Xin chào, mình là Tiên!
Dạo gần đây, mình có một suy nghĩ.
Nguồn cơn của suy nghĩ này cũng không quá phức tạp. Chỉ là trong trường mình năm nay xuất hiện một trường hợp chưa hề có tiền lệ. Nó như thế này: 
Khối 10 của trường mình có một dãy nhà riêng, là dãy D. Tầng 1 sẽ có 1 phòng học cho 1 lớp (lớp mình), tầng 2 là tầng thư viện, tầng 3 sẽ có 4 lớp và tầng 4 sẽ có 4 lớp.
Các lớp vẫn học rất bình thường, cho đến một ngày...
Có một bạn học lớp 10 Toán (Tầng 4) bị gãy chân. Một lần, thầy hiệu trưởng gặp bố của bạn đó mang cơm vào cho bạn buổi trưa vì bạn không về nhà được. Và thế là thầy quyết định đổi phòng học lớp mình (10 Anh - tầng 1) với 10 Toán. Bọn mình đồng ý, dù gì thì cũng là tinh thần tương thân tương ái. Hai tháng trôi qua, chân bạn kia đã lành, và vào giờ chào cờ đầu tuần vừa rồi, thầy đã thông báo tuần sau 2 lớp sẽ về lại phòng học cũ.
 Và đây là lúc rắc rối xuất hiện. Lớp 10 Sinh (tầng 3) ngay ngày hôm đó có một bạn bị gãy chân. Nếu như là những năm trước, thì chắc chắn vẫn không có gì xảy ra cả, nhưng năm nay vì đã có vụ đổi phòng học như trên, nên lớp Sinh cũng yêu cầu được đổi. Vậy là lớp mình chưa kịp về phòng học cũ, đã phải lật đật đi đổi phòng với lớp Sinh. Cũng là vì tinh thần tương thân tương ái.
Chuyện này nghe qua thì rất là bình thường, vì nhà trường chỉ muốn tạo điều kiện giúp đỡ học sinh thôi. Nhưng liệu đã có ai đặt ra câu hỏi, "Sẽ như thế nào nếu có 2 lớp cùng có bạn gãy chân cùng một lúc?" Dãy nhà này của trường mình chỉ có phòng học của lớp mình nằm ở tầng 1, các phòng còn lại không dùng để dạy học. Có 2 bạn đến từ 2 lớp khác nhau cùng gãy chân. Vậy thì lớp nào sẽ được nhường?

Và đây là lúc mình thấy bất hợp lí...

Đồng ý là lúc hoạn nạn phải biết giúp đỡ nhau, nhưng bản thân mình thấy rằng vì một người bị nạn mà cả hệ thống phải bị thay đổi là bất hợp lí. Không lẽ cả năm hàng trăm con người, chưa kể thầy cô giáo giảng dạy, cứ phải vì các bạn bị tai nạn ngoài ý muốn mà đổi lớp? Không chỉ dừng lại tại đó, một lần chuyển lớp không phải là dễ dàng. Cứ mỗi lần chuyển lớp thì sẽ phải chuyển luôn địa điểm trực nhật, vị trí phòng thay đổi thì thầy cô cũng phải mất công đi tìm lớp mới. Chưa bàn đến là cơ sở vật chất mỗi lớp mỗi khác, nếu trong quá trình chuyển đổi gặp sự cố, hay mất mát thì làm thế nào để giải quyết?
Chuyện thứ hai, phải công nhận rằng bệnh tật là chuyện chẳng ai mong muốn cả, nhưng nếu đã lỡ xảy ra như thế, thì tinh thần vượt khó của các bạn đâu hết rồi? Bạn bè hơn 30 con người một lớp và gia đình của bạn đâu? Báo đài từ trước đến nay đã đưa tin rất nhiều về những hoàn cảnh gặp khó khăn, và cách người ta tự vươn lên trong nghịch cảnh. Ai cũng có khó khăn riêng của bản thân, nhưng phải thừa nhận một điều rằng chỉ có bản thân mình mới có thể giải quyết được. Và phương án nhờ sự giúp đỡ từ xã hội hay những người xung quanh chỉ là tạm bợ mà thôi.

Một vấn đề lớn hơn...

Từ câu chuyện chuyển lớp trên, mình bắt đầu có một suy nghĩ sâu hơn đến nền giáo dục. 
Trường mình đang theo học là trường chuyên của tỉnh, nơi mà thu hút nhiều những nhân tài cho tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Học sinh trường chuyên thì thường được xem như những con người học giỏi, tự tin, năng động. Mình khoan bàn đến chuyện bao nhiêu phần trăm học sinh trường chuyên được như thế mà cứ cho là 100% đều như vậy đi. Không khó để hiểu rằng những học sinh này đang là niềm hy vọng của tỉnh nhà. Vậy thì tại sao mới có một chút khó khăn nhỏ như thế đã phải cần sự giúp đỡ của xã hội? 
Không chỉ như thế, mình, từ sự việc trên, mình cho rằng Nhà trường cũng đang bảo bọc và đề cao học sinh thái quá. Các bạn học sinh bây giờ, ở nhà được bố mẹ chở che, lên trường được nhà trường bảo vệ, thầy cô thì nhẹ nhàng, không dám to tiếng. Như vậy liệu có phải là nên hay không?
Mình không hướng đến nền giáo dục là phải bắt ép con người ta làm cái này, không được làm cái kia hay tư duy theo khuôn mẫu. Nhưng theo mình thấy, nền giáo dục quá đề cao học sinh cũng không hẳn là tốt. Trên báo đài và phương tiện thông tin đại chúng đã từng đưa tin không ít vụ việc bạo hành giữa giáo viên và học sinh. Nguyên nhân có là từ học sinh hay giáo viên thì rồi rốt cuộc giáo viên vẫn là người chịu trận trước dư luận đầu tiên. Dần dần, nó khiến các thầy cô giáo không còn nhiệt huyết như trước, mà cứ sợ mình sẽ bị điều tiếng. Và cuối cùng, là dè chừng học sinh. Học sinh, theo mình nghĩ, hiện tại đang ngồi lên đầu lên cổ nhà trường mất rồi. Và điều này có thể dẫn đến những hậu quả tai hại.
Hậu quả đầu tiên là khiến cho các thầy cô giáo không còn có sự tôn trọng như trước. Khi mà học sinh đã không còn tôn trọng giáo viên, thì tức là giáo viên đã thất bại trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh. "Tiên học lễ, hậu học văn". Nếu đã không dạy được "Lễ", thì làm sao dạy được "Văn"?
Hậu quả thứ hai, khiến các học sinh phụ thuộc vào sự tương trợ của xã hội, chứ không tìm cách để vươn lên. Bố mẹ mình hay bảo với mình rằng đa số các bạn học sinh (tầm tuổi mình) không còn như hồi trước. Các bạn bị phụ thuộc rất nhiều vào gia đình và bị động trước những tình huống đơn giản trong đời sống (nấu cơm, giặt giũ,...). Mình cho rằng không phải tất cả đều như thế. Nhưng, đúng là có. 
Mình không cho rằng nền giáo dục là nguyên nhân duy nhất dẫn đến việc trên. Nhưng mình nghĩ chính nền giáo dục là nguyên nhân lớn nhất. Vì 2 từ GIÁO - DỤC có nghĩa là truyền đạt lại những kinh nghiệm, tri thức và kĩ năng. Lấy đó ra để so sánh với tình hình bây giờ, thì rõ ràng là nền giáo dục đang thất bại ở phần kĩ năng và kinh nghiệm. Đã không truyền đạt lại kỹ năng được, lại còn trực tiếp/ gián tiếp bảo bọc học sinh. Mình cho rằng điều này là sai lầm của nền giáo dục. 

Tổng kết lại...

Mình xin phép được tóm gọn lại như thế này: Nhà trường vì sợ học sinh -> Bảo bọc và đề cao học sinh thái quá -> Học sinh đâm ra dựa dẫm và nhà trường và xã hội. 
Tuy nhiên, nói gì thì nói, không phải nơi nào cũng như thế. Bài viết này ban đầu xuất phát từ một tình huống diễn ra trong trường mình, và chuyện đó khiến mình cảm thấy đáng suy ngẫm. Nói như thế, không có nghĩa là mọi trường trên đất nước đều như thế. Nhưng mình chỉ nghĩ, nếu như chúng ta có thể thực hiện được các biện pháp để làm môi trường giáo dục được bình đẳng giữa giáo viên - học sinh và giúp học sinh học thêm được những kĩ năng để tự tồn tại, thì lúc đó nền giáo dục mới thành công được.