Trận đấu này không khác gì một màn quảng cáo cho bóng đá Đông Nam Á - hiếm khi chúng ta có thể đồng tình nhiều đến vậy với một câu bình luận trên sóng truyền hình quốc gia. Cùng phân tích những điểm nhấn theo dòng thời gian của ‘’màn quảng cáo’’ này, một trận cầu có lẽ là giàu tính chuyên môn nhất trong nhiều năm qua thuộc cấp độ trẻ ở ‘’vùng trũng bóng đá’’ .
Hai đội nhập cuộc rất nhanh, dâng đội hình lên cao để gây áp lực ngay từ phần sân đối thủ. Indonesia là những người thể hiện điều này rõ ràng hơn, khi các cầu thủ áo đỏ pressing đến tận vòng cấm của đội tuyển Việt Nam.
Ronaldo và các đồng đội tấn công dồn dập, và ngạc nhiên thay, họ rất chủ động đánh trung lộ thay vì đưa bóng chồng biên đơn giản, thuần tạt vào cho 2 tiền đạo số 9 Hokky Caraka hay số 10 Ronaldo đánh đầu. Nếu có đưa bóng xuống biên, chủ nhà cũng đưa bóng xuống sát biên ngang và căng ngang tầm thấp.
Ronaldo Kwateh của Indonesia đây ạ.
Ronaldo Kwateh của Indonesia đây ạ.
Đáng chú ý, với thể hình và thể lực đáng nể, cả 2 chân sút của Indo lại đều chủ động co về nhận bóng từ các tiền vệ, hỗ trợ ở khoảng cách gần (support range thấp), tạo nên những đường ban bật khá thêu hoa dệt gấm. Đây cũng là dấu ấn chiến thuật mà HLV Shin Tae-Yong đã khiến tạo thành công nơi U20 Indo (thành công hơn nhiều so với tuyển quốc gia): một lối đá phối hợp ngắn, cường độ cao, với sự tập trung cao độ (awareness) của các cầu thủ - mỗi khi đồng đội nhận bóng là lập tức sẽ có ít nhất 2 đồng đội tiến lại gần tạo tam giác phối hợp.
Thành quả của Indonesia là cơ hội cực tốt ngay phút thứ 4, khi pha căng ngang khó chịu từ biên phải được Ronaldo dứt điểm một chạm thẳng tới vị trí của thủ môn Văn Bình, bóng ói ra khi thủ môn này ôm dính bất thành. Quả bắt bóng hụt này của Bình dường như đã dự báo một ngày mà thủ môn cả 2 đội sẽ làm việc cực kỳ flop. Hokky băng vào, nhưng trong một tình huống chỉ cần đá trúng là ăn, số 9 lại vung chân cực mạnh vào không khí.
Ấy lại là một vấn đề của Indonesia: tâm lý của các cầu thủ căng thẳng trên mức cần thiết một chút. Họ không đến mức bị ép tới mức phải vào bóng 2 chân liên tục như các đàn anh ở tuyển quốc gia mỗi khi đấu Việt Nam, nhưng cũng luôn trong tình trạng vội vàng, năm ăn năm thua ở mọi tình huống xử lý quyết định. Hoàn toàn không phải là điều kiện lý tưởng để xử lý chính xác.
Sân Gelora Bung Tomo lấp đầy 30.000 khán giả - một tác nhân tâm lý không hề nhỏ.
Sân Gelora Bung Tomo lấp đầy 30.000 khán giả - một tác nhân tâm lý không hề nhỏ.
Bên phía Việt Nam, sau khoảng 10 phút đầu chịu trận, phase của trận đấu đã đổi sang giai đoạn chủ động của đội khách. Không có một ý đồ chơi cố định, các học trò của HLV Đinh Thế Nam điều phối bóng theo từng tình huống, có thể là đá biên, cũng có khi trực diện tấn công bằng những cú sút xa, như tình huống phút 25, Khuất Văn Khang đá trúng người Thanh Nhàn đi ra ngoài. Nhân nói về Văn Khang, trong lối chơi không có ý đồ ‘’cứng’’ như của thầy Nam, một nhân tố chơi đột biến, kỹ thuật và có nhãn quan tốt như Khang chính là trái tim, là huyết mạch của đội bóng.
Văn Khang quá hay, xứng đáng với tấm băng đội trưởng.
Văn Khang quá hay, xứng đáng với tấm băng đội trưởng.
Cách chơi linh hoạt này vừa là lợi thế, vừa là bất lợi của đội tuyển Việt Nam. Đội bóng áo trắng không dễ bị bắt bài, đó tất nhiên là điểm cộng lớn. Nhưng điểm trừ là khi các pha tấn công thiếu một khuôn mẫu chung, các cầu thủ đôi khi lúng túng khi ra quyết định, dẫn tới xử lý chậm nhịp, xử lý hỏng - thứ mà chúng ta sẽ được chứng kiến trong những phút thi đấu cuối cùng.
Tỷ số 0-0 tồn tại ở hiệp 1 là kết quả hợp lý với cách chơi của 2 đội: Indonesia có phần sắc sảo hơn khi triển khai bóng nhưng ít khi tiến được tới 1 phần 3 cuối sân, Việt Nam chơi linh hoạt nhưng không tạo được đủ đột biến để đánh bại hàng thủ đối diện.
Hiệp 2, quyết định thay người của HLV Shin thay đổi căn bản thế cục.
Nhiều CĐV Việt Nam comment ''thầy Nam không so được với thầy Hàn'', riêng trận này thì phải thừa nhận như vậy.
Nhiều CĐV Việt Nam comment ''thầy Nam không so được với thầy Hàn'', riêng trận này thì phải thừa nhận như vậy.
Ronaldo rời sân, nhường chỗ cho tiền vệ tấn công Marselino Ferdinand. Indonesia không còn chơi 2 cắm, tập trung bóng nhiều hơn cho cầu thủ sáng tạo mang áo số 7 để anh này nhanh chóng tung ra những đường chuyền quyết định thẳng hướng khung thành cho Hokky hay các cầu thủ cánh bó vào nhanh chóng thâm nhập vùng nguy hiểm.
Đấy là mô tả về bài đánh chủ lực của Indo, còn trước hết, về phần triển khai phối hợp, giữ trái bóng trong chân, họ vẫn tiếp tục làm rất tốt, có thể còn tốt hơn cả hiệp 1 (Marselino ở trên sân - thêm 1 người ở trung tuyến). Bàn mở tỷ số là minh chứng không hề rõ nét hơn: những cầu thủ lứa U20 không vội vàng dứt điểm hay tạt bóng ngay dù đã cầm bóng sát vòng cấm, vẫn bình tĩnh chuyền bóng ngắn qua lại, trước khi Marselino xử lý gọn gàng và đẳng cấp - một nhịp lừa, một nhịp sút. Uy lực và uyển chuyển trong cùng một cử động.
Marselino Ferdinand - biểu tượng kỹ thuật của bóng đá trẻ Xứ Vạn đảo
Marselino Ferdinand - biểu tượng kỹ thuật của bóng đá trẻ Xứ Vạn đảo
Nói thêm về pha lập công của Marselino, pha bóng ấy gợi nhắc tới cái cách tiền đạo U16 Indo, Rizky đã ghi bàn vào lưới U16 Việt Nam ở giải Đông Nam Á hồi tháng 8. Cũng là xử lý bóng gọn gàng, dứt điểm quyết đoán và hiểm hóc, kỹ thuật cá nhân ở mức độ sách giáo khoa.
Những pha bóng ấy cho thấy những thế hệ cầu thủ trẻ Indonesia đang tiến bộ nhanh chóng đến thế nào về mặt kỹ thuật - một tốc độ phát triển nhanh hơn đáng kể so sánh với Việt Nam hay Thái Lan, ít nhất từ những gì chúng ta thấy các đội làm được trên sân. Mà chưa cần đến những pha làm bàn world-class, chỉ cần nhìn ngay vào những pha bước một + xử lý bay bướm của các chàng trai áo đỏ trận này – Cruyff turn, đỡ vê bóng gầm giày kiểu futsal, croqueta (tất nhiên cũng có nhiều quả rườm rà), đủ thấy họ tự tin đến thế nào vào cảm giác bóng trên đôi chân của mình. Cũng phải nói lại rằng U20 Việt Nam trận này thể hiện không hề thua kém về mặt kỹ thuật, song điều đang được nhấn mạnh là so với những thế hệ trước giai đoạn đầu tư chuẩn bị cho U20 World Cup, U20 Indo đã thật sự tiến bộ rất nhanh. Chúng ta thì không có tốc độ ấy.
Trở lại với diễn biến của trận đấu, sau bàn mở tỷ số, HLV Shin Tae Yong rút ra một cuốn sổ. Không biết ông đã ghi chép điều gì, nhưng rõ ràng đã có những sai lầm trong tính toán của Mourinho châu Á.
Thay vì chỉ đạo các học trò chơi thấp hơn để chờ đợi những cơ hội phản công, nhà cầm quân người Hàn Quốc vẫn duy trì một đội hình dâng cao, cố gắng bóp nghẹt đối thủ ngay phần sân bên kia. Ông Shin quên mất 2 điều: Một là hàng phòng ngự của ông có tính tổ chức thấp hơn rất nhiều so với khả năng kỹ thuật của các cầu thủ tuyến trên, và hai, bên phía Việt Nam có những người con người đủ khả năng xuyên phá vào lớp lá chắn mong manh đó.
U20 Việt Nam có 2 bàn thắng xứng đáng, đó đều là các tình huống hàng thủ Indonesia làm không tốt.
U20 Việt Nam có 2 bàn thắng xứng đáng, đó đều là các tình huống hàng thủ Indonesia làm không tốt.
2 bàn thắng của Việt Nam, Khuất Văn Khang đột phá bên cánh phải, Anh Tú đột phá bên cánh trái, đều thu hút được mọi sự chú ý của các trung vệ Indo trước khi đưa bóng vào phía trong mở ra cơ hội. Đặc biệt là ở bàn thua thứ 2, cầu thủ ghi bàn Xuân Tiến băng lên từ giữa sân mà thậm chí không có tiền vệ nào của Indo theo về, phó mặc cho 3 hậu vệ đã bị kéo hết về biên hoàn toàn không có khả năng chống đỡ.
2-1, khán đài Gelora Bung Tomo dường như đã dự cảm về một thất bại nữa của bóng đá Indo trước Việt Nam. Nhưng cuối cùng, những tính toán sai lầm của HLV Đinh Thế Nam và sai lầm của đội bóng áo trắng lại hoàn trả 3 điểm cho chủ nhà.
Quả đá phạt góc dẫn đến cú đánh đầu cân bằng tỷ số của trung vệ đội trưởng Ferrari rõ ràng là bước ngoặt cốt yếu. Cán cân kết quả và tâm lý từ chỗ nghiêng về Việt Nam, nay lại được kéo về phía Indo. Pha bóng vô cùng tắc trách: 3 cầu thủ áo trắng ở vị trí phải ngăn chặn tình huống đó, nhưng chỉ bằng một nhịp di chuyển lùi đơn giản, Ferrari dường như đã tàng hình trong tầm mắt của họ, rồi thoải mái bật lên đánh đầu không áp lực.
Ai là người kèm Ferrari???
Ai là người kèm Ferrari???
Bị gỡ hòa (và sau đó là bị dẫn trước), Việt Nam bắt đầu bộc lộ những hạn chế trong lối chơi tấn công của mình. Không có một bài miếng cụ thể, đội khách chỉ có thể đưa trái bóng tới chân của Khuất Văn Khang hay đợi các hậu vệ biên leo lên, nhưng gánh nặng thể lực đã bào mòn độ dẻo dai, sức sáng tạo và độ chính xác của họ.
Việt Nam không còn tạo được cơ hội ăn bàn. Chẳng những vậy, họ còn phải hứng chịu những đợt phản công hơn người rõ ràng của Indo - chỉ được cứu bởi sự vội vàng, thiếu chính xác chuyền hỏng của chủ nhà. Ngoài ra, đội bóng của HLV Nam liên tục bị Hokky và đồng đội pressing quyết liệt ngay từ khu cấm địa, không thể triển khai bóng ngắn.
Không thể triển khai bóng. Chắc chắn đó là trách nhiệm của ông Đinh Thế Nam.
Tại sao không chỉ đạo học trò đá bóng dài, hay nói đúng hơn, tại sao không chuẩn bị những bài miếng bóng dài trên sân tập? Phút cuối cùng của trận đấu, thủ môn Văn Bình còn thả bóng trước khung thành, tìm hậu vệ để phối hợp. Đó không phải cách mà một đội bóng bị dẫn trước ở phút cuối cùng nên chơi.
Cao Văn Bình có một ngày thi đấu không tốt.
Cao Văn Bình có một ngày thi đấu không tốt.
Thêm một vấn đề nữa là các quyết định thay người. Trong khi ông Shin thay 3 người vào sân sau khi tỷ số là 1-1, ông Nam chỉ tung số 5 và số 6 vào sân khi thời gian bù giờ đã điểm. Dùng số áo để nói về 2 cá nhân này, bởi họ còn chẳng thể hiện được gì với ít ỏi thời lượng còn lại. Nếu thực sự chúng ta không đủ người để thay như Indonesia, thì tương lai của đội bóng trẻ này xem chừng đáng quan ngại.
Bàn thua thứ 3, tất nhiên là một sai lầm cá nhân của thủ môn Cao Văn Bình. Nhưng nhát kiếm đoạt mạng ấy cũng là hệ quả của những quyết định sai lầm từ băng ghế chỉ đạo cho đến trên sân của đội tuyển Việt Nam, cộng thêm một chút thiếu may mắn.
Tổng kết lại, đây là một trận đấu hay với chất lượng chuyên môn đầy hứa hẹn, đặc biệt cho bóng đá Indonesia.
Điều quan trọng nhất không phải là chiến thắng, mà là cách mà các học trò của ông Shin đã chơi. Thể hình, thể lực tốt, đấu pháp rõ ràng, khả năng tuân thủ tốt kèm thêm sự linh hoạt đúng mức, những nét chấm phá như các quả ném biên phong cách Rory Delap của số 14 hay kỹ thuật xử lý của Marselino.
Hẳn nhiên, không phải tất cả mọi thành tố đều đã hứa hẹn. Tỷ suất chyền hỏng của Indo ở mức rất cao, đặc biệt trong những tình huống mở biên tấn công hay chọc khe.
Đó là một chút hạn chế tư duy của cầu thủ: quá háo hức muốn tung ra những đường killer pass dù cơ hội chưa rõ ràng, hoặc suy nghĩ quá nhiều khi ra quyết định. Với cái cách các cổ động viên Indo kéo đến kín sân mỗi trận U16, U20 gặp Việt Nam, và những màn ăn mừng cuồng nhiệt kéo quốc kỳ trên băng ghế huấn luyện – khi đối thủ, xin nhắc lại, là Việt Nam (!), nền bóng đá này sẽ còn một chặng đường dài về tư duy và tâm lý cần cải thiện để hướng đến U20 World Cup năm tới.
Một góc nhìn tương tự có thể áp dụng cho thầy trò ông Đinh Thế Nam.
Thua trận, tấm vé đi tiếp đến vòng chung kết châu Á năm sau vẫn là của chúng ta. Nhưng những bài học đã có từ Gelora Bung Tomo, về bổ sung bài miếng chiến thuật, về cải thiện sự tập trung và khắc phục các sai lầm cá nhân sẽ cần được thấm nhuần.
Và thêm một hy vọng nhỏ là với đợt tập trung đội tuyển quốc gia tới đây, ngôi sao đang lên Khuất Văn Khang sẽ có những cơ hội hoàn thiện mình, tiếp tục gánh vác vai trò đầu đàn cho một thế hệ cầu thủ tiếp theo của dải đất hình chữ S.