Ước mơ thơ trẻ
Ngày 21.02.2018 Mình còn nhớ đó là khoảng năm lớp 3, khi mình được bước vào thế giới thú vị của cô bé Tottochan hiếu động đáng yêu...
Ngày 21.02.2018
Mình còn nhớ đó là khoảng năm lớp 3, khi mình được bước vào thế giới thú vị của cô bé Tottochan hiếu động đáng yêu cùng những ký ức trong trẻo về ngôi trường Tomoe độc đáo trên những toa tàu. Có lẽ những ai đã đọc “Tottochan, Cô Bé Bên Cửa Sổ” đều mơ ước về một môi trường giáo dục hướng tới sự phát triển tự nhiên như Tomoe, nơi trẻ em được tôn trọng, lắng nghe với tình yêu thương, khiến chúng lớn lên mạnh mẽ với lòng tự tin. Phải chăng anh Bút Chì cũng đã được truyền cảm hứng từ Tottochan mà lập ra Toa Tàu, “nơi người lớn được là trẻ con và trẻ con được là chính mình”; hay Hằng Đào và Quỳnh Anh với Potato Kids - những lớp học ngoại khóa cho trẻ em ở Hà Nội và Vy Le với Trại Hè Trẻ Đồng Xanh ở Hội An, “nơi trẻ được sống trong thiên nhiên và học từ thiên nhiên”?
Rồi mình vào đại học, chuyên ngành môi trường và mối quan tâm về giáo dục đã dẫn mình tới những khái niệm ‘giáo dục vì sự phát triển bền vững’, lối sống ‘Xanh’, và tư duy hệ thống… Mình nhận ra rằng, đằng sau những vấn đề kinh tế, chính trị, môi trường, đằng sau bề mặt của những hiện tượng chính là vấn đề trong nhận thức, tư duy và hệ giá trị. Do đó, muốn hướng đến một xã hội phát triển bền vững, điều quan trọng là phải thay đổi từ nhận thức, từ tầm nhìn của giáo dục. Cốt lõi của phát triển bền vững nằm ở việc trân trọng thiên nhiên như là biểu tượng của sự hợp nhất, minh triết và vẻ đẹp. Phát triển bền vững hàm chứa triết lý sống giản dị, tiêu thụ có trách nhiệm, và tinh thần trân trọng sự đa dạng, yêu thương, chăm sóc bảo vệ và hợp tác. Sự bền vững hướng đến những giá trị tốt đẹp, chân thực, mãi trường cửu với thời gian. “Sustainability is thinking about forever”. Tư duy cho phát triển bền vững cần một tầm nhìn sâu sắc khi đối mặt với những lợi ích kinh tế hạn hẹp trước mắt mà tiềm ẩn nguy hại lâu dài về sau cho môi trường và sức khỏe cộng đồng. Tư duy hệ thống đó hướng đến mở rộng tầm nhìn để hiểu mối liên hệ tồn tại giữa mọi sự vật, nhận thức được nguyên nhân sâu xa ẩn dưới bề nổi của những hiện tượng tưởng chừng như riêng rẽ. Nó giúp ta thấy bức tranh chính xác hơn của hiện thực được nhìn từ nhiều góc độ, khuyến khích ta suy nghĩ sâu sắc hơn về vấn đề và đưa ra những giải pháp với tầm nhìn xa rộng và bền vững.
Vậy thì, làm thế nào để hiện thực hóa giáo dục vì sự phát triển bền vững?
Mùa hè năm 2008, mình được may mắn tham dự khóa học ngắn 2 tuần ‘Youth Encounter to Sustainability’ (YES) tại Áo. Đó là một trong những kỷ niệm tuyệt vời mà bây giờ gần 10 năm rồi mình vẫn còn thấy thật vui khi nhớ lại. Bọn mình là 36 bạn trẻ đến từ 27 nước trên thế giới, từ những nền văn hóa khác nhau, tất cả đã cùng bên nhau, học và chơi hết mình suốt hơn hai tuần đó, cùng hát hò, nhảy múa, thân ái và gắn bó như một đại gia đình. Bọn mình đã được tiếp cận đến những mặt khác nhau của phát triển bền vững qua những bài giảng đầy cảm hứng, những buổi làm việc nhóm cùng giải quyết vấn đề, cùng thực hiện một dự án xuyên suốt khóa học, xem phim tài liệu, nói chuyện với chuyên gia, thảo luận, vẽ tranh tập thể, và trải nghiệm thực tế. Bọn mình được tham quan những cánh quạt điện gió trong vùng, trang trại hữu cơ Amoda, nhà máy tái chế PET, trung tâm năng lượng tái tạo ở Grussing, bảo tàng kỹ thuật ở Vienna… Và có cả một ngày bọn mình được đắm mình trong thiên nhiên khi đi bộ trên vùng đất ngập nước trong công viên quốc gia và chèo thuyền dọc sông Đa-nuýp.
Lúc đó mình đã từng mơ có một ngày YES sẽ xuất hiện ở Việt Nam. Đúng một năm sau, cảm ơn Chị Nguyệt Live&Learn, mình vui mừng chứng kiến mô hình tích hợp nhiều hoạt động và trải nghiệm gần tương tự, VYS 2009, Diễn Đàn Thanh Niên & Phát Triển Bền Vững - chủ đề Biến Đổi Khí Hậu diễn ra trong 5 ngày tại Sóc Sơn, Hà Nội. Lần này mình tham gia với vai trò là người hỗ trợ, phụ trách đề tài về các nguồn năng lượng và môi trường. Các bạn trẻ năng động, nhiệt huyết với môi trường khắp ba miền đất nước sau đó đã cùng thành lập Mạng Lưới Thế Hệ Xanh Việt Nam và đến nay VYS mỗi năm vẫn được tổ chức duy trì. Mình vui mừng thấy hy vọng đang lan tỏa từ những hạt giống tích cực, tươi xanh đó.
Ai đó nói rằng “Sống là học.” Giáo dục không chỉ gói gọn trong bốn bức tường lớp học. Giáo dục là cả cuộc sống. Qua tương tác với gia đình, bạn bè, cộng đồng, chúng ta ‘học’ từ tất cả những trải nghiệm của mình, từ tất cả những người mà mình gặp, từ quan sát thiên nhiên. Nó liên quan đến toàn bộ cộng đồng, nó là cả một hệ sinh thái giáo dục.
Có phải tất cả chúng ta ai cũng ước mơ đến một thế giới ấm no tươi đẹp, công bằng, hòa bình và hạnh phúc, một xã hội hướng đến sự phát triển bền vững, nơi mọi người sống hòa hợp với thiên nhiên và chan hòa thân ái với nhau, với cỏ cây muôn loài? Cũng không quá mơ mộng lắm đâu, bởi những mô hình cộng đồng tỉnh thức, hướng đến phát triển bền vững đã được hiện thực hóa như ngôi trường xanh Green School ở Bali, hay Gaia Ashram ở Thái Lan, cộng đồng Findhorn ở Anh, mạng lưới các Làng Sinh Thái toàn cầu (Global Ecovillage Network) và Làng Mai trên khắp thế giới.
Ở những cộng đồng tỉnh thức, người ta nhận ra và trân trọng tính nhất thể của vạn sự (Oneness). Mọi thứ đều kết nối và liên hệ lẫn nhau trong mạng lưới của đời sống. Tất cả là Một. Ý thức sinh thái sâu xa là ý thức tâm linh.
Thế nên, điều quan trọng không chỉ là cung cấp kiến thức, kỹ năng mà còn là nuôi dưỡng tâm hồn yêu thương, ý chí mạnh mẽ và trí tuệ, tạo nên những con người nhân ái, tự do và hạnh phúc. Những điều này được thể hiện trong triết lý giáo dục của Steiner mà mình rất tâm đắc. Tin vui là ở Việt Nam đã có những trường học với nền tảng triết lý giáo dục của Steiner như thế.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất