Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.
Ngày 02 tháng 09 năm 1945 - một ngày có lẽ là hạnh phúc nhất đối với trái tim mỗi con người Việt Nam...
Sáng ngày 26 tháng 08 năm 1945, tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, Hà Nội, chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, quyết định viết Tuyên ngôn độc lập và tổ chức mít tinh để Chính phủ lâm thời ra mắt nhân dân. Sau hai ngày 30 và 31 tháng 08 năm 1945, chỉnh sửa và bổ sung hoàn thiện bản dự thảo Tuyên ngôn độc lập, đến ngày 02 tháng 09 năm 1945, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Bác Hồ đã chọn cách làm khác so với các vua, chúa Việt Nam trước đây, Bác trực tiếp đọc bản Tuyên ngôn mà không cần thông qua bất kì bên trung gian nào. Quảng trường Ba Đình là nơi rộng rãi, không bị các chướng ngại vật che khuất tầm nhìn, nhằm đủ chỗ chứa lượng khán thính giả càng nhiều càng tốt. Điều đặc biệt là ngày 02 tháng 09 còn là ngày "Lễ hội những người tử vì đạo Việt Nam" của đồng bào Công giáo, tưởng niệm những người Công giáo đã chết, nên hôm đó ở các nhà thờ tại thủ đô Hà Nội ngập tràn người tham dự thánh lễ. Có thể thấy rằng, việc lựa chọn ngày 02 tháng 09 của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhằm kết nối chính quyền mới với Giáo hội Thiên Chúa giáo, các linh mục sau buổi lễ đã cùng các giáo dân hướng về Quãng trường Ba Đình để tham dự buổi lễ, và những nhà sư ở các ngôi chùa lân cận cũng như thế. Các giáo viên với còi, loa dẫn đầu đám trẻ con hát những bài ca cách mạng. Những chàng thanh niên đặc biệt với những lá quốc kì đỏ rực tương phản cùng với những chiếc áo dài trắng tinh khôi của những cô thiếu nữ.
Sân khấu được làm một cách vội vã bằng gỗ, trang trí bằng lớp vải trắng và đỏ, do đó hầu hết khán thính giả có thể thấy hết tất cả những vị lãnh đạo mới của mình. Hàng chục ngàn người Việt Nam đi thành từng hàng băng qua đại lộ Brière-de-l’Isle để tiến vào quảng trường, đám đông nhưng lại vô cùng trật tự và không hề có hành vi gây rối nào. Đội quan danh dự của Quân giải phóng đảm bảo khán giả không thể tới gần khán đài trong phạm vi 20 mét, những công nhân, những sinh viên có vũ trang được xếp vào góc của những khu vườn cây, đồng thời đơn vị tự vệ luôn cảnh giác trước bất kỳ sự quấy rối nào từ Thành Hà Nội - nơi quân Pháp vẫn còn bị Nhật giam giữ. Lính Nhật ở Phủ Toàn quyền đã thiết lập nhiều khẩu súng máy chĩa về hướng quảng trường, khiến chính phủ ta phải dựng lên một bức màn người dân quân tự vệ với chỉ thị thà chết còn hơn rút lui.
Theo kế hoạch, chương trình sẽ được bắt đầu vào lúc 2 giờ chiều. Tuy nhiên, chiếc xe hơi chở các thành viên trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã đến trễ 25 phút do phải đi xuyên qua các đám đông. Bác Hồ dẫn đầu bước nhanh lên khán đài, khác xa với sự mong chờ của mọi người, người cầm quyền sẽ phải đi với một phong thái từ tốn và trang nghiêm. Bác cố ý chọn mặc cho mình một bộ đồ kaki phai màu với cổ cao và chân mang đôi dép cao su màu trắng.
Sau lễ chào cờ và hát quốc ca, Bác Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Nội vụ lúc bấy giờ, giới thiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, đâu đó xa xa vang lên tiếng hô vang dội, "Độc lập! Độc lập!". Bác vẫy tay trước sự hò reo của mọi người và đoạn nâng hai bàn tay lên, ra hiệu cho mọi người im lặng. Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu đọc bản Tuyên ngôn độc lập - khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Bản Tuyên ngôn độc lập bao gồm 3 phần: cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và lời tuyên ngôn độc lập. Cơ sở pháp lý mà Bác nêu ra cho bản Tuyên ngôn độc lập của mình chính là bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1791. Trong bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ, có đoạn trích: "Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được: trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng có nói: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi". Bác tôn trọng và sử dụng hai bản tuyên ngôn có giá trị và được thế giới công nhận để làm cơ sở pháp lý không thể chối cãi cho bản Tuyên ngôn độc lập của mình. Bác đặt ngang hàng cuộc cách mạng, giá trị bản tuyên ngôn của nước ta với hai cường quốc Mỹ và Pháp. Bằng những lập luận chặt chẽ, sáng tạo từ quyền con người (tự do, bình đẳng, quyền mưu cầu hạnh phúc), "suy rộng ra" là quyền tự do bình đẳng của mọi dân tộc trên thế giới. Trong bản Tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ cơ sở thực tiễn của mình, vạch trần bản chất công cuộc "khai hoá" của thực dân Pháp: chúng thi hành nhiều chính sách dã man về chính trị, văn hoá - xã hội - giáo dục và kinh tế.
Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hoà vào ngày 02 tháng 09 năm 1945
Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hoà vào ngày 02 tháng 09 năm 1945
"Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.
Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.
Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.
Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược...
Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.
Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.
Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng.
Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn...". Bác vạch trần công cuộc "bảo hộ" của thực dân Pháp: hai lần bán nước cho Nhật (năm 1940, 1945). "Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng Minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật". "Ngày 09 tháng 03 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng"; khiến cho "hơn 2 triệu đồng bào ta bị chết đói"... Bác cũng chỉ rõ luận điệu xảo trá, lên án tội ác của chúng: lả kẻ phản bội Đồng minh, không hợp tác với Việt Minh mà còn thẳng tay khủng bố Việt Minh,... biết bao lần Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng lại mà còn thẳng tay khủng bố Việt Minh hơn nữa.
Bác dẫn chứng luôn cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta: nhân dân ta đã chống ách nô lệ hơn 80 năm, đứng về phía Đồng Minh chống phát xít, kêu gọi Pháp chống Nhật, lấy lại nước từ tay Nhật. Nhân dân ta cùng lúc đã phá tan 3 xiềng xích (Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị), thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. "Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chú không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng Minh, nhân dân cả nước nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Sự thật là dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp. Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hoà".
Từ những cơ sở pháp lý và thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố thoát ly hẳn với thực dân Pháp, xoá bỏ mọi hiệp ước đã kí kết, mọi đặc quyền của Pháp tại Việt Nam. "Bởi thế cho nên, chúng tôi, lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”. Dựa vào điều khoản quy định về nguyên tắc dân tộc bình đẳng tại Hội nghị Tehran và Cựu Kim Sơn để kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. "Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Tehran và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam. Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.
Bác tuyên bố với thế giới về nền độc lập của dân tộc Việt Nam, thể hiện quyết tâm đoàn kết giữ vững chủ quyền, nền độc lập, tự do của dân tộc bằng những lời văn đanh thép, rõ ràng như một lời thề cũng như một lời khích lệ tinh thần yêu nước nhân dân cả nước. “Vì những lẽ trên, chúng tôi, lâm thời chính phủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Kết thúc bản Tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu từng Bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời với quần chúng nhân dân và làm lễ tuyên thệ nhậm chức. Lần lượt các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, và Nguyễn Lương Bằng phát biểu trước nhân dân. Cuối cùng, trước khi kết thúc buổi lễ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: "Chúng ta sẽ phải trải qua nhiều khốn khó và đau khổ hơn nhiều. Đồng bào phải ủng hộ chính quyền, để sau này có thêm nhiều buổi ăn mừng và thắng lợi!".
Bản Tuyên ngôn độc lập đóng vai trò hết sức quan trọng, là biểu tượng cho việc chấm dứt sự cai trị của các thế lực xâm lược ở Việt Nam, đưa người nghe vào một thế giới quan kịch tính, một lịch sử cô đặc, những khẳng định táo bạo, những cụm từ sinh động, và đầy những hình tượng đầy cảm xúc. Bác Hồ cũng đoán trước rằng Pháp sẽ quay lại và Mỹ sẽ can thiệp vào Việt Nam. Bản Tuyên ngôn đánh bật được các giá trị bình đẳng giữa các quốc gia, các quyền cơ bản của con người và dân tộc, quyền tự quyết dân tộc và quyền độc lập, tự chủ của mỗi quốc gia. Nó đã tố cáo và lên án những tội ác man rợ của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam. Khẳng định, Việt Nam - một nước thuộc phe Đồng minh trong Chiến tranh thế giới thứ hai - giành được độc lập sau khi chiến thắng phát xít Nhật và thực dân Pháp. Khẳng định đầy đủ cơ sở pháp lý rằng dân tộc Việt Nam có quyền hưởng độc lập, tự do, Việt Nam là một nước tự do và độc lập, không lệ thuộc bất kỳ quốc gia nào, nhân dân Việt Nam sẽ quyết tâm giữ vững nền độc lập, tự chủ bằng mọi giá.
Buổi lễ kết thúc bằng việc đoàn người ra phố diễu hành, giải tán ở hồ Hoàn Kiếm, mọi người gia nhập vào bầu không khí vui mừng chung cho đến giờ giới nghiêm...