Một buổi tối mùa đông tháng Một, tớ cùng cậu ấy loanh quanh trên phố đi bộ. Ngang qua Đinh Lễ, tớ tình cờ nhắc đến một gác sách nhỏ qua lời kể của cô dạy văn cấp 3. Thế rồi cậu ấy nói: “Đi theo tớ!”. Hai đứa rẽ vào một cái ngõ nhỏ, bước lên những bậc cầu thang đã cũ, và rồi một gác sách bất ngờ hiện ra, yên bình và cách biệt với thế giới ồn ào.

Ảnh: MT Trần

Cậu ấy hỏi tớ muốn mua gì và tớ đã trả lời “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? của Rosie Nguyễn” như một phản xạ. “Đây, ở ngay trước mặt em.” – Anh chủ quán với mái tóc xoăn nhẹ đã xuất hiện và nói với tớ kèm theo một nụ cười hiền khô.“Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” đã đến với tớ như thế...

Tớ đọc những trang đầu tiên của “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” trong chuyến đi thiện nguyện tại một trung tâm bảo trợ xã hội ở Thái Nguyên. Đêm hôm đó khá lạnh. Ngồi co ro trong chiếc chăn mỏng, với chiếc bookmark hình cô gái Nhật Bản sắp gẫy, dòng chữ in hoa “NẾU TÔI CÒN HAI MƯƠI”...

Tớ sắp 20 tuổi. Khoảng thời gian mà tớ vẫn hay gọi là thanh xuân, đầy ắp những dự định dang dở nhưng bản thân thì luôn trong tình trạng chông chênh và mất phương hướng, luôn tự vấn mình những câu hỏi: mình là ai, đam mê của mình là gì, mình thích gì, mình muốn gì, mình đã đang và sẽ làm gì.

“Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” là một trong số rất ít những cuốn sách phi hư cấu mà tớ đọc. Vốn dĩ trước đây châm ngôn của tớ là chỉ đọc những cuốn sách đã được thời gian chứng minh, thường là tiểu thuyết kinh điển. Nhưng có lẽ giờ tớ nên thay đổi, một phần lý do có lẽ vì cuốn sách này.

Đây là một cuốn sách thuộc kiểu self-help với giọng văn nhẹ nhàng. Đó là những chia sẻ về tuổi trẻ của tác giả - chị Rosie Nguyễn - những điều chị đã trải qua, những điều chị khao khát muốn làm, những điều chị mong muốn mang đến cho những bạn trẻ Việt Nam. Cuốn sách được chia làm 3 phần: HỌC, LÀM, ĐI. Nhưng giống như review của Đặng Nguyễn Đông Vy, tớ thấy có thêm phần thứ tư nữa là ĐỌC. Không mơ hồ, trừu tượng, không đanh thép, hùng hồn như những cuốn self-help khác chẳng áp dụng gì được vào cuộc sống, “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” là những điều rất thật, những câu chuyện mà tác giả đã đi qua, đã chứng kiến. Một cuốn sách không quá dày, nhưng tớ đã chọn cách đọc từ từ, suy ngẫm từng câu chuyện, như một chú mèo thản nhiên nếm những giọt sữa nhỏ.

Nội dung sách mang tính định hướng tâm lý. Nó cổ vũ những bạn trẻ dám theo đuổi, dám sống hết mình với đam mê. Và nếu bạn chưa biết đam mê của mình là gì, đừng ngồi một chỗ rồi tự hỏi bản thân mà hãy đi trải nghiệm nhiều nhất có thể. Trải nghiệm là một điều rất quan trọng với tuổi trẻ. Cuốn sách cũng chia sẻ những thông tin về giáo dục, một số sai lầm của các bậc cha mẹ Việt Nam trong cách giáo dục cho con cái. Hãy tìm kiếm những điều ở trong sâu thẳm chính bản thân bạn và đừng để những yếu tố tiêu cực của xã hội ảnh hưởng. Ví dụ như bạn có thể bỏ học đại học, quẳng những tương lai bàn giấy nhàm chán qua một bên và theo đuổi đam mê thực sự của bạn như nấu ăn, đan lát hay trồng rau. Miễn là bạn có một sự chuẩn bị, kế hoạch, định hướng rõ ràng và dám chịu trách nhiệm với bản thân. Bên cạnh đó, bạn có thể tìm thấy rất nhiều thông tin bổ ích trong cuốn sách này. Đó là những trang web học trực tuyến trên mạng, những cách tự học, những kinh nghiệm du lịch bụi, du lịch tiết kiệm,cách học tiếng Anh hoặc những trích dẫn nổi tiếng và cách đọc sách. Hãy đi nhiều nơi nhất có thể. Đi là một cách học rất thực tế. Ở phần cuối, tác giả cũng có chia sẻ một list 40 đầu sách hay nên đọc, và tớ đã đánh dấu được một số cuốn trong này để đọc trong thời gian tới. À, tất nhiên là sau khi tớ giải quyết hết đống sách chưa đọc của tớ đã. *cười*

Tớ là một đứa sống cảm tính và luôn hết mình với tuổi trẻ, nhưng là theo kiểu vô trách nhiệm. Đại loại là mỗi khi làm môt việc gì đó không tốt, tớ sẽ đổ lỗi cho tuổi trẻ. Tuổi trẻ có nghĩa là được phép phạm sai lầm. Nhưng sau khi đọc xong cuốn sách này, tớ đã thay đổi theo chiều hướng tốt hơn một chút, nghĩa là vẫn sống hết mình với tuổi trẻ nhưng có trách nhiệm hơn. Trong cuốn sách có viết về 10 điều đơn giản giúp bạn sống tốt hơn, hoặc những điều bạn nên làm ở tuổi đôi mươi. Đó là những việc như đầu tư cho sức khỏe, đi du lịch, đọc sách, tham gia các chương trình thiện nguyện, làm thêm, dành thời gian cho các hoạt động tinh thần và quan trọng là không ngừng tích lũy kiến thức cho bản thân. Dạo này tớ đã ăn uống đầy đủ hơn, ngủ sớm, dậy sớm hơn, đọc nhiều sách hơn, đi nhiều hơn và thỉnh thoảng tập thể dục. Nói chung thể chất khỏe mạnh sẽ là nền tảng cho một tinh thần tốt. Có một nhân vật mà tớ khá thích trong cuốn sách này, đó là Ambi, một cô gái có lối sống lành mạnh, chan hòa. Ambi ăn chay, học thiền, làm việc về chuyên ngành dinh dưỡng và dạy yoga. Cô có “một căn hộ đầy ánh nắng, mùi tinh dầu, những bức vẽ đẹp, và nến thơm”, là một con người dịu dàng và đẹp đẽ. Có đôi lúc tớ đã nghĩ đây là cách sống mà tớ muốn theo đuổi. Sống trong vắt như một giọt sương. Một điều nhỏ tớ không thích ở cuốn sách này là nó không đề cập đến tình yêu. Tuổi trẻ mà không có tình yêu thì hơi buồn nhỉ. Anyway, nó vẫn là một cuốn sách khá hay với tớ.