Ước mơ hồi nhỏ của bạn là gì?
Ngày xưa, khi chúng ta còn bé, chúng ta khoác lên mình bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu đôi cánh, mở ra bao vùng trời, bao giới hạn mới cho bản thân. Lúc đó, những người có sức ảnh hưởng nhiều nhất đến chúng ta chính là cha mẹ, thầy cô. Trong 20 năm về trước, mình nghĩ đa phần ước mơ của chúng ta đều muốn: trở thành những thầy cô giáo đi truyền tri thức và cảm hứng cho bao thế hệ trẻ, trở thành công an để bảo vệ những người chúng ta yêu quý, trở thành kỹ sư để có thể giải quyết được những vấn đề cho người cha, mẹ làm nông của ta hay muốn bay lên vũ trụ để mở rộng giới hạn ước mơ và chạm tay vào những vì sao kia.
Bạn có muốn biết bây giờ trẻ em muốn làm gì sau khi chúng lớn lên không? 

Để mình nói cho bạn nghe nhé, đó chính là làm Youtuber. Và mình nghĩ với cả những bạn trẻ hiện nay cũng muốn trở thành những Youtuber, những Vlogger danh tiếng và đầy quyền lực.
‘’Nhân kỷ niệm 50 năm sự kiện tàu Apollo 11 lần đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, LEGO đã hợp tác cùng Harris Poll nhằm khảo sát những trẻ em trong độ tuổi từ 8 - 12 trên thế giới để xem liệu chúng còn đam mê trở thành một nhà du hành vũ trụ hay không, cũng như nghề nghiệp mong ước của chúng trong tương lai là gì.
Kết quả thật đáng bất ngờ, khi phần đông trẻ em tại các quốc gia châu Âu, châu Mỹ không còn tỏ ra quá hào hứng với thám hiểm vũ trụ như lứa trước đây. Thay vào đó, hầu hết trong số chúng đều mong muốn trở thành một Vlogger hay một YouTuber.
Cụ thể, tại Anh, có tới 30% trẻ em mong muốn trở thành một YouTuber. Đứng thứ 2 là nghề giáo viên với 25%, và thứ 3 là vận động viên chuyên nghiệp. Trong khi đó, nghề du hành vũ trụ - vốn là niềm yêu đam mê của tất cả trẻ em trên thế giới khoảng từ 2 - 3 thập kỷ về trước, nay chỉ xếp ở vị trí khiêm tốn với tỷ lệ 11%.
Cùng với đó, có tới 29% trẻ em tại Mỹ cũng mong muốn trở thành một YouTuber hoặc Vlogger - gấp gần 3 lần so với những trẻ có ước mơ thành nhà du hành vũ trụ.’’ – Trích từ báo Dân trí.

Đọc thêm:

Mình nghĩ điều này là một kết quả hiển nhiên dưới sự tác động mạnh mẽ của truyền thông đa phương tiện cộng với sự giám sát lỏng lẻo của cha mẹ, người thân. Mọi người chắc cũng không xa lạ gì với những cảnh tưởng: ngồi trong quán cà phê la liệt là những em bé hết ôm smartphone đến máy tính bảng ipad, trong khi đó bố mẹ thì cũng đang ngồi cắm mặt vào điện thoại hoặc đang bận tán gẫu với bạn bè; không thì hình ảnh: một tay bố đang cầm bát cơm đút cho con ăn, tay còn lại cầm điện thoại cho con xem… 

Vậy ước mơ làm Youtuber là tốt hay xấu? Mình nghĩ chúng ta chẳng ai có thể trả lời câu hỏi này.
Có những kênh Youtube đã đạt được những kỉ lục khủng mà không cần nói ai cũng có thể biết như:
- Bà Tân Vlog: Chỉ sau 20 ngày, kênh của bà đã đạt 1 triệu lượt theo dõi, mang về nút vàng trong thời gian ngắn ngủi, lọt Top3 kênh YouTube tăng sub nhanh nhất thế giới.
- Khá Bảnh: số tiền mà YouTube trả cho Ngô Bá Khá có thể vào khoảng từ 15.300 USD - 244.700 USD, tương đương với khoảng trên 350 triệu đồng cho tới cả 5-6 tỷ đồng mỗi tháng. Trung bình mỗi ngày kênh của Khá Bảnh có thêm 11,5 nghìn subcriber và 2,17 triệu lượt xem.
- Pewdiepie và T-Series: Hai kênh có lượng đăng kí khủng nhất thế giới (còn đông hơn cả dân số Việt Nam) và không cần phải bàn về số tiền mà họ kiếm được…
Cuộc sống của một Youtuber mà đa phần mọi người thấy đều là những thứ hào nhoáng, xa hoa, bóng bẩy. Những thứ làm cho người khác cảm thấy ganh tỵ, mong muốn, khao khát. Họ cho ta thấy một cuộc sống đầy trải nghiệm, đầy những thứ mới mẻ. Họ gặp những con người mới, đi đến những vùng đất mới. Họ tự mở rộng giới hạn của chính mình. 
Nhưng quan điểm của mình: Với những suy nghĩ, nhận định ngoài lề, chưa có đủ kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn, chưa phân tích chuyên sâu thị yếu người xem… Phần lớn người ta sẽ thấy đây là một công việc dễ dàng, nhàn nhã và có thể kiếm được rất nhiều tiền. Trên thực tế, nghề này theo như chia sẻ của nhiều YouTuber, đó là yêu cầu khả năng bám trụ và sự cống hiến không kém gì, nếu không muốn nói là nhiều hơn, bất kỳ công việc truyền thống nào. 

Đọc thêm:

Họ có thể phải ngồi hàng giờ để chuẩn bị kịch bản, lên kế hoạch, sáng tạo ra những thứ mới mẻ thu hút người xem, cách kết nối với họ... Ngồi thâu đêm để chỉnh sửa video sao cho kịp lịch phát sóng. Cũng có thể là nơm nớp lo sợ khi không còn ý tưởng, bị tụt hạng, lượt người đăng kí giảm,... Đằng sau những video chỉnh chu, đẹp đẽ đó đòi hỏi việc chịu áp lực cũng như rất nhiều những kỹ thuật khác nhau như: Edit video ra làm sao, viết content thế nào, suy nghĩ, tìm hiểu và đánh đổi khi họ nhận quảng cáo cho sản phẩm nào đó, tìm hiểu các yêu cầu và chính sách của Youtube...
Không khó để có thể tìm được các bài báo với những lời chia sẻ đầy mệt mỏi từ những người làm Youtuber. Có thể kể đến vài điều như sau:
- Nguồn thu nhập thụ động (passive income) mà hiếm có công việc phổ biến nào có thể mang lại. Tức là, nếu video vẫn còn người xem thì vẫn luôn có thể duy trì được thu nhập ở mức độ nào đó ngay cả khi bản thân không còn tiếp tục làm video nữa.
- Áp lực đến từ những bình luận ác ý, không mang tính đóng góp.
- Cuộc sống phụ thuộc vào những thuật toán của Youtube. Khi thu nhập phụ thuộc vào số lượng người xem video, thuật toán của Youtube quyết định rất nhiều thứ. Nhiều người tin rằng nó trở thành cốt lõi trong cuộc khủng hoảng sức khỏe đang gia tăng ở những người sáng tạo video.
- Thường xuyên bị rình rập, quấy rối và đe dọa trực tuyến.
- Yêu cầu phải liên tục sáng tạo, làm mới mình, làm mới nội dung nhằm thu hút và duy trì được lượng người xem,…
Tại sao việc trở thành giáo viên không còn giữ được sức hấp dẫn? 
Trong vòng 20 năm trước, khi mà thời buổi về công nghệ - thông tin còn chưa bùng nổ như bây giờ; khi mà cha mẹ và thầy cô vẫn là những thành phần tác động mạnh mẽ đến chúng ta. Họ luôn là người trả lời cho những câu hỏi, luôn kể cho ta nghe về những điều hay ho, mới mẻ; thì giờ đây với thời đại công nghệ 4.0 này, người làm việc đó chính là Google, là Youtube,… với một cách trực quan và chi tiết hơn rất nhiều, cho chúng thấy những trải nghiệm, chia sẻ, những nguồn thông tin đa dạng và phong phú hơn rất nhiều.
Giờ đây, trẻ em sẽ được tiếp xúc với công nghệ trước các thầy cô giáo (thậm chí dù các em nhỏ 2-3 tuổi chưa biết chữ nhưng chúng có thể học thao tác rất nhanh). Công nghệ cũng đã chứng tỏ được sự ưu việt của mình so với các thầy cô giáo. Và mình nghĩ đây cũng là điều hiển nhiên trong công cuộc cạnh tranh khốc liệt ngày hôm nay; nếu như các thầy cô không cập nhật các xu hướng mới, những cách giảng dạy mới, trau dồi thêm cho mình những kiến thức, những trải nghiệm mới thì họ bị bỏ xa cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, còn một điều khá bất ngờ nữa…
‘’Trong khi đó, tỷ lệ này tại Trung Quốc lại hoàn toàn trái ngược, khi có tới 56% trẻ mong muốn được thám hiểm vũ trụ trong tương lai, và chỉ 18% trẻ muốn được làm YouTuber, Vlogger.
Kết quả thăm dò ý kiến được đưa ra trùng với thời điểm Trung Quốc đang nỗ lực hợp tác với các đồng minh để trở thành một cường quốc vũ trụ hành đầu. Đầu năm nay, một tàu thăm dò của Trung Quốc đã lập kỷ lục khi lần đầu tiên hạ cánh xuống "nửa tối" của mặt trăng và trồng cây bông ở đó trong một thời gian ngắn.
Trong những năm tới, Bắc Kinh thậm chí còn tham vọng lớn hơn với việc xây dựng trạm vũ trụ của riêng mình đặt ở ngoài Trái Đất.’’ – Trích từ báo Dân trí.
Bạn có thấy được sự đối lập này không?
Trong khi ở các nước đã phát triển, rất thịnh vượng và giàu có như ở Mỹ, châu Âu, châu Mỹ thì họ bắt đầu đề cao những nhu cầu giải trí, tiếp cận thông tin; chia sẻ trải nghiệm, cảm xúc. Vì đã tương đối đầy đủ, ổn định về vật chất,… thì việc mà họ mong muốn được phát triển về tinh thần, cảm xúc, sáng tạo,… cũng là một điều hiển nhiên.
Còn ở các nước như Trung Quốc, họ lại tập trung phát triển về vụ trụ, về vật chất,…
Còn ở Việt Nam thì sao?
Khi mà thế hẹ trẻ đang bị ảnh hưởng bởi một làn sóng Youtuber. Có những người làm những video rất hay và bổ ích như: Giang Ơi, Draw Your Brain, Sunhuyn,… nhưng bên cạnh đó cũng có về giải trí, trải nghiệm, khoe về quần áo, lifestyle,… Trong khi nước chúng ta vẫn là một nước nghèo, một nước cần phải nỗ lực, cải cách rất nhiều để có thể bắt kịp và cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế,… Mình nghĩ hơn lúc nào hết, Việt Nam cần một thế hệ trẻ có thể cống hiến, xây dựng, phát triển, thay đổi đất nước trở nên tốt đẹp hơn; so với một thế hệ chỉ biết đến hưởng thụ, nhàn nhã.
Vậy còn bạn, ước mơ của bạn là gì?