Giáo dục là hoạt động nuôi, dạy cho khôn lớn, làm cho một người trở nên người hơn. Trong quá trình giáo dục, người dạy và người học luôn tác động lên nhau nhằm đạt được mục đích giáo dục.
Dù nói gì đi nữa, thì mục đích của giáo dục cũng là giúp cho người học trở nên hướng thượng hơn thông qua việc phát triển cái đúng tốt và hạn chế cái sai xấu.
Tuy nhiên, trong bất kỳ hoạt động nào cũng có những yếu tố thúc đẩy và cản trở. Kết quả của quá trình giáo dục lệ thuộc phần nhiều vào cách người dạy điều hoà những yếu tố này.
Một lần tham gia Câu lạc bộ Tâm lý học, mình được giới hiệu mô hình “Điều kiện hoá từ kết quả” của Tâm lý học hành vi. Đại ý như sau:
Chúng ta có 4 cách để thúc đẩy hay hạn chế một hành vi nào đó:
1. Củng cố tích cực: sự có mặt của những hoạt động nối tiếp mà chủ thể thích sau khi hành vi nào đó được thành tựu: khen, thưởng, động viên, sách tấn,...
2. Hình phạt tích cực: sự có mặt của những hoạt động nối tiếp mà chủ thể không thích khi hành vi nào đó được thành tựu: khiển trách, trừ điểm hạnh kiểm,...
3. Củng cố tiêu cực: sự vắng mặt của những hoạt động nối tiếp mà chủ thể không thích sau khi hành vi nào đó được thành tựu: khi trẻ ăn rau thì được ra khỏi bàn ăn sớm,...
4. Hình phạt tiêu cực: sự vắng mặt của những hoạt động nối tiếp mà chủ thể thích sau khi hành vi nào đó được thành tựu: trẻ không ăn thì sẽ không được chơi game,...
Ngoài sự áp dụng của mô hình này vào trong việc giáo dục người khác, bản thân chúng ta cũng có thể, hoặc có khi đã áp dụng mô hình này mà không hề hay biết. Bạn đã bao giờ tự nhủ rằng “Học hết bài này tui sẽ tự thưởng cho mình”; hay bạn có bao giờ cảm thấy tràn trề động lực khi ai đó khen mình, cổ vũ mình; hoặc có bao giờ bạn tự răn đe mình bằng cách “Nếu tui không học hết bài này tui sẽ không chơi game”,...
Tuy nhiên, bất kỳ học thuyết tâm lý nào cũng có ưu và nhược điểm của nó. Điều này ảnh hưởng từ và bởi ý thức hệ của người sử dụng rất nhiều. Ví như mô hình trên đây, nếu những điều này diễn ra thường xuyên sẽ để lại một trạng thái lệ thuộc và kỳ vọng nơi chủ thể, mà nếu không diễn ra theo những gì chủ thể nhận được khi thành tựu hành vi nào đó, sẽ để lại một trạng thái hụt hẫng; từ đó vai trò của chính người dạy trong mối quan hệ giáo dục sẽ bị ảnh hưởng.
Dù sao đi nữa, ứng dụng của mô hình trên đây nói riêng và Tâm lý học nói chung trong các đời sống thường nhật đang ngày càng nhân rộng, ví dụ như cách chúng ta giao tế với người khác: có những người mình phải nói lý lẽ, có những người mình phải nói từ trải nghiệm bản thân, có những người khi mình muốn khuyên họ phải thông qua mối quan hệ của họ với người khác,...
Vì thế, mong bạn đọc nếu có muốn áp dụng phương pháp này thì hãy liên tục nhìn lại và cải thiện nó.