Chèn con ảnh deep deep tí cho giống mood bài viết... (mọi người đừng để ý...)
Sau này, ước mơ của em là muốn làm gì nhất?
Với câu hỏi trên, tụi nhỏ trả lời chúng thật là dễ dàng: “Sau này em muốn được làm bác sĩ, nhà phi hành gia vũ trụ, giáo viên...” Ở lứa tuổi đó, tụi nhỏ trả lời thật vô tư và chẳng cần phải suy nghĩ nhiều. Nhưng ở hiện tại, khi tôi hỏi các bạn sinh viên còn đang đi học hoặc các bạn trẻ mới đi làm, tôi thường nhận được câu trả lời khá chung chung hoặc không có định hướng rõ ràng:
  • “Em cũng không biết nữa.”
  • “Vậy ngành em đang học có liên quan đến việc em muốn làm sau này không?”
  • “Em học vì ba mẹ em muốn chứ em cũng chưa rõ sau này mình định làm gì.”
Ngày nay, thật chẳng khó khi bắt gặp các bạn trẻ như vậy vì họ đang thiếu đi định hướng nghề nghiệp, không biết thứ mình muốn là gì hoặc ngay cả khi tìm ra được thứ mà mình muốn làm, các bạn cũng ngại bắt tay vào làm và chẳng theo đuổi điều mình đam mê một cách quyết liệt.
“A journey of a thousand miles begins with a single step” (Một cuộc hành trình ngàn dặm bao giờ cũng bắt đầu với chỉ một bước chân) - câu nói nổi tiếng của Lão Tử, ý nói rằng đừng cho là muốn thành công ta phải bắt đầu bằng những việc khó khăn to lớn. Hãy khởi sự bằng những điều đơn giản.
Nguồn ảnh: Dons Net Café
Tuổi trẻ của tôi như thế nào?
10 năm trước, khi mới chỉ là một cậu nhóc 19 tuổi, tôi và nhóm bạn chơi game của mình chả nghĩ gì nhiều. Chúng tôi chọn một ngành học liên quan đến công nghệ thông tin chỉ vì chúng tôi nghĩ mình giỏi dùng máy tính(?!) Hàng ngày đến trường, chúng tôi chỉ chăm chăm vào việc đến lớp điểm danh, cố gắng nhồi nhét tí chút kiến thức mà nghĩ là sau này sẽ cần dùng, và sau đó là nhanh nhanh ra hàng net để chơi game.
Một năm sau, bước ngoặt đầu tiên trong đời của tôi là quyết định bỏ ngang việc học và quyết định đi làm một công việc gọi là “thể thao điện tử” - một khái niệm còn rất mới trên thị trường lúc bấy giờ, và cũng mới chỉ được công nhận trong thời gian gần đây tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tôi vẫn còn nhớ là mẹ lúc đầu rất sửng sốt vì quyết định nghỉ học của tôi, vì gia đình đã phải đóng trước tiền học, và cái ngành con mình chọn là cái gì vậy? Sau này liệu nó có thành công không hay tương lai của nó là sẽ làm gì?
Ai mà còn nhớ cái ảnh này và biết đây là đâu thì ắt hẳn các bạn đã già rồi :)
Thật ra, chẳng ai nói trước được điều gì về tương lai đâu các bạn ạ! Ngay cả sau gần 10 năm đi làm rồi, tôi vẫn thấy là điều đó đúng vì cuộc đời là những ngã rẽ khác nhau và quyết định thì luôn luôn nằm trong chính bàn tay của các bạn. Chả có công việc nào có thể hứa trước với các bạn là cứ làm đi, sau này là bạn sẽ thành công. Vậy nên nếu bạn tìm ra được đam mê của mình, hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất để thắp lửa nuôi dưỡng nó.
Tôi khi đó chẳng hề có một chút kinh nghiệm hay được đào tạo gì về viết lách, nhưng viên gạch đầu tiên của tôi lại là viết bài. Tôi vẫn còn nhớ như in ngày mà mình nhận được lời mời lên làm việc cùng các đàn anh trong cộng đồng. Cả công ty khi đó chỉ có vỏn vẹn chưa đến 10 người, làm việc tại một căn hộ chung cư của anh giám đốc. Hàng ngày vì nhà xa và không có phương tiện nên tôi phải bắt xe bus đi làm mỗi ngày và đi bộ hơn 1 tiếng mỗi ngày cho việc di chuyển. Cơm trưa lúc đó cũng chỉ là hàng cơm bình dân gần công ty, và có một truyền thuyết về cái món cơm thịt luộc giá phát ngán đến mức độ sau này chúng tôi vẫn còn nhắc lại về nó. 
Đi làm trọng tài quốc gia môn thi đấu thể thao điện tử... Tự hào lắm chứ đùa
Trong một năm đầu tiên, một mặt tôi vừa phải chứng minh với gia đình về công việc mình đang làm, về khao khát và sự đầu tư thật sự nghiêm túc với công việc mình đang theo đuổi có ý nghĩa thế nào, mặt khác ở trên công ty, tôi cố gắng tiếp thu kinh nghiệm và sự chỉ dạy từ các anh và bạn bè đồng nghiệp. Cảm giác khi ấn nút xuất bản bài viết của mình và hồi hộp đón chờ phản hồi từ cộng đồng cũng là một niềm vui nho nhỏ của tôi khi đó, khen thì sung sướng hả hê, còn chê thì mình cũng cố gắng tiếp thu để rút kinh nghiệm thêm cho bản thân. 
Có những ngày tôi và công ty phải đi tổ chức sự kiện. Cả nhóm tụ tập trên văn phòng từ tối đêm hôm trước để chuẩn bị. Sáng hôm sau thì dậy thật là sớm vì ban tổ chức thì phải làm gương chứ, đeo tấm thẻ ban tổ chức đi vào trước ánh mắt của mọi người lúc đó cảm giác thật là ngầu các bạn ạ! Có những lần, chúng tôi làm đến khuya muộn mới xong, người thì đói vì mệt, những lúc như vậy cảm giác người chỉ cần uống nước thôi cũng đủ để chạy tiếp, và cái cảm giác khi được cống hiến, xây dựng cho những gì mình yêu thích, tự hào thì mệt mỏi lúc đó chả thấm vào đâu cả.
"Dân chơi" eSports là quý nhất cái này nhé! (Ảnh từ năm 2014, giờ đống này còn nhiều hơn nữa... chắc hôm nào để về Hà Nội update tiếp cái hiện tại)
Nếu cơ hội đang ở trong tay bạn, hãy biến nó thành hiện thực, hoặc ít nhất, bạn cũng có thể ngẩng cao đầu ngay cả khi thất bại vì ít ra mình cũng đã từng dám thử và chiến đấu vì nó phải không?
Muốn thành công thì bạn có phải đánh đổi không?
Câu trả lời của tôi sau ngần ấy năm đi làm là: “Có!”. Được làm việc mình yêu thích là một chuyện, bạn có dám theo đuổi công việc đó hay không lại là một chuyện khác.
Năm đầu tiên đi làm,tháng lương cơ bản đầu tiên của tôi được nhận khi đó chỉ vỏn vẹn 800 nghìn đồng. Sáu tháng sau, tôi được tăng lương lên... con số nhích dần lên theo thời gian, ứng với số lượng công việc và những gì tôi đóng góp với công ty. Ngay cả vậy, tôi vẫn cố gắng đóng góp một phần nào đó cho gia đình như tiền điện, tiền nước hàng tháng. Tôi muốn chứng minh với mẹ đây là một công việc nghiêm túc và tôi cũng dần phải có trách nhiệm với gia đình của mình.
Áp lực từ gia đình là một chuyện, áp lực từ phía công việc lại còn nặng nề hơn. Bạn buộc phải nâng cấp bản thân mình lên theo thời gian, nếu không bạn sẽ chỉ dậm chân tại chỗ mãi như vậy. Sau 4 năm đầu, tôi chỉ quanh quẩn công việc viết bài như vậy cho đến khi được cử vào Sài Gòn để làm nội dung cho sản phẩm. Hơn 1 năm xa nhà nhưng đánh đổi lại tôi học được rất nhiều thứ, không chỉ trong công việc mà còn cả kĩ năng sống, tự lập của bản thân. Công việc của tôi dần phát triển lên.
5 năm tiếp theo, tôi được thử thách vào vị trí trưởng nhóm, tôi phải cố gắng hoàn thiện bản thân hơn, học thêm nhiều kỹ năng dưới sự dẫn dắt của các anh giám đốc, quản lý trực tiếp. Họ càng kỳ vọng vào tôi bao nhiêu thì bản thân tôi lại càng phải cố gắng, sống chết hơn với công việc để không làm các anh thất vọng. 
Không đơn thuần là một kỉ niệm chương, đó là một dấu ấn - một cột mốc khi đi làm đó các bạn!
Nhìn lại cả một chặng đường dài mình đã trải qua như vậy, tôi nghĩ mình đã tàm tạm sống sót trong ngành này, song bù lại bản thân mình khi nhìn lại tôi cũng biết mình cũng đánh đổi nhiều thứ. Tôi biết việc mình bỏ học giữa chừng như vậy và đi làm sớm để theo đuổi đam mê của mình cũng có cái dở, vì tôi sẽ không có nền tảng và kiến thức tốt như các bạn đã đi học/tốt nghiệp đại học. Tôi sẽ không bao giờ có được trải nghiệm hay cuộc sống, bạn bè của quãng đời sinh viên như bạn bè cùng trang lứa khác. Khi nhận ra như vậy, tôi lại càng phải tự nhủ với bản thân mình phải cố gắng hơn nữa để bù đắp những chỗ khuyết như vậy.
Ngay cả những anh em đồng cấp hiện tại của tôi trong công ty hay bạn bè cùng ngành mà tôi biết, họ làm việc một cách điên cuồng - đúng nghĩa với sống chết với sản phẩm, coi sản phẩm như đứa con tinh thần của mình và họ sẽ làm mọi cách để phát triển nó. Họ cũng phải đánh đổi sức khỏe của bản thân (tin tôi đi, giới trẻ văn phòng ngày nay chắc trong 10 người chắc phải đến 5 người bị đau dạ dày vì cái tội tối không ăn đúng giờ, toàn cố làm việc nốt), hoặc cứ cuối tuần có vấn đề gì xảy ra là ngay cả đang đi chơi với gia đình cũng phải sắp xếp thời gian để xử lý. 
"Quái vật làm việc" ngồi bên phải đó các bạn... Đôi lúc mình cũng thấy bị áp lực khi làm việc với ổng...
Càng lớn hơn, tôi càng hiểu đó cũng không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ của những người đang dẫn dắt đội nhóm, không phải chỉ dành cho bản thân và gia đình họ, mà còn cả trách nhiệm với những người đang đi theo họ nữa.
Quay trở lại cái ngành “thể thao điện tử” mà 10 năm trước tôi theo đuổi, thật ra đến giờ khái niệm này vẫn còn mơ hồ ở Việt Nam lắm. Với giới trẻ, họ nhận thức tiến bộ hơn, còn đối với thế hệ ngày trước, tôi nghĩ vẫn còn cần rất nhiều thời gian để mọi người hiểu và chấp nhận được. Mỗi khi có dịp, chúng tôi thường tụ tập nhau và bàn tán về cái “hệ sinh thái” nơi mà giá trị của thể thao điện tử ở đó, được lưu trữ, tạo ra nhiều công ăn việc làm, có thu nhập ổn định xung quanh nó, cái mà chúng tôi có thể cảm thấy tự hào về tuổi trẻ của mình đã cống hiến hết mình để xây dựng và phát triển nó như thế nào.
Đến lúc này, chỉ cảm thấy biết ơn và cảm ơn tới tất cả mọi người trong suốt 10 năm qua.
Zeus