thải, khắc phục ô nhiễm (nước, khí, đất, v..v), cải thiện và khôi phục môi trường những khu vực ô nhiễm.
Tại Việt Nam vào ngày 12/4/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 432/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Theo đó, hệ thống chỉ tiêu giám sát và đánh giá PTBV Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đưa ra gồm 30 chỉ tiêu với nguồn số liệu và lộ trình thực hiện.(Xem thêm tại [8])
Ý nghĩa của phát triển bền vững
Xây dựng PTBV sẽ gây tốn rất nhiều chi phí của các quốc gia, tuy nhiên lợi ích của nó đạt được thì không tầm thường. Chính vì vậy, OECD đã có công bố đối với các quốc gia trong văn bản nói về lợi ích, ý nghĩa đạt được PTBV,[9] đó là:
Nhiều cách xây dựng mô hình PTBV sẽ kéo theo chi phí bổ sung. Tham gia vào xã hội dân sự và khu vực tư nhân các bên liên quan trong việc lập kế hoạch và ra quyết định, chẳng hạn, rất tốn kém và cần nhiều thời gian. Nhưng lâu dài lợi ích của nó sẽ vượt xa chi phí. Vượt qua sự ngờ vực ban đầu giữa những bên liên quan khác nhau này thường khúc mắc chủ yếu. Một khi nó được khắc phục, lợi ích của việc tham gia rộng rãi PTBV là rõ ràng. Chúng bao gồm, trong đặc biệt là đánh giá thực tế hơn về chính sách và đầu tư các tùy chọn. Điều này cải thiện cơ hội không phù hợp hoặc không hiệu quả các phương pháp tiếp cận được xác định và sửa chữa sớm, dẫn đến tốt hơn quyết định đầu tư cho PTBV.
Sự tham gia cũng giúp huy động các bên liên quan xung quanh các mục tiêu đã thống nhất và đảm bảo các nguồn lực (tài chính, con người, đất đai, kiến ​​thức địa phương) cần thiết để thực hiện các sáng kiến ​​phát triển. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, nó giúp xác định xung đột giữa các nhóm khác nhau của các bên liên quan và ngăn chặn những khác biệt đó biến thành các cuộc đối đầu phản tác dụng hoặc thậm chí bạo lực. Kinh nghiệm gần đây với các sáng kiến ​​phát triển lớn, chẳng hạn như các xây dựng quy mô lớn, cung cấp các minh họa ấn tượng về các rủi ro từ trên xuống ra quyết định và chi phí cao của các cuộc xung đột. Ở hầu hết các quốc gia, các phương pháp tiếp cận kỹ thuật để phát triển đơn giản là không còn khả thi. Đạt được sự đồng thuận rộng rãi về các kế hoạch và chương trình phát triển không phải là một lựa chọn mà là điều kiện tiên quyết để thực hiện.
Tương tự vậy, các phương pháp lập kế hoạch và hoạch định chính sách liên ngành kéo theo những khó khăn bổ sung nhưng có thể tránh các quyết định trái ngược nhau các lĩnh vực khác nhau, giảm thiểu các nỗ lực trùng lặp và giúp xác định bổ sung cho nhau. Ví dụ, kế hoạch phát triển nông nghiệp phải tính đến các chính sách và kế hoạch trong các lĩnh vực như giao thông vận tải và cung cấp nước, trong khi nỗ lực trong lĩnh vực y tế phải xây dựng dựa trên các sáng kiến ​​trong các lĩnh vực quản lý môi trường và kiểm soát ô nhiễm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Cambridge Dictionary, https://dictionary.cambridge.org/vi/dictionary/english/development
[2] Nguyễn Minh Thu, (2013): Nghiên cứu thống kê đánh giá phát triển bền vững ở Việt Nam, luận án Tiến sĩ Kinh tế, Hà Nội, trg.6.
[3] Nguyễn Thị Tố Uyên, (2019): Trao quyền cho phụ nữ - thực hiện bình đẳng giới hướng tới mục tiêu phát triển bền vững về xã hội, Kỷ yếu hội nghị khoa học cán bộ trẻ và học viên sau đại học năm 2019, trg.362.
[4] Đinh Thị Lan Anh, (2020): Đánh giá phát triển bền vững về xã hội của người Dao ở xã Ba Vì, Huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội, luận văn thạc sĩ khoa học bền vững, Hà Nội, trg.4.
[5] Trương Quang Học, (2008): Từ phát triển đến phát triển bền vững: nhìn từ góc độ giáo dục và nghiên cứu khoa học. Khoa học phát triển: Lý luận và thực tiễn ở Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo khoa học, Hà Nội, trg.210.
[6] Võ Thị Hoa, (2019): Giáo trình Chính trị học phát triển, NXB Lý luận Chính trị, trg.96.
[7] Phạm Thị Thanh Bình, (2020), “Phát triển bền vững ở Việt Nam: Tiêu chí đánh giá và định hướng phát triển đến năm 2030”, http://tapchinganhang.gov.vn/phat-trien-ben-vung-o-viet-nam-tieu-chi-danh-gia-va-dinh-huong-phat-trien-den-nam-2030.htm
[8] Cổng thông tin điện tử chính phủ, (2012), “Quyết định số 432/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ : Phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020”, http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&mode=detail&document_id=157753
[9] OECD Observer, (2001), “Sustainable  development strategies what they and how can development cooperation agencies support them?”, https://www.oecd.org/dac/environment-development/1899857.pdf