Vào tháng 10/2023, Hà Nội, thủ đô của Việt Nam, lần đầu tiên được” xếp hạng nhất trong danh sách các thành phố ô nhiễm nhất Thế giới, với chỉ số AQI vượt ngưỡng nguy hại. Ngày ấy, vị trí đầu trong bảng xếp hạng ô nhiễm là cái ghế lạ lẫm mà không cư dân nào trong thành phố ấy nghĩ đến, và mong muốn có được. Họ hoang mang, họ phủ nhận. Sau này, vị trí đầu bảng ấy cứ dần quay lại vào những ngày tháng 1, tháng 2 năm 2025, đến mức họ, và những người dân của thành phố lân cận, chấp nhận rằng họ đang sống chung với bầu không khí tệ hại nhất Thế giới.
Trong những tháng trở lại đây, khi Hà Nội luôn ô nhiễm ở mức báo động cao, ứng dụng đo lường chỉ số AQI (Air Quality Index: Chỉ số chất lượng không khí) đã xếp hạng Hà Nội ở mức rất không tốt, nguy hại. Thật hiếm để thấy được bầu trời xanh khi bình minh lên và nắng chiều tà trong lành lúc hoàng hôn buông xuống, tất cả những khung cảnh thiên nhiên rất đỗi hiển nhiên ấy, giờ đây lại nhường chỗ cho một màn “sương mù không tan” giăng khắp chốn, thứ mà ai cũng hiểu là cảnh báo đầy nguy hiểm khi không khí đang bị ô nhiễm vô cùng nghiêm trọng. 
Các thành phố lớn khác ở Việt Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng cũng thỉnh thoảng vượt lên những vị trí cao trên bảng xếp hạng ô nhiễm. 
Ngược dòng thời gian trở về khoảng 10 năm trước, hình ảnh không khí ô nhiễm của Việt Nam hôm nay không khác người bạn láng giềng Trung Quốc là bao. Thậm chí, nước bạn đã có hẳn một bộ phim tài liệu khai thác đề tài này mang tên “Under the dome” (Dưới vòm trời). Bộ phim này được đánh giá là vô cùng sâu sắc và phức tạp, mà đã khiến Chủ tịch Tập Cận Bình cũng từng công khai bày tỏ sự quan tâm về thực trạng ô nhiễm không khí ở Trung Quốc. “Under the Dome” của phóng viên điều tra Sài Tĩnh được coi là là tác phẩm tiên phong cho vấn đề ô nhiễm ở quốc gia này. Ra mắt vào năm 2015, ngay sau khi được phát sóng trực tuyến đến công chúng trong vòng chưa đầy 48 giờ, bộ phim đã đạt con số 100 triệu lượt xem. Và chỉ 1 tuần sau đó, số lượt xem đã cán mốc 200 triệu. Đây rõ ràng là một kỳ tích hiếm thấy trong lĩnh vực phim tài liệu, không chỉ tại Trung Quốc. Tuy nhiên, bộ phim bất ngờ bị chính quyền Trung Quốc ra lệnh cấm hoàn toàn trên tất cả các nền tảng truyền thông sau 2 tuần công chiếu. 
img_0

1. Tại sao phim tài liệu “Under the Dome” bị cấm chiếu?

Lựa chọn bóc tách vấn đề xã hội cấp thiết nhất nhì tại thời điểm đó, “Under the Dome” mổ xẻ những góc khuất trần trụi, gai góc nhất của ngành công nghiệp năng lượng trên đất nước tỷ dân, đặc biệt là những tác nhân chính gây ra ô nhiễm không khí như bụi mịn PM2.5. Với từng mắt xích nhỏ nhất để tạo nên sự phá hủy môi trường sống trầm trọng, những sai phạm móc nối nhau từ những quan chức cấp thấp đến cấp cao nhất đã khiến cho bộ phim tài liệu đầy thẳng thắn của phóng viên Sài Tĩnh trở thành “cái gai” trong mắt nhiều người có liên quan. 
Khi bắt đầu giai đoạn khắc phục hậu quả chiến tranh và đẩy mạnh phát triển kinh tế từ năm 1960, Trung Quốc chuyển mình từ nước nông nghiệp trở thành nước công nghiệp lớn nhất thế giới. Song song với điều kiện phát triển kinh tế mạnh mẽ là sự đánh đổi môi trường sống, nếu như phải đặt lên bàn cân để đong đếm, các nhà chức trách cũng khó lòng nào mà nghiêng cán cân về hẳn 1 bên, chọn phát triển kinh tế hay môi trường sống, cũng chính là đánh đổi sức khỏe của người dân? 
Khi điều tra đào sâu vào nguyên nhân gây ra lượng khí thải và khói bụi mù mịt đến từ các phương tiện giao thông, Sài Tĩnh nhận ra sự bất thường rằng vào ban đêm, lưu lượng xe lưu thông đã ít đi rất nhiều, tại sao chỉ số ô nhiễm vẫn luôn ở ngưỡng rất cao, thậm chí có phần ngang ngửa so với giờ cao điểm vào ban ngày? Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã đưa ra biểu đồ cho thấy các thời điểm trước bình minh, lượng khí thải Carbon cao gấp 2 lần so với mật độ ô nhiễm không khí vào ban ngày, chất lượng không khí luôn ở ngưỡng không an toàn- nguy hiểm. 
Từ đây, Sài Tĩnh đã chạm đến những vấn đề lớn của Bộ Giao thông và Bộ Tài nguyên Môi trường. Nhóm phóng viên đã công tác tại quận Diên Khánh, khu vực có rất nhiều tuyến đường cao tốc quan trọng và hoạt động của phương tiện giao thông diễn ra sôi nổi suốt đêm. Khi được thanh ra giao thông kiểm tra, không có bất kỳ chiếc xe nào được lắp thiết bị kiểm soát hay lọc khói bụi dù giấy phép chứng nhận xe đạt tiêu chuẩn quốc gia B. Như vậy, thanh tra hoàn toàn có quyền xử phạt tài xế. Nhưng trớ trêu thay, hầu hết các xe tải chạy ban đêm vào thành phố đều chở nhu yếu phẩm hằng ngày (trứng, sữa…) nên đây được coi như dạng xe ưu tiên bắt buộc. Kéo theo đó, việc xử phạt sẽ ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội của người dân, hơn nữa là khơi nguồn cho hàng loạt các sai phạm của sở ban ngành đã cấp phép cho các xe giả được lưu thông. 
Đây chính không chỉ là thực trạng tắc trách của Bộ Giao thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường mà còn là cả Bộ Công thương khi các mặt hàng kém chất lượng như xe giả được cấp phép hoạt động và xuất khẩu. Tuy đã ban hành luật quy định thu hồi các loại xe không đảm bảo chất lượng nhưng cho đến năm 2014, luật chưa từng được áp dụng. Theo luật “chỉ khi khiếm khuyết gây ra nguy hiểm đến sự an toàn hoặc tài sản của con người thì sản phẩm có thể xếp vào loại bị thu hồi”, như vậy nếu thiết bị không lắp đặt hệ thống bảo vệ môi trường thì sẽ không bị coi là mất an toàn? Còn đạo luật phòng ngừa ô nhiễm khí quyển cũng chưa từng dùng để phạt bất kỳ tổ chức nào. Khi được hỏi, chẳng ai rõ cơ quan ban ngành nào đủ thẩm quyền để thực thi luật. 
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định trách nhiệm cho sai phạm này không thuộc về họ, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin cũng trả lời tương tự, Tổng Cục Giám sát và Kiểm tra Chất lượng thì khẳng định nếu muốn xử phạt, họ cần phối hợp với các bộ ban ngành trên cùng với Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc. Trách nhiệm bị đưa đẩy, chồng chéo lẫn nhau, luật được ban hành hời hợt, không thể biết đâu là bộ ban ngành có thẩm quyền để giải quyết và xử phạt? Đau lòng hơn, người dân cũng chẳng quan tâm xe của họ có bảo vệ môi trường không mà chỉ chú trọng đến giá cả khi lựa chọn mua hàng, trung bình tại thành phố Hàng Châu, cứ 2 người thì sẽ có 1 người sở hữu ô tô, lượng xe chất lượng thấp đang lưu thông hàng trăm triệu chiếc mỗi ngày và cũng chính là nguyên nhân giết chết họ từng giờ. 
Với tình thế tiến thoái lưỡng nan này, “Under the Dome” dù được Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch nước Tập Cận Bình trong thời điểm ấy khen ngợi về tính thiết thực, song bộ phim tài liệu này ngầm chỉ trích các quan chức chính phủ, rất nhiều bộ ban ngành đã được Sài Tĩnh nêu tên như cú tát trực diện vào chính quyền đương thời. Nó quá trần trụi để công khai trước toàn dân chúng với những bất cập và mặt tối còn tồn đọng. Hơn thế, thực tế là truyền thông Trung Quốc với tin tức trong nước chỉ đưa những tin tốt và bỏ qua tin xấu, bản chất nhóm thống trị chính quyền Trung Quốc luôn muốn hình thành lợi thế không cân xứng về mặt thông tin: bên trên biết bên dưới nhưng bên dưới không thể tiếp cận với bên trên, bên trong biết bên ngoài nhưng bên ngoài lại không biết bên trong. Như vậy, với 1 bộ phim tài liệu động chạm “tiêu cực” đến chính quyền, không khó để hiểu rằng “Under the Dome” bắt buộc bị gỡ bỏ khỏi các nền tảng mạng xã hội và dần bị quên lãng

2. Bụi mịn PM2.5 - Sát thủ vô hình 

Nhìn bằng mắt thường, ô nhiễm môi trường sống nặng nề là lúc bầu trời hoàn toàn bị bao trùm bởi 1 màn “sương mù” bao quanh cả thành phố, tuy nhiên khi đi trong màn sương, ta thật khó để nhìn ra được đâu là nguyên nhân tạo ra bầu không khí xám xịt này. Năm 2010, giới khoa học mới bắt đầu đo lường và kiểm tra các chỉ số bụi mịn có kích thước dưới 2.5 micron, hay còn có tên gọi quen thuộc là bụi mịn PM2.5. Trước đây, người ta chỉ thống kê mức độ ô nhiễm qua thông số PM10, cho đến khi phát hiện nhiều đám sương mù bất thường trên các bức ảnh radar quan sát bầu trời, họ phát hiện được bí ẩn sau lớp “sương mù” kia chính là bụi mịn PM2.5 mà mắt thường không thể nhìn thấy được. 
Bụi mịn PM2.5 được đặt cho 1 cái tên rất kêu là “sát thủ vô hình”. Quả thật, không phụ lòng người đặt cho cái tên này, bụi mịn PM2.5 nhỏ bé dễ dàng xâm nhập vào cơ thể con người, nhất là các nang phổi và mạch máu gây nên các bệnh nguy hiểm như đột quỵ, tim mạch, ung thư… Nếu như thường xuyên tiếp xúc và hít phải bụi mịn, bạn sẽ gặp các vấn đề về đường hô hấp, tăng tỷ lệ bị ung thư phổi và bệnh tim mạch, đẩy nhanh quá trình phát triển của bệnh xơ gan, rối loạn chức năng gan và bệnh tiểu đường. 
Theo chân phóng viên Sài Tĩnh trong bộ phim tài liệu, người ta thống kê được có 15 loại chất gây ung thư khác nhau và vô số kim loại nặng lẫn trong một thiết bị lấy mẫu PM2.5. Về cơ bản, mỗi chúng ta có tuyến phòng thủ đầu tiên của hệ hô hấp là lông mũi giúp chặn hạt bụi lớn hơn 10 micron, quá trình này chỉ loại bỏ được 90% bụi mà ta hít phải. Tuy nhiên, các hạt bụi mịn có kích thước nhỏ hơn còn lại sẽ len lỏi được vào sâu bên trong cơ thể gây viêm nhiễm, chặn các phế nang gây ra sự khó thở, tắc nghẽn khí quản. Dù không hút thuốc, hạch bạch huyết trong phổi của bệnh nhân đều sẽ có màu đen khi đã hít phải quá nhiều bụi.  

3. Vòng luẩn quẩn của lợi ích và thiệt hại 

Theo các nhà khoa học nghiên cứu, ô nhiễm không khí và tình trạng dày đặc bụi mịn có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, chủ yếu là do khí thải từ nhà máy công nghiệp, các phương tiện giao thông, công trình xây dựng… và “than đá” được coi là “tài nguyên quốc dân” của Trung Quốc trong giai đoạn chuyển mình thành nước công nghiệp lớn nhất thế giới, cũng chính là nguyên nhân gây ra ô nhiễum môi trường sống nặng nề nhất cho đất nước tỷ dân này. 
Chỉ tính riêng năm 2013, Trung Quốc tiêu thụ 3,6 tỷ tấn than cao hơn sản lượng tiêu thụ than của cả thế giới cộng lại. Bởi trong giai đoạn cải cách kinh tế, cơ sở hạ tầng là một trong những điểm cốt lõi cần đầu tư và Trung Quốc cần thúc đẩy ngành luyện kim cơ khí công nghiệp nặng, đòi hỏi rất nhiều năng lượng để sản xuất. Trớ trêu thay, một trong những ngành nghề sử dụng than nhiều nhất là sản xuất sắt thép; khi phân tích số liệu, tại Trung Quốc 60% lượng bụi mịn PM2.5 đến từ việc sử dụng các nguyên liệu hóa thạch mà cụ thể ở đây là than đá và dầu mỏ. Cùng với sự tiến bộ trong kinh tế, tỷ lệ ung thư phổi tại đất nước này đã tăng lên 465% sau 30 năm, một con số đáng kinh ngạc đến rùng mình khi họ sử dụng than đá với mọi hoạt động trong cuộc sống từ các nhà máy nhiệt điện đến các hoạt động sinh hoạt như nấu nướng, sưởi ấm…mà không có bất cứ quá trình xử lý nào để làm giảm tác động tiêu cực đến môi trường sống. 
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao rất nhiều quốc gia khác cũng sản xuất công nghiệp nặng nhưng tại sao chỉ tình hình ô nhiễm của Trung Quốc lại đặc biệt nghiêm trọng khi sử dụng than đá trong ngành luyện kim? Điều này đã được phóng viên Sài Tĩnh điều tra và dẫn đến hàng loạt các sai phạm khác nhau từ việc xây dựng thiết kế nhà máy cho đến việc sử dụng nguyên liệu giá rẻ có chất lượng không đảm bảo. Thông thường, kỹ sư cần đưa ra một bản vẽ chi tiết các bộ lọc bụi nhằm giảm tải lượng khói ô nhiễm thải vào khí quyển tại các nhà máy luyện kim; nhưng khảo sát thực tế cho thấy có đến hơn 60% nhà máy luyện kim đều không đủ điều kiện đi vào hoạt động và chưa hoàn thiện thủ tục phê duyệt vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường theo Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc cho hay. 
Vậy tại sao các thanh tra lại không vào cuộc để xử lý dù sai phạm đã rõ ràng? 
Nếu các nhà cầm quyền cho đóng cửa hàng loạt các nhà máy vi phạm, đồng nghĩa với việc mất cân bằng an sinh xã hội vì trung bình sản xuất 10 triệu tấn thép sẽ tạo ra công ăn việc làm cho 100.000 lao động. Nói theo cách khác, Trung Quốc đang phải đánh đổi môi trường để thu lại lợi nhuận kinh tế. Với tâm lý như vậy, người dân ở vùng nông thôn của Trung Quốc cũng chọn loại than có giá thành thấp để sử dụng, điển hình là có hẳn một “làng ung thư” tại tỉnh Vân Nam, người dân dùng “than nâu” giá rẻ với nhiều độc tố làm gia tăng tỉ lệ mắc ung thư phổi trong quá trình nấu nướng và sưởi ấm. Đây cũng chính là thực tế cho thấy vòng lặp luẩn quẩn của lợi ích và thiệt hại, kinh tế và môi trường, phát triển công nghiệp hay sức khỏe người dân… một bài toán khó mà Trung Quốc trong giai đoạn ấy cần phải giải quyết. 
Tương tự như tình hình Trung Quốc trong “Under the Dome”, nước Anh cũng đã từng hứng chịu hệ lụy nghiêm trọng từ việc sử dụng than đá chất lượng thấp, đỉnh điểm là thảm kịch “Great Smog of London” năm 1952 đã có 12.000 người chết vì bị nhiễm độc, các cuộc phẫu thuật cho biết các nạn nhân chết do tiếp xúc với Carbon đen, phụ phẩm từ việc đốt than suốt thời gian dài. Trong thời kỳ đen tối ấy, nước Anh đã thực sự “ăn than để sống” khi trung bình mỗi tuần nhà máy điện sẽ tiêu tốn khoảng 10.000 tấn than. “Than nâu” có mặt ở khắp mọi nơi từ nhiên liệu cho tàu hỏa, thuyền bè, cơ khí luyện kim đến hoạt động sinh hoạt hằng ngày. 

4. Nhìn nhận thực tế và bài học dành cho Việt Nam

Đối với các quốc gia đang phát triển, gia tăng sản xuất để phát triển kinh tế phải đánh đổi bằng môi trường sống cố nhiên là lẽ tất yếu trong giai đoạn này. 10 năm sau khi phim tài liệu “Under the Dome” của phóng viên điều tra Sài Tĩnh được ra mắt, Trung Quốc đã nỗ lực cải thiện môi trường sống. Năm 2014 tại Hội nghị APEC, Trung Quốc cam kết giảm tải 1 nửa lượng khí Carbon, các nguồn năng lượng xanh sẽ chiếm 20% tổng năng lượng của cả nước, giảm tỉ lệ sử dụng than đá, tập trung vào khí đốt và dầu mỏ. Năm 2015, Trung Quốc ban hành báo động đỏ đầu tiên về ô nhiễm không khí và giải pháp ứng phó với bụi mịn, các nhà khoa học và các hãng công nghệ xanh chung tay kiểm soát ô nhiễm. Với những hoạt động cụ thể, trạm xăng dầu lắp đặt hệ thống hút mùi ngược để không bay khí độc ra bên ngoài, các phế liệu xây dựng được phủ bạt khi chưa sử dụng, than cần rửa sạch trước khi sử dụng… Đặc biệt là nỗ lực trong cuộc chiến “giành lại bầu trời Bắc Kinh” với số liệu ghi nhận chất lượng không khí hàng tháng tốt nhất kể từ năm 2021.
Không chỉ Trung Quốc, các nước trong giai đoạn phát triển kinh tế đều đã từng trải qua thời kỳ ô nhiễm không khí nghiêm trọng như Anh Quốc với “Màn sương mù khổng lồ” năm 1952, Nhật Bản với “Bốn căn bệnh ô nhiễm chính” trong suốt thế kỷ 20… Với thảm họa môi trường tồi tệ nhất từng xảy ra, Chính phủ Anh đã ban hành đạo luật “Không khí sạch” năm 1956, khuyến khích người dân ngừng đốt than nâu để sưởi ấm, hạn chế đốt than trong các đô thị, kiểm soát khói nghiêm ngặt nhằm cải thiện chất lượng không khí và sức khỏe của mọi người. Còn với “xứ sở hoa anh đào”, năm 1993, chính phủ đã tiến hành cải tổ lại hệ thống luật về môi trường và ban hành "Bộ luật cơ bản về môi trường" bao gồm sự hạn chế các phát sinh từ công nghiệp, sản phẩm, chất thải, gia tăng bảo toàn năng lượng, tích cực vận động về tái chế, hạn chế việc sử dụng đất, thiết lập các chương trình kiểm soát ô nhiễm môi trường. Tương tự, Việt Nam là quốc gia đang trong giai đoạn phát triển kinh tế và có dấu hiệu ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khi Hà Nội được cho là thành phố có chỉ số AQI (ô nhiễm không khí) cao nhất thế giới, đạt mức trung bình 284, ngưỡng rất không tốt cho sức khỏe con người, theo sau đó là thành phố Delhi (Ấn Độ), Karachi (Pakistan) và Vũ Hán (Trung Quốc).  
Nhìn chung, nguyên nhân khiến Việt Nam đang phải gánh chịu tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề tương tự như Trung Quốc. Tuy nhiên, thay vì ám ảnh bởi “than” trong sản xuất công nghiệp và “ô tô giả” như nước bạn láng giềng, Việt Nam lại quay cuồng vì “xe máy”, phương tiện cá nhân mà ai ai cũng sở hữu ít nhất 1 cái. Theo nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, tổng phát thải bụi mịn PM2.5 là hơn 30.000 tấn, trong đó chủ yếu là hoạt động giao thông, bụi đường chiếm 56%. Khí thải xăng dầu từ giao thông góp 46% lượng bụi siêu mịn, các hợp chất dễ bay hơi từ xe máy chiếm hơn 90% tổng mức phát thải từ giao thông. Tiếp đó, lượng phát thải nhiều thứ 2 là các hoạt động sản xuất công nghiệp đến từ các khu công nghiệp, làng nghề, các nhà máy nhiệt điện, chế biến xi măng chiếm 14-23%; nguồn nông nghiệp và dân sinh chiếm % thấp nhất. 
Như vậy, giống như Trung Quốc, nguyên nhân gây ra bụi mịn ở Việt Nam phần lớn đến từ phương tiện giao thông và hoạt động sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng phát thải đến từ phương tiện giao thông của Việt Nam là nguyên nhân chính, chiếm phần lớn là từ xe máy cá nhân, thủ phạm sẽ làm tăng tỷ lệ các bệnh liên quan đến đường hô hấp và ung thư phổi hằng năm của người dân Việt Nam trong giai đoạn tới. 
Chính phủ Việt Nam đã sớm quan tâm đến việc đảm bảo an ninh môi trường để phát triển bền vững kinh tế Việt Nam, được cụ thể hóa trong các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật. Theo đó, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 được Quốc hội thông qua “bảo vệ môi trường là điều kiện tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững… Đây là cơ sở pháp lý để tuân thủ bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh”. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ xác định 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030, trong đó có 4 mục tiêu trực tiếp về bảo vệ môi trường. 
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế ô nhiễm không khí của Việt Nam hôm nay, đặc biệt là Hà Nội, có vẻ như các chính sách này còn cần phải được quan tâm hơn nữa. Những con số, những báo cáo về bụi mịn vẫn hàng ngày nhắc nhở chúng ta về sự tàn phá của môi trường sống.
Trong kỷ nguyên vươn mình, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng lớn với dự báo năm 2025 tăng từ 6,1 - 6,5% theo các tổ chức quốc tế như WB, ADB, IMF. Trong Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, Thủ tướng nhấn mạnh phấn đấu đến năm 2030, GDP Việt Nam đạt khoảng 780 - 800 tỷ USD. Với tham vọng đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nước ta đang thúc đẩy gia tăng sản xuất trong nước và xuất khẩu, hơn thế nhằm thu hút đầu tư Việt Nam mở cửa cho các tập đoàn nước ngoài đặt nhà máy sản xuất trong nước. Như vậy, sự phát triển của các khu công nghiệp sẽ dẫn đến những thách thức lớn về môi trường, giờ đây không chỉ riêng Hà Nội mà còn là những khu vực lân cận có nhiều nhà máy sản xuất như Bắc Giang, Thái Nguyên, Nam Định… Đặt ra mối tương quan với Trung Quốc, bản chất là đất nước sản xuất, xuất khẩu hàng hóa, đi kèm với đó là mở rộng các vùng sản xuất; Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc bằng cách áp dụng công nghệ xanh, phát triển phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, cùng với đó là sự kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các nhà máy sản xuất. 
Như vậy, nhìn từ những bài học trong quá khứ với các quốc gia khác, Việt Nam cần nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề ô nhiễm không khí đang làm ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe của mỗi người dân ra sao. 
Điểm sáng trong những năm trở lại đây, các phương tiện giao thông xanh đang ngày càng phát triển và phổ biến trên khắp đường phố Việt Nam, phải kể đến là nỗ lực không ngừng của ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn VinGroup khi ra mắt Xanh SM, hãng taxi điện đầu tiên tại Việt Nam, tiên phong trong lĩnh vực cho thuê phương tiện giao thông xanh và taxi đa nền tảng đầu tiên thế giới. 
Từ năm 2022, VinFast thuộc Tập đoàn VinGroup đã công bố tham gia “Cam kết khí hậu toàn cầu”, đặt mục tiêu đạt mức phát thải Carbon bằng 0 vào năm 2040, hướng đến phát triển công nghệ sản xuất ô tô, xe máy “xanh” giảm phát thải. Với cam kết này, một trong những nguyên nhân chính xả thải khói bụi là phương tiện giao thông sẽ có một tương lai tươi sáng nếu như người dân sử dụng phổ biến phương tiện công cộng “xanh” và giảm việc sử dụng phương tiện cá nhân. 
Tuy nhiên, không chỉ là vấn đề phương tiện giao thông, các hoạt động sản xuất khác cần phải đảm bảo giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường, đưa ra các chế tài phù hợp, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm và trên hết là ý thức của người dân trong việc đảm bảo an toàn cho chính môi trường sống và sức khỏe của mình. 
Nỗ lực của mỗi cá nhân trong công cuộc bảo vệ lấy chính môi trường sống của mình thực chất là thay đổi lớn nhất để cải thiện tình trạng này. 
Có lẽ, nếu như Việt Nam phát hành một bộ phim tài liệu, phóng sự điều tra ngọn nguồn về nguyên nhân của bụi mịn và ô nhiễm môi trường nặng nề như “Under the Dome”, người dân và cũng như các tổ chức, bộ ban ngành, lãnh đạo sẽ có cuộc chiến “giành lại bầu trời Hà Nội” như cách mà Bắc Kinh (Trung Quốc) đã và đang nỗ lực không ngừng để cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề này.