Ứng Dụng Tư Duy Thiết Kế Vào Công Cuộc Thiết Kế Cuộc Đời Mơ Ước Của Bạn
Chúng ta thường sống với những niềm tin giới hạn hay suy nghĩ truyền thống về cuộc đời. Tôi lớn lên với mong muốn đơn giản như bao...
Chúng ta thường sống với những niềm tin giới hạn hay suy nghĩ truyền thống về cuộc đời. Tôi lớn lên với mong muốn đơn giản như bao người. Đó là xây dựng một gia đình hạnh phúc, có thu nhập ổn định và những đứa con xinh xắn. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng có một ngày mình sẽ bước ra khỏi con đường đã lựa chọn để làm những việc khác đi. Nghỉ công việc ổn định ở một công ty, bắt đầu lại từ đầu ở tuổi 30, làm việc tại nhà và trông hai đứa trẻ. Những thay đổi tích cực này diễn ra trong cuộc sống của tôi, một phần cũng nhờ những bài học* mà tôi học được về tư duy thiết kế.
Khi nghĩ đến thiết kế, mọi người thường nghĩ đến những công việc sáng tạo. Tuy nhiên, tư duy thiết kế không chỉ giới hạn ở đó. Bạn có thể áp dụng tư duy thiết kế vào bất kỳ lĩnh vực nào, cả việc thiết kế cuộc sống của chính bạn.
Tại trường đại học Stanford Mỹ, có một lớp học có tên “Designing Your Life”. Lớp học được dạy bởi giáo sư Bill Burnett và Dave Evans - tác giả cuốn “Designing Your Life” (tựa Việt:”Thiết kế một cuộc đời đáng sống”) là một trong những lớp học được đón nhận nhiệt tình nhất.
Liệu rằng tư duy thiết kế có thực sự thiết kế được cuộc đời của bạn? Làm thế nào để ứng dụng tư duy thiết kế vào công cuộc kiến tạo này? Có lẽ bạn đang tò mò muốn biết phải không?
Tư duy thiết kế là gì?
Tư duy thiết kế là một bộ công cụ giúp giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, lấy con người là trung tâm. Chúng ta sử dụng tư duy thiết kế để giải quyết vấn đề dựa trên giải pháp (khác với việc giải quyết dựa trên vấn đề). Khi sử dụng tư duy thiết kế, chúng ta tập trung vào con người, khám phá những “nỗi đau” của con người mục tiêu để tìm ra chính xác vấn đề cần giải quyết. Sau khi tìm ra được vấn đề, chúng ta sẽ đưa ra những giải pháp, tiến hành thử nghiệm, thu thập thông tin để liên tục cải tiến và nâng cao hiệu quả của giải pháp.
Tư duy thiết kế giải quyết vấn đề như thế nào?
Có 5 bước để thực hành tư duy thiết kế vào giải quyết vấn đề.
Empathize - Thấu cảm
Đây là bước chúng ta bắt đầu đi tìm “pain points” - nỗi đau của những người liên quan đến vấn đề cần giải quyết. Quá trình này chính là việc đặt con người làm trung tâm để bắt đầu tìm kiếm giải pháp cho vấn đề. Bằng cách quan sát, trao đổi, nói chuyện và kết nối với mọi người, cùng với sự thấu cảm, chúng ta có thể hiểu được những mong muốn của họ.
Define: Xác định vấn đề
Tổng hợp những thông tin đã có trong bước 1, chúng ta bắt đầu tìm hiểu xem đâu là vấn đề. Điều quan trọng ở bước này là cần phải xác định ĐÚNG vấn đề. Để xác định đúng, chúng ta có thể sử dụng mô hình đơn giản nhất: “We are looking for X in order to achieve Z as measured by W.” Hay cô Nguyễn Phi Vân có đưa ra một câu nói tương tự cho người Việt: “Đối tượng…cần…bởi vì…”. Ví dụ: Cô A cần cải thiện khả năng Excel bởi vì ảnh hưởng đến hiệu suất công việc”.
Ideate: Xây dựng ý tưởng
Khi đã xác định đúng được vấn đề, chúng ta bắt đầu “brainstorm” tất cả những ý tưởng có khả năng giải quyết được vấn đề. Ở bước này, điều cần lưu ý đó là tạo ra được càng nhiều ý tưởng càng tốt. Bạn đừng nên chỉ đi tìm ý tưởng nào là đúng đắn nhất.
Prototype: Làm mẫu thử
Sau khi có được những ý tưởng, chúng ta sẽ tạo ra mẫu thử dựa trên 3-5 ý tưởng được coi là tốt nhất. Trong bước này, mẫu thử được tạo ra nên đơn giản, dễ dàng và có thể nhanh chóng áp dụng vào thực tế.
Test: Kiểm tra
Khi đã có mẫu thử, đã đến lúc bạn kiểm tra hiệu quả của nó trên thực tế. Bạn đừng kỳ vọng ra có thể ngay lập tức đưa ra một sản phẩm hoàn hảo. Điều quan trọng ở bước này chính là tiếp nhận những phản hồi để có thể đưa ra những cải tiến, nâng cấp để hoàn thiện hơn nữa sản phẩm của mình.
Tư duy thiết kế không phải là một quá trình tuân theo một đường thẳng. Có nghĩa là bạn phải đi từ 1 rồi mới đến 2 và 3. Ngược lại, tư duy này có tính chất phi tuyến tính (đường vòng).
Có thể lấy ví dụ như ở bước test, bạn có được phản hồi của khách hàng. Bạn nhận ra sai lầm ở ý tưởng, bạn sẽ phải quay lại bước 3 để “brainstorm” những ý tưởng khác. Hoặc bạn thấy rằng bạn đang hiểu sai “nỗi đau”, xác định sai vấn đề, có thể bạn sẽ phải quay lại bước 1, bước 2 để làm lại từ đầu. Quá trình này diễn ra liên tục cho đến khi chúng ta tìm ra giải pháp hiệu quả cho vấn đề của khách hàng/người sử dụng.
Tư duy cần thiết để thiết kế cuộc đời
Tôi có một chú ý nho nhỏ cho các bạn khi đi vào phần quan trọng nhất. Đó là với những ai hy vọng có thể thành công với lớp học thiết kế cuộc đời, tôi nghĩ bạn cần có cho mình một vài tư duy, đức tính hoặc kỹ năng sau:
A Growth Mindset
Một tư duy mở, nhìn nhận mọi vấn đề dưới góc độ một người mới bắt đầu (beginner). Nếu như không mở cửa tư duy, có lẽ mọi cánh cửa dẫn đến những ý tưởng tuyệt vời có hiệu quả đều khép lại với bạn.
A Curious Mind
Luôn tò mò về những điều chưa từng xảy ra, chưa có tiền lệ, sẵn sàng khám phá những điều mới lạ. Biết đặt ra câu hỏi What, Why, How cho mọi vấn đề chứ không chỉ chấp nhận mọi thứ một cách đơn thuần.
Self-Awareness
Hiểu về bản thân là kỹ năng quan trọng giúp bạn tiến gần hơn đến cuộc đời mơ ước. Nếu không biết rõ mình thực sự muốn cuộc sống như thế nào, làm sao bạn có thể tạo ra được giải pháp hiệu quả cho chính mình? Các bạn có thể đọc thêm bài viết về kỹ năng này của tôi tại đây.
Bias To Action
Có thiên hướng hành động. Hành động là điều tối quan trọng trong tư duy thiết kế. Khi đã có trong tay một vài ý tưởng, bạn hãy nhanh chóng thiết lập mẫu thử và ngay lập tức biến nó thành hành động. Nếu không làm vậy, mọi viễn cảnh bạn vẽ ra sẽ mãi chỉ nằm trên giấy mà thôi.
Not Afraid to Fail
Không sợ thất bại, theo tôi, là điều cuối cùng bạn nên có trong cuộc hành trình này. Bởi khi chúng ta tạo ra những ý tưởng, chúng ta không thể biết được nó hiệu quả hay không trừ khi thử nghiệm chúng. Thử nghiệm và thất bại là điều bình thường trong cuộc sống. Nếu như luôn sợ hãi sẽ thất bại và không biết cách học từ thất bại, có lẽ con đường đến cuộc sống mơ ước sẽ còn rất xa vời với mỗi chúng ta.
Bây giờ, nếu bạn đã sẵn sàng, tại sao chúng ta không bắt đầu đi tìm và thiết kế cuộc đời mơ ước của chính chúng ta?
Ứng dụng tư duy thiết kế để kiến tạo cuộc sống bạn mơ ước
Empathize - Hiểu về bản thân
Nếu như bước đầu tiên trong tư duy thiết kế là thấu cảm để hiểu được pain points của khách hàng, thì khi thiết kế cuộc đời bạn, bước đầu tiên đó chính là việc hiểu về bản thân mình. Hiểu về bản thân mình để biết rằng bạn đang ở đâu, bạn có những vấn đề gì và có mong muốn như thế nào. Từ đó bạn mới bắt đầu tạo ra được những giải pháp cho cuộc đời của chính bạn.
Bạn có thể thực hiện bước này bằng cách trả lời những câu hỏi sau và kết nối chúng lại với nhau để tạo ra manh mối cho cuộc đời mình. Nguyên văn phần trong ngoặc kép dưới đây được tôi dịch lại từ bài viết của tác giác Omar Itani trên website cùng tên của anh:
- “Tôi là ai? - Burnett và Evans coi đây như là một bản “Lifeview,” tóm tắt ngắn gọn vài ý tưởng về cuộc đời của bạn và cách nó diễn ra. Ý nghĩa của cuộc sống là gì? Điều gì là quan trọng và có ý nghĩa với bạn? Du lịch? Sự giàu có? Gia đình? Điều gì khiến cuộc sống của bạn có giá trị? Bạn miêu tả như thế nào về cuộc sống lý tưởng của bản thân?
- Tôi tin vào những điều gì? - Nếu như “Lifeview” phản ánh những triết lý trong cuộc sống của bạn, thì bản “Workview” là những gì phản ánh mối quan hệ của bạn với công việc. Công việc có ý nghĩa như thế nào với bạn? Điều gì làm nên một công việc ý nghĩa? Bản Workview này sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc tại sao bạn lại làm việc hơn là công việc nào bạn muốn làm.
- Tôi đang làm gì? - Những hành động thu hút và mang lại những năng lượng tích cực cho bạn? Điều gì khiến bạn cảm thấy hạnh phúc? Khi nào bạn cảm thấy hoàn toàn đắm chìm và hạnh phúc với công việc bạn đang làm? Bạn sẽ làm việc gì nếu như không quan tâm đến kết quả mà chỉ làm đơn giản vì yêu thích công việc đó thôi?”
Ngoài ra, tôi cũng có một vài cách giúp bạn có thể thực hành hiểu về bản thân nhiều hơn nữa trong bài viết này mà bạn có thể tìm đọc.
Magic Tool: Journal
Trong bước đầu tiên này, có một công cụ cực kỳ hữu ích tôi muốn giới thiệu đến các bạn. Đó chính là Journal. Journal giúp bạn khám phá mọi điều về cuộc sống của bản thân. Bạn cũng có thể dễ dàng trả lời những câu hỏi phía trên và “connect the dots” - kết nối những dấu chấm trong cuộc đời mình nếu như có thói quen Journal đều đặn. Nếu vẫn còn xa lại với Journal, bạn có thể tìm hiểu thêm trong bài viết này của tôi nhé.
Trong bước đầu tiên này, có một công cụ cực kỳ hữu ích tôi muốn giới thiệu đến các bạn. Đó chính là Journal. Journal giúp bạn khám phá mọi điều về cuộc sống của bản thân. Bạn cũng có thể dễ dàng trả lời những câu hỏi phía trên và “connect the dots” - kết nối những dấu chấm trong cuộc đời mình nếu như có thói quen Journal đều đặn. Nếu vẫn còn xa lại với Journal, bạn có thể tìm hiểu thêm trong bài viết này của tôi nhé.
Define - Xác định cho mình hướng đi
Sau khi đã có câu trả lời cho câu hỏi của mình, bước tiếp theo, bạn hãy tìm ra cho mình một hướng đi dựa trên những giá trị mình theo đuổi. Giá trị cốt lõi của bản thân sẽ đóng vai trò quan trọng giúp định hướng cuộc đời bạn.
Tôi lấy ví dụ như thế này. Với tôi, cuộc sống có ý nghĩa là được dành thời gian bên gia đình và con cái. Tôi rất thích làm việc nhưng nếu công việc đó cản trở tôi dành thời gian cho gia đình, tôi sẽ cảm thấy không thoải mái. Khi chưa nhận ra giá trị cốt lõi, tôi liên tục đổi công việc, dù công việc sau tương tự như công việc trước. Nhiều khi, tôi làm việc ở công ty từ 7:30 sáng đến 7:00 tối mà không có thời gian chăm sóc hai con nhỏ.
Cho đến bây giờ, hướng đi của tôi đã thay đổi. Tôi mong muốn tìm ra con đường giúp tôi có thu nhập tốt mà vẫn có thời gian cho gia đình, con cái. Trước đây, tôi nghĩ chỉ nghĩ đến chuyển việc. Tôi chuyển việc để tăng lương, mà không quan tâm đến thời gian làm việc vất vả. Hay đôi khi quyết định đi làm vì thấy công việc có thời gian thoải mái nhưng rồi thu nhập lại không như mong muốn. Bây giờ tôi biết điều mình cần giải quyết không phải là liên tục thay đổi công việc nữa. Tôi cần tìm ra những ý tưởng khả quan nhưng vẫn phải tương thích với những giá trị mà tôi theo đuổi.
Magic Tool: Giá trị cốt lõi
Các bạn có thể tìm hiểu về giá trị cốt lõi của trong bài viết này của tôi nhé.
Các bạn có thể tìm hiểu về giá trị cốt lõi của trong bài viết này của tôi nhé.
Ideate - Brainstorm tất cả những ý tưởng bạn có thể nghĩ đến
Điều quan trọng trong bước này, đó là đừng giới hạn rằng chỉ có một ý tưởng là tốt nhất và bạn phải bám vào nó để thực hiện. Hãy nghĩ ra càng nhiều ý tưởng càng tốt, và cố gắng đừng phán xét. Cuối cùng, chọn một vài ý tưởng dễ dàng thực hiện nhất, có thể áp dụng trong thời gian ngắn nhất và bạn cảm thấy hứng thú nhất để có thể bắt đầu.
Dưới đây là một ví dụ được Bill Burnett và Evans đưa ra để các bạn có thể tham khảo. Hình ảnh là minh họa của Grants. Grants đã sử dụng Mindmap để brainstorm các ý tưởng về việc “Being outdoors” - Dành thời gian ở ngoài trời. Sử dụng mindmap, Grants nghĩ ra rất nhiều ý tưởng, và kết thúc bằng ba ý tưởng được khoanh tròn đó là đi bộ đường dài trong rừng gỗ đỏ, chơi bóng rổ theo kiểu pickup, và giúp đỡ cháu trai và cháu gái của mình. Sau khi kết hợp mọi thứ lại với nhau, anh ấy nghĩ ra ý tưởng về một trại cướp biển (Pirate Camp).
Magic Tool: Mindmap
Bạn sẽ có cái nhìn tổng thể về tất cả mọi thứ bạn brainstorm được nhờ công cụ hoàn toàn miễn phí này. Trải nghiệm hoàn toàn miễn phí tại đây.
Bạn sẽ có cái nhìn tổng thể về tất cả mọi thứ bạn brainstorm được nhờ công cụ hoàn toàn miễn phí này. Trải nghiệm hoàn toàn miễn phí tại đây.
Prototype - The Odyssey Plan
Burnet và Evans viết trong cuốn sách của mình: “Không chỉ có duy nhất một ý tưởng cho cuộc sống của bạn. Có rất nhiều cuộc đời bạn có thể sống hạnh phúc và hiệu quả.”
Đây cũng chính là ý tưởng của The Odyssey Plan - Ba phiên bản cuộc đời bạn mong muốn xảy ra trong 5 năm nữa.
Hãy nghĩ về những ý tưởng của mình, và tạo ra ba phiên bản cuộc đời mang dấu ấn của bạn. Một vài câu hỏi bạn cần ghi nhớ trong phần này đó là cân nhắc liệu bạn có đủ nguồn lực để có thể thực hiện những kế hoạch này không, bạn có tự tin rằng kế hoạch sẽ thành công hay không và kế hoạch này có tương thích với những giá trị cốt lõi của bạn không.
Bạn có muốn biết ba kế hoạch của tôi?
Một là theo học khóa tiếng Hàn biên phiên dịch để lấy bằng TOPIK vừa nâng cao thu nhập và có cơ hội tìm một công việc khác thoải mái hơn không liên quan đến công việc mua hàng đi sớm về khuya nữa.
Hai là thi lại IELTS và thi thêm bằng TESOL để làm việc cho những trung tâm giảng dạy tiếng Anh (tôi đã có bằng cử nhân Ngôn ngữ Anh rồi).
Ba là bắt đầu chiếc blog của mình, thiết lập thói quen viết lách và kiếm thu nhập từ nghề viết.
Và bạn đã biết lựa chọn của tôi rồi phải không?
Magic Tool: The Odessey Plan Worksheet. Các bạn có thể download tại đây.
Test - Thử nghiệm kế hoạch tối ưu nhất của bạn
Để áp dụng thử nghiệm cuộc đời của chính mình, bạn cần hành động. Đó là điều đương nhiên. Trong trường hợp của tôi, tôi đã thực sự xuất bản những bài viết đầu tiên, và nghiêm túc với công việc xây dựng sự nghiệp từ viết lách. Ngoài ra, tôi còn kết nối với những người làm nghề viết lách tự do, tìm hiểu về cuộc sống và công việc của họ.
Trao đổi với mọi người giúp chúng ta mở rộng tầm hiểu biết, học hỏi từ những kinh nghiệm của họ và có thêm những kết nối giá trị cho mạng lưới quan hệ của mình. Từ đó, bạn sẽ có thể tạo ra những bản nâng cấp cho cuộc đời của mình.
Magic Tool: Kết nối
Kết nối, học hỏi từ những người cùng chí hướng là công cụ tuyệt nhất giúp bạn nâng cấp phiên bản thử nghiệm của mình.
Kết nối, học hỏi từ những người cùng chí hướng là công cụ tuyệt nhất giúp bạn nâng cấp phiên bản thử nghiệm của mình.
Decide - Đưa ra lựa chọn và cam kết với nó
Một khi kết thúc giai đoạn thử nghiệm, bạn cần phải đưa ra lựa chọn. Đâu sẽ là cuộc đời bạn mong muốn? Khi có nhiều sự lựa chọn nhưng chỉ được chọn một, chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy phân vân. Kể cả khi bạn đã làm tất cả các bước ở trên và có được đánh giá cho riêng mình.
Khi đó, hãy nhớ đến câu nói này: “Học cách lựa chọn là khó khăn. Học cách làm sao để chọn cho tốt còn khó hơn nữa. Và học cách làm sao có thể đưa ra lựa chọn tốt trong một thế giới có quá nhiều lựa chọn có lẽ là quá khó. Để giải quyết vấn đề này bạn có thể chọn trở thành một người biết hy sinh. Hy sinh để đưa lựa chọn đủ tốt và không lo lắng về khả năng có những lựa chọn có thể tốt hơn.”
Magic Tool: Be Brave
Dũng cảm lựa chọn một điều bạn cảm thấy tốt nhất và quên đi hết những lựa chọn còn lại. Cam kết với nó. Không có gì phải sợ hãi kể cả khi bạn chọn sai. Bởi một khi bạn thực sự cam kết đi trên con đường của mình, làm tất cả mọi thứ có thể để đạt được mục đích mà vẫn thất bại, bạn vẫn có cho mình rất nhiều tài sản giá trị. Là trải nghiệm, là kiến thức, là kỹ năng. Và ít nhất là bạn biết được con đường đó không phải là con đường phù hợp với bạn.
Dũng cảm lựa chọn một điều bạn cảm thấy tốt nhất và quên đi hết những lựa chọn còn lại. Cam kết với nó. Không có gì phải sợ hãi kể cả khi bạn chọn sai. Bởi một khi bạn thực sự cam kết đi trên con đường của mình, làm tất cả mọi thứ có thể để đạt được mục đích mà vẫn thất bại, bạn vẫn có cho mình rất nhiều tài sản giá trị. Là trải nghiệm, là kiến thức, là kỹ năng. Và ít nhất là bạn biết được con đường đó không phải là con đường phù hợp với bạn.
Để kết thúc bài viết này, tôi muốn dành tặng các bạn một lời tâm sự từ Steve Job. “Khi lớn lên, bạn thường nghe mọi người nói rằng thế giới này là như vậy và nhiệm vụ của bạn đơn giản là sống một cuộc đời bên trong thế giới đó. Đừng cố gắng phá tan mảng tường để bước ra. Hãy cố gắng có một cuộc sống gia đình êm đẹp, sống vui vẻ và tiết kiệm một chút tiền. Nhưng đó là một cuộc sống cực kỳ hạn chế."
"Cuộc sống rộng lớn hơn nhiều một khi bạn khám phá ra một sự thật đơn giản. Đó là mọi thứ xung quanh bạn mà bạn gọi là cuộc sống chỉ được tạo nên bởi những người không hề thông minh hơn bạn. Và bạn có thể thay đổi nó, bạn có thể tạo ảnh hưởng lên nó. Điều quan trọng nhất đó là rũ bỏ quan niệm sai lầm rằng cuộc sống ở đó và bạn chỉ có thể sống trong nó. Ngược lại, bạn có thể yêu, thay đổi, phát triển và tạo ra dấu ấn ở đó. Một khi bạn hiểu được điều đó, bạn sẽ không bao giờ sống giống như trước nữa.”
*Những kiến thức tôi sử dụng trong bài viết này chủ yếu được tích lũy thông qua khóa học Tư duy thiết kế của cô Nguyễn Phi Vân, bài nói chuyện trên TED Talks của Bill Burnett và bài viết của Omar Itani.
--------------------------------------
Đọc thêm những bài viết của tôi được cập nhật mỗi thứ 3 và thứ 6 hàng tuần và lắng nghe podcast ra mắt mỗi thứ 7 tại The Introvert Writer - blog được giới thiệu trên chuyên mục Bloggers Spotlight của chị Chi Nguyễn - The Present Writer.
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất