Nói chung là bộ phim này thì không có gì gọi là quá dữ dội, lãng mạn làm mấy bạn nữ phát cuồng kiểu Dear John, The Notebook.. nhưng mà triết lý và ý nghĩa của film lại "lãng mạn" theo cách rất riêng. Và vốn dĩ thì tôi cũng không phải là 1 gã lãng mạn, mà nói trắng ra là thực tế đến đào hầm nên với tôi sự lãng mạn này rất có sức nặng. Có spoiler nhé.

Ryan Bingham (Clooney) là người chuyên làm cái việc là "sa thải thuê"- đi đến các công ty trên khắp nước Mỹ và thay mặt cho những ông chủ không đủ dũng khí thông báo cho nhân viên của mình là họ đã bị cho thôi việc, và đồng thời còn đi thuyết giảng về học thuyết "cái ba-lô" để truyền đạt triết lý sống "Đừng có bất cứ 1 sự kết nối nào". Ông luôn đi công tác, luôn sống ở các khách sạn, hầu như lúc nào cũng ở trên máy bay và chẳng quan tâm gì đến đứa em và gia đình mình, và ông thỏa mãn với việc đó khi không chịu trách nhiệm với ai. Cuộc sống ông bị đảo lộn khi mà gặp được 1 người phụ nữ mà ban đầu chỉ là no strings attached và phải nhận 1 cô gái là nhân viên tập sự đầy tham vọng đi theo ổng và lải nhải suốt ngày. Sau đó ổng bị kêu là không phải bay đi đâu nữa vì cô tập sự đã phát triển hệ thống "sa thải qua internet" và ông bị bắt buộc phải chôn chân ở nhà. Từ đấy cuộc sống của Bingham thay đổi khi phải bắt đầu sống xung quanh những người thân, nhận ra tình yêu, giúp phát triển cô thực tập sinh kia và dần thay đổi thái độ... Nhưng sự thay đổi muộn màng thì chỉ có thể mang đến những kết quả nhất thời mà thôi, khi người phụ nữ kia đã có gia đình còn cô thực tập sinh thất bại với chương trình của cô và khiến vài người tự tử. Bingham đau khổ, học được những bài học giá trị về tình thân, nhưng kết quả là anh vẫn phải tiếp tục phiêu du trên những chuyến bay cô độc như mọi thay đổi đã chẳng hề xảy ra.

Trong phim có những câu thoại hay, mà đặc biệt là bài thuyết giảng đầu phim dịch ra hơi sơ sài là vầy: "Cuộc sống của bạn nặng bao nhiêu? Hãy cứ tưởng tượng rằng bạn đang mang trên mình 1 cái ba-lô. Tôi muốn bạn bỏ hết tất cả những thứ mà bạn có vào đó. Bắt đầu từ những vật nhỏ: 1 cái kệ, cái ngăn tủ, vật trang trí; sau đó những thứ lớn hơn: quần áo, đèn, TV; và nặng hơn nữa: cái xe, cái nhà... Bỏ hết tất cả vào ba-lô. Rồi bỏ những con người mình quen biết vào, từ quan hệ không thân thiết: đồng nghiệp, người quen, bạn của bạn; đến những người thân đến nỗi họ biết cả bí mật của bạn như lũ bạn thân, anh trai, em gái và những người thật đặc biệt: bố mẹ, chồng, vợ, bạn trai hoặc bạn gái. Hãy cảm nhận cái ba-lô của bạn bây giờ nặng cỡ nào. Tôi dám chắc rằng các mối quan hệ trong cuộc sống của bạn là những yếu tố cũng như vật cản nặng nề nhất, tất cả những thứ bạn bàn bạc, tranh cãi và bị tổn thương từ những người ấy. Ta đi càng chậm ta chết càng nhanh..." Bài thuyết giảng ấy mang một yếu tố ngược nhưng xoay vòng 2 chiều về sau của film khá là tài tình.

Tôi không phải không thích phim tình cảm, nhưng tôi không thích cái cách làm cho nó bị ủy mị và sướt mướt quá đáng hay có các kiểu chia tay xa nhau vì vài cái drama gì đó hay có khoảng cách vì phải đi xa v.vv... Hãy nhìn cách phát triển của Bingham, rất thực tế mà chắc chắn đã không ít người đã phải trải qua. Không, tôi không nói các bạn có tình một đêm rồi thành người yêu nhưng ý là sự phát triển về mặt tình cảm của 2 người đó được làm khá là chân thật chứ cũng không hẳn cái kiểu yêu từ ánh nhìn đầu tiên và làm đủ các điều thần thánh, thậm chí nó thực tế đến buồn cười, và những hành động tình cảm họ có với nhau thật sự là khá trưởng thành đúng như cái lứa tuổi của nhân vật. Và đến khi ông ta nhận ra sự thay đổi của mình thì thực tế phũ phàng thay lại ép ông đi về đường cũ, và nó giống như cái câu "Karma is a bitch" ấy, ngay từ đầu đã không có ý nghiêm túc thì về sau sẽ phải trả giá. Cả cái việc sa thải qua mạng cũng mang ý đó, khi bạn đã không có chủ ý muốn kết nối với người bạn phải "làm việc" chung, thì hậu quả chắc chắn sẽ phải xảy ra và chính cô gái trẻ kia đã nhận ra điều đó...

Kết phim, tình huống của các nhân vật không hề thay đổi, nhưng nhân vật thì đã trải qua những kinh nghiệm sống vô cùng đau đớn lẫn sâu sắc để họ phải tiếp tục bước đi chứ không thể nào chỉ biết nhìn lại, "Đi càng chậm, bạn chết càng nhanh"- Câu cuối của bài thuyết giảng đã nói lên hết tất cả .