Trong thế giới bao la và rộng lớn này, mỗi người đều ôm ấp một giấc mộng của riêng mình. Những giấc mộng ấy lớn dần theo gót chân ta, để rồi một ngày mai rất gần lại cũng rất xa, có giấc mộng hóa thành hình hài rõ ràng, có giấc mộng lại nằm im mãi trong những ngăn kéo ký ức. Thời gian trôi đi, không chỉ người thiếu nữ trở nên già nua, mà ngay cả những giấc mơ của nàng cũng héo úa đến độ chẳng còn nhận ra dấu tích thuở nào. Người thiếu nữ chẳng còn dặm phấn tô son, chờ đợi người trong mộng đi ngang qua lầu các; nàng giờ đây tất bật chạy ngược chạy xuôi, búi cao mái tóc, kẻ một sợi dài nhếch cao khóe mắt, như hình như bóng sát bên đứa con mới lớn.
Trong giấc mơ của nàng khi xưa, có cung điện lộng lẫy, có gấm lụa xa hoa, có quyền lực trong tay, có tình yêu của người bên gối. Nhưng, giấc mơ của nàng với hiện thực nàng trải qua mỗi ngày chẳng có chung mấy nét. Đêm đêm, nàng ngủ một mình cô quạnh trong cung điện rộng lớn, không dám gieo xuống trái tim niềm mong ngóng người đàn ông ghé đến. Bộ trang phục nàng mặc với bộ trang phục người phụ nữ khác mặc, cùng là tà áo vạt váy, thân phận lại cách xa nhau cả ngàn lần. Phía sau có gia tộc hiển hách, phía trước nàng chỉ nơm nớp lo sợ một buổi sáng tỉnh dậy – xung quanh là rơm rạ và tường bong tróc rêu xanh chất chồng. 
Vậy là, nàng không mơ giấc mộng thuở thiếu nữ nữa, nàng quyết định mơ một giấc mộng lớn hơn, nguy hiểm hơn, nhưng cũng bảo đảm hơn. Nàng muốn con trai mình sống trong nhung lụa trọn một đời, nàng muốn con trai mình sống hôm nay chẳng cần lo nghĩ đến ngày mai. Nàng đã sống cả một đời giữa những cạm bẫy và mưu mô, đi chệch một bước đến cả mạng sống cũng khó bảo toàn. Vậy nên, nàng nghĩ, chỉ có ngôi vị cao quý nhất cùng quyền lực tối thượng nhất mới đủ sức bảo vệ đứa con nhỏ của nàng. Nàng lặng lẽ bỏ đi những ước mong năm xưa, nàng ươm mầm giấc mộng mới. Một giấc mộng thuộc về nàng, vậy mà lại đặt lên vai con nàng.
Thời đại phong kiến, số phận của một người không hoàn toàn thuộc về người đó. Một người con trai gánh trên vai mình trọng trách của gia tộc. Một người con gái buộc phải chấp nhận hy sinh vì sự tồn vong, hiển hách của gia đình. Giấc mơ của một người quá đỗi nhỏ bé so với giấc mơ của gia tộc, thậm chí, ta buộc phải quên đi cuộc đời của mình để sống cho trọn cuộc đời của một thành viên trong dòng họ. Ko Quý nhân đặt giấc mộng của mình lên đôi vai của con trai mình; kể từ ngày được sinh ra trên cõi đời với thân phận con trai hoàng đế, Simso quân buộc phải mơ một giấc mộng không thuộc về mình. 
Giấc mộng ấy được dựng nên bởi nỗi lòng của người mẹ, tham vọng của dòng tộc, và mọi đắng cay mẹ từng trải qua suốt những năm qua. Cậu phải làm quen với những chiêu trò gian lận, phải gồng mình thể hiện năng lực bản thân, phải buộc chính mình có tham vọng hay trở nên tàn nhẫn. Thế giới của cậu là muôn lời trách mắng độc địa của mẹ, là những đêm dài ôn luyện mặc do máu cam chảy từng hàng, là nỗi sợ hãi luôn rình rập nhưng không có nổi một điểm tựa để bấu víu, là những mệt nhọc trĩu nặng từng bước chân cố chấp bước thêm một bước dù chỉ là nhỏ nhất, là sợi dây trắng đem theo khát vọng rời khỏi nhân gian… 
Simso Quân có một đôi cánh, nhưng đôi cánh ấy chưa từng được tung bay giữa trời xanh bao la. Đôi cánh của cậu ấy bị quấn chặt bởi sợi dây thừng, mà mẹ cậu chính tay thắt nút. Cậu cứ sống rồi mải mê đuổi theo giấc mộng của mẹ, cậu vấp phải hòn đá trên đường phẳng rồi ngã sõng soài, vết máu rỉ trên vết rách ở đầu gối còn chẳng xót xa bằng lời mẹ bảo cậu “chết đi”. Lời quở trách ấy của mẹ trở thành hành lý cậu muốn đem theo đến cõi khác, biết đâu ở chân trời ấy mẹ sẽ ôm cậu vào lòng – thay vì để mặc cậu chống chọi với chính lòng mẹ bạc bẽo. Đến phút giây cuối cùng, cậu vẫn nắm trong tay món quà đầu tiên mẹ tặng. Và, lựa chọn ra đi của cậu đến từ lòng hiếu thảo của cậu. Cậu không đáp ứng được kỳ vọng của mẹ, cậu giận mình chẳng làm mẹ cười, cậu trách mình chỉ biết làm mẹ buồn.
Giấc mơ của mẹ khi đã có con, chính là điều mẹ từng mong mỏi và điều mẹ nghĩ rằng tốt cho con. Thế nhưng, người con cũng có giấc mơ của mình, và giấc mơ ấy không giống như giấc mơ của mẹ. Mẹ gắng sức thúc đẩy con chạm đến giấc mơ mà mẹ cho là tốt với con, nhưng vô tình mẹ lại khoét một lỗ rất sâu trong tim con. Trong cái lỗ ấy, người con chếnh choáng giữa đời người và bị bủa vây bởi những lựa chọn: Nên theo đuổi giấc mơ của mình, hay rằn mình mơ cùng một giấc mơ với mẹ? Tình yêu của mẹ bất giác không còn hương vị ấm áp, ngọt nồng; tình yêu của mẹ trở nên đắng nghét, đáng sợ, để rồi kéo mối quan hệ của hai mẹ con ra xa thật xa. 
Vết thương giữa cha mẹ và con cái thường cần thời gian để chữa lành. Nhưng thật may, giữa cha mẹ và con cái cũng có chuyện không cần giải thích vẫn có thể hiểu được. Đứa con nhìn xuống đôi chân mẹ, thấy tất trắng nhuộm đủ màu, đôi giày thêu tinh xảo rơi ngoài hành lang. Đứa con sẽ tự hiểu, à thì ra, mẹ yêu mình nhiều lắm, và thật ra, đằng sau lời lẽ cay nghiệt ấy là một tình yêu đong đầy, cùng tấm lòng chỉ hướng về duy nhất mình mình. Đứa con sẽ nhận ra, những giấc mơ của mẹ và của mình hóa ra cũng có điểm chung – chúng giao nhau ở niềm mong mỏi mình sống một đời bình an và hạnh phúc.
Có lẽ, giấc mơ của mẹ chẳng cần lớn lao và chi tiết quá. Mẹ chỉ cần phác họa bằng bút chì những đường nét cơ bản, giăng một tấm ô vừa đủ che kín trang giấy trắng, còn đặt vào tay đứa con bút màu để nó tự do vẫy vùng trên bầu trời xanh biếc của riêng mình. Mẹ uốn nắn, chỉ dạy con cách làm người; mẹ định hướng đam mê của con giữa thực tại cuộc sống; còn con sẽ men theo ranh giới mẹ đã phác xây dựng câu chuyện, giấc mơ thuộc về mình.