Tác giả: Adam Frank
Để tồn tại tới một nghìn năm nữa, con người phải cứu lấy Trái Đất, sau đó là mạo hiểm vượt khỏi phạm vi của nó.
Ảnh: Anton Petrus / Getty Images
Ngày tận thế là một tương lai dễ hình dung.
Cuối cùng thì, chúng ta đang phải đối mặt với hiện tượng ấm lên toàn cầu, axit hóa đại dương cùng mối đe dọa tuyệt chủng hàng loạt và cạn kiệt tài nguyên trên diện rộng. Ý tưởng rằng nhân loại đã chạm tới đỉnh không phải một suy nghĩ bất thình lình, và nó đã sẵn sàng để được làm cho sáng rõ.
Nhưng khi nhìn nhận trên quan điểm tận thế ấy, bạn sẽ bỏ lỡ vài điều quan trọng. Có một con đường dẫn đến tuyệt vọng. Giữa bão táp và xung kích* là một tương lai rất khác. Để thấy được nó, tất cả những gì bạn cần làm là tìm kiếm nó. Tương lai của chúng ta nằm trong hệ Mặt Trời, và nếu mọi thứ đang đi đúng lộ trình, đó sẽ là nơi chúng ta hướng tới.
*Bão táp và xung kích (nguyên văn: Sturm and Drang) là trào lưu nghệ thuật nổi bật ở Đức vào thế kỉ XVIII và là một trong những trào lưu nghệ thuật nổi tiếng và quan trọng nhất của thời kì Khai sáng. Trào lưu này xuất hiện nhằm chống lại ảnh hưởng từ Pháp lên nền nghệ thuật của Đức lúc bấy giờ, mang khuynh hướng dân tộc Đức và tinh thần nhiệt tình, sôi nổi đúng như tên gọi. (Nguồn tham khảo: Wikipedia).
Biến đổi khí hậu chỉ là một khía cạnh của tổng thể rộng hơn nhiều - biến đổi cấp hành tinh. Mười nghìn năm trước, khi những tảng băng cuối cùng của thế Cánh Tân (Pleistocene) tan chảy, Trái Đất bước vào một kỉ nguyên địa chất mới — thế Toàn Tân (Holocene). Không khí, nước, đá và toàn bộ sự sống ở trạng thái ổn định, phần lớn là ấm áp và ẩm ướt (với lượng băng không quá nhiều). Giờ đây, hoạt động của loài người đã xô Trái Đất ra khỏi thế Toàn Tân và bước vào một thế địa chất mới — thế Nhân Sinh (Anthropocene) — nơi con người nắm quyền chi phối các chức năng của mọi hệ thống có trên hành tinh.
Sự ra đời của thế Nhân Sinh thường được mô tả như một trận chiến giữa hai thế lực chính trị đối lập: Cộng hòa với Dân chủ, lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường. Nhưng quan điểm mô tả này vẫn có lỗ hổng thiếu sót.
Trong 50 năm vừa qua, loài người đã khám phá ra hệ Mặt Trời và vạn vật thuộc nó. Những kiến thức mà ta có được sau tất cả những hành trình ấy cho thấy thế Nhân Sinh là một sự chuyển tiếp có thể dự đoán được. Khi một loài muốn xây dựng một nền văn minh dàn trải và tập trung nhiều năng lượng, thì những thay đổi ấy là tất yếu. Nhìn theo quan điểm thiên văn, thế Nhân Sinh là một kiểu hành tinh thiếu niên. Bạn không thể ngăn cản con bạn lớn thành một thiếu niên, mà thay vào đó, bạn chỉ có thể nuôi giữ niềm hi vọng rằng chúng sẽ đi đến bến bờ bên kia với tính trưởng thành, sự tri thông và lòng trắc ẩn. Trái Đất cũng giống vậy. Để tồn tại song song với biến đổi khí hậu, chúng ta cần phát triển mối quan hệ hợp tác mới với phần còn lại của sinh quyển và của hành tinh.
Có bằng chứng cho thấy điều này đã và đang diễn ra.
2019 là năm đánh dấu mốc kỉ niệm 50 năm kể từ khi Neil Armstrong lần đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng. Năm mươi năm sau cuộc bộ hành vĩ đại ấy, cuối cùng thì chúng ta cũng có những dấu hiệu cho thấy loài người sắp sửa nâng cao biên giới của mình một cách nghiêm túc. Từ các tỉ phú tên lửa cho đến những robot thám hiểm thiên thạch, một kịch bản tương lai mới đang thành hình. Tuyệt chủng có lẽ không phải câu chuyện của vài trăm năm nữa. Thay vào đó, thứ đang chờ đợi loài người có thể là một bộ phim truyền hình hoành tráng được công chiếu tại rất nhiều thế giới mới.
Cho đến tận đầu thế kỉ XXI, ai cũng biết rằng NASA đang bị khựng lại. Thay vì để các phi hành gia thực hiện các nhiệm vụ táo bạo ngoài hành tinh, cơ quan không gian này lại trở thành món đồ thế thân cho những ý tưởng bất chợt của nhiều chính quyền liên tiếp, do đó trở nên thiếu thốn và mất phương hướng. Vào năm 2011, trong giai đoạn cuối của chương trình tàu con thoi, NASA đã gửi các phi hành gia của mình quá giang trên các tên lửa của Nga.
Tiếp sau là phong trào “New Space”. Các doanh nghiệp tư nhân bắt đầu nhảy lên tầng trên của khí quyển và cộng tác cùng NASA. Tương lai của du hành vũ trụ lại được tái thiết lập.
Elon Musk với SpaceX là người tiên phong nổi danh của một thế hệ những doanh nhân giàu có mới đang cống hiến sức lực của mình trong việc cắt giảm chi phí vật liệu và đưa con người lên quỹ đạo. Cùng với SpaceX, Virgin Galactic của Richard Branson và Blue Origin của Jeff Bezos đều phát triển các phiên bản tàu vũ trụ của riêng mình. Branson tập trung vào du hành vũ trụ, còn Bezos và Musk lại đang phát triển những tên lửa có thể tái sử dụng, dùng cho mục đích khám phá vũ trụ và thương mại.
Nhưng cả Musk, Bezos và Branson mới chỉ là những người khởi đầu. Một tiểu đội các công ty mới đang hành quân vào lĩnh vực du hành vũ trụ. Tính đến ngày hôm nay, nền kinh tế vũ trụ đã được định mức giá 350 tỉ đô la, và dự đoán con số này sẽ tăng lên thành 1000 tỉ đô la vào năm 2040. Chỉ riêng trong năm 2018, các công ty trong ngành đã nhận được tổng mức đầu tư tư nhân lên đến 3,9 tỉ đô la.
Nhưng kỉ nguyên của New Space sẽ không chỉ dừng lại ở tên lửa. Những công ty như Planet Labs hay Spire Global đang tìm cách giám sát tình trạng nông nghiệp, môi trường và công nghiệp của Trái Đất từ không gian. Ngành sản xuất hàng không vũ trụ đang cho ta thấy một phạm vi hoàn toàn khác, với những công ty như Made in Space - công ty phát triển thành công kĩ thuật in 3D trong môi trường không trọng lực.
Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn bị trói chặt trên Trái Đất. Nếu tương lai dài lâu của loài người là nằm giữa các hành tinh, vậy rốt cuộc thứ gì mới có thể đưa chúng ta bay xa?
Những hiểu biết ngày càng đầy đủ của chúng ta về sự phong phú của các thế giới khác trong hệ Mặt Trời là một động lực to lớn. Dù không có người nào dám vượt khỏi Mặt Trăng kể từ thời đại của Armstrong, các sứ giả robot của chúng ta đã chứng minh mình là một phi hành gia được việc.
Các tàu thám hiểm vũ trụ của chúng ta đã được gửi tới tất cả các hành tinh trong hệ Mặt Trời. Hơn 20 phái đoàn đã đến thăm sao Kim. Sao Hỏa đã hằn in dấu bánh của 4 chiếc xe tự hành. Và chúng ta không chỉ đến thăm các hành tinh thôi đâu. Các phi thuyền robot nhắm tới mọi thiên thể trong hệ Mặt Trời: các tiểu hành tinh, sao chổi, thậm chí cả những hành tinh lùn rộng hàng ngàn dặm. Các phái đoàn này cho ta biết rằng hệ Mặt Trời thú vị hơn nhiều so với những kiến thức mà các nhà khoa học trong thời Apollo từng tán dương. Và điều quan trọng nhất là, sau hàng loạt các cuộc thăm dò, chúng ta đã biết rằng hệ Mặt Trời rất, rất ẩm ướt.
Bên dưới mặt băng của Europa, một vệ tinh của sao Mộc, là một đại dương sâu 60 dặm (~ 96 km) chứa lượng nước nhiều hơn toàn bộ phần còn lại của Trái Đất. Nhiều vệ tinh lớn hơn của sao Mộc và sao Thổ có đại dương ngầm. Và dù bề mặt sao Hỏa là một sa mạc khô cằn, các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng cho thấy nó từng là một hành tinh xanh với các hồ nước hoặc đại dương rộng lớn, nơi đón nhận những dòng chảy dồi dào trượt qua bề mặt. Ít nhất thì một phần nước vẫn được giữ lại tại hành tinh đỏ dưới dạng băng ở hai cực và trữ dưới bề mặt. Chỉ mới năm ngoái, một bằng chứng mới cho thấy phía dưới bề mặt sao Hỏa đã từng tồn tại một hồ chứa nước trải dài tới hơn 10 dặm (~ 16 km).
Nước không chỉ cần thiết cho duy trì sự sống và nông nghiệp — nó còn là nền tảng chế tạo nhiên liệu tên lửa. Tìm kiếm một hành tinh ẩm ướt cũng chính là tìm kiếm nguồn nhiên liệu thô sẵn có để duy trì sự hiện diện lâu dài của con người giữa các hành tinh. Ngay cả một tiểu hành tinh nhỏ quay quanh Mặt Trời cũng có thể chứa tới 50 tỉ đô la kim loại hiếm như bạch kim (platin). Đó chính là lí do tại sao việc nghiên cứu các kĩ thuật mới luôn nhận được sự quan tâm lớn — bởi rất có thể vào một ngày nào đó, những kĩ thuật này sẽ trở thành xương sống cho một nền kinh tế khai thác mạnh mẽ không gian.
Dù vậy, chưa có bất kì cuộc thám hiểm nào cho thấy có một thế giới sẵn sàng trao đến tay con người. Vẫn không có nơi nào trong hệ Mặt Trời ngoài Trái Đất cho phép bạn đi bộ mà không cần đến đồ phi hành gia.
Nhưng các cuộc khảo sát đã nói cho ta biết, rằng với trí tưởng tượng và công nghệ thích hợp, chúng ta có khả năng thành công trong việc xây dựng các nền tảng mới để định cư, làm thương mại và sinh hoạt văn hóa. Dự án này chắc chắn sẽ cần sự tiếp sức của nhiều thế hệ. Tạo dựng một nền văn minh nhân loại ở ngoài Trái Đất không chỉ là vấn đề máy móc. Để trở nên thịnh đạt trong một môi trường nhân tạo, chúng ta cần thăm dò để biết chính xác một môi trường là gì. Các thành phố khổng lồ trên sao Hỏa, nơi cư trú của những nhà văn khoa học viễn tưởng và Elon Musk, sẽ cần hệ sinh thái của riêng chúng. Sẽ có thực vật. Sẽ có vi khuẩn. Sẽ có đất đai và khí trời. Liệu sự sống, không khí, nước và đá sẽ kết hợp thế nào để duy trì một trạng thái ổn định?
Để sống sót trong thế Nhân Sinh, chúng ta cần đặt ra những câu hỏi tương tự. Sự nhạy cảm đối với hệ sinh thái trong thời đại liên hành tinh cũng giống như của các nhà khí tượng học trong việc cứu Trái Đất vậy. Nói cách khác, việc tìm ra cách tạo dựng nó trong không gian có thể là bước ngoặt quan trọng giúp chúng ta hiểu về cách tạo dựng nó trên Trái Đất.
Vậy thì, loài người sẽ có những gì trong 1000 năm tới? Chúng ta có xu hướng tưởng tượng về một tương lai nơi các động cơ đẩy tàu vũ trụ (warp-drive engine) đưa chúng ta chạm tới các vì sao như trong Star Trek hay Star Wars. Nhưng xét theo các định luật vật lý, thì tốc độ hữu hạn của ánh sáng và khoảng cách quá lớn giữa các vì sao có thể sẽ trở thành nguyên nhân ngăn trở sự ra đời của một nền văn minh nằm giữa các vì sao. Ngay cả những công nghệ mới nhất mà ta có thể tưởng tượng cho đến thời điểm này cũng sẽ tiêu tốn ít nhất 100 năm để vượt qua các vì sao. Nếu các phép màu khoa học bị chặn đứng, thì tương lai 1000 năm nữa của nhân loại có thể sẽ chẳng có liên quan gì đến việc xây dựng một đế chế giữa các vì sao.
Nhưng với những công nghệ ít quyền hạn hơn mà chúng ta có thể tưởng tượng ngay lúc này, một chuyến du hành qua hệ Mặt Trời có thể sẽ chỉ mất vài tháng. Ví dụ, sao Mộc đã không còn xa vời nữa. Nếu chúng ta không chết bởi biến đổi khí hậu và vượt qua được những biến đổi trong thế Nhân Sinh, thì rất có thể hệ Mặt Trời sẽ là sàn diễn thiên niên kỉ tiếp theo cho bộ phim truyền hình của loài người. Mọi hành tinh, vệ tinh, tiểu hành tinh và sao chổi đều có khả năng trở thành sàn diễn của chúng ta, trong đó có Trái Đất.
Tin tốt là phân cảnh đầu tiên đã bắt đầu.
The Future of Humanity Is Interplanetary by Adam Frank in @OZM