Cả tuổi thơ long nhong sống giữa đồng quê nhỏ cùng ông bà ngoại.
Một hôm nằm mơ gặp lại đám bạn hồi còn “cởi truồng tắm mưa”. Rồi cả ngày hôm ấy ngồi hồi tưởng lại cả một thời trẻ con vô lo vô nghĩ.

Cả cái thôn bé tí bằng hạt gạo nên thành ra mấy đứa học cùng lớp nhau nhà san sát. Chỉ cần hú một cái là cả một tiểu đội gần chục mạng có mặt sẵn sàng lao theo mọi cuộc chơi. Hồi bé ông bà ngoại chiều lắm, mình chả phải làm gì ngoài việc ăn, học và tìm chỗ chơi. Nhớ hồi ấy gần nhà mình nhất là cái Ngọc cái Trang, suốt ngày mài mặt bên nhà nó tới giờ ăn trưa, hai đứa lúi húi dưới bếp phân công nhau nấu ăn, còn mình lon ton bám đít nói chuyện, bàn kế hoạch đi chơi, đợi khi nào mà nghe thấy bà gọi “ Hà ơi về ăn cơm” mới chịu “tạm biệt” chiến hữu và hẹn tới sau giờ ngủ trưa mới sang chơi tiếp được. “ Ngủ trưa”-  giờ thiên đường sau bữa ăn, mình còn nhớ y nguyên cảm giác sung sướng khi phơi bụng trên nền gạch đá hoa mát rượi giữa trưa hè nắng nóng, tiếng quạt ù ù bên tai, tứ phía ve kêu ong ong, thỉnh thoảng có tiếng cá đập nước ở bên ao của bà Thảo sau nhà. Hồi đó đứa trẻ con nào cũng thích ngủ trưa, thành ra chẳng biết từ khi nào “ngủ trưa” lại trở thành một khung giờ cố định, và đứa nào mà bị bố mẹ nói là “ Thằng này không chịu ngủ trưa” là y rằng mấy đứa trẻ con sẽ mặc định là “à, thằng này hư tới nỗi không ngủ trưa”. Và đó, cứ sau mỗi giờ “ngủ trưa” là thời gian đám trẻ con tụ tập phá phách xóm làng (haha).  Hồi đó làm gì có điện thoại để mà “alo, tao sang mày nhá” như tụi trẻ bây giờ. Trước cứ muốn sang chơi là phải căn giờ sau giờ ngủ trưa khoảng mấy phút, lúc ấy hầu như đứa nào cũng đang ở nhà, tới cổng, gọi ầm cả khu đó lên, hện xui. Nhà đứa nào có chó ác là phải kêu gọi thêm viện trợ từ mấy đứa nữa mới dám sang gọi. Hồi bé ham chơi lắm, cứ không phải ngủ là xách áo ra đi chơi khắp làng, lang bạt nhà này sang nhà nọ, tới khi bị bố mẹ chúng nó đuổi khéo về mới chịu ra cuốn gói bước đi lòng tức anh ách. Có đợt cả đám mình chơi cùng ai cũng bận, đấy là khi vụ mùa về, đi học về là đứa nào cũng phải ra đồng giúp bố mẹ gặt, tất nhiên ngoại trừ mình. Đấy là thời gian khủng hoảng bạn bè -  “tình chiến hữu” bị các “phụ huynh” chia cắt bằng “đồng áng”.
Và thế, vụ mùa đến, “tình bạn” bị chia cắt trầm trọng. Nhìn cảnh sức lao động của các bạn bị bố mẹ “bóc lột” một cách trắng trợn mà thương thay, lủi thủi chơi một mình suốt vụ mùa, theo ông đi họp, đi tế cho nguôi ngoai. Ai cũng ghét mùa gặp vì bị lôi ra đồng, chưa kể rơm rạ ngoài đường rõ nhiều, chất thành đống đạp xe đi lại khó khăn, ngứa ngáy, “hiểm nguy bom chó” ẩn nấp khắp nơi dưới lớp rơm rạ vàng ươm kia khó thể tránh khỏi. Mình hồi đó cũng thế, ghét cực, ghét nhất là ngồi trông thóc cho ông bà, đuổi đám gà loi choi cứ chực “bậy” ra xong mổ lung tung dãi tung toé, chỉ cần sơ hở tí là đám ấy làm cho đống thóc ngăn nắp thành một bãi chiến trường, và mỗi lần thế mình “bị” phái đội nón giữa trời nắng nóng vỡ đầu rồi xách chổi ra quét. Cực nhất những lần ngồi trong nhà với ông, bỗng nghe tiếng bà nói lớn vọng từ bếp ra “Ông ơi, thu thóc, có cơn mưa đen xì trời!!”. Hai ông cháu ngó ra thấy cơn đen xì đang kéo tới, mình thì sung sướng ra hứng cả trận dông mát rượi mùi mưa đang thổi tung cả đám bụi góc sân làm đám gà hoảng sợ, còn ông với bà đang cật lực quét thóc miệng thần chú “Tí nữa thôi! Tí nữa thôi!”. Việc không gặp bạn bè cả vụ mùa là chuyện quá bình thường, có khi vô tính thấy bóng chúng nó xa xa đang đẩy xe thồ lúa, bịt kín như ninja nhưng vẫn nhận ra và cố gào thét thật to, nhìn thấy nhau như vớ được vàng “Mày đi gặt à” hay “Thằng điên” , cười tít mắt. ( Nghĩ lại thì thật ra mình không ghét vụ mùa với rơm rạ lắm, vẫn nhớ cảnh xem cả đám con trai giả vờ đánh nhau rồi thành đánh thật vật nhau ngã trên đống rạ ngoài cổng trường, vui hơn xem phim chưởng nhiều ; rồi cả mùi rơm rạ thơm lừng mỗi lần cuốc bộ đi mua đậu ăn tối hay mỗi lần lang thang trưa).
Có một nỗi sợ nho nhỏ nữa mà chắc chắn một đứa trẻ thành thị nào cũng bắt gặp phải, chứ không phải một con bé sống giứa nông thôn như mình; đó là : Dũi thóc.
 Trong trí tượng tượng của mình thời ấy, dũi thóc rất kinh khủng, và phải cần người rất điêu luyện mới làm có thể khiến cho những hạt thóc không chọc vào bàn chân được. Mỗi lần nhìn thấy ông bà hay bất cứ ai đó đang dũi-thóc, lập tức mình sởn gai ốc, chờ đợi tiếng “Á” mà chả lần nào xảy ra. Và rồi dòng đời đưa đẩy, mình đã thử một lần, thật ra đã qua rất nhiều lần thử và một lần duy nhất ấy mới dám nhắm-mắt-đưa-chân xát thử đám thóc nhọn hoắt kia. Hơi rát lúc ban đầu vì sân bê tông lại bị đun dưới ánh nắng mặt trời cả ngày, nhưng rồi về sau, mọi thứ hoàn toàn bình-thường, không kinh khủng như mình nghĩ. Chưa kể từ hồi nhận ra chân lí dũi-thóc, mình được ông bà tin tưởng giao cho chân dũi-thóc-viên trong nhà, vì mình sẵn sàng lao ra sân dũi cả ngày cũng đc, cảm giác oai oai sương sướng và cảm giác nữa góp phần cực kì quan trọng : thật ra mình cũng không tiểu thư như đám bạn nghĩ, chúng nó dũi đc thóc, mình cũng làm được.