Một cuốn sách được viết từ 5 thế kỷ trước, không phải sách lịch sử, chẳng phải sách triết học, cũng chả liên quan gì đến địa lý, tác giả là kẻ tử vì đạo vì dám chống lại quyền lực của nhà vua Henry VIII. Đứa con tinh thần của Thomas More không chỉ sống mãi mà còn trở thành một biểu tượng trong văn hóa đại chúng và đặc biệt là lĩnh vực văn học giả tưởng của hiện đại – Utopia.
Thiên đàng nơi trần thế của Thomas More là một hòn đảo giả tưởng nằm ở Đại Tây Dương, một nền văn hóa khác biệt với thế giới Phương Tây thời kỳ đó, nơi mà người dân sống và làm việc theo những quy tắc bất di bất dịch, tưởng chừng vô cùng bó buộc mà lại giúp con người gắn kết chặt chẽ với thiên nhiên và cộng đồng, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Utopia có 54 thành trì, mỗi thành trì có 4 quận và mỗi quận có 6000 căn nhà lớn, mỗi căn nhà lớn có khoảng 10 – 20 người sống tập thể với nhau. Mỗi khu dân cư gồm 30 căn nhà sẽ có trưởng khu phố và mỗi thành trì sẽ có thị trưởng. Không cần nói nhiều về sự phân bổ dân cư của Utopia hơn nữa, chúng ta nên tập trung vào tư tưởng và cách mà cái xã hội này vận động. Ở đây không tồn tại tư hữu, không ai sở hữu riêng một cái gì cả, kể cả thị trưởng hay trưởng khu phố. Mọi người dân của Utopia đều phải lao động theo khả năng của mình, mọi sản phẩm làm ra sẽ tập trung ở các cửa hàng mà người dân có toàn quyền đến lấy và sử dụng khi cần (làm theo năng lực và hưởng theo nhu cầu – nghe quen không?).
Trong Công giáo, chúng ta có bảy mối tội đầu, là căn nguyên của mọi tội lỗi khác của con người, và Utopia sẽ không thể gọi là địa đàng nếu không có những cách thức để hạn chế sự phát triển của những mối tội đầu này:
– Ngạo mạn và Đố kỵ: địa vị trong xã hội Utopia không đại diện cho quyền lực, thị trưởng không có quyền lợi vượt bậc nào mà sẽ chỉ có mức sống tương đồng với dân cư, trong khi công việc phụ trách còn nhiều hơn. Người dân luôn mặc cùng một kiểu đồng phục, cùng một loại vải và cùng một màu, sẽ không có sự phân biệt sang hèn qua trang phục, thế thì mầm mống đố kỵ ở đâu ra?
– Tham Lam: Vàng – một loại tài sản giá trị lớn ở thế giới của chúng ta, trong Utopia lại trở thành biểu tượng của những thứ thấp kém, vàng đem là nhà vệ sinh, dùng làm dây xích cho tù nhân và nô lệ. Những kẻ có nhiều vàng trên người nhất là những kẻ ở dưới đáy xã hội nhất ở Utopia, thế thì lòng tham của cải vật chất còn sống được hay không?
– Dục vọng : nam nữ đủ tuổi thì quen nhau (nữ 18 – nam 22), nghiêm cấm ăn cơm trước kẻng (hình phạt sẽ kéo dài cả đời). Nghi lễ chọn vợ, chọn chồng sẽ bắt đầu với việc nam nữ vào chung một căn phòng trong tình trạng lõa thể – nhằm chứng tỏ mình đến với nhau không gì ngoài tình cảm nam nữ và ham muốn thể xác, không có mưu cầu của cải vật chất ở đây.
– Lười biếng: mỗi cư dân phải làm nông trong 2 năm cuộc đời, sau đó được tùy chọn một nghề nghiệp phù hợp với năng lực. Không ai được quyền thất nghiệp, bắt buộc phải đóng góp cho xã hội.
– Phẫn nộ: khi những tội lỗi kia bị kiềm chế thì tự khắc sự phẫn nộ trong dân cư cũng không có điều kiện để phát triển.

Tưởng như địa đàng trần gian này đã được xây dựng hoàn hảo, nhưng cái câu hỏi tiềm ẩn là những biện pháp này có hơi hướng khơi gợi tính thiện trong người dân, hay chỉ là để kiềm chế những tính xấu của mỗi con người. Nếu xã hội này cứ đóng cửa và tự cung tự cấp đến mãi mãi thì không sao, nền tảng xã hội sẽ vẫn được duy trì ổn định, nhưng chỉ cần xã hội này có giao thương với bên ngoài và tiếp nhận sự ảnh hưởng một cách bị động từ các nền văn hóa khác, chắc chắn địa đàng sẽ bị những con rắn chui vào và rỉ vào tai người dân những lời gợi mở của sự tự do, của ham muốn. Utopia là những tư tưởng nền móng cho chủ nghĩa Cộng Sản của sau này và chúng ta đều đã thấy con đường này dẫn chúng ta đến đâu.
Và ở một khía cạnh khác, xã hội Utopia chẳng phải đang kiềm chế sự tự do của con người một cách độc tài, thứ mà nền dân chủ hiện đại đang cực lực lên án đó sao? Những nhu cầu dù trần tục thế nào cũng là những quyền cơ bản của con người và Thomas More chỉ đang áp đặt cái mong muốn của một học giả đã thất vọng tột độ với thời thế lên thế giới giả tưởng của riêng mình mà thôi. Dù sao, cũng xin cảm ơn ông vì đã khai mở một thế giới đẹp đẽ và đầy tính biểu tượng, nơi mà hy vọng sẽ không bao giờ tắt và con người sẽ tiếp tục xây dựng, tìm kiếm một Utopia khác, có thể không giống như của ông, nhưng sẽ là một địa đàng thích hợp hơn với con người của tương lai.
Minh Hiếu
11/03/2021.