Tưởng rằng đã quên
Dạo gần đây, tôi thường mơ thấy nhà ngoại và ông nội. Nhà ngoại khi đó không phải là cái ngôi nhà khang trang như bây giờ, mà là ngôi...
Dạo gần đây, tôi thường mơ thấy nhà ngoại và ông nội.
Nhà ngoại khi đó không phải là cái ngôi nhà khang trang như bây giờ, mà là ngôi nhà cũ với những vệt nước mưa qua ngày tháng vẽ thành những lớp vằn vện kì lạ trên tường, ngôi nhà với những bậc tam cấp lên xuống thất thường vì đổ đất không bằng phẳng, ngôi nhà với cái giếng xanh phủ rêu mà mỗi khi cần lấy nước phải dùng ròng rọc kéo dây thừng, mùa mưa nước đầy mùa khô nước vơi, mà dì hay la tôi mỗi khi tôi nhìn xuống giếng.
Ngôi nhà với những chiếc xô nhôm mỏng dùng để hứng nước mưa nghe tỏng tỏng mà mỗi khi tắm tôi thường ngồi lọt thỏm vào. Tôi nhớ có một buổi sáng mình vùng vằng không chịu đi học mẫu giáo bằng cách ngồi vào đó cho ướt hết quần áo.
Ngôi nhà có mấy cái thau đồng mà các dì vẫn hay giặt đồ bằng tay nghe sột soạt.
Một gian bếp đất mà có mùa thì đổ bánh tráng, có năm thì nấu mì Quảng bán buổi sáng, có những cái xiên kim loại để nướng bò lá lốt bán nhậu buổi tối và có cả những bộ bàn ghế nhựa lồi lõm trên mặt vì cháy lửa bếp than.
Tôi nhớ lúc đó tôi rất thích nhà bếp, nơi các dì hay nấu ăn, có một cái gác-măng-giê bằng gỗ.
Gần cái giếng có một gốc cây dừa rất to bị chặt từ lâu, nơi đặt một chậu sống đời đỏ mà tôi thường hay ngắt hoa và lá, cũng hay thảy vào những hạt đậu xanh để thấy chúng mọc thành cây giá nhỏ.
Ngôi nhà mà các dì thường phải chạy ra lấy quần áo từ dây kẽm phơi đồ vào mỗi khi trời sắp mưa, và ngồi nói chuyện rôm rả với nhau người nấu ăn người giặt đồ vào những buồi chiều mát trời.
Trong kí ức của tôi, đó là một nơi khá tăm tối do thiếu ánh sáng đèn điện, đồ đạc trông cũng tạm bợ, nhưng lại là một thế giới tuyệt vời của những thí nghiệm trẻ thơ.
Tôi chưa từng thấy cảm thấy mình nghèo, hay thiếu thốn gì cả, vì các dì luôn dành cho tôi mọi thứ.
Cảm giác về cái nghèo, nếu có, là những phút giây tôi nghe loáng thoáng các dì cãi nhau rất ghê gớm về chuyện tiền nong. Rồi tôi thấy dì Hà dọn dẹp đồ như chuẩn bị đi đâu xa. Lúc ấy tôi thường ngồi một mình dưới phảng của ông ngoại và khóc, và rủa xả cái nghèo.
Cái gầm phảng gỗ lim của ông ngoại cứ như một nơi chốn mà tôi thường chui vào để khóc, khiến dì Nga cứ phải gọi ra. Tôi nhớ vào năm 1999, hình như mình cũng chui vào đấy và khóc một trận lâu lắm, khi nghe loáng thoáng là dì Lan bị đụng xe. Tôi nhớ lúc ấy không ai gọi tôi ra cho khỏi muỗi cắn cả. Ngồi dưới ấy, tôi chỉ thấy những cái chân tất tưởi chạy ra chạy vào, chỉ nghe giọng mấy dì la hét nhau í ới, khiến lòng tôi càng giận dỗi sao chẳng ai nhớ tới tôi. Rồi chừng như sực nhớ ra, dì Nga mới hỏi “Thằng Tuân đâu?”. Tôi nhớ tôi đã cố khóc to lên một chút để dì nghe thấy tôi và kéo tôi ra khỏi cái gầm phảng đó. Và dì thấy tôi thật, đang ngồi khóc dưới phảng, lúc kéo tôi ra, miệng tôi còn lảm nhảm “dì Lan chết rồi! dì Lan chết rồi!”. Dì Huệ cười bảo “chết đâu mà chết, dì Lan vô bệnh viện chút thôi rồi về liền".
Chiều hôm đó, tôi nhớ hình như chị hai bảo tôi đi với chị xuống thăm dì Lan. Đến bệnh viện, hai chúng tôi không được vào phòng. Chị tôi và tôi phải đứng ngoài cố rướn người nhìn qua cái khung cửa sổ vuông nhỏ ở tít trên cao. Chị tôi nhìn thấy, xong ẵm tôi lên cho tôi xem. Tôi chẳng thấy rõ cái gì với cái gì cả, nhưng chẳng hiểu sao khi chị tôi hỏi có thấy dì Lan không? Tôi vẫn cứ gật gật đầu bảo thấy.
Tối hôm ấy, dì Lan được về nhà thật. Khi tôi ở nhà tôi qua nhà ngoại (nhà tôi cách nhà ngoại 5 phút đi bộ), thì má bảo đến gặp dì. Dì nằm trên một chiếc giường nhỏ phủ vải trắng, trùm chăn cũng màu trắng luôn, xung quanh và trên bụng dì là những bông hoa giả. Giữa khung cảnh ánh nến sáng ấy, dì tôi nằm nhắm mắt, được trang điểm. Má nói “dì Lan đang ngủ đấy!”, tôi dạ.
Hình như đó là lần đầu tiên tôi trải qua một đám tang trong đời, và hình như tôi cũng không khóc. Mãi đến sau này khi ý thức rõ ràng hơn về sự mất mát, tôi mới hiểu mình sẽ không còn gặp lại những người chết.
Tôi nhớ cả những ngày nhà ngoại bán đồ nhậu, quán rất đông khách vì bán rất ngon mà lại rẻ. Bốn bà dì tôi và má đã cùng lo nấu ăn, chạy bàn… Rồi những khi khách đánh lộn, các dì lo kéo cửa lại vì sợ bọn họ xông vào nhà, nhà thì toàn đàn bà con gái không (Tôi có 5 dì, dì Lan mất, còn 4 dì thì nay đã gần năm mươi, sáu mươi. Tất cả đều ở giá).
Được một thời gian thì quán nhậu đóng cửa, tôi vẫn chưa hỏi có phải là vì lỗ vốn hay không? Chỉ biết mỗi lần hỏi lại dì Hương, dì thường bảo bán hàng ăn mệt lắm. Dì Nga cũng kể những ngày đó thức đến 12 giờ đêm để cọ rửa mấy cái vỉ nướng.
Rồi nhà ngoại tôi lại mở quán mì Quảng và bún bò Huế buổi sáng, khách cũng đến ăn rất đông, nhưng hình như một mùa nào đó đi qua, quán cũng đóng cửa.
Cứ thế, những hàng ăn cứ mở ra rồi đóng cửa trên một chặng đường dài mỏi mệt của sinh nhai.
Tôi chẳng nhớ gì nhiều cả, vì chẳng có đau khổ gì thật bức thiết để giúp tôi ghi nhớ chúng. Tôi được ăn no, ngủ ngon và đi chơi thỏa thích.
Dưới mái nhà ấy, những đêm mưa, những ngày hè, bốn người dì của tôi đã kiên trì trải qua với một niềm tin về một ngày mai sửa lại nhà, lợp lại mái, và bắt thêm ánh đèn cho sáng nhà sáng cửa. Những hình ảnh của ký ức tưởng chừng đã vĩnh viễn đi vào quên lãng, bỗng hôm nay lại ùa về trong một giấc chiêm bao.
Giờ đây khi nhớ lại giấc mơ của mình, tôi tự hỏi giữa cái khung cảnh màu gỗ ảm đạm mơ hồ niềm tin vui ấy, mình đã ở đâu và làm gì? Mình đã là một người con như thế nào, giúp đỡ được gì cho gia đình?
Dường như với má và các dì, việc có tôi trong nhà, tự nói vui về những dự định tương lai của mình đã là một niềm động viên to lớn. Vậy mà tôi hoàn toàn không biết điều đó. Tôi chẳng biết gì cả, và tôi chẳng nhớ gì nhiều, chính vì vậy mà ngày tháng trong kí ức của tôi đứt quãng và rơi rụng đi ít nhiều.
Nhưng cuộc sống thật kì lạ, những điều ta tưởng chừng đã quên lâu lại trở về trong những giấc ngủ trưa mà ít ai ngờ tới. Và tôi lại thấy mình trong đó thật, một đứa con biết lo nghĩ giùm ba má, biết đóng cửa cẩn thận đề phòng ăn trộm, biết rút quần áo vào mỗi khi trời mưa, và nhất là không ăn cắp tiền.
Tôi thức dậy và cố dùng ngôn từ để định hình lại những điều mơ hồ ấy. Tôi đã được nuôi lớn như thế, bởi những người phụ nữ độc thân mạnh mẽ. Tại sao năm trước tôi lại là một kẻ ưa càu nhàu và mới làm được một tí việc cỏn con đã lên mặt vậy nhỉ? Tôi lẽ ra phải làm nhiều hơn cho những người phụ nữ ấy, khiêm tốn hơn, rộng lượng hơn và tươi cười nhiều hơn với các dì như các dì ngày xưa vẫn luôn cười với tôi hiền hòa, kể cả trong những giờ phút bi quan nhất.
Tôi càng ăn năn hối lỗi hơn khi thấy hình ảnh ông nội tôi mơ hồ hiện ra ở cuối giấc mơ. Trong mơ, hình như tôi bị một đứa hút chích nào đấy đâm mũi kim tiêm vào cổ tay, tôi hoảng sợ nhờ ông dẫn đi khám bác sỹ, không dám cho nhà ngoại biết vì sợ nhà ngoại lo. Và ông đã dẫn tôi đi.
Giá như ngày ông còn sống tôi đã nói chuyện với ông nhiều hơn. Nhưng cuộc sống là thế, và con người muôn thuở thường là vậy, chỉ đến khi đã mất đi những điều gần gũi mới nhận ra là chúng quý giá biết bao!
25.03.15


Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất