Có lẽ đến giờ này, trên mạng đã có hằng hà sa số các bài viết, videos phân tích, review bộ phim Us và cũng nắm quá rõ những hình ảnh ẩn dụ được cài cắm trong phim như những chú thỏ trong lồng, cặp số ngược xuôi tương ứng 11:11, cây kéo của các tethered... và chắc các bạn cũng đã đọc chán chê những theory khác nhau về bộ phim. 
Vì những lẽ trên, mình quyết định sẽ chỉ viết về "bức tranh lớn" mà (theo mình nghĩ) Jordan Peele muốn nhắm đến ở đây, đó chính là hình ảnh của xã hội Mỹ, của cái niềm tin được gọi là "giấc mơ Mỹ" trong con mắt của vị đạo diễn này.
"Giấc mơ Mỹ", nếu để miêu tả bằng hình ảnh, sẽ là bức tượng nữ thần Tự do, còn nếu dùng bằng lời nói, sẽ là câu nói nổi tiếng của Thomas Jefferson: "all Men are created equal". Theo lý thuyết, "giấc mơ Mỹ" là hình ảnh về một xã hội mà con người tìm thấy hạnh phúc nhờ giáo dục tốt, có được nhiều cơ hội khác nhau và hơn hết là quyền được tự do chọn lựa, không phân biệt màu da, giới tính, tôn giáo, sắc tộc.
Dĩ nhiên, đã là giấc mơ, thì khó có thể trở thành hiện thực 100%, không ai sinh ra đều tự do, và cũng chẳng có hai người nào bình đẳng với nhau cả. Có lẽ từ "Men" trong câu nói trên của Jefferson đã "tình cờ" bỏ quên luôn những người nô lệ da màu và con cháu của họ. Cũng như các tethered, họ không có quyền lựa chọn, sự hiện diện của họ chỉ để phục vụ những người "trên mặt đất". Họ bị lợi dụng, bị bỏ mặc trong đói nghèo, trong tệ nạn và bạo lực. Và lẽ dĩ nhiên,  họ được gắn những cái mác tồi tệ, những hình ảnh xấu xí và lệch lac. Đối với những kẻ ở phía bên kia, họ thấy kinh hãi và kỳ thị với những gì mình đã (góp phần) tạo ra. Jordan Peele đã chỉ ra rằng, dù là Adelaide hay là Red, thì cũng chỉ có một người được hưởng những điều tốt đẹp, nếu Adelaide ở trên, thì Red phải ở dưới, và ngược lại. Cầu thang cuốn chỉ có một chiều đi xuống và trong tất cả tethered, cũng chỉ có mỗi Adelaide là người duy nhất tiến lên mặt đất và sinh sống một cách đàng hoàng. Điều này có thể diễn tả bằng một cách ngắn gọn: "all men are not created equal".
Nhưng nếu chỉ là vấn đề chủng tộc thì đâu có bao quát hết được cái gọi là "giấc mơ Mỹ", ta còn phải đề cập đến khía cạnh cuộc sống và văn hoá nữa. Nó có thể nằm ở những chi tiết tưởng chừng quá nhỏ nhặt (hoặc do mình đã quá chi li) như cảnh bài hát "I got five on it". Cả Gabe và Adelaide đều tỏ thái độ không hài lòng khi cậu con trai nói từ "bullsh*t", nhưng lại coi bài hát nó về việc chơi thuốc là "dope song", thậm chí còn khuyến khích cậu con "feel the beat" theo bài nhạc (dù bà mẹ đánh nhịp trật lất). Người da màu đều cảm thấy nhạy cảm khi bị gắn với hình ảnh của những tay gangster, nhưng họ cũng lại quên mất rằng, họ lại thấy bình thường với những hình ảnh trên dưới dạng văn hoá, âm nhạc. Họ thích những rapper với phong cách "dân anh chị", những bài nhạc đậm mùi bạo lực hay rượu mạnh và chất kích thích. Một cách mỉa mai và tình cờ làm sao khi ta vừa ghét những định kiến bị áp đặt, nhưng cũng vô thức ủng hộ nó ?
Và cũng thật thiếu sót khi không nhắc tới một nét đặc trưng của văn hoá Mỹ - chủ nghĩa tiêu dùng (consumerism). Hạnh phúc của giấc mỡ Mỹ, (một lần nữa) theo lý thuyết, thì sẽ đến từ một trong hai con đường: bạn cố gắng thành công về mặt tài chính, vật chất và địa vị, hay là chọn con đường sống mà không bị ràng buộc bởi đồng tiền hay cấu trúc xã hội. Nhưng đa phần mọi người đều chọn lối đi đầu tiên, vì đó phương án 50-50, chí ít là bạn nghĩ vậy. Các công ty sản xuất hàng hoá và làm chúng trở nên hấp dẫn. Bạn mua chúng và cũng thấy thoả mãn và hài lòng, vậy là đôi bên cùng có lợi. Quảng cáo và truyền thông đưa vào tiềm thức của mỗi con người về việc bạn sẽ hạnh phúc, sẽ tuyệt với đến chừng nào khi sở hữu món đồ ấy. 
Cũng như nhân vật người bố Gabe trong phim, anh là một con người đã có đầy đủ những gì cần thiết, vợ đẹp, con thơ, nhà cửa, xe hơi, thậm chí còn sang tới mức có cả một căn nhà để đi nghỉ hè. Nhưng Gabe chưa bảo giờ thấy đủ, anh muốn có còn thuyền như của người bạn nên vẫn cố mua một thuyền cà tàng, không có đầy đủ thiết bị cứu sinh, đến lúc mất điện, thì điều đầu tiền anh nghĩ tới là: "à, nhà anh bạn có máy phát điện dự phòng". Ngay cả lúc vừa bị rượt, điều làm anh yên tâm nhất là ngồi trong căn nhà tiện nghi của anh bạn, dù biết rằng đám tethered kia vẫn lởn vởn quanh đấy, và lưỡng lự khi nghĩ đến việc phải đi tới Mexico lánh nạn. Hay là nhân vật cô vợ nhà giàu, cô cũng không thấy hạnh phúc, cô muốn có khuôn mặt "hoàn hảo" kiểu Adelaide, muốn được trở thành ngôi sao... Sự thèm muốn có lẽ là một bản năng nguyên thuỷ của loài người, nó là một con dao hai lưỡi: một mặt nó giúp loài người phát triển, vươn lên các loài động vật khác, nhưng mặt khác, nếu không biết kiểm soát bản thân, bạn sẽ mãi trở thành một tethered - một cái xác vô hồn, một cái bóng chỉ biết theo đuổi những tiêu chuẩn (có thể coi là) phù phiếm.
Để kết bài, mình xin nêu một chi tiết mà mình thấy khá là hay của phim. Trong căn nhà của anh bạn giàu có, Jason mặc chiếc áo trắng hoạ tiết một bộ vest, tay cầm một vật trang trí, nhìn giống như hình ảnh Jordan Peele lên nhận giải Oscar, ở trong "ngôi nhà" của những người da trắng giàu có.
Image result for us jordan peele oscars


Image result for us  movie

*xin lỗi vì không tìm được ảnh của Jason trong ngôi nhà kia, nếu muốn các bạn hãy ra rạp xem lại lần nữa, vừa tiện ủng hộ nhà làm phim luôn :))))*