U23 Việt Nam AFC 2018 - Hơn cả một hành trình
Mình viết bài này vào 03/2018, thời điểm đội tuyển U23 Việt Nam lọt vào trận chung kết tại giải U23 Châu Á tại Thường Châu. Nhận dịp...
Mình viết bài này vào 03/2018, thời điểm đội tuyển U23 Việt Nam lọt vào trận chung kết tại giải U23 Châu Á tại Thường Châu. Nhận dịp đội tuyển quốc gia Việt Nam đứng trước cơ hội lớn lọt vào vòng loại thứ 3 của World Cup lần đầu tiên, mình post lại bài viết, vì cảm xúc lúc này cũng giống với cảm xúc tại thời điểm 2018 của mình.
Mình biết đến U19 (U23 hiện tại) từ khi nghe tin có 4 cầu thủ của U19 HAGL Arsenal JMG được mời qua London tập huấn trong một khóa ngắn ngày cùng U19 Arsenal cuối 2012. 4 cầu thủ này là Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng và Đông Triều. Sau đó là U19 VN thắng U19 Australia 5–1 tại vòng loại U19 châu Á 2013. Trước giờ bóng đá Australia ở một đẳng cấp khác hẳn VN.
Mình vẫn nhớ một vài cầu thủ Australia từng đá chính cho một số CLB ở Premier League như Harry Kewell đá cho Liverpool từ 2003–2008 (1) hay Tim Cahill đá cho Everton 8 năm (2004–2012) (2). Vì thế nên nghe tin U19 VN thắng U19 Australia, mà còn thắng đến 5–1 thì rất bất ngờ (trận này Công Phượng lập cú đúp, Văn Toàn ghi 1 bàn). Tiếp, U19 VN (với nòng cốt chủ yếu từ U19 HAGL Arsenal JMG) thắng U19 Arsenal 3–0 trong một trận giao hữu trong chuyến tập huấn của U19 VN năm 2014. Rồi thấy Xuân Trường tự tin trả lời phỏng vấn với phóng viên mà ko cần phiên dịch làm mình càng quan tâm hơn.
Đầu năm 2014, U19 VN đá giải tứ hùng với khách mời là U19 AS Roma, U19 Tottenham và U19 Nhật Bản. Chưa bao giờ mình nghĩ có thể nhìn thấy U19 VN cầm bóng tự tin, phối hợp nhỏ và đá ngang cơ với U19 As Roma hay U19 Tottenham. Nhìn cách Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng,.. tự tin cầm bóng, phối hợp hay đột phá thích lắm. Mình bắt đầu theo dõi U19 VN với lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn,… từ đấy.
Ấn tượng mạnh nhất mà U19 để lại cho mình là tại giải AFF U-19 Youth Championship (Cúp Nutifood) 2014. Khoảng khắc Công Phượng solo qua 5 hậu vệ rồi dứt điểm chéo góc hạ gục thủ môn Australia phút 88, mình với mấy ông bạn cùng phòng hô vang cả phòng trọ. Cảm giác nhìn thấy một cầu thủ VN, dù chỉ qua màn hình laptop thôi tạo nên một khoảnh khắc xuất thần như thế trước một đối thủ như U19 Australia khó tả lắm. Rồi khi Công Phượng bình tĩnh thực hiện thành công quả penalty theo phong cách panelka ở những phút cuối trận gặp Nhật Bản mặc dù đội đang bị dẫn 1–3. Bản lĩnh thép là đây.
Nhưng trận U19 VN thắng U19 Myanmar 4–1 tại Mỹ Đình mới là trận nhiều cảm xúc nhất. Chưa bao giờ nghĩ có thể xem một đội VN đá một thứ bóng đá đẹp như thế. Tuấn Anh và Xuân Trường là một trong những cặp tiền vệ xuất sắc nhất của VN mà mình biết từ thời Mình Phương, Tài Em. Cầm bóng tốt, thu hồi bóng cũng tốt, phát động tấn công nhanh. TA8 cũng là người mở tỉ số bằng một quả đặt lòng mẫu mực ngoài vòng cấm. Bóng từ chân Tuấn Anh vẽ nên một đường cong, đập cả 2 cột dọc rồi từ từ lăn vào lưới.
Tiếp, XT nâng tỉ số lên 2–0 bằng một pha sút phạt đẳng cấp. CP chọc khe cho Văn Toàn dứt điểm một chạm, 3–0. Những phút cuối, XT chuyển dài lên bằng chân trái mà ko cần nhìn cho Phan Văn Long băng xuống vẩy má ngoài như Dennis Bergkamp. Cả 4 bàn thắng đều đẹp như SGK. Ngoài kỹ năng chuyên môn, U19 VN còn để lại ấn tượng với cách ứng xử văn hóa, không bao giờ cãi lại trọng tài hay phạm lỗi một cách thô bạo. Kiểu văn võ song toàn ấy.
Nói lại một chút để thấy thành công của U23 VN tại U23 AFC vừa rồi không phải là một kết quả trong ngày một ngày hai mà là cả một quá trình hơn 10 năm. Từ những khóa đầu tiên của học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG năm 2007 với những Xuân Trường, Công Phượng, Hồng Duy, Văn Thanh, Văn Toàn,.. hay Quang Hải, Đức Huy, Duy Mạnh,… của CLB HN. Các bạn ấy không chỉ được ăn tập theo những giáo án mới nhất mà còn được dạy cả về văn hóa.
Ở tuổi 23, Xuân Trường, Công Phượng đã trải qua hơn 10 giải quốc tế và phần lớn là thất bại (3). Ở tuổi 21, Quang Hải cũng trải qua 8 giải quốc tế và được đá chính 2 mùa V-league tại CLB HN (4). 2 trong số những thất bại mình nhớ nhất là ở Seagame 2015 và Seagame 2017. Ở Seagame 28, với lứa cầu thủ U19 được kỳ vọng rất nhiều, nhưng chúng ta thất bại trước Myanmar ở bán kết (5). Seagame 29, vẫn dàn cầu thủ ấy với nhiều kinh nghiệm hơn nhưng chúng ta còn có kết quả kém hơn khi không vượt qua được vòng bảng (6). Mình vẫn nhớ Công Phượng xin lỗi người hâm mộ hay Xuân Trường bất ngờ với áp lực từ các cổ động viên như thế nào khi trả lời phỏng vấn. (7)
Bỏ lại nỗi buồn sau thất bại tại Seagame 29, U23 Việt Nam tiếp tục vòng loại U23 AFC và tạo nên kỳ tích như chúng ta đã biết.
Nói về thành công của U23 vừa rồi, mình nghĩ đó là thành công của cả một tập thể. Tất cả các cầu thủ đều có chung một mục tiêu duy nhất và luôn sẵn sàng tinh thần thi đấu. Cảm giác cả đội đều chiến đấu vì một mục tiêu ấy thể hiện rất rõ khi U23 lùi về chống đỡ trong những phút cuối trận gặp U23 Syria ở vòng bảng. Đình Trọng cản được bóng ngay trên vạch vôi, Duy Mạnh tung người phá bóng.
Sẽ rất khó để đi tiếp sau vòng bảng nếu Xuân Mạnh ko hoàn thành xuất sắc vai trò của mình thay Văn Hậu. Phan Văn Đức lúc nào cũng tràn đầy tinh thần chiến đấu mỗi lần được vào sân, kể cả khi đội đang gặp khó khăn hay áp lực tâm lý. Khoảng khắc Văn Đức vừa chạy vừa đấm vào không trung, vừa hô vang khi ăn mừng cùng các đồng đội sau khi bình tĩnh dứt điểm gỡ hòa 2–2 trận tứ kết gặp U23 Iraq cực kỳ cảm xúc, nó khiến mình đang ngồi xem cũng phải bật dậy hét theo.
Hay như Hồng Duy, mỗi lần vào sân là một lần cháy hết mình, lên công về thủ, luôn tạo ra đột biến bên cánh trái, mà cụ thể nhất là trong trận bán kết gặp Qatar. Duy Mạnh cản phá bị bóng đập vào mặt chảy máu mũi trận bán kết, ra cầm máu rồi 5p sau vào sân, lại bị bóng đập vào mặt tiếp khi cố gắng cản bóng. Bùi Tiến Dũng 04 bị chảy máu môi trận chung kết cũng ko muốn rời sân, phải đến khi trọng tài bắt ra mới chạy về đường pitch để cầm máu.
Còn nhiều lắm mà giờ mình cũng chưa nhớ hết.
Có một điều chắc ko nhiều người để ý là trước khi tỏa sáng ở giải này thì XT6 đã có một thời gian khó khăn. Chấn thương ở HAGL, sang Hàn Quốc thi đấu nhưng ko đc đá chính nhiều. Đặc biệt là thất bại tại Seagame 2017 khi ĐTVN không vượt qua đc vòng bảng và khi ko thì đấu thành công tại giải M150, nhiều người đã chỉ trích và mất niềm tin vào XT. Trong một post trên Insta, XT cũng có chia sẻ về khoảng thời gian khó khăn này. Nhưng ko biết bằng cách nào, XT vẫn tiếp tục cố gắng luyện tập và vượt qua giai đoạn này. Thủ môn Tiến Dũng cũng thế. Tiến Dũng đã mắc một số sai lầm tại vòng loại. Nhưng sau tất cả, bạn ấy vẫn biết cách vượt qua những áp lực và chỉ trích để trở thành người hùng của U23 VN tại giải này.
Đặc biệt là Công Phượng. Mình nhớ năm 2014, sau khi gây được chú ý cùng U19, mà đặc biệt là sau pha solo qua 5 cầu thủ U19 Australia thì CP là người được chú ý nhất, như thủ môn Bùi Tiến Dũng bây giờ ấy. Thậm chí CP10 còn được nhiều người hâm mộ gọi là Messi Việt Nam. Rồi Phượng đc mời quảng cáo bia. Nhưng cũng vì thế mà CP bị đặt rất nhiều áp lực.
Tại V-league 2014–2015, chỉ cần CP ko ghi bàn trong vài trận thôi là lập tức bị khán giá đặt câu hỏi là xuống phong độ, trong khi Văn Toàn có một quãng thời gian dài ko ghi bàn (mình nhớ ko nhầm khoảng 14, 15 trận gì đấy) mà ko ai bảo sao? Hay do đi quảng cáo nhiều ko có thời gian đá bóng? Rồi chuyện đời tư CP bị quan tâm nhiều hơn. Chuyện CP làm gì trước mỗi giải đấu, hẹn hò với ai đều bị mọi người xét nét. Đỉnh điểm là phóng sự điều tra tuổi thật CP của VTV24. Sau thời gian ấy, mình thấy CP trầm hẳn đi. Ít xuất hiện trước báo chí, ít tham gia quảng cáo như trước.
Tại giải U23 AFC Championship lần này, mình rất ấn tượng trước sự trưởng thành của CP, cả về lối chơi lẫn cách ứng xử. CP vẫn rê rắt nhiều, nhưng tham gia nhiều hơn vào lỗi đá chung của toàn đội. Chịu khó đi chuyển hơn, tạo khoảng trống nhiều hơn cho đồng đội. Các đối thủ của U23 VN, đặc biệt là U23 Australia chắc vẫn nghiên cứu kỹ và theo kèm CP sát nhất. Mỗi lần CP có bóng là luôn có ít nhất 2 cầu thủ đội bạn theo kèm.
Tuy nhiên, cũng nhờ thế mà các cầu thủ khác, đặc biệt là Quang Hải có nhiều khoảng trống hơn để thể hiện. Chắc mn vẫn còn nhớ CP là người kiếm đc quả phạt mà Quang Hải là ng tận dụng thành công để gỡ hoà trong trận chung kết. Rồi thay vì là người được chú ý nhiều nhất như trước, lần này CP lặng lẽ và ít đc quan tâm hơn.
Mình nghĩ CP là người trưởng thành nhiều nhất giai đoạn này của U23, sau khi đã trải qua đủ thăng trầm, từ vị trí đc quan tâm nhất đến người (có vẻ như) bị lãng quên. Nhưng như thế có lẽ tốt hơn, vì CP có đủ thời gian để chiêm nghiệm lại những gì đã trải qua, điều mà có lẽ Tiến Dũng 01 hay Quang Hải có thể tham khảo kinh nghiệm khi bị người hâm mộ chú ý, quan tâm như CP ngày trước.
Mình chỉ hơi tiếc cho TA8 khi bạn ấy dính chấn thương ko tham gia. Trước đây TA8 đc đánh giá cao hơn XT. TA8 còn là người duy nhất được HLV Wenger của Arsenal sẵn sàng giới thiệu qua một số đội ở Hy Lạp (hoặc ở đâu mình ko nhớ rõ) đá sau chuyến tập huấn năm 2014. Cá nhân mình cũng thích TA8 đá cùng XT, cả 2 bạn này đều thiên về kỹ thuật, cầm bóng và chuyền đều tốt nhưng hơi mỏng cơm. Có một người như Đức Huy đá cùng thì tốt, kiểu Xavi với Iniesta có Busquet đá quét ở dưới ấy. Cũng có thể đây là giai đoạn khó khăn mà TA8 phải vượt qua, như XT và Tiến Dũng đã từng vượt qua vậy. Mình nghĩ thử thách càng lớn thì nếu vượt qua đc, khi trở lại, TA8 sẽ đá hay hơn. Cũng như XT và Tiến Dũng ấy.
Mình đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khi xem U23 đá giải vừa rồi. Từ lo lắng, hồi hộp đến vỡ oà sung sướng. Chắc phải từ hồi Công Vinh ghi bàn phút 90 ở AFF 2008 mình mới có lại cảm giác này. Khi Iraq ghi bàn nâng tỉ số lên 2–1 phút 94, mình đã nghĩ thôi xong rồi. Khi Quang Hải đá hỏng quả pen đầu tiên trong trận bán kết cũng thế. Giây phút ấy, mình có hai lựa chọn, một là tiếp tục xem, hai là tắt điện thoại.
Nếu tiếp tục xem và VN thắng, niềm tin được đáp lại, đó sẽ là khoảng khắc sung sướng tột độ. Nếu tiếp tục xem và VN thua, đó sẽ là sự thất vọng. Nếu tắt điện thoại, đó là lựa chọn ko đặt niềm tin vào U23. Khi đặt niềm tin vào một ai đó là bạn đã cho phép họ có quyền làm tổn thương cảm xúc của mình. Nhưng nếu ko dám chấp nhận những cảm xúc lên xuống ấy cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ được an toàn, “đồ thị cảm xúc” sẽ giống một đường thẳng. Giây phút ấy, mình chọn tiếp tục hi vọng.
Khoảng khắc Phan Văn Đức gỡ hòa 2–2 trận tứ kết, mình cảm thấy hạnh phúc, cực kỳ hạnh phúc. Cảm giác niềm tin được đáp lại khó tả lắm. Mà đúng hơn là chả biết tả thế nào, vì lâu rồi mình ko (dám) đặt niềm tin quá vào một điều gì. Rồi Đức Chinh băng vào đánh đầu cắt mặt nâng tỉ số lên 3–2. Wtf is going on? Lúc này là phấn khích tột độ. “Thấy không, đây chính là những gì sẽ diễn ra khi dám tin tưởng vào một điều gì đó”. Nhưng khi niềm tin đáp lại chưa được bao lâu thì Iraq gỡ hòa 3–3 ở phút 116. Niềm tin lại tiếp tục được thử thách.
Sau khi kết thúc loạt luân lưu, mình nhận ra, việc đặt niềm tin cũng như dám đối mặt với mạo hiểm ấy. Tin tưởng là lựa chọn, cảm xúc nhận lại chỉ là kết quả của lựa chọn ấy. Nhưng khi dám đặt niềm tin và cố gắng hết khả năng cho niềm tin ấy thì đã là một điều tuyệt vời rồi. Tin và được tin. High risk high return mà.
Mình sẽ nhớ mãi khoảng khắc mọi người tràn ra đường ăn mừng. Tất cả mọi ngả đường dẫn đến hồ Gươm đều chật cứng. Từ đầu Hai Bà Trưng đã thấy tiếng hò reo, tiếng trống. Cả một đoạn đường dài rực màu đỏ. Cờ bay phất phới. Chưa bao giờ mình nhìn thấy một cảnh tượng như thế. Cũng chưa bao giờ cảm thấy mọi người mở lòng đến thế. Người lạ cười với nhau, bắt tay, thậm chí khoác vai và nhảy với nhau, vừa đi vừa hô “Việt Nam” vang một góc trời.
Mình đã xem rất nhiều clip ghi lại cảm xúc của mọi người ở khắp nơi khi VN vượt qua Iraq và Quata trên chấm 11m. Rất nhiều cảm xúc. Hạnh phúc khi Tiến Dũng cản được quả đầu tiên của Iraq, lo lắng khi Quang Hải sút hỏng quả đầu tiên, rồi lại vui mừng khi Tiến Dũng cản được cú sút thứ 2 trận gặp Qatar. Khi Tiến Dũng cản được quả thứ 5 của Qatar, gần như tất cả đều hét lên. Và khi Văn Thanh kết thúc loạt penalty cân não và đứng ăn mừng ngạo nghễ như Mbappe thì tất cả vỡ òa. Tiếng la hét khắp nơi.
Mình và ông bạn ngồi cạnh ôm chầm lấy nhau, mặc dù cả hai chả quen biết gì. Nhưng không vấn đề, vì lúc ấy tất cả đều có chung cảm giác tự hào. Tự hào vì những cầu thủ của chúng ta đã chiến đấu hết mình. Tự hào vì giờ đây, Việt Nam đã tạo nên lịch sử.
Cái cảm giác chỉ cần ra đường là nhìn thấy cờ đỏ sao vàng, nghe thấy tiếng “Việt Nam” ở khắp nơi cực kỳ hạnh phúc. Khắp nơi, mọi người đều ăn mừng, bất kể tuổi tác hay khoảng cách xã hội. Hôm đấy mình đi bộ từ cty về nhà vì không bắt được Grab. Mình nhìn thấy một nhóm thanh niên đứng cạnh đường, bật nhạc và hát. Một lát sau, một xe máy chạy đến, dừng lại và hát theo. Một bạn gái đi qua, đưa cho mình một lá cờ nhỏ kèm một nụ cười.
Chưa bao giờ khoảng cách giữa mọi người gần nhau đến thế. Có cảm giác tất cả đều có một nguồn năng lượng tích cực, và U23 đã giúp mọi người giải phóng nguồn năng lượng ấy để kết nối hàng triệu trái tim với nhau. Mình cũng là một trong số hàng triệu con tim ấy, và thực sự cảm thấy may mắn khi được sinh ra, ở đây, tại khoảnh khắc này và được cảm nhận không khí này. Tự nhiên nghĩ đến cảnh khi Songoku dùng “Quả cầu kinh khi” đánh Buu, cần tập hợp năng lượng của tất cả mọi người trên trái đất. Lúc ấy, có cảm giác U23 là Songoku của Việt Nam = ))
Về kết quả, mình nghĩ U23 VN thua sát nút 1–2, thêm việc bị thủng lưới ở phút 119 sau 118 phút chiến đấu kiên cường là một cái kết đủ để đẹp. Nó sẽ khiến chúng ta tiếc nuối, nhưng là tiếc nuối để tiếp tục cố gắng cho những lần sau. Các bạn ấy vẫn còn trẻ, còn nhiều giải đấu phía trước. Biết đâu lần sau ấy lại là vòng loại World Cup chứ không còn là vô địch Seagame nữa. Mình nghĩ điều quan trọng là U23 đã cho chúng ta thấy được tinh thần “We can do it”.
Như cách Xuân Trường vì ko muốn chấp nhận làm đội lót đường sau trận thua U23 Hàn Quốc nên đã họp toàn đội để củng cố tinh thần. Như cách toàn đội đồng lòng đứng vững trong 10 phút cuối bị ép dồn dập trận gặp U23 Syria để vào tứ kết. Như cách Phan Văn Đức chiến đấu hết mình, ko chịu từ bỏ khi đội đang bị dẫn 1–2 ở hiệp phụ trận gặp U23 Iraq. Hay như cách Văn Thanh, Xuân Trường, Đức Huy dọn tuyết cho Quang Hải đá phạt trận chung kết.
Mượn một câu của Xuân Trường để tạm kết thúc cái post dài ngoằng này: “Chắc bây giờ cũng có nhiều bạn đang đứng trước những cánh cửa, những con đường và đang đau đầu để chọn ra một con đường tốt nhất cho mình đúng không? Mình cũng từng như thế và hiện tại vẫn đang phải suy nghĩ, lựa chọn cho mình một lối đi phù hợp. Nhiều lúc cũng điên đầu vì stress… Năm nay cũng là một năm rất quan trọng với mình, sẽ có nhiều thứ được quyết định bởi chính mình nên mình cũng lo lắm, giá mà có ai làm giúp mình mà 100% thành công nhỉ =)). Tuổi trẻ là phải như thế các bạn ạ, nếu không có những khó khăn như này thì sẽ chẳng có gì thú vị cả. Chỉ muốn chúc các bạn sẽ luôn giữ được nụ cười và nhiệt huyết của tuổi trẻ, tin tưởng vào bản thân mình và vững bước trên con đường mình đã chọn.”
Mình có tổng hợp lại thông tin một số giải đấu, thành tích, đội hình của U19 VN từ 2014 đến giờ để xem các cầu thủ đã đá nhiều như thế nào ở đây: bit.ly/U23VNAFC2018from2012
Highlight chút:
- Bùi Tiến Dũng (4) ra mắt 5/9/2014 tại AFF U-19 Youth Championship (Cúp Nutifood)
- Nguyễn Quang Hải đá trận đầu ngày 8/8/2014 tại Hassanal Bolkiah Trophy Cup
- Duy Mạnh với Đức Huy debut sớm hơn chút khi đá ở giải U19 AFF 2013 (9/9–22/9). Bonus thêm là Duy Mạnh với Đức Huy từng được mời qua Nhật thử việc cuối 2013.
Còn đây là clip tổng hợp lại hành trình của U23 VN tại AFC U23 Championship 2018 mình rất thích vì có nhắc đến hầu hết các cầu thủ U23 ra sân giải vừa rồi: https://www.youtube.com/watch?v=Z0Zqoxc0Ako
Năm nay chắc mình sẽ đến sân Hàng Đẫy xem nhiều hơn, đặc biệt là trận HAGL gặp CLB HN để xem Đức Huy quét Xuân Trường thế nào sau khi diss Xuân Trường rất nhiều trên fb và insta = )). Hay Duy Mạnh, Đình Trọng, Văn Hậu, Quang Hải sẽ đối mặt với Công Phượng, Tuấn Anh, Hồng Duy, Văn Thanh như thế nào.
— —
Nguồn:
----
My blog: https://maingocanh.com/blog
Thể thao
/the-thao
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất