Uống rượu
Mình là đứa trẻ được tiếp xúc với bia rượu từ bé. Thực ra chỉ với bia thôi, vì hồi trước bác mình có một quán bia hơi cuối đường Bà Triệu. Tuổi thơ của mình gắn liền với những buổi chiều ông đưa ra quán, ngồi trong lòng ông uống bia và ăn lạc luộc. Nếu hôm nào ở nhà thì ông sẽ mang theo cái hũ nhựa nhỏ hay dùng để sữa chua rồi lấy bia về cho mình uống trong cái hũ ấy. Chẳng mấy chốc mình được mệnh danh “bợm nhậu” trong nhà, và vì chị gái mình chẳng thiết tha gì với đồ có cồn, chỉ cần nhấp môi đã nhăn nhó nên mình đương nhiên trở thành con gái (bia) rượu của bố và bạn nhậu của ông. Tiếp xúc với “dân nhậu” trong mắt một trẻ chưa hề có phán xét tốt xấu mà chỉ đầy thích thú với thứ màu vàng sóng sánh lấp lánh thơm phức của men bia, màu trắng bồng bềnh xôm xốp luôn chực trào ra của bọt bia, màu xanh ngọc bích đặc trưng của cốc bia thời đó, tiếng thủy tinh va vào nhau canh cách tươi vui, vị của lạc luộc bùi bùi và âm thanh rôm rả của những câu chuyện trên bàn bia sau ngày làm việc. Quá khứ hào hùng đã mở ra cho con bé mới 4 tuổi một cái nhìn đầy thiện cảm với thế giới nhậu nhẹt vốn mặc định dành cho đàn ông và mở ra cánh cửa đầy háo hức được khám phá thêm về cái thế giới ấy.
Nhưng phải chờ đến hơn 20 năm sau mình mới có cơ hội bén duyên với người bạn cồn thứ hai: rượu. Việc lớn lên, hiểu biết làm chúng ta dè chừng hơn với các quyết định trong đời, nhất là đối với những thứ mà tác hại quá rõ ràng như Rượu. Ban đầu mới lên núi dạy học, mỗi lần bị mời rượu mình đều cảm thấy không thoải mái, thậm chí bực mình muốn nổi cáu vì cảm giác bị ép buộc, thiếu tôn trọng. Mùi rượu khiến mình buồn nôn, và cái vị vừa đắng vừa cay vừa nồng dù chỉ cần nhấp môi đã khiến toàn bộ cơ mặt nhăn nhó, đến mức những từ đầu tiên tiếng dân tộc mình học chỉ để phục vụ mục đích từ chối uống rượu mỗi khi được mời. Thế rồi mùa đông đến. Nếu ai đã từng một lần trải qua mùa đông nơi núi rừng hẳn sẽ tưởng tượng ra ngay khung cảnh trước mắt: những ngày lạnh thấu xương chỉ biết ngồi hơ tay bên bếp lửa, mưa rừng dai dẳng buồn nẫu ruột gan mà lòng người vốn chênh vênh lại càng thêm ủ dột. Một cơn gió lướt qua khe cửa thổi bay những sợi tóc đang co ro. Bỗng dưng nhận ra việc duy nhất có thể làm, cần làm, muốn làm, phải làm trong cái khung cảnh này: uống rượu. Để rồi vào cái buổi chiều lần đầu tiên ngồi học cách gieo vần làm thơ, bài thơ đầu tiên mình đặt bút viết, viết một mạch đầy ngẫu hứng, nhanh và bất ngờ như cơn gió lạ lùng kia, trùng hợp thay, lại là về rượu.
Uống rượu 
Xưa nay chưa uống rượu chưa thèm
Tự hỏi uống vào có thấy êm
Hay chỉ mông lung vài khoảng trống
Đi tìm, tìm mãi, mắt tèm nhem
Nay thử một lần rồi cũng hiểu
Uống vào đầu óc thật là phiêu
Quay cuồng trời đất, cười rồi khóc
Ú ớ mơ màng nhớ người yêu
Đánh đề
Không được trực tiếp dấn thân trải nghiệm như với bia rượu, mình chỉ gián tiếp biết đến thế giới đề đóm từ bên ngoại. Nhà ngoại mình nằm trong khu làng có nghề lá thuốc nam truyền thống của Hà Nội xưa, và đôi khi cả nghề…đánh đề truyền thống nữa. Cứ khi trời xẩm tối khoảng năm rưỡi sáu giờ nếu tình cờ đi bộ quanh làng chúng ta sẽ được chứng kiến quang cảnh mọi nhà dù có dang dở công việc gì cũng gác hết sang một bên để nghiêm trang bật TV chờ đợi… kết quả xổ số: từ quán nước đầu đình, hàng tạp hóa nhá nhem, gia đình nhỏ vừa kịp bê mâm cơm ra… tất cả các cặp mắt đều háo hức hướng lên màn hình chờ đoạn nhạc huyền thoại vang lên. Mình có ấn tượng đặc biệt với buổi xế chiều – khoảnh khắc giao thoa giữa sáng và tối lúc nào cũng gợi nhiều cảm xúc và nghĩ thầm cái không khí phấn khởi tập trung cao độ cùng với đoạn nhạc kia chắc chắn trở thành nét đặc trưng của xế chiều Hà Nội. Chỉ biết sơ sơ về thú vui đó qua các câu chuyện thấp thoáng cho đến tận lần đi nghỉ mát hè vừa rồi cùng các bác bên ngoại – những đại diện ưu tú cho ngôi làng kể trên. Mình mắt tròn mắt dẹt đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác: vừa tới nơi đã có bác ra ngó biển số xe đón đoàn rồi đăm chiêu nhẩm tính, một bác khác lên xe hỏi ngay hai số cuối điện thoại bạn hướng dẫn viên, đến bảo tàng Quang Trung nhớ luôn năm sinh năm mất, đến khách sạn ghi ngay số nhà, bàn luận với nhau nhiệt tình để chốt số đẹp nhất. Đỉnh điểm của cuộc chơi là sau khi anh họ mình suýt chết đuối tất cả đồng lòng đánh con 95, 59 theo năm sinh anh họ nhưng cuối cùng đề về 61. Sau khi có kết quả, các chuyên gia rôm rả đưa ra giải thích: “Ôi giời thế mà không nghĩ ra ông D. hàng xóm chết năm 61 tuổi” (trong khi ông D. là một nhân vật ngẫu nhiên chẳng liên quan gì đến câu chuyện), còn một bác lại quả quyết “Các cô chẳng biết gì cả, nam thò nữ thụt nên nó (anh họ) là con trai làm sao đánh 59 được, phải đánh 61.” Tất cả mọi người đều nói giọng nghiêm túc nên nằm nghe hội nghị đề đóm lúc đang thiu ngủ mình bật dậy cười như điên vì không tin vào tai mình.
Ngủ xã giao
Cũng vẫn trong chuyến du lịch thường niên của cả họ đó, lần đầu tiên trong đời mình được biết đến khái niệm nghe thật vui tai: ngủ xã giao. Phát ngôn từ bác mình, một con người đầy chất nghệ sĩ với những tư tưởng phóng khoáng đến mức bọn trẻ tụi mình nghe còn phải tròn xoe mắt vì còn chưa thoáng được như thế. Chỉ cần tiếp xúc với bác một lần đã thấy toát ra phong thái tự do, ung dung tự tại hưởng thụ cuộc đời rất “thuận tự nhiên”. Ngày nào bác cũng ăn phở và… chơi cờ tướng với mạng lưới bạn bè khắp mọi nơi theo lời kể của mọi người trong nhà. Trong bữa cơm khi bị tố “đi chơi xong lại còn ngủ lại với bạn cờ” bác đã điềm tĩnh trả lời “Đánh cờ giao lưu xong muộn quá thì cũng phải ngủ lại chứ, đấy là tôi ngủ xã giao.”
Khái niệm thú vị này khiến mình liên tưởng đến câu chuyện của tổ tiên chúng ta trong cuốn Sex at dawn (tên tiếng Việt: Tình dục thuở hồng hoang) của Christopher Ryan và Cacilda Jétha (tóm tắt sách tại đây ). Từ thời xa xưa đời sống săn bắt hái lượm du canh du cư thì khái niệm chia sẻ là bắt buộc – bao gồm cả bạn tình. Vì chia sẻ như vậy nên một đứa trẻ sinh ra sẽ không biết được bố nó là ai, do đó tất cả đàn ông đều có trách nhiệm nuôi dưỡng chăm sóc mọi đứa trẻ, đảm bảo về thức ăn và chỗ ở duy trì sự sống, trách nhiệm nuôi dưỡng trẻ con thuộc về cả cộng đồng (mình đã may mắn được chứng kiến “vết tích” đời sống kiểu bầy đàn này và cảm nhận đó là môi trường lý tưởng nhất dành cho bọn trẻ, chuyện này mình sẽ kể kĩ hơn ở một bài khác.) Tất cả thay đổi kể từ khi nông nghiệp phát triển, bắt đầu nảy sinh các khái niệm sở hữu, tài sản, định cư, phân hóa giàu nghèo, chiến tranh… và người ta nghĩ đến chuyện kết hôn để có người truyền lại tài sản. Từ đó bắt đầu hình thành chuẩn mực về sự chung thủy, chế độ một vợ một chồng/một bạn tình (monogamy) mà theo tác giả đã đi trái lại với bản chất tự nhiên của loài người (bạn có thể xem thêm video giải thích về monogamy rất đầy đủ và thú vị này.)
Nếu để ý một chút đến tiêu đề bài viết này có thể bạn sẽ nhận ra mình đang dùng từ khác để nói đến “Rượu chè, cờ bạc, gái gú” – những “tệ nạn” đã quá quen thuộc trong xã hội hiện nay nhưng theo các cách tiếp cận khác: trải nghiệm cá nhân, quan sát khách quan, tìm hiểu lịch sử. Gạt sang một bên mọi định kiến để có cái nhìn tỉnh táo hơn về các hiện tượng xảy ra trong cuộc sống nên chẳng có gì là hoàn toàn xấu cả. Các tệ nạn giống như con dao và mình tin cách giáo dục tốt nhất không phải cấm đoán bọn trẻ con cầm vào dao mà là hướng dẫn chúng sử dụng đúng cách, tập dùng và chấp nhận đứt tay nhưng từ đó sẽ tự rút kinh nghiệm. Bài học sâu sắc nhất bao giờ cũng đến từ trải nghiệm của bản thân. Giống như mình sẽ không bao giờ hiểu vì sao người ta lại đam mê rượu đến thế cho đến khi mình tự uống, say và khám phá ra phần khác trong chính con người mình mà trước đó chưa hề biết đến. Rượu là chất xúc tác để người ta dám nói ra những suy nghĩ trong lòng, kể câu chuyện thật thà hơn, kéo con người xích lại gần nhau hơn, chưa kể say rượu còn học được kĩ năng sơ cứu cần thiết trong tình huống bất ngờ. Tương tự như vậy, đánh đề tạo nên bầu không khí vui vẻ, rèn khả năng tập trung và suy luận (dù không được logic lắm) hay việc ngủ xã giao xuất phát từ bản năng tự nhiên của loài người để giải tỏa căng thẳng hay tìm kiếm hưng phấn. Nhịp điệu buồn tẻ lặp đi lặp lại lê thê cuốn con người vào cái hố chán nản nên ai cũng cần một điều gì đó để bấu víu, để có vài khoảnh khắc chân không chạm đất, một trạng thái lửng lơ. Nếu trạng thái lửng lơ của người đánh đề được tính bằng khoảng thời gian chờ kết quả xổ số mỗi buổi xế chiều cũng tương tự như lúc chị em ngồi chờ một bộ phim Hàn Quốc, giờ tan tầm mong về với con, hay như các anh ngóng đến cuối tuần để vui một cuộc rượu hay thậm chí từ điển Larousse tiếng Pháp còn có cụm từ “cinq à sept” (từ 5h đến 7h) để chỉ khoảng thời gian giao thoa giữa giờ làm và giờ về nhà, thường để tranh thủ…ngoại tình. Theo lời nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh nói trước kia các cụ ta đều hút thuốc phiện hay uống rượu nhưng có sự khác biệt giữa uống và hút để khỏe chứ không phải để sướng vì sướng và khổ là hai cặp phạm trù, sướng trước khổ sau. Mình nghĩ việc tìm ra giới hạn không quá khó như chúng ta vẫn nghĩ, đó là lúc chúng ta trở nên lệ thuộc vào thứ gì đó và dần đánh mất khả năng tự chủ vào bản thân mình. Thay cho kết, mình xin trích lời của một bác trong video về monogamy đã chia sẻ ở trên khi nói về mối quan hệ mà có thể hiểu rộng ra cho nhiều khía cạnh khác: “Nếu may mắn, chúng ta sẽ không còn phải băn khoăn chọn lựa các chuẩn mực sẵn có cho các mối quan hệ trong thời đại hiện nay mà sẽ tự thiết kế lại mối quan hệ phù hợp mà chúng ta mong muốn.”

Trích tập tản văn Để biết thương, Đỗ Thanh Thu, NXB Hội Nhà Văn (2019). Ấn vào đây để mua sách ủng hộ mình nhé!