(ảnh từ VietNam Beautiful trên Unsplash.com)
Đêm qua, sau khi tập trung xem hết trận bóng, mình trằn trọc muốn viết về trận đấu ấy ngay nhưng phải đi ngủ sớm để khỏi đau đầu. Bây giờ, sau khi xem lại trận bóng một lần nữa mình thấy có thể viết nhiều hơn một chút. Trước tiên là về mặt trận đấu.
(Bài này chủ yếu phân tích đội tuyển VN)
ĐỘI HÌNH:
Đội hình ra sân của VN không khác nhiều trận gặp Malaysia ngoại trừ Quang Hải thay cho Công Phượng. Những phút đầu trận, nhìn cự ly đội hình thì thấy rõ VN dùng sơ đồ thiên về phòng ngự với Tiến Linh đá cắm và Văn Đức chơi lùi hỗ trợ, trong khi Xuân Trường, Quang Hải, Hoàng Đức giữ tuyến giữa (ở trận này không có một tiền vệ trụ hoặc một máy quét đúng nghĩa cho tuyến giữa), và trấn giữ hàng thủ lần lượt là Văn Hậu, Duy Mạnh, Ngọc Hải, Tiến Dũng, Trọng Hoàng cùng thủ môn Tấn Trường.
TỔNG HỢP THẾ TRẬN:
Một phần ba thời gian đầu hiệp 1, VN chơi chắc chắn, tự tin, nhưng dần về sau, gặp nhiều áp lực hơn thì VN bắt đầu căng cứng, lúng túng. Có rất nhiều  tình huống các cầu thủ VN không chịu được sự áp sát của các cầu thủ UAE, xử lý vội vàng dẫn tới mất bóng. Sau Cooling break (nghỉ uống nước) ở phút 30, VN mất tập trung, để thua, dẫn tới việc bị căng thẳng tinh thần nhiều hơn, thi đấu thiếu bình tĩnh thiếu chuẩn xác. Bàn thua thứ hai tới không lâu sau đó càng khiến VN xuống tinh thần, xuống sức chiến đấu cho tới kết thúc hiệp 1. Đầu hiệp 2, VN có chút thay đổi đội hình bằng Công Phượng, Đức Huy thế chỗ cho Văn Đức, Xuân Trường. Song chưa kịp củng cố phương diện tấn công thì VN nhận bàn thua thứ ba từ một tình huống giữ bóng kém + chống phản công kém. VN cố gắng cải thiện thế trận, tìm kiếm bàn thắng trong những phút tiếp theo bằng việc tung Hồng Duy và Minh Vương vào sân thay Văn Hậu và Hoàng Đức, và khoảng một phần ba thời gian cuối trận đã cho thấy khởi sắc. Các cầu thủ VN dường như có tâm lý chơi thoải mái hơn ở những phút này, nên các đường phối hợp hay phản công có phần thanh thoát lên. Phút 84 VN cướp được bóng, tổ chức tấn công nhanh vào trung lộ và ghi bàn. Phút 90+3 các cầu thủ UAE chơi thiếu tỉnh táo, chuyền bóng sai để rồi bị VN tận dụng cơ hội ghi bàn. Trận đấu kết thúc với kết quả 3-2 nghiêng về UAE. Nhìn chung, phần lớn thế trận của trận này nằm trong tay các cầu thủ UAE. UAE hoàn toàn lấn lướt, vượt trội VN về nhiều mặt như kỹ thuật cá nhân, chiến lược toàn trận, chiến thuật thời điểm, thể chất, mảng miếng phối hợp.
Sau đây là một số nhìn nhận chi tiết.
HÀNG THỦ:
Thủ môn của VN trận này có một vài tình huống sai sót nhưng cũng có một vài tình huống xuất sắc. Hàng hậu vệ bị khai thác nhiều vào các khoảng trống giữa trung vệ và hậu vệ cánh. Những tình huống chọc khe tầm cao lẫn tầm thấp của các cầu thủ UAE đều cho thấy hiệu quả tốt để đánh bại hậu vệ VN.
TUYẾN GIỮA:
Như đã nhận định ở trên, trận này VN không có tiền vệ trụ, hay tiền vệ kiểu máy quét để thu hồi bóng. VN có năm tiền vệ thi đấu trận này là Quang Hải, Hoàng Đức, Xuân Trường, Đức Huy, Minh Vương, họ đều là cầu thủ thiên về giữ nhịp và điều phối bóng, tham gia khâu kiến tạo và tấn công tốt hơn là đảm đương phòng thủ. Chỉ có mỗi Đức Huy là thiên hướng phòng thủ cao nhất, nhưng một mình anh thì không đủ cầm cự với sức mạnh thể chất cũng như kỹ thuật của các tiền vệ UAE. Tuyến giữa của VN trận này thực sự là mỏng cơm, không thể tranh chấp sòng phẳng với UAE, rất dễ mất bóng và rất khó lấy bóng. Yếu tố quan trọng để khống chế đối phương là hàng tiền vệ phải phá được lối chơi của đối phương thì trận này VN không làm được, mà ngược lại, UAE đã làm được, nhờ đó chung cuộc đánh bại VN.
HÀNG CÔNG:
Tiến Linh, Văn Đức đơn độc, đói bóng. Những pha phối hợp tấn công, những cú dứt điểm hiếm hoi mà cầu thủ VN có được thì lại không thể tận dụng ở bước quyết định. Mười phút cuối trận là thời gian đáng kể nhất của hàng công VN, khi UAE hài lòng kết quả, họ lùi xuống, còn VN dâng lên với sự xông xáo và thể lực tốt từ các cầu thủ dự bị được tung vào, VN chơi nỗ lực, kiếm được hai bàn thắng một cách nhanh chóng.
THỂ CHẤT:
Trận này thể lực và sức mạnh của VN yếu hơn UAE thấy rõ, đặc biệt là những thời điểm cuối của mỗi hiệp, các cầu thủ VN dễ dàng bị vượt qua bởi tốc độ hoặc sức tì đè của các cầu thủ UAE. Suốt cả trận, cả hai đội đều chơi Pressing nhưng UAE thì hiệu quả hơn VN. UAE tỏ ra không mệt mỏi, áp sát VN liên tục khi VN dẫn bóng phối hợp, trong khi đó, ở khâu thoát áp sát, UAE có kỹ thuật cùng thể chất quá tốt để thoát khỏi tầm vây tỏa của VN, thậm chí có vài tình huống mà một cầu thủ UAE có thể tả xung hữu đột giữa hai hay ba cầu thủ VN.
TINH THẦN:
Từ giữa hiệp 1 tới giữa hiệp 2, tinh thần của VN đi xuống khá nhiều bởi những bàn thua chóng vánh. Nhưng từ khoảng giữa hiệp 2 tới hết trận, VN lại chơi thoải mái và tự tin trở lại (có lẽ là vì tinh thần không có gì để mất hoặc đã biết kết quả những bảng thi đấu khác nên không còn căng thẳng). Với tinh thần không bỏ cuộc cho tới những phút cuối, VN bỗng “lên đồng” để hai lần tìm được đường vào mảnh lưới UAE. Còn về phía UAE, tinh thần của UAE từ đầu trận đã đầy tự tin và vững vàng, sau khi khai thông bế tắc ở phút 30, UAE càng thoải mái, càng đá nhuần nhuyễn. Chỉ tới mấy phút cuối trận thì UAE mới hơi chùng xuống vì những tình huống sai lầm của mình.
NHẬN ĐỊNH:
Trong khi trận cầu diễn ra và sau khi trận khép lại, có những bình luận cho rằng UAE chơi không hay hơn VN là bao, thắng là nhờ trọng tài, nhờ câu giờ, hay nhờ quen khí hậu, vân vân mây mây. Tuy nhiên, công tâm nhìn vào thực tế thì không thể dùng những nhận định ấy phủ nhận một sự thật là đội tuyển UAE đang có đẳng cấp cao hơn đội tuyển VN nhiều, và trong trận này, rõ ràng UAE cũng đã chơi hay hơn VN nhiều. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Trong mọi việc khi gặp thất bại, khi không đạt đến mục tiêu mong muốn của mình thì trước hết phải xét yếu tố từ bản thân, sau mới xét tới yếu tố từ bên ngoài, vì đơn giản bản thân thì có thể kiểm soát, sửa chữa được hơn là bên ngoài. Trong bóng đá cũng vậy. Thực ra trận thua vừa rồi có thể là một trận thua quý giá thay vì là một thất bại. Qua trận thua này sẽ giúp đội tuyển VN có cơ hội tỉnh táo hơn, biết mình là ai, đang ở ngưỡng nào, cần khắc phục, cần cải thiện những gì. Nếu người thất bại học được ở thất bại của mình để tiến bộ, thất bại không chỉ là thất bại, và người thất bại cũng không mãi là người thất bại.
TIỆM CẬN CHÂU LỤC - ƯỚC MƠ WORLD CUP:
Nhiều người nói đội tuyển Việt Nam đã tiệm cận châu lục, có thể họ đang nói về dàn cầu thủ tuyển đang thi đấu hiện nay, điều đó mình không bàn luận gì. Chỉ có một vấn đề cuối cùng muốn đề cập, đó là một cái “tiệm cận” khác cũng rất cần và rất quan trọng, cái tiệm cận cốt tử là: nền bóng đá Việt Nam tiệm cận với nền bóng đá châu lục. Điều này hoàn toàn khác hẳn với khái niệm “đội tuyển Việt Nam tiệm cận với các đội tuyển của châu lục”. Một bên là đường dài, một bên là đường ngắn. Một bên là rừng cây, một bên là rừng quả.
Sau kết quả đội tuyển Việt Nam lấy vé đi vào vòng loại cuối cùng của World Cup, có một bài báo viết rằng: “Để thực hiện giấc mơ World Cup, chắc chắn đội tuyển Việt Nam cần phải lọt vào nhiều vòng loại cuối cùng như thế này nữa”. Đọc xong dòng đó, mình thấy không sai, nhưng mà nó không đủ. Nếu thực sự muốn “vào World Cup”, nền bóng đá Việt Nam còn cần phải xây dựng, phát triển mọi mặt rất nhiều. Còn nếu chỉ muốn “chơi World Cup” thì... mình không biết.
Cảm ơn mọi người đã đọc tới đây. Bài viết bâng quơ của mình tới đây xin dừng lại :))